Lời toà soạnCác dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay. 

Nhà Nguyễn (1802 – 1945) truyền được 13 đời vua, tổng cộng 143 năm. Nhưng cái mốc cơ nghiệp của họ Nguyễn phải kể từ đầu thế kỷ 17 khi các chúa Nguyễn hùng cứ ở đất Thuận Quảng. Và người mở mang cơ nghiệp ấy cho các vua chúa Nguyễn là một bộ óc vĩ đại xuất thân từ tầng lớp bình dân: Đào Duy Từ. 

Kỳ 1: Thời thế tạo anh hùng, tôi tài tìm chúa giỏi

Thuở thiếu thời lận đận

Chân dung tái dựng của Đào Duy Từ. Ảnh: Internet.
Chân dung tái dựng của Đào Duy Từ. Ảnh: Internet.

Đào Duy Từ (1572 – 1634), hiệu là Lộc Khê, quê gốc ở phủ Tĩnh Gia, Thanh Hoa (nay là huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Ông có cha là Đào Tá Hán, làm cấm vệ trong triều. Tá Hán chẳng may mạo phạm chúa Trịnh nên bị đuổi khỏi cung, phải về quê mưu sinh bằng nghề xướng ca.

Cha mất sớm, dù phải chịu cảnh mẹ góa con côi nhưng Đào Duy Từ rất hiếu học, thông minh và tỏ ra là một người có chí lớn. Trong khoa thi Hương năm 1593 đời vua Lê Thế Tông (1567 – 1584), Đào Duy Từ đỗ giải Á nguyên lúc mới tròn 21 tuổi.

Đến kỳ thi Hội, bài luận của Đào Duy Từ rất xuất sắc. Ngay cả các quan giám khảo trường thi cũng gật gù khen ngợi. Thế nhưng chẳng may có người phát hiện ra Đào Duy Từ là con phường chèo, dạng “xướng ca vô loài” vốn rất bị kỳ thị thời ấy. Ông bị lột mũ áo, tước luôn giải Á nguyên rồi bị hạ ngục tống giam.

Vào nam tìm minh chủ

Tạo hình Đào Duy Từ (áo đỏ) trên sân khấu. Ảnh: Internet.
Tạo hình Đào Duy Từ (áo đỏ) trên sân khấu. Ảnh: Internet.

Đào Duy Từ sinh ra trong một thời đại đầy biến động. Cùng một lúc trên dải đất hình chữ S khi ấy có tới 4 tập đoàn chính trị chia nhau cát cứ. Đất Bắc Hà có nhà Hậu Lê, chúa Trịnh cùng nhau trị vì (thực tế chúa Trịnh luôn át quyền, vua Lê chỉ còn tượng trưng). Vùng núi non hiểm trở Cao Bằng là đất đóng quân của nhà Mạc. Còn ở Đàng Trong, vùng Thuận Hóa (vùng Quảng Trị, Thừa Thiên Huế ngày nay) là nơi chúa Nguyễn gây dựng nền móng.

Không được trọng dụng ở phương bắc, Đào Duy Từ đã sớm nghĩ đến việc vào nam nương nhờ chúa Nguyễn. Một lần, trong khi đàm đạo với bằng hữu, Đào Duy Từ bộc bạch: “Tôi nghe chúa Nguyễn hùng cứ đất Thuận Quảng, làm nhiều việc nhân đức, lại có lòng yêu kẻ sĩ, trọng người hiền. Nếu tôi theo vào giúp thì chẳng khác gì Trương Lương về Hán, Ngũ Viên sang Ngô, có thể làm tỏ rạng thanh danh, tôi cũng không đến nỗi phải nát cùng cây cỏ, uổng phí một đời”.

Nói là làm, Đào Duy Từ mau chóng khăn gói vào nam. Mới đầu, ông ở đợ, chăn trâu cho một phú ông. Nhưng phú ông nọ mau chóng nhận ra kỳ tài của Đào Duy Từ, lập tức tiến cử ông với khám lý Trần Đức Hòa, vốn là một sủng thần của chúa Nguyễn.

Bản đồ Việt Nam năm 1650 thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Màu tím là lãnh thổ của nhà Trịnh, màu vàng của nhà Nguyễn còn màu hồng (đất Cao Bằng) là của dư đảng họ Mạc. Ảnh: Wikipedia.
Bản đồ Việt Nam năm 1650 thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Màu tím là lãnh thổ của nhà Trịnh, màu vàng của nhà Nguyễn còn màu hồng (đất Cao Bằng) là của dư đảng họ Mạc. Ảnh: Wikipedia.

Ngay buổi đầu tương ngộ, Trần Đức Hòa đã nhận ra họ Đào không phải kẻ tầm thường. Ông giữ Đào Duy Từ lại bên mình, gả con gái và hết mực tin dùng. Chuyện kể rằng, sau khi đọc bài thơ “Ngọa Long cương vãn” của Đào Duy Từ, Trần Đức Hòa đã phải tự thốt lên rằng: “Đào Duy Từ là Ngọa Long đời này chăng?”. Bài thơ ấy có những câu đầy khí phách thế này:

Chốn này thiên hạ đời dùng

Ắt là cũng có Ngoạ Long ra đời

Chúa hay dùng đặng tôi tài

Mừng xem bốn bể dưới trời đều yên

Biết tài Đào Duy Từ, Trần Đức Hòa sớm tiến cử ông với chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Chúa đọc xong biết ngay họ Đào là kỳ tài hiếm gặp bèn cho gọi vào hầu. Hôm ấy, tôi chúa đàm luận với nhau không biết chán, chẳng khác nào Lưu Bị gặp gỡ Khổng Minh ở Long Trung năm nào.

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên phong Đào Duy Từ làm Nha úy nội tán, tước Lộc Khuê Hầu, chuyên trông coi việc quân cơ, quốc chính. Từ đó, Đào Duy Từ một lòng phò tá chúa công. Còn chúa Nguyễn thì cực kỳ trọng dụng ông, có kế thì dùng, có mưu thì nghe, thường nói với mọi người rằng: “Đào Duy Từ thật là Tử Phòng và Khổng Minh của ta vậy!”.

Hữu Bằng

Xem thêm: