Xưa có một lão hòa thượng sống trong ngôi chùa cổ trên núi cao. Một ngày kia có vị hành giả ghé thăm chùa. Hành giả biết lão hòa thượng đã tu hành đắc Đạo, bèn hỏi ông rằng: “Trước khi đắc Đạo, ngài đã làm những gì?”.
Lão hòa thượng trả lời: “Ta chẻ củi, gánh nước, nấu cơm”.
Hành giả hỏi: “Vậy sau khi đắc Đạo thì sao?”.
Lão hòa thượng nói: “Ta vẫn chẻ củi, gánh nước, nấu cơm”.
Hành giả lại hỏi: “Vậy cái gì gọi là đắc Đạo?”.
Lão hòa thượng ôn tồn trả lời: “Trước khi đắc Đạo, lúc chẻ củi thì nghĩ về gánh nước, lúc gánh nước lại nghĩ về nấu cơm, nấu cơm rồi lại lo ngày mai đi chẻ củi gánh nước. Sau khi đắc Đạo, chẻ củi thì là chẻ củi, gánh nước thì là gánh nước, nấu cơm thì là nấu cơm”.
Kỳ thực, đắc Đạo hay chưa chỉ khác nhau ở một chữ “Tâm” này mà thôi. Trước khi đắc Đạo, lão hòa thượng cũng giống như những người phàm phu khác, tâm không thể tĩnh tại, làm chuyện gì cũng nghĩ tưởng về quá khứ và tương lai. Chỉ khi đã khắc chế cái tâm này, thì lòng người mới có thể ung dung tự tại, tinh thần mới có thể thảnh thơi.
Vậy mới nói, hết thảy mọi phiền não trong đời là bởi tâm phàm quá nặng. Chỉ khi buông bỏ mọi dính mắc trong tâm, chúng ta mới có thể giải thoát chính mình. Phật gia giảng “xả”, giảng “buông”, khuyên con người hãy từ bỏ mọi chấp trước và dục vọng, bởi chỉ khi đã xem nhẹ mọi thăng trầm thì nội tâm mới có thể an nhiên tự tại.
Đọc đến đây, có lẽ bạn đã tìm được lời giải cho câu hỏi “Vì sao cuộc sống mệt mỏi?“. Đó là bởi những thứ kiểm soát tâm trạng của bạn có quá nhiều! Ví như sự thay đổi của thời tiết, sự nóng lạnh của tình người, những phong cảnh khác nhau… đều có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn.
Và tất nhiên, đó đều là những thứ mà bạn không thể kiểm soát.
Khi đã xem nhẹ rồi, thì bầu trời dẫu u ám hay trong xanh, con người dẫu chia ly hay tái hợp, vạn vật dẫu xoay vần biến đổi, thì lòng ta an nhiên không sợ hãi, thuận theo tự nhiên mà yên ổn.
Nỗi đau của hôm nay bắt nguồn từ sự phóng túng của hôm qua. Nỗi khổ của đời này đều do nghiệp chướng từ kiếp trước. Bởi vậy, biết đối diện với hoàn cảnh, chấp nhận thực tại, sống thuận theo tự nhiên, thì tất cả mọi buồn phiền hay oán trách mới có thể tan hòa vào trong sự cảm ân.
Đại Kỷ Nguyên bàn:
Duyên phận là chuyện của Trời an bài, con người hẳn là không thể quyết định. Mọi sự tình đến trong đời ta chẳng hề ngẫu nhiên. Niềm vui hay nỗi buồn đều là có căn nguyên cả. Ngày nắng chói chang, ngày mưa buồn bã, tình cảm lúc ấm lúc lạnh, lòng người lúc hợp lúc tan… thảy đều không nằm ngoài một chữ “Duyên” đó.
Nếu đã không thể quyết định được duyên Trời, cớ sao bạn không thể đón nhận tất cả bằng một tấm lòng rộng mở, thản đãn, phóng khoáng hơn? Cớ sao có những người cả đời mắc kẹt trong u buồn tầm tã, cứ mải mê trong những luỵ phiền mà chẳng hiểu nổi một điều rằng: Tuỳ duyên chính là hạnh phúc thực sự.
Phật gia giảng duyên phận, mọi người, mọi vật đến với ta trong đời này đều là mang một mối lương duyên (hoặc ác duyên) từ những kiếp trước. Cặp mắt thịt của con người đương nhiên không nhìn ra mối duyên vô hình ấy. Vậy nên nếu tâm phàm quá nặng, chấp niệm quá sâu, người ta dễ khiến một thiện duyên biến thành ác duyên, nghiệp chướng.
Thả lỏng mình trong sự bình thản, vô ưu vô lo mới là cách hành xử của người hiểu thấu nhân sinh. Có câu “Thuyền đến đầu cầu ắt sẽ thẳng“, mọi chuyện đến thời khắc tận cùng rồi cũng sẽ ổn, nếu chưa ổn thì ắt là chưa phải tận cùng vậy. Ấy chính là:
Rũ phiền ưu cõi hồng trần
Ung dung tiêu sái muôn phần phúc thơm
Châu Yến – Văn Nhược