Chúng ta đang sống theo sự kỳ vọng của người khác hay sống thật với chính lòng mình?
Trong “Thái Căn Đàm” có câu nổi tiếng rằng: “Người tham đắc tuy giàu mà nghèo, người biết đủ tuy nghèo mà giàu”. Những người không biết thỏa mãn, không biết đủ thì dẫu hạnh phúc bao quanh họ cũng chẳng thể cảm thụ được sự tươi đẹp của cuộc sống.
Thời Minh có một người tên là Hồ Cửu Thiều, gia cảnh bần hàn, vất vả làm lụng cũng chỉ đủ ăn. Hàng ngày khi hoàng hôn buông xuống ông đều ra ngoài cổng thắp hương khấu bái, cảm tạ ông Trời đã ban cho ông một cuộc sống an nhàn hạnh phúc.
Vợ ông lấy làm lạ hỏi thì ông cười mà rằng: “Sống trong thời thái bình thịnh trị, không có họa binh đao, cả nhà đều có cơm ăn, có áo mặc, cũng không đến nỗi bị chết cóng. Trong nhà không có người ốm đau, tù tội sao không thể được coi là cuộc sống an nhàn hạnh phúc đây?”.
Đừng so sánh bản thân với người khác hay chỉ nghĩ đến việc người khác có thứ gì. Hãy hài lòng với những gì mình có.
Nhà đủ ở là được, tiền đủ tiêu là được, con cái hiếu thuận là được, cha mẹ còn mạnh khỏe là được. Cuộc sống chẳng qua chỉ là sự góp nhặt của những điều hạnh phúc nhỏ bé mà thôi.
Sống trọn vẹn với hiện tại tức là bạn đang sống một cách toàn vẹn nhất. Nhiều khi thứ người khác có nhưng bạn lại không có, thứ bạn có người khác chưa chắc họ đã có.
Thứ người khác có dẫu tốt hơn nữa chưa chắc đã phù hợp với bạn. Những thứ thuộc về bạn thì sớm muộn gì cũng thuộc về bạn. Những thứ không phải của bạn thì dẫu cưỡng cầu bạn cũng chẳng thể đạt được.
Dường như chẳng khi nào chúng ta cảm thấy hài lòng về những gì mình có, mà luôn ao ước những thứ của người khác. Có khi nào bạn giật mình khi bất chợt nhận ra mình đang so sánh bản thân với người khác:
“Giá mà mình xinh đẹp như cô ấy thì chắc hẳn mình sẽ kiếm được một tấm chồng như ý!”. “Giá mà mình cao ráo và xinh xắn như cô ấy chắc chắn sếp sẽ trọng dụng mình hơn!”. “Giá mà vợ mình cũng xinh đẹp như người ta thì đi đâu cũng được mở mày mở mặt với thiên hạ!”. “Giá mà mình có thật nhiều tiền để được đi du lịch khắp nơi như những người kia!”. “Giá mà mình cũng hát hay, đàn ngọt như nghệ sỹ ấy”…
Nhưng rồi chúng ta lại mệt mỏi, thở dài ngao ngán khi trở về với hiện thực và bản thân mình: “Hiện thực vẫn là hiện thực, mình cũng chỉ đến thế mà thôi! Cuộc sống dường như chỉ thiện đãi người khác mà quên mất bản thân mình”.
Trong “Thái Căn Đàm” nói rằng: “Nếu sự việc chẳng thuận lòng, hãy nghĩ tới những người không bằng mình thì oán trách tự tiêu tan. Nếu tâm biếng nhác nổi lên hãy nghĩ tới những người hơn mình thì tinh thần sẽ phấn chấn”.
Mỗi người đều có cách sống của riêng mình, không ai có thể sống giống như người khác như đúc ra cùng một khuôn, mỗi người đều có điểm ưu việt của riêng mình.
Cuộc sống không cần so sánh, sống hết mình mới là điều quan trọng hơn tất cả. Đừng so sánh mình với người khác. Những gian nan phía sau cuộc đời của họ chắc gì bạn đã có thể chịu được?
Cuộc sống như một bức tranh, trong đó mỗi người là một mảng ghép không thể thay thế
Chu Đức Dung có một bức tranh biếm họa nói về đạo lý này vô cùng sinh động.
Một cô gái cảm thấy cuộc sống của mình quá bất hạnh bèn quyết định nhảy lầu tự tử. Khi cô rơi từ trên tầng cao xuống, cô phát hiện thấy cặp vợ chồng nổi tiếng là tình cảm mặn nồng đang “ông chẳng bà chuộc”, hậm hực với nhau.
Ở tầng 9 một người đàn ông vẫn luôn tỏ ra rất kiên cường lại đang âm thầm khóc nức nở. Ở tầng 8 một cô gái tràn trề sức xuân đang uống những viên thuốc chống trầm cảm…
Trước khi nhảy lầu cô luôn cho rằng mình là người bất hạnh nhất. Nhưng đến khi nhảy xuống cô mới biết rằng ai cũng có khó khăn và những góc khuất của riêng mình. Hạnh phúc mà người khác phô bày không phải là toàn bộ cuộc sống của họ.
Trên trời có mây trắng, nắng vàng, có chim chuyền cành, có sao lấp lánh. Dưới đất có non xanh nước biếc, trăm hoa đua nở. Dưới đại dương mênh mông có muôn loài sặc sỡ sắc màu, có thuyền bè tấp nập.
Chim hạnh phúc với đôi cánh vút lên trời xanh. Cá tung tăng bơi lội ngâm mình trong làn nước mát. Muôn loài thỏa thích chạy nhảy nơi rừng sâu, nước thẳm.
Ngay cả con người cũng muôn màu muôn vẻ, mang trên mình màu da, màu mắt và những tập tục, quan niệm khác nhau. Nếu thiếu đi bất kỳ phần nào cuộc sống chẳng phải sẽ rất tẻ nhạt hay sao?
Nếu cuộc sống chỉ có một màu, liệu bạn có thể thấy ánh cầu vồng tuyệt đẹp sau cơn mưa? Nếu khắp nơi đều là những đóa hồng xinh đẹp, chẳng phải cuộc sống chỉ có một màu đơn điệu?
Đường đến thành Rome có trăm nẻo, dài hay ngắn không quan trọng bằng trải nghiệm của chính bản thân bạn
Cuộc sống rất muôn màu muôn vẻ. Không ngẫu nhiên con người sinh ra đã mang theo dáng vẻ khác nhau, tính cách khác nhau và duyên phận cũng khác nhau.
Hạnh phúc không có một công thức chung cho tất cả mọi người. Điều quan trọng là bạn được là chính mình và hạnh phúc với bản sắc riêng có của mình.
Chúng ta sẽ hiểu rằng con người khi sinh hai bàn tay trắng, đến khi khép chặt đôi mi yên giấc ngàn thu vẫn chỉ là hai bàn tay trắng mà thôi. Sắc đẹp, tình yêu, tiền tài, danh vọng, vinh hoa rồi cũng chỉ tan theo khói mây mà thôi.
Nào ai có thể thoát khỏi quy luật “Sinh – lão – bệnh – tử” của tạo hóa. Nên đời này chúng ta may mắn có mặt trên đời, hãy sống chân thành với bản thân mình. Cớ chi cứ phải ép mình theo những tiêu chuẩn hạnh phúc của người khác?
Muốn vậy hãy tìm cho mình một tín ngưỡng chân chính. Tín ngưỡng ấy sẽ nâng tâm hồn bạn lên một tầm cao mới, khiến bạn hiểu rằng mình là độc nhất vô nhị trên đời và người khác cũng vậy.
Nhưng chúng ta lại là những mảng ghép của nhau, cùng tạo nên một bức tranh hoàn thiện giữa nhân gian. Vậy nên chúng ta sẽ có thể ngừng so sánh với người khác và vẫn cần giữ được bản sắc thuần khiết, độc đáo mà tạo hóa đã trao tặng cho mỗi người chúng ta.
Minh Nguyệt