Năm 2001, nhật báo The Wall Street của Mỹ công bố 50 người giàu có nhất trong 1000 năm qua trên khắp thế giới. Trong bảng xếp hạng này có tới 6 người Trung Quốc là Lưu Cẩn, Hòa Thân, Thành Cát Tư Hãn, Hốt Tất Liệt, Ngũ Bỉnh Giám và Tống Tử Văn. Trong đó có một người có tổng tài sản bằng 5 người kia cộng lại. Ông là ai? 

Một trong những người giàu nhất thế giới 

Ngũ Bỉnh Giám (1769 – 1843), còn được biết tới qua tên hiệu Hạo Quan (浩官), là một thương nhân Trung Quốc đời nhà Thanh. Khởi nghiệp từ kinh doanh buôn bán đơn thuần nhỏ lẻ tại Trung Quốc, ông đã trở thành một trong những người giàu có nhất thế giới, được đánh giá là nhân vật quan trọng nhất của giới kinh doanh Thập Tam Hành ở Quảng Châu. Ông là chủ của Di Hòa Hành và là hội trưởng Công Hành Quảng Châu, ông sinh ra tại Phúc Kiến trong gia đình của Ngũ Quốc Oánh, một doanh nhân và là người khởi nghiệp kinh doanh của họ Ngũ. 

Ngũ Bỉnh Giám là một người sở hữu vô số bất động sản, nhà máy chè, đồi chè, cửa tiệm và khối tài sản đồ sộ giàu có, không những vậy còn là người đầu tư xây dựng công trình giao thông, chứng khoán và ngành bảo hiểm ở Mỹ. Cũng là chủ nợ lớn nhất của các công ty tại Đông Ấn Độ và Anh Quốc, từng được người Mỹ tôn xưng là “người đỡ đầu”.

Ngũ Bỉnh Giám (1769 – 1843) hay còn gọi qua tên hiệu là Hạo Quan, ông chủ của Di Hòa Hành và là hội trưởng Công Hành Quảng Châu, Ngũ Bỉnh Giám được một số tài liệu cho là một trong những người giàu nhất trong lịch sử thế giới. Ảnh: wikipedia.org

Trước chiến tranh nha phiến, Ngũ Bỉnh Giám bắt đầu làm ăn, buôn bán với người Tây phương và tiến hành đầu tư nhiều khoản tiền lớn vào nhiều ngành tại Mỹ, tất cả đều thu về khoản lợi lớn. Khi gia tộc của Ngũ Bỉnh Giám ở vào thời kỳ cường thịnh, tài sản của họ bằng một nửa tổng thu nhập tài chính cả năm của triều đình nhà Thanh thời bấy giờ, tương đương với 5 tỉ NTD (khoảng hơn 17 nghìn tỉ VNĐ) hiện nay. Trong khi tổng tài sản của người giàu có nhất nước Mỹ khi đó là 7 triệu NDT (khoảng 24 tỉ VNĐ). Nguyên nhân chủ yếu để Ngũ Bỉnh Giám trở nên giàu có như vậy là bởi thân phận “hành thương” độc đáo khi đó của ông, cũng chính là nhân vật quan trọng nhất của giới kinh doanh Thập Tam Hành ở Quảng Châu. 

Vào thời Càn Long đời nhà Thanh chính phủ áp dụng chế độ thông thương một cửa, khiến giới kinh doanh Thập Tam Hành ở Quảng Châu có đặc quyền trong mua bán đối ngoại. Cũng bởi được chính phủ trao cho đặc quyền duy nhất này nên giới kinh doanh Thập Tam Hành nhanh chóng nổi lên. Nhà thơ Khuất Đại Quân sinh ra vào đầu thời kỳ nhà Thanh từng có câu thơ viết về Thập Tam Hành như sau: “Ngũ ti bát ti nghiễm đoạn hảo, ngân tiễn đôi mãn thập tam hành“, tạm dịch: “Tơ lụa gấm vóc tốt, tiền bạc chất đầy Thập Tam Hành“. 

Sáng lập và phát triển Di Hòa Hành 

Năm đó Đồng Văn Hàng của Phan gia dẫn đầu độc chiếm kinh doanh của Thập Tam Hành hơn một trăm năm. Ngũ Quốc Oánh (cha của Ngũ Bỉnh Giám) khi đó vốn là một người ghi chép sổ sách kế toán của Đồng Văn Hàng. Không những ông có thể thông thạo làm về kế toán, mà còn tham gia vào việc quản lý tài sản và bạn hợp tác đầu tư làm ăn buôn bán của Đồng Văn Hàng. Vậy nên ông được Đồng Văn Hàng và người phương Tây rất tin tưởng. Sau này khi được các công ty ở Anh Quốc và Đông Ấn Độ nâng đỡ, Ngũ Quốc Oánh bắt đầu tự xây dựng cơ nghiệp sáng lập nên “Di Hòa Hành”. 

Năm 1801, Ngũ Bỉnh Giám tiếp nhận Di Hòa Hành từ tay cha và chỉ trong vòng 5 năm ông đã đưa Di Hòa Hành phát triển ngang hàng với Tam Thập Hành mà Đồng Văn Hàng độc chiếm lúc bấy giờ. Ngũ Bỉnh Giám là một người thông minh lanh lợi khác thường, nghe nói khi đó vào bất kể lúc nào ông có thể tính toán được lợi tức kỳ phiếu ở các cửa hàng đầu tư tại Anh Quốc là bao nhiêu, thường con số không sai lệch một đồng.

Ngũ Bỉnh Giám trợ giúp thương nhân 

Sang đầu thế kỷ 19 những thương nhân đã không còn tài sản và thực lực kinh tế như lúc trước, Ngũ Bỉnh Giám là người duy nhất có thực lực khi đó và cũng là người duy nhất mong muốn giúp đỡ những thương nhân khó khăn này. (Ảnh: wikipedia.org)

Sang đầu thế kỷ 19 những thương nhân đã không còn tài sản và thực lực kinh tế như lúc trước. Thậm chí có người nói chỉ có người muốn mất mạng mới đi làm thương nhân. Ngũ Bỉnh Giám là người duy nhất có thực lực khi đó và cũng là người duy nhất mong muốn giúp đỡ những thương nhân khó khăn này. 

Với những doanh nhân cận kề bên bờ vực phá sản, ông đã cho họ vay tiền để trả nợ. Rất nhiều người thương nhân nhờ ông mà có thể thoát khỏi khó khăn hoạn nạn. Có một thương nhân tên là Lê Quang Viễn vì phá sản nên bị đày đến Tân Cương. Ngũ Bỉnh Giám đã giúp đỡ tiền bạc cho ông ta trong cuộc sống lưu vong xa xứ. Những việc làm này đã làm cho danh tiếng và tầm ảnh hưởng của ông ngày càng trở nên quan trọng. 

Năm 1808, Đồng Văn Hàng đã thực sự rơi vào tình cảnh khó khăn, không thể tiếp tục duy trì nên tìm tới Ngũ Bỉnh Giám, cuối cùng dùng 500 lạng bạc trắng đổi lấy lời hứa hẹn của quan phủ đồng ý cho ông rời khỏi Thập Tam Hành và để cho Ngũ Bỉnh Giám thay thế. 

Người phương Tây khi đó đánh giá Đồng Văn Hàng là một người thành thực, nhiệt tình, tỉ mỉ, khẳng khái nhưng bẩm sinh tính khí hơi hèn yếu. Tuy nhiên thực sự có thể tìm kế sinh tồn khi bị kẹp giữa quan phủ và người phương Tây và là người đứng đầu trong giới kinh doanh chắc chắn cần phải có bản lĩnh như vậy. 

Khi Ngũ Bỉnh Giám tiếp quản Thập Tam Hành ở Quảng Châu, xuất hiện thêm rất nhiều thương nhân nước ngoài, trong khi thời trước Đồng Văn Hàng không làm ăn với họ. Ngũ Bỉnh Giám khi đó dám mạo hiểm, cam tâm tình nguyện làm ăn buôn bán với họ. Công ty lớn nhất, Perkins Matheson của người Mỹ tại Quảng Châu vì hợp tác với Ngũ Bỉnh Giám đã chiếm được hơn một nửa thị phần giao dịch buôn bán của người Mỹ với Trung Quốc và trở thành một trong bốn doanh nghiệp Mỹ đầu tư lớn nhất tại Trung Quốc.

John Murray Forbes con nuôi của Ngũ Bỉnh Giám

John Murray Forbes (1813 – 1898) là một thương gia lớn trong ngành đường sắt Mỹ, nhà từ thiện và người ủng hộ phong trào bãi nô (giải phóng nô lệ). Ông là chủ tịch của hệ thống Đường sắt Trung tâm bang Michigan và hệ thống Đường sắt Chicago, Burlington và Quincy. Ảnh: wikipedia.org)

John Murray Forbes là ông vua đường sắt của Mỹ. Khi tới Trung Quốc vào năm 1829 ông vẫn chỉ là một thợ học việc, lấy việc buôn bán trà Trung Quốc mưu sinh. Sau này từ khi nhận Ngũ Bỉnh Giám làm nghĩa phụ, vận mệnh của ông có thay đổi lớn. Ngũ Bỉnh Giám không những giúp người con nuôi này tạo dựng cơ nghiệp mà khi Forbes về Mỹ còn được cho 500 đồng bạc Mexico. Với khoản tiền này John bắt đầu ngành nghề kinh doanh mới đó là xây dựng đường sắt, sau đó trở thành nhà thầu lớn nhất về xây dựng đường sắt trên lục địa Bắc Mỹ và Pan American Railway. Ngũ Bỉnh Giám luôn là người đỡ đầu bảo đảm cho John, khi đó bởi người Mỹ rất tôn trọng ông, coi ông là “người đỡ đầu”.

Tại Vũ Di Sơn, Phúc Kiến, Ngũ Bỉnh Giám sở hữu một đồi trà quy mô lớn, nơi đây có xưởng sản xuất và thông qua con đường vận chuyển của con nuôi ông, thương hiệu trà nơi đây được chuyển đi kinh doanh khắp thế giới. Thương hiệu Ngũ Di trà được đóng gói vận chuyển và bán rất chạy ở London (Anh), Amsterdam (Hà Lan), New York, Philadelphia (Hoa Kỳ), và các thành phố nổi tiếng thế giới khác. Chỉ cần là trà nhãn hiệu Ngũ Di đều được ưa chuộng và bán với giá rất cao.

Sự giàu có và rộng rãi của Ngũ Bỉnh Giám

Về sự giàu có và rộng rãi của Ngũ Bỉnh Giám khi đó có lưu truyền một câu chuyện để lại ấn tượng sâu sắc vô cùng cảm động lòng người. Có một doanh nhân ở Boston Mỹ thiếu nợ Ngũ Bỉnh Giám 72.200 lạng bạc nên bị lưu lại ở Quảng Châu không thể về nước. Sau khi Ngũ Bỉnh Giám biết được sự việc bèn sai người đến thu hồi lại biên lai vay tiền và nói với vị thương nhân người Mỹ đó: “Ông là người bạn làm ăn lâu năm số một của tôi cũng là người thành thật nhất, chỉ là bây giờ vận khí của ông hơi thiếu một chút mà thôi“. Nói xong ông liền xé bỏ tờ biên lai vay tiền và nói với ông ta món nợ đó đã thanh toán, ông muốn về nước lúc nào có thể về nước lúc đó.

Một biên lai vay nợ 72.200 lạng bạc là một khối tài sản rất lớn. Hành động hào phóng này của ông, đã làm danh tiếng của Ngũ Bỉnh Giám lan truyền rộng rãi tại Mỹ tới nửa thế kỷ và là thương nhân Trung Quốc được người Mỹ tin tưởng nhất lúc bấy giờ.

Mặc dù việc làm ăn của Ngũ Bỉnh Giám khá bận rộn và thu lệ phí cao vẫn có nhiều người phương Tây vẫn muốn làm ăn giao dịch với ông. Nguyên nhân bởi khi làm ăn với ông họ luôn được bảo đảm về thời gian và chất lượng. Trước năm 1834 kim ngạch giao dịch của Ngũ Bỉnh Giám với các thương nhân người Mỹ và Anh đã đạt tới hàng triệu lạng bạc trắng.

Để thúc đẩy việc mở rộng xây dựng đường xá, Ngũ Bỉnh Giám tích cực chủ động liên lạc gặp gỡ với quan phủ. Từ năm 1801 đến 1843 tổng số tiền quyên góp mà gia tộc Ngũ gia quyên góp cho chính phủ lúc bấy giờ đạt tới 1,6 triệu lạng. Theo ghi chép của người phụ trách sổ sách triều đình thời nhà Thanh số tiền quyên tặng của gia tộc Ngũ gia dưới mọi hình thức không dưới mười triệu lạng.

Ngũ Bỉnh Giám đầu tư ở nước ngoài

Không những thành công ở trong nước mà ông còn đầu tư chứng khoán ở ngoại quốc và đưa Di Hòa Hành trở thành tập đoàn tài chính đa quốc gia siêu cấp nổi tiếng. (Ảnh: youtube.com)

Khác với những doanh nhân khác trong nước, Ngũ Bỉnh Giám rất thích thử nghiệm đầu tư tại nước ngoài. Theo quy định của chính phủ nhà Thanh khi đó các doanh nhân không được phép rời khỏi đất nước. Để có thể đầu tư tại nước ngoài Ngũ Bỉnh Giám đã nhờ những người Mỹ tới Trung Quốc làm ăn giúp ông viết thư và nhờ họ liên lạc làm ăn ở nước ngoài.

Kết quả ông có thể hoàn thành việc đầu tư vào ngành chứng khoán và bảo hiểm tại Mỹ, toàn bộ số tiền giao dịch đầu tư lớn của ông đều được người đại diện thực hiện. Những người phương Tây khi đó đều nói Ngũ Bỉnh Giám có số vốn rất lớn và tài trí cũng hơn người, ai làm ăn với ông cũng đều rất tin tưởng. Vào giữa thế kỷ 19, Di Hòa Hành trở thành tập đoàn tài chính đa quốc gia siêu cấp nổi tiếng.

Năm 1834 tổng tài sản của Ngũ Bỉnh Giám là 26.000.000 đồng bạc, chiếm một nửa thu chi một năm của nhà Thanh. Khi đó dưới sự lãnh đạo của Ngũ Bỉnh Giám tài sản của Thập Tam Hành Quảng Châu phát triển tới đỉnh điểm. 

Sử liệu chép lại rằng năm 1822 một vụ cháy lớn khiến nhiều cơ sở của Công Hành do Ngũ Bỉnh Giám làm chủ bị thiêu rụi, lượng bạc bị nóng chảy vì vụ cháy tạo thành một dòng bạc lỏng dài tới vài cây số. Chỉ riêng mình Ngũ Bỉnh Giám đã góp tới một phần ba số tiền mà nhà Thanh phải bồi thường cho Đế quốc Anh sau Hiệp ước Nam Kinh năm 1843. Ngũ Bỉnh Giám qua đời tại Quảng Châu cũng vào năm này.

Theo soundofhope.org
Kiên Định biên dịch