Bốn tác phẩm văn học cổ điển nổi tiếng mọi thời đại của Trung Quốc gồm Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử , Tây Du Ký và Hồng Lâu Mộng ví như “Tứ đại danh tác”, được viết ra dựa trên những sự kiện lịch sử có thật hoặc những sự việc có phần thêm hư cấu đã diễn ra trong thời kỳ lịch sử các triều đại phong kiến của Trung Quốc. Tất cả đều dựa trên nền tảng triết học, tâm linh và văn hóa đặc trưng của nền văn minh Trung Hoa.
Trong số đó Tam Quốc diễn nghĩa có lẽ là được yêu thích nhất nhờ các sức nặng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, với độ dài 100 chương, kể về những câu chuyện phức tạp về lòng trung thành và phản bội, thành công và thất bại. Một nhân vật nổi tiếng của cuốn tiểu thuyết này chính là Đổng Trác. Đổng Trác là người mưu mô, đã thao túng triều đình thi hành hàng trăm chính sách bóc lột đến cùng cực, cướp đoạt của cải. Theo tính toán, số vàng lên đến 1-2 vạn cân, bạc 4–5 vạn cân, gấm lụa chồng chất như núi. Ông ta đã bị Lữ Bố mưu sát chết. Cái chết của ông ta đã được dự báo trước qua 5 sự kiện xảy ra trước đó. Sự kiện đầu tiên là một bài đồng dao được bọn trẻ hát trên đường khi Đổng Trác đi đến kinh thành, bài đồng dao có đoạn: “Thiên lý thảo, hà thanh thanh? Thập nhật bốc, bất đắc sinh” (Cỏ ngàn dặm, xanh được sao? Trong mười ngày, không được sống). Bài đồng dao này có ý nói rằng Đổng Trác sắp phải chết.
Sự kiện thứ hai là khi Đổng Trác cùng quân sĩ tiền hô hậu ủng lên xe ngựa đi về Trường An. Đi chưa được 30 dặm, chiếc xe đang chạy bỗng gãy một bánh, Đổng Trác phải rời xe, quay sang cưỡi ngựa đi tiếp. Lại đi chưa được 10 dặm nữa, ngựa tự dưng lồng lên gầm thét dữ tợn, dứt đứt dây cương. Đổng Trác hỏi Lý Túc rằng: “Xe gãy bánh, ngựa đứt cương là điềm gì?” Túc đáp: “Là điềm báo Thái sư sẽ nối ngôi nhà Hán, thay cũ đổi mới, sẽ ngồi kiệu ngọc yên vàng.” Trác vui vẻ tin lời. Đến hôm sau, đang lúc đi, bỗng một cơn gió dữ nổi lên ầm ầm, mây kéo nghịt trời, Đổng Trác hỏi Lý Túc rằng: “Thế này là thế nào?”, Lý Túc thưa: “Chúa công nối ngôi rồng, tất sẽ có ráng hồng mây tía, để tăng thêm sự uy nghiêm của Trời”, Đổng Trác nghe lấy làm lọt tai. Khi đến bên ngoài thành, bá quan đều ra nghênh đón.
Mờ sáng hôm sau, Đổng Trác sai bày lễ vật mang vào triều, bỗng thấy một Đạo nhân mặc áo xanh, đầu đội khăn trắng, tay cầm một cái sào dài, trên buộc mảnh vải dài một trượng, hai đầu viết hai chữ “khẩu”. Đổng Trác hỏi Lý Túc: “Đạo nhân này có ý gì?” Túc nói: “Đó là một kẻ điên!” rồi lệnh quân sĩ đuổi đi.
Những sự việc này xảy ra là điềm báo trước cho cái chết của Đổng Trác, có thể luận như sau:
Bài đồng dao “Thiên lý thảo, hà thanh thanh! Thập nhật bốc, bất đắc sinh” (Cỏ ngàn dặm, xanh thế nào! Trong mười ngày, không được sống). Kỳ thực đây là một dạng đố chữ, “thiên lý thảo” (千里草) ghép thành chữ ‘Đổng’ (董), ám chỉ họ của Đổng Trác; “hà thanh thanh”, ‘hà’ chính là “như thế nào được”, không thể giữ được xanh tươi “thanh thanh”, vậy không phải khô héo thì là gì, thực ra là chỉ cái chết; “thập nhật bốc” (十日卜) ghép thành chữ ‘Trác’ (卓), ám chỉ tên của Đổng Trác; “bất đắc sinh” càng nói rõ hơn là Đổng Trác sắp phải chết.
Còn về “Đạo nhân cầm sào” xuất hiện ở đoạn sau, đầu đội khăn trắng là chỉ “để tang”, người chết rồi mới phải để tang; hai đầu của tấm vải trên cây sào lần lượt viết hai chữ ‘khẩu’ (口), hai chữ ‘khẩu’ này ghép lại thì chính là chữ ‘Lữ’ (吕), đây ám chỉ họ của Lữ Bố; vậy là tấm vải trên cây sào là chỉ tên của Lữ Bố. “Đạo nhân cầm sào” đã chỉ rõ người giết Đổng Trác chính là Lữ Bố.
Có thể có người nói đây là tiểu thuyết, những điều trong tiểu thuyết cũng chỉ là hư cấu mà thôi. Tuy nhiên, những gì ghi chép trong cuốn sách sử Tam Quốc Chí và Hán Mạt anh hùng ký của Vương Sán thời bấy giờ có rất nhiều điểm giống so với Tam Quốc Diễn Nghĩa, ví dụ như bài đồng dao nói trên, trong Hán Mạt anh hùng ký được ghi lại như sau: “Lúc bấy giờ có lời đồn rằng: ‘thiên lý thảo, hà thanh thanh, thập nhật bốc, do bất sinh’; lại thêm bài hát ‘Đổng đào’ (Đổng Trác bỏ trốn). Cũng lại có Đạo sĩ viết một chữ ‘Lữ’ trên tấm vải trước mặt Trác, Trác không biết đó là Lữ Bố. Khi Trác vào triều, binh mã đứng chật hai bên, từ doanh trại đến hoàng cung, triều thần dẫn đầu nghênh đón. Con ngựa quỵ xuống không thể đi tiếp được, Trác rất muốn dừng lại, Bố khuyên hãy đi tiếp, từ Trung Giáp mà vào trong cung.”
Từ những quyển sách sử này, có thể thấy được rằng đây đều là những điềm báo trước về cái chết của Đổng Trác. Cổ nhân nói rằng những sự việc xảy ra xung quanh ta đều không phải ngẫu nhiên, mỗi sự việc đều có nội hàm, chỉ có điều ta có để ý đến hay không. Số phận của một con người, phải chăng cũng không thể là ngẫu nhiên.
Theo Chánh Kiến
Nhật Hạ
Xem thêm: