Có người cho rằng, Nho giáo là một loại đạo “nhập thế”, chuyên dấn thân lo đời, rao giảng về luân thường đạo lý. Nghĩa là, nếu so với Lão giáo và Thích giáo, thì đạo Khổng chỉ xứng là Nhân đạo chứ không có Thiên đạo, chỉ dạy người ta làm Người chứ không thể tu thành Thần Tiên.
Có thực như vậy chăng? Nếu không, thì cái sở học bác đại tinh thâm, cái rộng lớn sâu xa của Nho giáo nằm ở chỗ nào? Và vì sao lại có sự hiểu lầm đáng tiếc ấy?
Nho giáo nhấn mạnh Nhân và Lễ
Một nguyên nhân khiến người ta cho rằng Nho giáo là “đạo nhập thế” là bởi Nho giáo chú trọng đến các giá trị luân lý, như Thập nghĩa, Ngũ luân, Ngũ thường; dạy con người đầu tiên phải chính tâm, tiếp đó là tu thân, tiếp nữa là tề gia, sau mới là trị quốc và cuối cùng bình thiên hạ.
Và trong các giá trị ấy, tư tưởng của Nho gia nhấn mạnh vào Nhân và Lễ.
Khổng Tử đề xuất Nhân là nhân ái (yêu người như thể thương thân), thực hành Nhân trị dùng Lễ làm quy phạm “khắc kỷ phục lễ vi nhân”.
“Nhất nhật khắc kỷ phục lễ, thiên hạ quy nhân yên” (một ngày khắc kỷ phục lễ, thiên hạ quy về cái nhân ở nơi đó). Ông cho rằng người trị vì cần lấy thân làm gương thì mới có thể “thân chính lệnh hành”, uy nghiêm đức độ. “Quân tử đức như gió, tiểu nhân đức như cỏ, trước gió cỏ đổ rạp”.
Khổng Tử cũng nhấn mạnh “trung” và “thứ”. Trung là dùng thái độ trung thực, thành tín đối xử với người, đối với công việc thì tận tâm mà làm. Thứ là cần thương người như thể thương thân. Ông cho rằng người quân tử cần phải giữ lòng nhân, rộng lượng với người, nhân nghĩa với người. Can đảm giữ vững nguyên tắc “chính đạo” mới có thể khiến hết thảy quy về với Thiên lý, xây dựng một xã hội trật tự tốt đẹp.
Hoài bão của Khổng Tử là truyền giảng đạo nghĩa
Một nguyên nhân khác góp phần khiến Nho giáo bị coi là “đạo nhập thế” là bởi Khổng Tử luôn ôm ấp cái chí cứu dân, tế thế, không từ gian khổ mà chu du các nước, vui với việc truyền bá đạo nghĩa mà chẳng ưu tư vì những thăng trầm của cá nhân.
Một lần Khổng Tử dẫn học trò tới nước Tống, dưới bóng đại thụ học trò luyện lễ nghi. Tư mã Hoàn Đồi nước Tống uy hiếp Khổng Tử không cho hoằng đạo, phái người tới chặt cây đại thụ. Các học trò lo lắng cho sự an nguy của thầy, muốn Khổng Tử rời khỏi nước Tống. Khổng Tử thuyết: “Trời ban cho ta Đức, Hoàn Đồi là gì!” – Khổng Tử cho rằng Đức của mình là do trời ban cho, Hoàn Đồi sẽ không làm gì được.
Một lần khác Khổng Tử muốn tới đất của người Di cư trú, có người nói: “Nơi này phong tục bỉ lậu, ở thế nào được?”. Khổng Tử nói: “Người quân tử ở đâu thì ở đó còn gì bỉ lậu đây?”
Trong thâm tâm Khổng Tử, hoằng Đạo là trách nhiệm mà thiên thượng giao phó vì vậy ông cần phải làm. Ông muốn có trách nhiệm với Trời, với dân chúng, với chí hướng của bản thân. Điều này thể hiện đầy đủ lòng tin kiên định và bất khuất vào Thiên đạo cũng như tinh thần can đảm gánh vác trách nhiệm trọng đại.
Tuy nhiên, giá trị cao nhất của Nho giáo vẫn là Thiên đạo
Có câu chuyện kể rằng, khi Đức Khổng Tử dẫn học trò đi qua nước Tần đã gặp một đám trẻ nhỏ chơi đùa giữa đường, bên cạnh đó có cậu bé ngồi một mình lấy cát đắp thành. Khổng Tử hỏi cậu bé: “Sao cháu không chơi đùa với các bạn kia?”
“Đùa giỡn thì vô ích, vì có thể bị rách áo quần, nhọc công mẹ vá, lại buồn lòng cha, nên cháu không giỡn”. Nói xong, cậu lại tiếp tục đắp thành.
Đức Khổng lại hỏi: “Cháu không tránh cho xe của ta đi sao?”
Cậu bé thản nhiên đáp: “Từ xưa đến giờ, xe phải tránh thành, chớ có bao giờ thành lại tránh xe?”
Câu trả lời của cậu bé khiến Khổng Tử bất ngờ, ông liền xuống xe hỏi cậu rất nhiều câu hóc búa, nhưng đều được cậu trả lời thông suốt. Tài trí của cậu bé khiến Khổng Tử nể phục, tôn cậu bé làm thầy. Cậu bé ấy chính là Thần đồng Hạng Thác.
Cũng từ ngày gặp Hạng Thác, Khổng Tử bắt đầu trai trì thủ giới, dưỡng tinh luyện đạo, cuối cùng tu theo Thiên đạo mà giác ngộ. Từ đó, Nho giáo cũng thăng hoa lên một cảnh giới cao thâm, không còn giới hạn trong cái lý của đạo Nhân, mà đã luận bàn về Thiên đạo.
Khổng giáo cho rằng bản tính con người đồng thể với bản tính của Trời, con người phải cố gắng hoàn thiện bản thân mình cho tới mức chí cao chí đại, chí thành, chí thiện, cuối cùng là đắc Đạo.
Khổng Tử cho rằng hành giả (thánh nhân chi đạo) cần kính thiên tri mệnh, đạt tới cảnh giới cùng trời đất tương thông, cảnh giới thiên nhân hợp nhất. Cho nên mẫu hình lý tưởng trong Khổng Giáo không phải là Quân Tử, mà chính là Thánh Nhân, giống như trong Tứ Thư viết rằng:
“Đạo người quân tử khởi đầu từ vợ chồng; đến chỗ cùng cực của đạo ấy thì thấu triệt trời đất”.
Vậy, Nho giáo luận bàn như thế nào về Thiên đạo?
Một lần Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử: “Dám hỏi quân tử, Thiên đạo quý như thế nào?”
Khổng Tử thuyết: “Quý vô cùng. Như sự luân chuyển vô cùng tận từ Đông sang Tây của mặt trời mặt trăng, là thể hiện của Thiên đạo. Liên tục, vô tận, là sự thể hiện của Thiên đạo. Vô vi mà thành vật, là Thiên đạo. Dùng kết quả mà nói rõ, là Thiên đạo”.
Khổng Tử cảm ngộ được Thiên Đạo tự có đức, sinh tạo vạn vật, tính chất quang minh, có năng lực sinh sôi nảy nở.
Thiên Đạo không đâu là không có, biểu hiện ở nơi đất là địa đạo, ở nơi nước là thủy đạo, ở nơi người là nhân đạo. Làm người cần không ngừng bồi bổ đạo đức mới có thể biết được Thiên đạo và Thiên mệnh, mới có thể đạt tới an thân lập mệnh.
Khổng Tử nói thêm: “Thiên vô tư phủ che, địa vô tư nâng đỡ, nhật nguyệt vô tư chiếu, tuân theo tinh thần vô tư đó mà hành”.
Ông cổ xúy vương đạo của các tiên cổ thánh vương như tam hoàng ngũ đế, cách trị vì của Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn, Vũ, Chu công đồng tâm (thông linh) với thiên địa, có cái vô tư của Thiên Địa Nhật Nguyệt đối với vạn vật ở thế gian, đối với dân chúng bằng tấm lòng vô tư rộng lượng. Đây chính là điều mà Nho gia thường giảng về Thánh Vương chi đạo.
Tóm lại, theo Nho giáo thì Thánh nhân là những người “Dữ Thiên đồng đức” – đức độ như Trời, và “Kế Thiên lập cực” – thay Trời để lập cực điểm tinh hoa cho nhân loại, hay nói cách khác, “Thánh nhân là hiện thân của Trời” vậy.
Nguyễn Tuấn Dũng
Nguyên Cơ trưởng hãng hàng không quốc tế Qatar Airways