Nhà Đường là triều đại cường thịnh nhất trong lịch sử Trung Hoa, cũng là một niềm kiêu hãnh lớn nhất về mặt quân sự với nhiều tướng lĩnh xuất chúng và những đoàn binh tinh nhuệ. Trong đó đặc biệt phải nhắc đến “Đội quân áo giáp sắt đen” đã làm bao kẻ thù thất kinh sợ hãi.
Đường quân là một đội quân hùng mạnh do nhiều dân tộc hợp thành. Vì thế ở khu vực biên trấn có rất nhiều binh sĩ và cả giới tướng lĩnh người dân tộc thiểu số.Quân đội triều Đường phân thành quân Trung ương và quân Phiên trấn. Quân Phiên trấn có quy mô duy trì khoảng 500 nghìn. Lính của quân Phiên trấn ngoài việc do triều đình tuyển lựa thì cũng có quyền tự chiêu mộ.
Quân đội chủ lực của triều Đường thường bao gồm bộ và kỵ binh hỗn hợp, một quân đoàn tiêu chuẩn có khoảng 12.500 bộ binh, 5.000 đến 6.000 kỵ binh và 1.000 đến 2.000 lính quân nhu quân dụng. Dưới quân là doanh, dưới doanh là đoàn, mỗi đoàn quản lý 2 lữ, mỗi lữ là 100 người, tổng cộng khoảng 20 ngàn người.
Trong 12.500 bộ binh thì giáp binh là 7.500, binh mạch đao khoảng 2.500 (mạch đao: cây thương hình hạt lúa kiều mạch). Những bộ binh này mỗi người có một cây cung với 30 mũi tên, một cây thương, và con dao nặng cán ngắn. Tỷ lệ trang bị cung nỏ của quân đội triều Đường lên đến 120%, mỗi binh sĩ đều có 3 loại vũ khí trở lên. Nếu so với quân thời Tần và Hán thì hỏa lực mạnh hơn từ 3 – 5 lần, sức tấn công cũng mạnh hơn nhiều.
Kỵ binh thời nhà Đường không trang bị nặng nề như thời Nam – Bắc triều và có chiến giáp bảo vệ hoàn thiện. Giáp đen thời kỳ đầu dần dần bị loại bỏ và thay thế bằng giáp minh quang. Giáp minh quang có tấm kim loại hình tròn ở sau lưng và trước ngực bảo vệ, vì được mài sáng như gương và chiếu ra ánh sáng làm lóa mắt nên gọi là giáp minh quang.
Kỵ binh Đường quân có phân chia thành mức độ nặng nhẹ khác nhau. Huyền Giáp Binh (đội quân giáp đen) là do Đường Thái Tông (Lý Thế Dân) lập ra, người được trang bị áo giáp, ngựa cũng được trang bị đồ bảo vệ. Kỵ binh hạng nặng mặc dù không nhiều nhưng bởi vì được phòng hộ tốt, lực tấn công lớn, là đội quân chủ lực trong các cuộc tấn công dã chiến.
Theo “Tư trị thông giám”, cuốn sử nổi tiếng do nhà sử học Tư Mã Quang viết: “Tần vương Lý Thế Dân đã chọn ra hơn 1.000 binh lính kỵ binh, và tất cả đều mặc đồng phục áo giáp đen. Ông chia quân thành các cánh quân bên trái và cánh quân bên phải, để cho Tần Thúc Bảo, Trình Giảo Kim, và Uất Trì Kính Đức thống lĩnh đội quân. Trong mỗi trận chiến, Lý Thế Dân đều mặc áo giáp đen và thống lĩnh đội quân tiên phong để tấn công kẻ thù. Khi đội quân đã tấn công thì không một kẻ thù nào có thể ngăn cản được. Vì thế, kẻ thù rất sợ nó”.
Mỗi binh sĩ trong đội quân áo giáp sắt đen đều phải rất thiện chiến, mỗi người trong số họ đã được lựa chọn từ trong vô số các ứng cử viên. Đội quân này cũng chính là một tập thể có sức mạnh chiến đấu mạnh mẽ phi thường. Sức mạnh tổng hợp của 1.000 binh sĩ như một thể thống nhất tạo ra sự kết hợp hoàn hảo, có thể chống lại được quân địch mạnh hơn mình gấp 10 lần.
Đội quân này cũng được đặt dưới sự chỉ huy của các danh tướng tài ba mà người chỉ huy cao nhất chính là Lý Thế Dân, một chiến lược gia quân sự đại tài. Ngoài ra, các chiến binh cũng luôn có tinh thần chiến đấu cao, luôn khát khao chiến thắng. Bất kể đối phương mạnh đến mấy, những chiến binh này vẫn luôn giữ một niềm tin bất khả chiến bại. Điều đó giúp họ có được sức mạnh phi thường, bất khả chiến bại trên chiến trường.
Trận chiến mang tính quyết định để thống nhất Trung Hoa của Lý Thế Dân là tại thành Lạc Dương, kinh đô cũ của nhiều triều đại. Vào thời điểm đó, Lạc Dương là thành trì phía Đông của triều Tùy, thành cao hào sâu, lại có quân phòng thủ dày đặc. Người trấn giữ ở đây là Vương Thế Sung. Lý Thế Dân thống lĩnh quân đội từ thành Tây An tấn công Lạc Dương. Cuộc chiến sau đó kéo dài nhiều năm. Khi đó, Lý Thế Dân cùng đội đội quân áo giáp sắt của mình đã chiến đấu vô cùng dũng mãnh, nhiều phen khiến kẻ thù thất kinh.
Đội quân này đã giết và bắt giữ hơn 6.000 binh sĩ của đối phương. Trong trận Hổ Lao, Lý Thế Dân lại một lần nữa thống lĩnh đội quân áo giáp như một lực lượng tiên phong. Ông đã ra lệnh cho 3.000 lính kỵ binh trực tiếp tấn công đối phương, cuối cùng đánh bại Đậu Thập Dư khi ấy cầm trong tay hơn 100.000 binh lính, đồng thời bắt giữ hơn 50.000 người.
Vương Thế Sung bị đẩy đến tình cảnh tuyệt vọng, sau đó phải đầu hàng. Nhờ chiến thắng này, Lý Thế Dân đã lấy được sự tín nhiệm của Đường Cao Tổ Lý Uyên, sau này có được lợi thế lớn trong cuộc đua đến ngôi Hoàng đế nhà Đường với những người anh em là Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát.
Ngoài trang bị vũ khí thì bộ phận hậu cần cũng chuẩn bị rất đầy đủ. Mỗi binh sĩ có một túi lương khô bằng da dê quấn ở eo, có thể dùng trong ba ngày. Mỗi người còn có cái áo khoác lông thú, lính tinh nhuệ áo có bọc da, còn có thêm một túi nước, cũng bằng da. Những vật phẩm dùng ngựa thồ mang theo gồm: chén, dao nhỏ, rũa, kìm, khóa, thuốc, muối ăn, đá lấy lửa, búa, đá mài, khố, dây đai trán, mũ nỉ, thảm, chăn, 3 đôi giầy. Thường thì cứ 7 lính chiến đấu lại có 3 lính hậu cần phụ trách quản lý ngựa và đồ quân nhu cùng các công cụ giao thông khác. Quả là vô cùng chu đáo!
Sức mạnh chiến đấu đáng sợ của quân đội nhà Đường, nhất là đội quân áo giáp đen không phải là một huyền thoại, mà trong lịch sử còn lưu lại rất nhiều chiến thắng oanh liệt và hào hùng của họ. Quân đội tinh nhuệ là một trong những yếu tố giúp Đại Đường trở thành vương triều rực rỡ nhất lịch sử Trung Hoa.
Chân Tâm