Thời kỳ Cách mạng văn hóa, cơn cuồng phong ‘phá tứ cựu lập tứ tân’ từ thành phố tràn đến vùng quê. Trong những năm tháng điên cuồng đó, cả 3 người đều làm cùng một việc. Quả báo đến nhanh chậm khác nhau, nhưng đều thống khổ vô cùng.

Hồng Mao phá tượng Phật

Cách đây không lâu, có người bạn đến nhà tôi chơi, trong khi hàn huyên có nói đến một số chuyện trong thôn xưa kia. Trong đó, câu chuyện về Hồng Mao Lý Đan hủy hoại tượng Phật để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất.

Một nhóm ‘quậy phá’ thừa cơ tập hợp đội ngũ đập phá trong thôn. Phá phách một chặp, bọn họ cảm thấy đập phá, quậy phá nhỏ không ‘đã’, bèn đưa con mắt đến chùa Già Lam ở cuối thôn, dự tính phá tan biểu tượng ‘làm tê liệt linh hồn các bần cố nông’.

Nghe thấy phá hủy chùa, rất nhiều người dân trong thôn đều kinh sợ, tìm đủ các lý do để thoái thác. Các cụ già còn cấm con cháu không được làm những việc mù quáng đại nghịch vô đạo này để tránh bị Trời giáng sét đánh, sau khi chết đọa vào địa ngục vô gián muôn đời không được siêu sinh.

Hôm phá chùa, vì liên quan đến vấn đề lập trường nên phía trước chùa Già Lam có rất nhiều người đến xem. ‘Lãnh tụ phái quậy phá’ liên tục động viên tất cả các thành viên lấy hành động thực tế phá trừ ‘phong kiến mê tín’. Nhưng phí sức nói mãi mà không có người nào ‘dũng cảm’ tiến lên phá hủy ‘tượng Ngài’ (dân địa phương gọi chung tượng Thần, Phật là tượng Ngài).

Đang lúc khó khăn thì một anh chàng độc thân trong thôn là Lý Đan có biệt hiệu là Hồng Mao từ trong ngõ lắc lư đi đến trước mặt mọi người, hò hét muốn nổi đình đám. Trước tượng Ngài cao lớn, Hồng Mao Lý Đan gọi đồng bọn đến giúp một tay, nhưng mọi người không những không giúp mà còn lộ ra ánh mắt khinh thường. Cuối cùng, anh ta nghĩ ra cách dùng dây thừng lớn, một đầu buộc lên cổ tượng Ngài, một đầu quấn vào phần bụng của mình. Sau khi đã buộc chặt, anh ta thét to lên một tiếng, đầu và thân tượng Ngài mỗi phần một nơi. Hồng Mao Lý Đan không biết mình đã phạm phải trọng tội ngũ nghịch, vẫn dương dương đắc ý đá đầu tượng Ngài nói: “Đồ chơi này để ta đem về làm bô thì rất hợp đây”.

Được Hồng Mao Lý Đan dẫn đầu, chùa Già Lam trong thôn thờ phụng mấy trăm năm đã biến thành hư vô trong khói bụi.

Hồng Mao Lý Đan khệnh khạng lượn đi lượn lại trong thôn chẳng được bao lâu, báo ứng rất nhanh chóng giáng xuống. Đầu tiên là một con mắt Lý Đan giống như có hạt cát bay vào, mắt chuyển động thì khó chịu khôn thấu, dần dần thị lực giảm, nhìn lờ mờ, nhãn cầu lồi ra. Sau vài tháng, cặp mắt đỏ sưng phồng lên trông như một trái đào chín nát chảy ra nước và mủ, uống thuốc, tiêm thế nào cũng không thấy đỡ. Trong thời gian hơn một năm cho đến lúc chết, ấn tượng về Hồng Mao Lý Đan của bà con thôn xóm chính là đôi mắt lở loét bốc mùi tanh hôi, to bằng nắm tay trẻ con, nước mắt không lúc nào ngừng chảy.

Cho đến hôm nay, hễ nói đến việc phá hủy chùa Già Lam thì những người có tuổi trong thôn đều đem chuyện Hồng Mao Lý Đan ra kể, trách anh ta nhiệt tình mù quáng. Cuối cùng các cụ đều không quên chốt lại một câu: Báo ứng.

Thế là tôi lại nhớ đến một câu chuyện phá hoại tượng Phật bị báo ứng.

Bức ảnh được chụp lại trong thời kỳ Cách mạng văn hóa tại Trung Quốc. (Ảnh minh họa: sohu.com)

Trẻ con phá chùa

Khi còn nhỏ, tôi đi học ở chùa La Hán, trước giải phóng đây là một ngôi chùa nổi tiếng quy mô tráng lệ, tượng Phật trang nghiêm, tiếng tụng kinh cả ngày không lúc nào ngớt. Sau giải phóng, chùa bị chuyển làm nơi giáo dục dạy học nhưng mấy ngôi điện lớn vẫn còn lại như cũ, chỉ là bị khóa quanh năm, các tượng chư Phật Bồ Tát bên trong phủ kín bụi, không có người trông nom.

Sau khi bắt đầu cuộc Cách mạng văn hóa, một đám trẻ hò hét đến chùa ‘phá tứ cựu’. Sau khi bọn trẻ làm ‘động viên trước khi vào cuộc chiến’ ở trước đại điện, chúng mở cửa điện bụi bám lâu ngày trong tiếng khẩu hiệu ‘phá tứ cựu’ của đám đông. Thấy tượng Phật cao lớn, đại bộ phận đều ngây người ra, nguyên nhân là không biết hạ thủ từ chỗ nào. Lúc đó, có một cậu đứng ra nói đã có cách. Biện pháp của cậu giống y như Hồng Mao Lý Đan, cũng là dùng dây thừng một đầu quấn vào bụng một đầu buộc vào cổ tượng Phật rồi kéo đứt.

Tôi nghe được chuyện này là sau khi xảy ra 10 năm, các cụ già kể xong còn nuối tiếc nói một câu: Đáng tiếc quá!

Thời gian vẫn cứ trôi đi như thế, nháy mắt đã là mười mấy năm trôi qua, tôi đã làm việc ở một nhà máy hóa chất. Vì sống một mình nên tôi thường hết giờ thì phóng xe đạp về nhà, đồng hành là những người cùng quê, họ nói nói cười cười nên mười mấy cây số đường đi cũng không hiu quạnh.

Một mùa thu, có một bác thợ họ Cao, mỗi khi đi đến cách chùa khoảng 2 dặm là bác lại nói với những người đồng hành rằng bác phải nghỉ một lát, mệt quá. Một hôm, đến gần chùa bác lại kêu mệt, muốn dừng lại nghỉ ngơi. Những bác thợ này đều là những người làm công đầu tắt mặt tối quanh năm: ngoài công việc nhà máy ra thì ở nhà vẫn còn một đống hoa màu cần chăm sóc, đến vụ hè thu thì càng bận bịu vất vả hơn. Mọi người thấy có hơn chục dặm đường mà bác không thể đi một mạch được nên nhắc nhở bác chú ý nghỉ ngơi, sau đó mọi người về trước hết cả. Một mình bác xuống xe, dự tính ngồi dựa một gốc cây lớn ngủ một lát rồi mới về nhà.

Ruộng ngô đã chín, phía đông một mảnh, phía tây một mảnh đang chờ người thu hoạch, còn bác thợ Cao thì nằm lên trên những cây ngô ngủ mê man ngất lịm. Đưa đến bệnh viện huyện thì bị từ chối tiếp nhận, lại đưa lên bệnh viện thành phố. Sau khi kiểm tra, các bác sỹ kiến nghị phẫu thuật – mổ não. Mổ hộp sọ rồi lại khâu lại, mấy ngày sau liền bỏ vợ con ra đi. Bởi vì bác không phải là công nhân chính thức nên nhà máy chỉ cấp cho một chút trợ cấp.

Thực tế bác Cao là một người tốt. Đối đãi với mọi người hòa nhã, công việc làm nghiêm túc, cũng không nghiện ngập tệ nạn hay có thói xấu nào. Bác mắc bệnh cũng chỉ một hai ngày những vẫn kiên trì đi làm. Người như thế này sao mới 45, 46 tuổi đã ra đi? Có lần, một người hàng xóm biết rõ chuyện bác Cao nói: Có lẽ là báo ứng, năm xưa phá tượng Phật chùa La Hán ông ấy rất hăng hái, đã đập vỡ đầu một tượng Phật.

Ôi, thì ra là như thế!

(Ảnh minh họa: read01.com)

Đe dọa, ép buộc người khác phá tượng

Nói đến chuyện phá chùa, vẫn còn một câu chuyện nữa đáng nói. Vẫn là vào thời ‘phá tứ cựu’, bí thư chi bộ Hà ở thôn Nam muốn thực hiện một số hành động trong thôn để hoàn thành nhiệm vụ. Ông triệu tập người dân trong thôn lại, đọc văn kiện xong rồi đọc báo, sau đó lại thao thao bất tuyệt nói mấy giờ đồng hồ, muốn mọi người hành động, tích cực chủ động phá bỏ mấy ngôi chùa trong thôn. Nhưng mặc dù ông nói rách cả miệng, những người dân thiện lương có lòng kính sợ Thần Phật vẫn không chịu phối hợp. Ông vốn muốn thực hiện một cuộc ‘chiến tranh nhân dân’ rầm rộ, nhưng đám người dân ngu dốt ‘bị đầu độc’ quá sâu này lại không chịu ‘dựng cờ khởi nghĩa’.

Bí thư Hà đành phải động não nghĩ đối sách. Vò đầu bứt tai một chặp, cuối cùng ông cũng nghĩ ra một chiêu. Ông triệu tập ‘địa chủ, phú hào, phản cách mạng, kẻ xấu, phái hữu’, những đối tượng mà nhân dân lao động cần đả kích ở trong thôn lại, đánh tiếng nếu không nghe lời thì phải nhận hậu quả đáng sợ của cuộc ‘đấu tranh giai cấp’. Thấy những ‘phần tử xấu’ này sợ không dám lên tiếng, bí thư Hà mới giao cho họ một nhiệm vụ ‘gian nan mà vinh quang’: Chuyển tượng đất trong chùa đi.

Dưới sự uy hiếp bức bách của bí thư Hà, một bộ phận các tượng Ngài bị những ‘phần tử xấu’ chuyển đi.

Bí thư Hà vui mừng vì ‘cẩm nang diệu kế’ của mình chẳng được bao lâu thì cậu con trai quý tử của ông bị viêm màng não. Ông đã bỏ ra một đống tiền chữa trị mà vẫn để lại di chứng. Đứa bé này không muốn đi học, cả ngày lượn đi lượn lại trong thôn, đập vỡ bồn tiểu nhà hàng xóm, đốt đống củi nhà láng giềng, hái quả nhà người ta, đuổi chó gà trên đường… toàn làm những việc mà người ta nhìn thấy đều thóa mạ.

Thấm thoắt đứa trẻ này đã 13, 14 tuổi, thói hư tật xấu cũ không sửa mà lại càng ngày càng tệ hại hơn, đánh nhau với những đứa trẻ khác, bóp cổ đối phương đến chết cũng không buông tay. Mọi người đều tránh nó như tránh dịch bệnh, thấy từ xa là đã lẩn tránh sang bên. Lúc này, bí thư Hà đã là một người dân thường, chỉ biết lắc đầu than thân trách phận.

Sau này, trong thôn làm nghề phụ, xây dựng một lò gạch ngói. Vì lò gạch ở nơi vắng vẻ nên ban đêm cần có người trông coi, bí thư Hà chủ động xin được đảm nhiệm việc này. Cậu con trai quý tử của ông cũng thường đến đó chơi. Một hôm mưa to gió lớn suốt đêm dài, đứa bé này bỗng nhiên mất tích. Mấy ngày sau, bí thư Hà từ lò gạch cuống cuồng chạy đến trước mặt những người đang làm việc, nói rằng phát hiện ra dưới giếng có vật nổi, muốn mọi người đi xem. Mọi người đến bên giếng, có người bạo gan xuống xem xét phát hiện ra là người. Vớt lên xem thì chính là cậu con trai quý tử của bí thư Hà. Sau đó, các cụ nghi ngờ là do chính bí thư Hà làm, nhưng thiếu chứng cứ nên cũng cho qua.

Gần đây, qua người quen tôi biết được hai vợ chồng bí thư Hà đều đã mất. Hai con gái của họ lấy chồng ở thôn ngoài. Cuộc đời bí thư Hà giờ chỉ còn lưu lại câu chuyện này trong thôn mà thôi.

Trong những năm tháng điên cuồng đó, cả 3 người đều làm cùng một việc. Khác biệt là bác thợ Cao là tuổi nhỏ không hiểu biết, Hồng Mao Lý Đan là khoe tài, còn bí thư Hà là độc ác nhất, không chỉ bản thân tạo nghiệp mà còn kéo những người vô tội vào đầm lầy. Bọn họ đều đã phải trả giá cho sự điên cuồng của mình, chỉ có điều là quả báo có khác nhau mà thôi. Hồng Mao Lý Đan là quả báo đến nhanh nhất, trong nỗi thống khổ đằng đẵng từng bước từng bước đến cái chết. Bí thư Hà là thê thảm nhất, bị kết cục nhà tan người chết. Bác thợ Cao qua đời sau khi đã chịu nỗi thống khổ vô cùng.

Người xưa nói: Việc trước không quên, là thầy của việc sau. Người thông minh đều biết rút ra bài học của những người đi trước để tránh đi vào vết xe đổ của họ.

Theo reminbao.com

Kiến Thiện biên dịch

videoinfo__video3.dkn.tv||5888a7975__