“Đạo đức kinh”, hay còn gọi là sách “Lão Tử”, là một bộ trước tác vĩ đại gói gọn trong 5000 chữ. Có người coi đó là triết học, lại có người coi là phép tu luyện đắc Đạo, đạt được mục đích nhân sinh phản bổn quy chân.
Tiếp theo Phần 1.
Lão Tử cho rằng sự phát triển của văn minh xã hội đã khiến nhân loại truy cầu danh lợi, từ đó làm nhiễu loạn tâm tính, khiến con người mất đi bản tính thiên chân. Sự xuất hiện của ‘nhân nghĩa, hiếu từ, trung thần’ cho thấy đạo đức xã hội đã bại hoại. Vì sao? Chính bởi vì trong xã hội tồn tại những hiện tượng như bất nhân, bất nghĩa, bất trung, bất hiếu, nên mọi người mới mong ngóng tìm về các giá trị là nhân nghĩa, hiếu từ và trung thần. Ngược lại, nếu như ai ai cũng tương thân tương ái, nền chính trị luôn giữ được sự trong sạch liêm khiết, thì sẽ chẳng cần ai phải đề xướng và cổ xúy cho điều đó.
Và để con người có thể quy chân, trở về với bản tính thuần khiết thuở ban sơ, Lão Tử đã truyền ‘Đạo’.
Chân Đạo là ‘công cụ’ để con người nhận thức Thượng Thiên
Chương 51 sách Lão Tử viết: “Đạo sở dĩ được tôn sùng, đức sở dĩ được trân quý là vì Đạo sinh ra vạn sự vạn vật mà không can thiệp, đức nuôi dưỡng vạn sự vạn vật mà không làm chủ, thuận theo tự nhiên. Do đó Đạo sinh ra vạn vật, đức nuôi dưỡng vạn vật, khiến vạn vật sinh trưởng phát triển, thành thục kết quả, được chăm sóc bảo vệ. Sinh ra vạn vật mà không sở hữu, nuôi dưỡng vạn vật mà không kể công, hướng dẫn vạn vật mà không làm chủ”.
Chân Đạo có uy lực thâm sâu không thể nào dò biết được. Chương 10 sách Lão Tử viết: “Tinh thần và hình thể hợp nhất, có thể không phân ly không? Kết tụ tinh khí nhu thuận, có thể như trạng thái vô dục của trẻ sơ sinh không? Thanh trừ tạp niệm thâm nhập quan sát tâm linh, có thể không có tỳ vết không? Minh bạch thông đạt, có thể không dùng đến tâm trí không? Khiến vạn sự vạn vật sinh trưởng phát triển, sinh ra vạn vật, nuôi dưỡng vạn vật mà không chiếm hữu, đứng đầu vạn vật mà không làm chủ, đó gọi là đức huyền diệu”.
Như vậy đối với những người hướng Đạo, làm thế nào để phản bổn quy chân? Lão Tử đã cho đáp án là: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên” (Sách Lão Tử, chương 25).
Làm người cần phải hướng thiện
Lão Tử cho rằng: “Người chí thiện thì giống như nước, nước giỏi làm lợi cho vạn vật mà không tranh với vạn vật, ở nơi mà mọi người đều không thích, do đó tiếp cận gần nhất với Đạo. Người chí thiện, cư xử chí thiện ở chỗ giỏi lựa chọn, lòng giỏi bảo trì tĩnh lặng mà sâu không thể dò, đối nhân xử thế giỏi ở chân thành, hữu ái và vô tư, lời nói giỏi ở giữ chữ tín, quản lý giỏi ở xử lý tinh tế đơn giản, quản lý tốt quốc gia, xử sự giỏi ở phát huy sở trường, hành động giỏi ở nắm bắt thời cơ. Người chí thiện do có mỹ đức không tranh giành nên không có lỗi lầm, cũng không có oán hận” (Sách Lão Tử, chương 8).
Cần phải trừ bỏ hết các chủng vọng niệm, dục vọng và tâm chấp trước (‘chấp trước’ nghĩa là bám giữ chặt), làm được đến vô vi và thanh tịnh. Lão Tử cho rằng: “Màu sắc rực rỡ khiến con người hoa mắt rối loạn. Âm thanh hỗn tạp khiến con người ù tai điếc tai. Món ăn ngon khiến con người không còn biết đến mùi vị. Mặc sức săn bắn khiến con người tâm tính phóng đãng phát cuồng. Đồ vật hiếm quý khiến con người có hành vi bất chính. Vì vậy, Thánh nhân chỉ cần ăn no bụng mà không truy cầu giải trí hay sự vui vẻ của thanh sắc, cho nên gạt bỏ sự mê hoặc của ham dục vật chất mà giữ được phương thức sống yên định biết đủ” (Sách Lão Tử, chương 12).
Lão Tử cho rằng người có Đạo sẽ không thuộc loại người: “Người tự khoe kiến thức bản thân thì trái lại không được hiển dương. Người tự cho mình là đúng thì trái lại không được vinh hiển. Người tự khoe khoang thì không thể lập được công lao. Người tự cao tự đại thì không thể đứng đầu mọi người” (Sách Lão Tử, chương 24).
Người tu Đạo là người như thế nào? Lão Tử viết: “Người có thể nhận thức, hiểu được chính mình mới là thông minh. Người có thể chiến thắng kẻ khác là người có sức lực. Người có thể khắc chế được nhược điểm của bản thân mới là người mạnh mẽ cứng cáp. Người biết hài lòng, tri túc mới là người giàu có. Người kiên trì dốc sức thực hành, nỗ lực không mệt mỏi chính là người có chí. Người không xa rời bổn phận mới có thể giữ được lâu dài không suy bại. Người mà thân tuy chết mà Đạo vẫn tồn tại mới là người trường thọ chân chính” (Sách Lão Tử, chương 33).
Bởi vì “thanh tĩnh mới có thể thống trị thiên hạ” (chương 45), người tu Đạo chân chính cần phải vứt bỏ hết thảy những tạp niệm và dục vọng chốn nhân gian.
Làm người cần phải trọng đức
Thế nào là đạo đức chân chính? Lão Tử cho rằng: “Người có đức bậc cao không biểu hiện ra ngoài là có đức, bởi vì thực tế đã có đức rồi. Người có đức bậc thấp biểu hiện ra bên ngoài không xa rời, không mất đức, bởi vì thực tế là chưa có đức. Người có đức bậc cao là thuận theo tự nhiên mà vô tâm làm. Người có đức bậc thấp là thuận theo tự nhiên mà hữu tâm làm” (Sách Lão Tử, chương 38).
Tu Đạo còn cần kiên trì tín niệm. Lão Tử nói: “Người làm việc trái Đạo trái đức thì cũng đồng hóa với vô Đạo vô đức. Người đồng hóa với Đạo thì Đạo cũng vui vì có được họ. Người đồng hóa với đức thì đức cũng vui vì có được họ. Người đồng hóa với vô Đạo vô đức thì vô Đạo vô đức cũng vui vì có được họ. Người chưa đủ thành tín thì sẽ có người không tín nhiệm họ” (Sách Lão Tử, chương 23).
Lão Tử cho rằng người tu Đạo chân chính cổ đại là: “Người giỏi thực hành Đạo cổ đại thì vi diệu thông đạt, sâu sắc huyền diệu xa xôi, người thường không thể hiểu được. Chính vì người thường không hiểu được họ nên chỉ có thể miễn cưỡng hình dung họ rằng: Họ cẩn thận như mùa đông lội nước qua sông. Họ cảnh giác như phòng bị các nước láng giềng xung quanh chuẩn bị tấn công. Họ cung kính thận trong như làm khách đến dự đại tiệc. Họ hành động siêu thoát như tảng băng đang dần dần tan. Họ thuần khiết chất phác đôn hậu như nguyên liệu thô chưa qua chế biến. Họ rộng lớn khoáng đạt như thung lũng chốn thâm sâu. Họ hồn hậu khoan dung như con nước đục. Ai có thể khiến nước đục tĩnh lại từ từ trong? Ai có thể khiến yên tĩnh biến động, dần dần hiển hiện sức sống? Người giữ Đạo sẽ không tự mãn. Chính vì họ không bao giờ tự mãn nên họ có thể bỏ đi cái cũ thay bằng cái mới, không ngừng đổi mới” (Sách Lão Tử, chương 15).
Muốn trở về với bản tính nguyên sơ, con người cần phải đạt đến độ: “Hết sức khiến tâm trống không tịch mịch đến cực điểm, khiến cuộc sống thanh tĩnh và kiên trì giữ bất biến, trở về với cội nguồn của sinh mệnh”. Lão Tử cho rằng: “Thanh tĩnh gọi là trở về với sinh mệnh. Trở về với sinh mệnh thì gọi là tự nhiên, nhận thức được quy luật tự nhiên thì gọi là thông minh, hành vi khinh suất cuồng vọng không nhận thức được quy luật tự nhiên thường sẽ xuất hiện loạn lạc và tai họa. Người nhận thức được quy luật tự nhiên thì bao dung tất cả, bao dung tất cả thì sẽ thẳng thắn công chính, công chính thì có thể chu toàn, chu toàn mới có thể phù hợp với Đạo của tự nhiên, phù hợp với Đạo của tự nhiên thì mới có thể trường cửu, cả đời sẽ không bị nguy hiểm” (Sách Lão Tử, chương 16).
Cho dù là người không tu Đạo, đọc Lão Tử cũng sẽ minh bạch ra đạo lý làm người. Mà khác biệt giữa người tu luyện và người không tu luyện là ở chỗ: người tu luyện không truy cầu hết thảy phồn hoa chốn nhân gian, không chấp trước những gì là thông minh, nhẫn nại chốn thế gian, mà họ truy cầu phản bổn quy chân. Điều này nói rõ rằng, đắc được Chân Đạo thì thật đáng quý biết nhường nào.
Theo Lão Tử, người tu Đạo chân chính vì vứt bỏ hết vinh hoa phú quý thế tục, dưỡng thân tu tính, mà không ở trong loạn thế hiểm ác, không chịu điên đảo trắc trở. Đạo của Lão Tử uyên bác thâm sâu, có nguồn gốc sâu xa lâu đời, đó là càn khôn đã định. Do đó người tu Đạo sau này cũng tôn Lão Tử làm tông sư.
Thánh nhân có Đạo
Trong cuốn Lão Tử nhiều lần xuất hiện từ “Thánh nhân”. Vậy Thánh nhân là ai? “Thánh nhân là người hợp với Đạo, họ là công cụ để người trong thiên hạ nhận thức Thượng Thiên” (Sách Lão Tử, chương 22).
Hành vi của Thánh nhân là tấm gương của người tu Đạo. Thánh nhân “vứt bỏ hết những truy cầu, xa xỉ, kiêu ngạo, phóng túng” (chương 29). “Thánh nhân không có tâm bất biến, họ lấy tâm của bách tính làm tâm của mình. Người tốt với họ thì họ đối xử tốt với người đó, người đối xử không tốt với họ, họ vẫn đối xử tốt với người đó, đó là đức Thiện. Người thành tín với họ thì họ thành tín với người đó, người không thành tín với họ thì họ vẫn thành tín với người đó, đó là đức Tín. Thánh nhân ở trong thiên hạ, im hơi lặng tiếng vì thiên hạ mà hồ đồ, còn bách tính thì thông minh sắc sảo, Thánh nhân như người mẹ hiền từ trông coi đàn con” (Sách Lão Tử, chương 49).
Lão Tử mượn việc miêu tả hành vi của Thánh nhân đã nói cho mọi người hết sức rõ ràng nên làm người như thế nào, làm thế nào phản bổn quy chân. Quả thực là đã nhọc lòng dụng tâm.
Đạo với đời và quản lý quốc gia
Lão Tử bảo cho mọi người biết phép tắc của trời đất không bị thay đổi bởi ý chí con người, vạn vật sinh tử đều phải thuận theo tự nhiên, vì vậy con người sống trong thế gian cũng phải thuận theo tự nhiên.
Lão Tử cũng chỉ ra rằng: “Họa là nơi phúc dựa, phúc là nơi họa ẩn”, ý nghĩa là, họa là tiền đề tạo ra phúc, mà phúc cũng hàm chứa nhân tố có họa. Cũng chính là nói rằng, việc tốt và việc xấu là có thể chuyển hóa lẫn nhau, trong một điều kiện nhất định, phúc sẽ biến thành họa, họa cũng có thể biến thành phúc.
Chủ trương chính trị cơ bản của Đạo gia là vô vi nhi trị, “làm việc vô vi, giáo hóa vô ngôn”, tức là quản lý quốc gia hết thảy cần thuận theo tự nhiên, đối với bách tính cần lựa chọn chính sách không can thiệp và ít can thiệp, lấy vô vi làm biện pháp đạt được mục đích vô bất vi.
(Còn tiếp)
Theo Secretchina
Kiến Thiện biên dịch