Theo truyền thống của Triều Tiên (bao gồm Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc hiện thời trước khi bị chia cắt sau Thế chiến II), Đàn Quân Vương Kiệm là ông tổ khai quốc của Cổ Triều Tiên, nhà nước đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử Triều Tiên. Nhà nước này chiếm lĩnh khu vực phía Bắc của bán đảo Triều Tiên và một bộ phận của miền Đông Bắc Trung Quốc (cụ thể là hai tỉnh Liêu Ninh và Cát Lâm).
Bằng chứng của quãng thời gian định cư này đã được củng cố bởi các hiện vật có liên hệ với nền văn hóa Cổ Triều Tiên, ví như các con dao găm bằng đồng hình đàn mandolin và các khu mộ đá được tìm thấy trong những khu vực này.
Di chỉ mộ đá ở Ganghwado, Hàn Quốc. (Ảnh: Wikipedia)
Giống như rất nhiều các nhân vật cổ đại khác, các tư liệu khảo cổ không nói nhiều về Đàn Quân. Do đó, chúng ta sẽ phải dựa vào các tư liệu ghi chép và truyền thuyết để tìm hiểu về nhân vật nổi tiếng này.
Huyền thoại về ông tổ khai quốc Đàn Quân
Các phiên bản ghi chép sớm nhất về huyền thoại Đàn Quân có thể được tìm thấy trong Samguk Yusa (‘Những sự việc đáng ghi nhớ của ba vương quốc’) và Jewang Ungi (‘Biên niên sử nhịp điệu của các quốc vương’). Cả hai tư liệu ghi chép này đã được hoàn thiện vào cuối thế kỷ 13 TCN. Truyền thuyết về Đàn Quân bắt đầu với phần giới thiệu về ông nội ông, Hoàn Nhân, và cha ông, Hoàn Hùng. Hoàn Nhân là Thiên Đế cai quản Thiên Đình, trong khi Hoàn Hùng là một trong ba người con trai thứ của ông.
Bản thảo cuốn ‘Những sự việc đáng ghi nhớ của ba vương quốc’ trưng bày tại Viện Nghiên cứu Hàn Quốc học Kyujanggak trực thuộc trường Đại học Quốc gia Seoul. (Ảnh: Wikimedia)
Một ngày nọ, Hoàn Hùng xin cha gửi ông xuống hạ giới để ông cai quản lãnh thổ của mình. Theo một cách diễn giải phần này của câu chuyện, thì vì là một người con trai thứ của Thiên Đế, Hoàn Hùng không có hy vọng kế nghiệp cha ông. Do đó, để tự mình trở thành một người cai quản, và để tránh mâu thuẫn với những người anh trai của mình, Hoàn Hùng đã quyết định đi đâu đó để tìm kiếm vương quốc riêng cho mình.
Lời thỉnh cầu này đã được cha ông, Thiên Đế Hoàn Nhân chấp thuận. Thiên Đế đã khảo sát vùng hạ giới, và xác định rằng Ngọn núi Taebaek-san (Núi trắng hùng vĩ), nằm ở khu vực hiện nay là Hàn Quốc (Nam Triều Tiên), là địa điểm lý tưởng nhất cho chuyến hành trình của con trai mình. Trong một số phiên bản khác của câu chuyện, núi Trường Bạch (cũng được gọi là núi Bạch Đầu, hay núi Paektu), nằm ở khu vực hiện là biên giới giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, là nơi đã được Hoàn Nhân chọn lựa.
Bản đồ “Vương quốc Cổ Triều Tiên” in trên tờ Thời báo Hàn Quốc vào năm 2011. (Ảnh: san-shin)
Thiết lập một chính phủ
Hoàn Hùng sau đó đã hạ xuống Thần Đàn Thụ (cây cổ thụ đàn hương thần thánh) trên đỉnh núi Thái Bạch (Taebaek-san). Ông đã mang theo 3.000 thủ hạ và ba Thiên Phù Ấn (là gươm, gương với giọt nước bằng đồng), hoặc kho báu theo bên mình. Ngoài ra, ba linh hồn của gió (Phong Bá), mưa (Vũ Sư) và mây (Vân Sư) đã trở thành những triều thần của Hoàn Hùng. Như vậy, một chính phủ đã được thành lập, các đạo luật được ban hành, và nông nghiệp, y dược, cũng như đa dạng các ngành khoa học và nghệ thuật, đã được giảng dạy cho dân chúng. Nhìn chung, Hoàn Hùng đã xây dựng một xã hội văn minh trên đỉnh núi Thái Bạch.
Các đỉnh núi chính của dãy núi Thái Bạch khi quan sát từ Văn Thù Phong (Munsubong), một đỉnh núi khác của dãy núi này. (Ảnh: Wikimedia)
Hổ và gấu
Phần tiếp theo của câu chuyện đề cập đến mẹ của Đàn Quân, và có liên quan đến một con hổ và một con gấu. Hai con động vật này đã đến vương quốc của Hoàn Hùng, và cầu nguyện được trở thành người. Khi Hoàn Hùng nghe thấy lời cầu nguyện của chúng, ông đã quyết định ban cho chúng một cơ hội, nên mỗi con vật đã được đưa một bó ngải cứu và 20 tép tỏi.
Ngài nói với chúng rằng nếu chúng chỉ ở hang động và ăn những thức ăn đó trong vòng 100 ngày thì có thể trở thành con người. Con hổ bỏ cuộc ít lâu sau đó, và rời khỏi hang động, vì đói. Con gấu, trái lại, đã làm theo yêu cầu của Hoàn Hùng, và sau 21 ngày, đã biến thành một người phụ nữ.
Sự ra đời và cai trị của Đàn Quân
Hùng Nữ (người phụ nữ biến ra từ con gấu) rất cảm kích trước ơn huệ của Hoàn Hùng, và bái lạy ông. Tuy nhiên, không lâu sau đó, cô đã trở nên buồn khi nhận ra cô không có một người bạn đồng hành. Cô đã đến chỗ Thần Đàn Thụ trên đỉnh ngọn núi Thái Bạch, và cầu nguyện có một đứa con. Cảm động trước lời cầu nguyện của cô, Hoàn Hùng đã tự biến mình thành một người đàn ông và kết duyên cùng Hùng Nữ. Chín tháng sau, người phụ nữ sinh hạ một cậu con trai, và đặt tên cho cậu là Đàn Quân, có nghĩa là ‘Hoàng tử Đàn tế’ hay ‘cây đàn hương’.
Đàn Quân, vị vua khai quốc của dân tộc Triều Tiên. (Ảnh: Wikipedia)
Người ta cho rằng chính Đàn Quân là người đã thành lập Cổ Triều Tiên, vương quốc đầu tiên của Triều Tiên, vào năm 2333 TCN. Trong một sự tích, kinh đô của vương quốc này là Bình Nhưỡng, vốn cũng là thủ đô của Bắc Triều Tiên ngày nay. Sau đó Đàn Quân đã rời đô đến A Tư Đạt, theo phỏng đoán có lẽ nằm trên núi Guwol-san ở tỉnh Hwanghae. Trong một số sự tích khác, A Tư Đạt là tên gọi của kinh đô gốc của Cổ Triều Tiên. Theo truyền thuyết, ông đã cai trị vương quốc này trong 1.500 năm, trước khi thoái vị và nhường ngôi cho Cơ Tử. Sau đó, ông đã ẩn cư trong lòng núi, và trở thành một vị thần núi ở tuổi 1908.
Một bức tượng Đàn Quân. (Ảnh: San-Shin)
Đàn Quân – vị Thần và nguồn cảm hứng trong võ thuật
Ảnh hưởng của Đàn Quân vẫn còn kéo dài đến ngày nay. Lấy ví dụ, với những ai theo Đạo Shaman ở Hàn Quốc, Đàn Quân được tôn kính như một vị Thần. Một số phong trào thờ cùng Đàn Quân cũng đã được phát động trong lịch sử. Tuy nhiên, hệ thống tín ngưỡng truyền thống này được cho là chỉ được thực hành bởi một quần thể nhỏ người Hàn Quốc.
Có thể thấy một ảnh hưởng khác của nhân vật Đàn Quân trong bộ môn võ thuật nổi tiếng Taekwondo của Hàn Quốc. Bài quyền số hai của Liên đoàn Taekwondo Quốc tế được đặt theo tên của nhân vật huyền thoại này (Đàn Quân quyền), và các bước chuyển động của nó được cho là thể hiện mối liên hệ giữa Đàn Quân, Thiên (trời), và ngọn núi nơi ông hóa bất tử.
Cuối cùng, ngày 3/10 được biết như ‘Ngày lập quốc’, và cũng là một ngày nghỉ lễ ở Hàn Quốc, vì người ta cho rằng đây từng là ngày Cổ Triều Tiên được Đàn Quân thành lập vào năm 2333 TCN.
Tác giả: Wu Mingren, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Xem thêm: