Cuốn sách “Vi lô dạ thoại” (Đêm nói chuyện quanh lò sưởi) thời nhà Thanh có câu “Bách thiện hiếu vi tiên”, tức là trăm cái thiện, hiếu là trước tiên. Điều này phản ánh giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống Trung Hoa. Hiếu đạo là nguyên tố tối căn bản kết cấu nền tàng luân lý xã hội Trung Quốc, trong xã hội từ cổ chí kim, hiếu là tiêu chuẩn căn bản để đo lường hành vi đạo đức của một cá nhân. Vậy thì, người bất hiếu chẳng phải sẽ bị  thiên thần trừng phạt? Chúng ta hãy xem hai câu chuyện dưới đây.

Vào thời nhà Thanh, ở huyện Tân Kiến, tỉnh Giang Tây, có một người phụ nữ họ Cố. Chồng cô họ Hồng, là một phu xe. Hồng phụng dưỡng mẹ già rất hiếu thuận, nhưng mẹ đã già, hai mắt mù lòa. Mỗi khi kiếm được tiền, Hồng lại mua rượu thịt mang về nhà rồi bảo vợ nấu ăn cho mẹ.

Cố vốn dĩ không phải là một người vợ tốt, lại rất tham ăn. Khi chồng đi vắng, Cố thường bắt nạt mẹ chồng, những thực phẩm chồng mua về, cô ta ăn hết phần lớn, còn dư một ít mới cho mẹ chồng ăn. Mẹ chồng lo con trai nổi giận sẽ bạo hành con dâu, nên không dám kể cho cho con trai biết, chỉ thở dài mà thôi. Vì vậy, Hồng không hề biết nội tình. 

Sau đó, Cố sinh được một bé trai, mấy tháng sau, Cố lại càng thèm ăn hơn. Có lần, Hồng mua mì ở chợ về nhà nhờ vợ nấu cho mẹ ăn, trong khi anh vẫn phải lái xe đi làm nơi khác. Cố nấu mì nhưng lại tự mình ăn hết. Khi mẹ chồng xin mì, Cố không chịu nổi, bắt nạt mẹ chồng bị mù không nhìn thấy gì, đã nấu vài con giun đất cho bà ăn. Mẹ chồng nôn ọe sau khi ăn giun đất. Lúc này, đột nhiên có một cơn bão dữ dội, sau một tiếng sấm, Cố biến mất.

Sau cơn mưa, trời trong xanh, Hồng lái xe về nhà. Đi ngang qua một ngọn núi đá, anh nhìn thấy một người phụ nữ khỏa thân, hóa ra là vợ anh, nhưng thi thể của cô vợ từ thắt lưng trở xuống bị chôn vùi trong đá, xung quanh là đá, như thể được đúc vào trong, dùng lực kéo mãi cũng không thể ra được. Khi hỏi nguyên do, thì cô vợ bị cấm khẩu không nói được gì, nhưng vẫn chưa chết. Cô ấy chỉ nhìn mọi người bằng hai con mắt láo liên, như một kẻ ngốc. Bên cạnh tảng đá có 24 ký tự bị sét đánh sâu vào đá, như được khắc vào đó. Dòng chữ trên là: “Chi chôn nửa thân mình để cứu cô nhi, phơi ngực để cho con ăn, mỗi ngày chỉ được ăn một lần để kéo dài sinh mệnh, sau ba năm sẽ bị sét đánh chết.”

Hồng bế con đi cho bé ăn mỗi ngày, mang đồ ăn đến cho Cố, nhưng anh chỉ được cho vợ ăn một bữa mỗi ngày, việc này được thực hiện theo mệnh lệnh của Thần Sấm. Xung quanh có rất nhiều người quan sát, nhưng họ lại không thể đến gần, có thứ gì đó kéo họ ra ngoài, khiến họ ngã xuống. Ba năm sau, Cố bị sét đánh chết, thi thể mới thoát ra ngoài. Toàn thân cô bị đốt cháy thành từng mảnh, giun đất bò ra ăn xác cô. Vết nứt trên đá đã đóng lại như cũ.

Phi Phi Tử nói: Tội bất hiếu có thể bị Thiên đình trừng phạt. Việc bị Thần Sấm giết chết là chuyện thường thấy. Cố thị đáng chết, nhưng vì Hồng đã có con, Hồng quá nghèo không thể cưới vợ khác, cũng vì nghèo mà không có sữa nuôi con, nếu con nhỏ không có sữa, giết Cố tương đương với giết con trai họ, giết con trai họ thì Hồng sẽ tuyệt hậu, đây không phải là kết cục nên có của người con có hiếu như Hồng. Từ đó có thể thấy sự an bài tài tình của Thiên thượng, cũng thấy được sự khổ tâm của Thần Sấm.

Một tô mì. (Shutterstock)

Dưới đây là một ví dụ khác: Có một người phụ nữ họ Lý ở huyện Lan Khê, Chiết Giang, gia đình cực kỳ giàu có. Vào sinh nhật lần thứ 40 của bà, hàng xóm, người thân và bạn bè quây quần bên nhau, tặng cô những món quà sinh nhật xa hoa. Đúng lúc này, mẹ của Lý dáng người gầy gò, mặc quần áo rách rưới, tay phải cầm gậy, tay trái cầm giỏ tre đựng tôm sông đến chúc mừng sinh nhật con và nói: “Cha con không may mất sớm, để lại mẹ một mình nghèo khổ, hôm nay là sinh nhật thứ bốn mươi của con, mẹ suýt nữa quên mất. Mẹ không có thứ gì tặng con, chỉ có mấy con tôm trong giỏ tre, là mẹ bắt được sáng nay từ con sông ngoài làng, thêm một món ăn cho bữa tiệc sinh nhật của con!”

Nhưng cô con gái tức giận quát: “Mẹ già vậy mà chưa chết ư, cha tôi đã chết nhiều năm như vậy, nhưng mẹ đã bị Diêm Vương bỏ quên, giữ lại trần thế làm kẻ ăn xin. Cái mặt tôi hoàn toàn bị sỉ nhục bởi bà mẹ ăn mày này!” Sau đó, cô ta chộp lấy chiếc giỏ tre và ném nó xuống đất, tôm sống nhảy tung tóe khắp sàn nhà. Mẹ cô chỉ im lặng, cúi đầu khóc.

Có người có mặt an ủi bà, có người ngửa mặt lên trời thở dài, có người lặng lẽ rời đi. Thấy tiệc sinh nhật của mình bị gián đoạn, Lý càng tức giận, chửi bới không ngừng.

Mặt trời đã lên cao, bầu trời không một gợn mây. Đột nhiên, từ xa truyền đến một tiếng sấm yếu ớt, trong phút chốc, mây đen đột nhiên kéo đến, mưa to trút xuống, sấm sét ầm ĩ khó có thể không bịt tai. Nhưng người phụ nữ họ Lý vẫn tiếp tục chửi bới, tiếng chửi xen lẫn trong tiếng sấm sét. Đúng lúc này, cô ta bất ngờ ngã nhào về phía trước, cùng với một tiếng sấm lớn, Lý trong bộ quần áo lộng lẫy bị sét đánh chết trong cơn mưa tầm tã. Câu chuyện này đã được tận mắt chứng kiến ​​bởi Hà Thiết Lan, một người bạn của Du Giao, tác giả cuốn “Mộng xưởng tạp trữ” thời nhà Thanh.

Nguồn: “Nhĩ thực lục”, “Mộng xưởng tạp trữ”

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch