Khổng Tử được mệnh danh là người khai sáng Nho giáo, đồng thời là triết gia lỗi lạc bậc nhất của Á Đông. Gần 2500 năm đã trôi qua, nhưng những tư tưởng và triết lý nhân sinh của Khổng Tử vẫn được người đời coi là chân lý.
Tư Mã Thiên đã ca ngợi rằng:
“Trong thiên hạ các vua chúa và người tài giỏi rất nhiều, khi sống thì vinh hiển, nhưng lúc chết là hết. Khổng Tử là một người áo vải thế mà truyền hơn mười đời, các học giả đều tôn làm thầy, từ thiên tử tới vương hầu ở Trung Quốc hễ nói đến lục nghệ đều lấy Khổng Tử làm tiêu chuẩn. Có thể gọi là bậc chí Thánh vậy”.
Khi nhắc đến Khổng Tử, người ta thường hình dung ngay đến hình tượng một bậc Thánh nhân đạo đức cao thượng với những lời dạy nghìn thu còn mãi. Riêng việc dạy người hướng thiện, làm người nhân đức, mỗi người hỏi, mỗi hoàn cảnh Khổng Tử lại có một đáp án khác nhau.
1. Nhan Hồi hỏi Nhân
Nhan Uyên hay còn gọi là Nhan Hồi (521 – 491 TCN) người nước Lỗ thời Xuân Thu, là học trò được Khổng Tử yêu quý nhất trong số 72 học trò đứng đầu. Ngoài ra, Nhan Hồi cũng là người rất được tôn kính trong Nho giáo.
Có một lần Nhan Hồi hỏi Khổng Tử thế nào mới là Nhân (Nhân đức)?
Khổng Tử đáp: “Sửa mình theo lễ là nhân. Ngày nào cũng khắc kỷ phục lễ, ngày đó mọi người trong thiên hạ tự nhiên cảm hoá mà theo về đức nhân. Vậy nhân là do mình, chớ há do người sao?”
Nhan Hồi nghe thầy dạy như vậy lại hỏi: “Xin thầy lại dạy về điều mục của việc thực hành Nhân đức”.
Khổng Tử đáp: “Phàm những thứ không hợp với Lễ không nên nhìn, không hợp với Lễ không nên nghe, không hợp với Lễ không nên nói, không hợp với Lễ không nên làm”.
Nhan Hồi nghe thầy dạy xong liền thưa: “Con tuy ngu muội nhưng cũng sẽ theo lời thầy dạy mà làm”.
2. Trọng Cung hỏi Nhân
Trọng Cung tên thật là Nhiễm Ung, cũng là một trong số 72 học trò đứng đầu được Khổng Tử hết mực yêu quý, có một lần Trọng Cung hỏi Khổng Tử về Nhân, Khổng Tử đáp:
“Ra cửa như thấy khách lớn; sai khiến dân như đảm đương lễ lớn, điều gì mình không muốn chớ đem cho người. Trong nước không có điều oán giận, trong nhà không có điều oán giận”.
Trọng Cung nghe xong cũng lại đáp: “Con tuy dốt nát nhưng cũng sẽ theo lời thầy mà làm”.
3. Tư Mã Ngưu hỏi Nhân
Tư Mã Ngưu vì lời nhiều mà rước họa nên có một lần hỏi Khổng Tử về Nhân, Khổng Tử đáp:
“Người Nhân, nói năng phải thận trọng”.
Tư Mã Ngưu liền hỏi: “Nói lời thận trọng đó được coi là làm điều Nhân rồi sao?”.
Khổng Tử đáp: “Làm được rất khó, lời nói ra có thể không thận trọng sao?”.
Tư Mã Ngưu lại hỏi: “Thế nào là người quân tử?”.
Khổng Tử đáp: “Người quân tử không u sầu, không sợ hãi”.
Tư Mã Ngưu: “Không u sầu, không sợ hãi như vậy là được xem là quân tử hay sao?”.
Khổng Tử đáp: “Tự hỏi bản thân không có điều hổ thẹn, vậy thì còn điều gì đáng xấu hổ và sợ hãi?”.
***
Cùng một câu hỏi, một vấn đề nhưng Khổng Tử lại tuỳ cơ ứng biến, với mỗi người khác nhau Khổng Tử lại có một cách lý giải, cách nhìn nhận khác nhau. Đây cũng là cảnh giới của bậc Thánh nhân, bậc trí giả. Một người ở tầng thứ cao, đối với mọi việc trên đời, liếc mắt một cái là có thể tỏ tường chân tướng, tất cả đều rất giản đơn.
Lão Tử, Khổng Tử, Ngụy Cốc Tử, Đông Phương Sóc là những bậc trí giả được người đời xem là đa học đa tài, kỳ thực tất cả cũng đều nhờ vào bốn chữ: “Tu tâm dưỡng tính”. Đứng từ góc độ của Phật gia mà nói, đây cũng chính là vấn đề tầng thứ, một người mà càng tu tâm dưỡng tính, thủ đức hướng thiện, thanh tâm quả dục thì tầng thứ càng cao, nhìn thế gian vạn vật lại càng đơn giản.
Theo soundofhope.org
Minh Vũ biên dịch