Hình tượng Trương Phi mà mọi người đều rất quen thuộc chủ yếu đến từ những miêu tả của các nhà nghệ thuật và các câu chuyện truyền miệng trong dân gian. Đặc biệt trong các vở kịch, một Trương Phi “mặt đen”, tính nóng như lửa có lẽ chỉ là tưởng tượng của các nhà nghệ thuật. Kỳ thực Trương Phi chân thực trong lịch sử lại là người giỏi thư pháp, khéo vẽ tranh, là một “nho tướng” chứ không chỉ là một viên mãnh tướng chỉ biết chém giết.

Tục ngữ nói: “Sông quê mình đẹp nhất, người quê mình tốt nhất” và “Hoa người nào vừa mắt người đó”. Trong lịch sử, Trương Phi là người quận Trác (Trác Châu, Hà Bắc ngày nay) là đồng hương với Lưu Bị. Quan hệ giữa nhà Trương Phi và cha con Lưu Bị luôn vô cùng thân mật. Con trai cả của Trương Phi là Trương Bao chết sớm, con trai thứ là Trương Thiệu làm quan đến chức Thị trung, sau này theo Hậu chủ Lưu Thiện đầu hàng nước Ngụy, được phong làm Liệt hầu. Hai con gái của Trương Phi đều gả cho con trai Lưu Thiện.

Tạo hình Trương Phi trong phim. (Ảnh: youtube.com)

Bí ẩn dung mạo Trương Phi

Sự dũng mãnh của Quan Vũ và Trương Phi đã được ghi chép rất nhiều trong sử sách. Bản lĩnh của Trương Phi đã được tất cả các nhà sử học công nhận nhưng dung mạo của ông thì vẫn là một bí ẩn. Trong “Tam Quốc chí” của Trần Thọ có miêu tả Lưu Bị “tai to rủ đến vai, hai tay dài quá gối”, tả Quan Vũ là “ông râu đẹp” nhưng riêng tướng mạo Trương Phi thì không hề đả động. Trương Phi trong các vở kịch “mặt đen thét như sấm” có thể hoàn toàn là sự tưởng tượng của các nhà nghệ thuật.

Theo báo “Khoa học kỹ thuật Bắc Kinh” đưa tin, năm 2004, trên núi Trại Trương Phi ở Giản Dương, Tứ Xuyên đã phát hiện ra bức tượng Trương Phi bằng đá. Dung mạo bức tượng đá này và hình tượng Trương Phi trong lòng mọi người hiện nay quả là khác biệt hoàn toàn. Bức tượng đá này cao khoảng 4, 5 mét, rộng gần 3 mét, chỉ có phần đầu, không có thân thể và tứ chi. Điều kỳ lạ là “Trương Phi” này mặt mũi hiền từ thiện lương, tai dài môi dày, trên mặt không có sợi râu nào. Sở nghiên cứu văn vật khảo cổ tỉnh Tứ Xuyên đã tiến hành đo đạc và giám định bức tượng, xác định rằng nó được chế tác vào thời Đường.

Các chuyên gia khảo cổ chưa kết luận rằng bức tượng này có phải miêu tả diện mạo thực của Trương Phi không. Nhưng theo một truyền thuyết lâu đời ở địa phương, những người thợ đời Đường đã dựng bức tượng này ở chỗ Trương Phi đóng doanh trại. Năm xưa, ở nơi đây, Trương Phi, một trong “Ngũ hổ thượng tướng” một mình thét gẫy cầu Đương Dương, khiến hàng vạn quân địch khiếp sợ. Việc phát hiện ra bức tượng này khiến người ta không thể không xem xét lại diện mạo chân thực của Trương Phi trong lịch sử. 

Trương phi giỏi thư pháp khéo vẽ tranh

Rốt cuộc Trương Phi có phải là mỹ nam không thì chưa ai dám khẳng định. Nhưng chí ít thì lịch sử có ghi chép rằng Trương Phi giỏi làm thơ, vẽ tranh, còn là một nhà thư pháp nữa. Đó hoàn toàn là một Nho tướng văn võ song toàn.

Ghi chép về thư pháp của Trương Phi xuất hiện sớm nhất trong sách “Đao kiếm lục” của Đào Hoằng Ảnh đời Nam Bắc triều. Trong sách miêu tả, Trương Phi được tấn phong làm Tân Đình hầu, đích thân viết bài minh “Đao kiếm minh văn”. Trong “Đan diên tổng lục” đời Minh cũng có ghi chép: “Phù Lăng có bài minh văn điêu đấu của Trương Phi. Chữ rất đẹp ngay ngắn, là do chính Trương Phi viết”.

Nhà văn sử học đời Minh là Tào Học Thuyên đã viết trong quyển thứ 28 sách “Thục trung danh thắng ký” rằng, huyện Cừ, phủ Thuận Khánh có núi Bát Sơn, dưới núi có một tảng đá, có đề danh rằng: “Tướng nhà Hán Trương Phi dẫn một vạn tinh binh đại phá Trương Vu Bát cầm đầu lũ giặc, dừng ngựa dựng đá kỷ niệm”. Huyện Cừ chính là huyện Nhan Cừ, phía đông bắc huyện thành 7 dặm có núi Bát Sơn.

Đời Thanh, Triệu Nhất Thanh viết trong “Cảo bản Tam Quốc chí chú bổ”, có bổ chú về truyện Trương Phi, dẫn nguồn “Phương dư kỷ yếu” rằng: “Dưới chân núi Bát Sơn có dựng tảng đá có viết: ‘Tướng nhà Hán Trương Phi dẫn một vạn tinh binh đại phá Trương Vu Bát cầm đầu lũ giặc, dừng ngựa dựng đá kỷ niệm. Đây là do Trương Phi đích thân viết’”.

Năm 1961 sách “Tiểu sử và những mẩu chuyện về các nhà thư pháp chữ khải thư nổi tiếng” do Liễu Phổ Khánh biên soạn có viết rằng: “Các nhà thư pháp Trung Quốc không hạn chế ở văn nhân, trong các võ tướng cũng có rất nhiều, như Trương Phi, Nhạc Phi… Trong các tướng lĩnh văn võ song toàn cũng có rất nhiều thư pháp gia như Nhan Chân Khanh, Phạm Trọng Yêm…”

Những tư liệu này cũng đã có thể chứng minh Trương Phi không những biết viết chữ mà còn có thư pháp vô cùng đẹp.

Ghi chép sớm nhất về Trương Phi vẽ tranh là ở sách “Họa tủy nguyên thuyên” của Trác Nhĩ Xương đời Minh biên soạn, trong đó có viết: “Trương Phi… thích vẽ tranh mỹ nhân, giỏi thư pháp thể chữ thảo”

Sách “Lịch sử họa trưng lục” có chép: “Trương Phi người Trác Châu, giỏi vẽ tranh mỹ nhân”.

Theo ghi chép thì Trương Phi không chỉ là một danh tướng mà còn có tài thư họa. (Ảnh: wikipedia.org)

Trương Phi thêu hoa, trong thô lỗ có tinh tế

Về võ nghệ Trương Phi có những thành tựu hơn người, ắt cũng chẳng thể là kẻ lỗ mãng hữu dũng vô mưu, không nhẫn được bực tức. Trong “Tam Quốc chí” và một số tư liệu chính sử có miêu tả Trương Phi: “Việc nhỏ thô lỗ, trong thô lỗ có tinh tế, việc lớn có mưu, mưu lược hơn người”. Trái ngược với Quan Vũ coi thường thư sinh nho sỹ, Trương Phi lại thích thân cận với các văn nhân nhã sĩ. “Tam Quốc chí” của Trần Thọ viết: “Quan Vũ thiện đãi binh sĩ nhưng lại kiêu ngạo với các sĩ đại phu, Trương Phi yêu thích kính trọng người quân tử và ghét tiểu nhân”.

Trong dân gian có câu tục ngữ “Trương Phi thêu hoa, trong thô lỗ có tinh tế”. Nguồn gốc câu tục ngữ này là từ một câu chuyện sau:

Năm đó quân Thục chuẩn bị tấn công Ba Quận, Khổng Minh dẫn 1 vạn 5 nghìn quân cùng với Trương Phi xuất binh. Khổng Minh xưa nay thần thái tự tại, lúc này lại lộ dáng vẻ lo nghĩ. Thì ra khu vực Tây Châu rất nhiều hào kiệt, các chiến tướng nhiều như mây trời, Khổng Minh sợ Trương Phi cậy sức dũng mãnh mà khinh địch, sẽ hỏng mất đại sự. Thái thú Ba Quận là Nghiêm Nhan tuy tuổi tác đã cao nhưng cung pháp, đao pháp đều rất cao siêu, hiện giờ chỉ có Trương Phi mới đủ sức ứng phó, đành phải để Trương Phi dẫn quân đi ứng chiến. 

Thế này thì phải làm sao cho tốt đây? Khổng Minh suy đi tính lại, cuối cùng nghĩ ra một cách. Hôm đó, Khổng Minh lấy một cây kim thêu và chỉ thêu giao cho Trương Phi và nói: “Trương tướng quân, tấn công Ba Quận là trận rất khó đánh, vậy nên trước tiên cần thư giãn một chút, thêu một bông hoa đi”. Trương Phi trong lòng buồn bực, nhưng thứ nhất không dám trái lệnh quân sư, thứ hai cũng rất muốn biết ẩn ý của Khổng Minh ra sao, bèn làm theo lời quân sư.

Trên đường hành quân đến Ba Quận, Khổng Minh thấy Trương Phi mắng chửi binh sĩ, tâm trạng nóng nảy, liền đến chỗ Trương Phi yêu cầu ông thêu hoa. “Mãnh tướng Trương Phi” này quen cầm xà mâu, luận về đao thương thì đương nhiên là có nghề, nhưng với chiếc kim thêu nhỏ tí này thì không có cách nào điều khiển như ý được. Trương Phi chau mày, tuy trong lòng cực kỳ không vừa ý nhưng vì thể diện đã nhận lời nên không thể không làm, đành phải tiếp tục thêu tiếp từng mũi kim. Cứ như thế tiếp diễn, Trương Phi chưa thêu xong bông hoa thì đã tính toán vận dụng sách lược khéo léo, đánh bại được Nghiêm Nhan, hoàn thành nhiệm vụ của quân sư giao cho.

Sau đó Trương Phi mới hỏi Khổng Minh về việc thêu hoa, Khổng Minh liền nói: “Trương tướng quân đao thương thân thủ xuất sắc, châm pháp kim thêu cũng hơn người, mưu trí đánh bại Nghiêm Nhan, chiếm được Ba Quận, quả là trong thô lỗ có tinh tế, văn võ song toàn”.

Những lời này chỉ khiến Trương Phi mù mịt như trong sương mù, chẳng hiểu mô tê gì. Thì ra Khổng Minh chỉ mượn việc thêu hoa để giúp Trương Phi tĩnh tâm lại. Tâm có thể tĩnh lại thì suy nghĩ mới chu đáo cẩn mật, tự nhiên có thể nghĩ ra phương pháp tốt ứng chiến. Thêu hoa chỉ là thủ đoạn, khiến Trương Phi tĩnh tâm, cẩn thận tỉ mỉ tính toán mới là mục đích.

Bài từ “Lâm giang Tiên” mở đầu “Tam quốc diễn nghĩa” rằng:

Sông dài cuồn cuộn ra khơi,
Anh hùng: sóng dập, cát vùi thiên thu.
Dở hay, thành bại nào đâu?
Bể dâu chớp mắt, ngoảnh đầu thành mơ!

Non xanh còn đó trơ trơ,
Tà dương lần lửa sưởi hơ ánh hồng.
Lão tiều gặp lại ngư ông,
Bên sông gió mát, trăng trong, giữa trời.

Rượu vò lại rót khuyên mời,
Cùng nhau lại kể chuyện thời xa xưa.
Kể ra biết mấy cho vừa?
Nói cười hỉ hả, say sưa quên đời.

Rất nhiều chiến công sự nghiệp vĩ đại trong dòng sông dài của lịch sử thì chỉ như nháy mắt, chớp mắt là đã trôi qua. Biết bao nhiêu chân tướng các sự tình trong lịch sử, cũng bị vùi dập vô tình mà biến mất trong tuế nguyệt. Thực sự để tiếng thơm muôn đời chỉ có nội hàm tinh thần mãi mãi không thể xóa nhòa vậy. 

Theo Soundofhope
Nam Phương biên dịch