“Người đời ai cũng mong tìm hạnh phúc, nhưng hạnh phúc cũng có thứ chân thật, thứ giả dối, thứ trường cửu, thứ tạm thời. Phần đông người ta đều bị mê hoặc, bị lôi cuốn bởi thứ hạnh phúc giả tạm, giống như đoá hồng nhỏ này, vừa nở ra trông rất đẹp, nhưng cái đẹp ấy không tồn tại vĩnh viễn”.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
Đức Phật Thích Ca có 10 đại đệ tử, trong đó Tôn giả Tu Bồ Đề được mệnh danh là “Giải Không đệ nhất”, là người có kiến giải sâu sắc nhất về tính Không. Kinh Phật chép lại câu chuyện Đức Phật kể cho Tôn giả Tu Bồ Đề nghe về một tiền kiếp của Ngài như sau:
“Này Tu Bồ Đề! Trong tiền kiếp, có lần ta là một người tu hành ẩn thân nơi rừng núi. Một ngày, ta đang tĩnh tọa dưới gốc cây đại thụ, nhắm mắt để quán chiếu về vũ trụ huyền bí và khởi nguồn của nhân sinh, bỗng nhiên có tiếng nói cười nổi lên ở phía trước. Ta mở mắt thì thấy một đám giai nhân sắc nước hương trời đang đứng trước mặt. Nhìn cách phục sức và trang điểm sang trọng, ta đồ rằng nếu họ không phải là tiên nữ từ thượng giới giáng hạ xuống, thì cũng là phi tần chốn hoàng cung. Họ nắm tay nhau, cùng tiến tới trước mặt ta, vui vẻ hỏi:
– Ông thầy tu ơi! Đây là chốn núi sâu rừng rậm, tại sao ông ngồi một mình vậy! Ông không sợ cọp, beo, chó sói ăn thịt sao?
Ta vẫn ngồi ngay thẳng trả lời:
– Thưa các vị nữ sĩ tôn quý! Đúng vậy. Tôi ở đây tu hành chỉ có một mình, vì người tu hành không nhất thiết phải có nhiều bạn bè. Hơn nữa, người có tâm từ bi thì sẽ không bị muông thú quấy nhiễu. Còn ở chốn thành đô hoa lệ thì những thứ như tiền bạc, sắc đẹp và quyền uy… có khác gì cọp, beo, chó sói nơi rừng núi đâu!
Nghe ta nói xong mấy lời này thì đám giai nhân kia đã thay đổi thái độ, họ không kiêu kỳ nữa mà tỏ ra cung kính đối với ta. Họ ân cần xin ta chỉ dạy. Ta bèn chỉ một bụi hoa hồng nhỏ ở bên cạnh, nói tiếp:
– Thưa quý vị! Người đời ai cũng mong tìm hạnh phúc, nhưng hạnh phúc cũng có thứ chân thật, thứ giả dối, thứ trường cửu, thứ tạm thời. Phần đông người ta đều bị mê hoặc, bị lôi cuốn bởi thứ hạnh phúc giả tạm, giống như bông hồng nhỏ này, vừa nở ra trông rất đẹp, nhưng cái đẹp ấy không tồn tại vĩnh viễn. Tuổi trẻ, sắc đẹp, sức khỏe… đều không trường tồn để chúng ta dựa vào mãi được.
Con người đáng quý ở chỗ biết sống đúng đạo lý, làm điều hữu ích cho đời, tu dưỡng những giá trị vĩnh hằng…
Ta vừa nói đến đây thì một người mặc trang phục vương giả, tay cầm bảo kiếm, từ xa chạy tới trước mặt ta quát lớn:
– Ngươi là ai, sao dám cả gan đùa giỡn với cung phi của ta?
Thấy người ấy chạy đến với thái độ cực kì hung hãn, ta từ tốn nói:
– Thưa đại vương! Xin ngài cho biết quý danh và xin đừng nhục mạ người như vậy.
Nhưng người này càng to tiếng hơn:
– Ngươi nằm mộng giữa ban ngày chăng? Ta là vua Ca Lị oai danh khắp bốn phương, ai mà không biết! Không ngờ ngươi dám dụ dỗ cung phi của ta!
– Thưa đại vương! Xin ngài đừng nói như vậy. Tôi là kẻ tu hành, giữ hạnh nhẫn nhục, cho nên không dám có lời chống đối ngài, nhưng khẩu nghiệp ngài vừa tạo ra chắc chắn sẽ đem lại cho ngài một tương lai không tốt đẹp.
– Ngươi tu hạnh nhẫn nhục ư? Vậy ta thử cắt thân thể ngươi ra từng mảnh, xem ngươi có còn nhẫn nhục được hay không!
Này Tu Bồ Đề! Vua Ca Lị nói như thế xong liền dùng bảo kiếm lần lượt móc mắt, cắt tai, cắt mũi, chặt hai tay rồi hai chân ta. Vì hạnh nguyện độ sinh, vì ban bố lòng từ bi cho chúng sinh mà ta không hề khởi lên một niệm sân hận. Với chính niệm vô ngã độ sinh, ta dần dần tích tụ phước huệ để viên mãn quả vị giác ngộ. Này Tu Bồ Đề! Sự hung bạo không thể thắng được nhân văn, chỉ có người tu hạnh nhẫn nhục mới đắc được sự thăng hoa tột đỉnh mà thôi”.
Lời bình
Đức Phật nói: “Ở chốn thành đô hoa lệ thì những thứ như tiền bạc, sắc đẹp và quyền uy… có khác gì cọp, beo, chó sói nơi rừng núi đâu!”.
Vì sao vậy?
So với thời gian trôi đi trong Vạn kiếp Luân hồi, những thứ vật chất đắc được ở đời người chỉ lướt qua trong chớp mắt – còn ngắn ngủi hơn cả kiếp sống của họ. Chúng chỉ là những giá trị giả tạm, khi sinh không theo đến, lúc chết chẳng mang đi. Cuộc đời ngắn ngủi như vậy mà con người lại lao tâm khổ tứ vì danh lợi, bị cuốn theo sự cám dỗ của sắc đẹp và ái tình, thì còn đâu thời gian và tâm trí để tu thân, tích đức, hội tụ những giá trị sinh thì theo đến, chết thời mang đi? Nếu theo đuổi tiền bạc, sắc đẹp và quyền uy… tới một ngày, sinh mệnh đã cạn kiệt như ngọn đèn leo lét, người ta mới nhận ra mình đến kiếp người với hai bàn tay trắng, mà ra đi cũng hoàn trắng tay… Vậy chẳng phải những giá trị giả tạm kia đã chiếm mất cơ hội sống thực sự của con người? Sinh cảnh nơi phồn hoa đô hội như vậy, chẳng phải còn nguy hiểm hơn đối mặt cọp, beo, chó sói… nơi rừng núi? Trong Vạn kiếp Luân hồi, đắc được thân người nào có dễ chi?
Lại nữa, để giành được bạc tiền và quyền uy, thoả mãn tâm sắc dục… con người sẽ phải làm những điều xấu như mưu mô, tranh đấu, hại người… Như vậy, không những chẳng làm được điều gì để tu dưỡng thân tâm, họ còn tạo thêm nghiệp chướng và sẽ rời khỏi kiếp người với căn cơ thấp hơn khi được sinh ra. Cứ như vậy thì sẽ phải trầm luân mãi mãi trong bể khổ Luân hồi sinh tử…
Ấy thế mà, con người lại coi “tiền bạc, sắc đẹp và quyền uy” ấy là hạnh phúc, là mục tiêu để theo đuổi. Chẳng dại khờ lắm ư?
Đức Phật khai thị: “Đời người đáng quý ở chỗ biết sống đúng đạo lý”. Trong lịch sử từ xưa đến nay, biết bao nhiêu bậc Giác Giả đã giáng hạ thế gian, dạy bảo cho con người cư xử theo đạo lý. Trời có Đạo của Trời, người có Đạo làm người. Hành xử phù hợp với đạo lý của cảnh giới nào, thì sẽ trở thành sinh mệnh của cảnh giới ấy. Nếu một người có thể buông bỏ dục vọng, trở thành người tốt và tốt hơn nữa, đạo đức không ngừng thăng hoa, thì nhất định sẽ đi đến cảnh giới tốt lành – đây mới là hạnh phúc bền lâu chân chính mà con người cần theo đuổi.
“Trải muôn vạn kiếp nơi thế gian đến lại đi
Đời người vì điều chi mà lao tứ?
Quyền, danh, lợi, sắc nơi thế gian khó bền lâu
Hồng trần thịnh hay suy định bởi Trời.
Quê hương thật ta vốn trên trời cao
Bao tranh đua thắng thua như phù vân
Nhiều thị phi là ân oán từ bao kiếp
Hãy mau tỉnh mộng đắc Pháp, ta hồi hương!”
Thanh Ngọc
(Tham khảo: “Mười đệ tử lớn của Phật” – Tinh Vân pháp sư)