Tâm ích kỷ vị tư là không chỉ làm người ta trở nên nhỏ nhen, mà còn khiến họ mất đi sự sáng suốt, không phân biệt phải trái đúng sai mà đẩy mình rơi xuống vực thẳm. Dưới đây là hai câu chuyện như thế:

Tự tư tự lợi gặp khổ báo

Thời Đức Phật còn tại thế có một tỳ kheo ni tên là Vi Bà Đa. Tuy bà đã xuất gia, thọ trì đủ giới luật, nhưng vẫn luôn coi nhẹ các quy tắc của Phật môn.

Trong một lần vào thành khất thực, bà tình cờ đến một con phố mà những tỳ kheo khác chưa hề ghé qua. Những tín chúng ở đây đều sẵn lòng bố thí cho người tu hành, và vì chỉ có một mình Vi Bà Đa đang khất thực nên bà đã hưởng trọn tất cả đồ cúng dường.

Bà thầm nghĩ: “Nếu những tỳ kheo ni khác cũng đến nơi này khất thực, thế thì mình sẽ không còn gì nữa, mình phải nghĩ cách khiến họ không đến nơi này mới được”.

Vi Bà Đa bèn trở về nói với các tỳ kheo ni rằng: “Các chị em, ở nơi đó có con voi đáng sợ, có bầy ngựa hung ác và có cả đàn chó dữ tợn luôn túc trực ngày đêm, quả thật là một nơi vô cùng nguy hiểm. Mọi người hãy chú ý đừng đến đó khất thực nhé”.

Chúng tỳ kheo ni đều tin lời Vi Bà Đa nên không một ai đến con phố ấy khất thực nữa.

Khất thực (Ảnh minh họa dẫn theo youtube.com)

Kể từ đó Vi Bà Đa một mình “làm chủ” con đường khất thực, được thoả lòng nhận đồ bố thí mà không cần phải nhọc công lặn lội xa xôi. Nhưng những tháng ngày thảnh thơi không kéo dài mãi mãi, bởi cũng đến một ngày…

Hôm ấy, khi bà vừa bước chân vào một hộ gia đình thì bỗng đâu một con chó dữ lao đến, tấn công bà tới tấp. May nhờ những người dân quanh đó băng bó vết thương và đưa bà về lại nơi ở của ni đoàn, Vi Bà Đa mới giữ được tính mạng của mình.

Sau khi Đức Phật hay tin, Ngài đã nhìn thấu ngọn nguồn và giảng giải cho chúng tỳ kheo ni rằng:

“Trong tiền kiếp, Vi Bà Đa là một con chim mái có bản tính ngang ngược và tham ăn. Một lần, chim vua dẫn bầy chim bay về phía núi tuyết, giữa đường chúng đã dừng chân ở một khu rừng rậm. Lúc ấy, cả bầy chim phải ra ngoài kiếm ăn trước khi tiếp tục cuộc hành trình, và con chim con mái ấy đã một mình bay về phía đường lớn. Nó may mắn tìm được rất nhiều thức ăn, nào là gạo, nào là thóc, nào là đậu, nào là trái cây…

Sau khi đã ăn uống no nê, nó lo sợ những con chim khác sẽ đến nơi này tranh giành đồ ăn với mình. Thế là, nó bay về nhắc nhở bầy chim rằng: “Ngoài đường lớn rất nguy hiểm, có nào voi nào ngựa, còn có những con trâu đáng sợ kéo xe đi qua đi lại. Các bạn đừng đến đó nhé, lỡ như thịt nát xương tan thì sẽ thống khổ vô cùng”.

Quả nhiên, tất cả chim muông đều không dám bay đến đường lớn nữa, còn con chim mái thì ngày nào cũng đến đó kiếm ăn. Bởi tính ích kỷ của mình, nó đã bị một chiếc xe cán qua người trong khi đang mải mê hưởng lạc. Mặc dù nó đã phải chịu quả báo, nhưng bản tính tự tư tự lợi từ kiếp trước vẫn ảnh hưởng đến kiếp sống này của Vi Bà Đa”.

Ích kỷ với người, cuối cùng đánh mất cơ hội của chính mình

Một ngày khác, khi đức Phật đang dạo bước bên hồ sen, Ngài đã nhìn thấu qua đáy hồ mà thấy các cảnh tượng từ địa ngục vọng đến.

Trong địa ngục có ngàn vạn tội nhân đang chìm nổi, khóc than thảm thiết, có kẻ thì sức lực cạn kiệt, có kẻ lại giãy giụa vẫy vùng. Trong đám tội nhân ấy có một người tên là Kiện Ðạt Ða, cũng đang chịu những hình phạt thảm khốc vô cùng.

Kiếp trước, Kiện Ðạt Ða là một tên cướp chuyên sát nhân phóng hoả, không điều ác nào là không làm, và cũng vì những tội ác chất chồng ấy mà hắn bị đọa xuống địa ngục chịu tội.

Một lần, Kiện Đạt Đa thấy con nhện đang bò ngang qua đường, hắn vừa đưa chân lên định giẫm xuống thì bỗng trong tâm khởi lên một thiện niệm: “Con nhện nhỏ bé này cũng có sinh mệnh, để nó chết giữa đường kể cũng tội nghiệp. Thôi được rồi, hôm nay ta tha cho ngươi, coi như làm phước một phen!”.

Vì một thiện niệm ấy trong tâm nên đức Phật quyết định sẽ cứu Kiện Ðạt Ða ra khỏi địa ngục. Đúng lúc ấy, một con nhện của thế giới Cực Lạc đang giăng sợi tơ bạc giữa những cành hoa. Ðức Phật bèn nắm lấy sợi tơ bạc ấy và thả xuống địa ngục.

(Ảnh minh họa dẫn theo Mobile9)

Kiện Ðạt Ða vô tình ngẩng đầu lên và thấy giữa không trung có một tia sáng chiếu thẳng xuống đỉnh đầu. Như gặp được cứu tinh, hắn mừng rỡ nghĩ rằng:

“Chẳng phải đây là sợi tơ nhện từ cõi trời đang hạ xuống hay sao? Nếu ta bám được sợi tơ này rồi leo lên, cớ gì không thoát khỏi địa ngục mà lên tới thế giới Cực Lạc?”

Vừa nghĩ, Kiện Đạt Đa vừa nắm lấy sợi tơ nhện, rồi dùng hết sức trèo lên.

Nhưng khoảng cách giữa địa ngục và Cực Lạc xa xôi diệu vợi, dẫu gắng sức đến đâu cũng không thể leo tới nơi ngay được. Kiện Ðạt Ða từ từ thấm mệt phải tạm nghỉ giữa không trung.

Khi thuận mắt nhìn xuống, Kiện Đạt Đa bỗng thấy vô số tội nhân giống như đàn kiến đang lũ lượt trèo lên. Hắn thầm nghĩ: “Sợi tơ mong manh thế này, chỉ một mình ta đã đủ nặng lắm rồi. Nếu chẳng may sợi tơ đứt thì bao nhiêu cố gắng và hy vọng của ta sẽ tan thành bọt nước, rồi ta lại phải rơi xuống địa ngục mà chịu khổ tiếp nữa!”.

Khi nỗi lo sợ trong lòng lên tới cực điểm, Kiện Ðạt Ða bắt đầu la hét om sòm:

“Ê, cái lũ tội nhân kia, ai cho phép bọn bây trèo lên? Ði xuống! Ði xuống!”

Vừa dứt lời, sợi tơ bỗng đứt giữa chừng, cả Kiện Ðạt Ða cùng với các tội nhân đều rơi xuống địa ngục. Phần tơ nhện còn lại vẫn lấp lánh trên không, mà chỉ những ai đủ nhẫn nại, đủ bao dung, và đủ từ bi hồng đại mới có thể với tay chạm đến được.

***

Ngẫm lại câu chuyện của Vi Bà Đa và Kiện Đạt Đa, Khuôn mặt của đức Phật thoáng hiện lên một nỗi buồn sâu thẳm, Ngài chỉ lắc đầu và thở dài nhìn về xa xăm.

Hoa sen nở đầy hồ vẫn tỏa hương ngào ngạt, lá sen mềm mại vẫn xanh mơn mởn, và lòng Đức Phật vẫn vô cùng xót thương đối với chúng sinh trong cõi mê mờ…

Quang Minh