Vừa dứt lời, tôn giả A Nan bay lên không trung trong tư thế đả tọa rồi nhập diệt. Xá lợi của ngài rơi xuống hai bên bờ sông Hằng, viết nên một truyền kỳ lưu lại cho hậu thế.
Trong Đại Đường Tây Vực Ký có đoạn kể về tôn giả A Nan như sau:
Sau khi Đức Phật Thích Ca nhập niết bàn, trưởng lão Đại Ca Diếp được tôn làm người đứng đầu tăng đoàn. 20 năm sau, ngài Đại Ca Diếp trao lại y bát cho tôn giả A Nan rồi bình thản đến núi Kê Túc mà tịch diệt.
Khi trưởng lão Đại Ca Diếp đi rồi, tôn giả A Nan đã vân du khắp nơi hồng truyền Phật Pháp, đồng thời điều phối các sự vụ liên quan đến tăng đoàn. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, tuổi tác của tôn giả cũng ngày càng tăng thêm.
Năm ấy ngài A Nan vừa tròn 120 tuổi. Một hôm khi đang đi trên đường, ngài vô tình nghe thấy một tăng nhân trẻ đang tụng bài kệ mà Phật Thích Ca Mâu Ni từng giảng khi còn tại thế. Tụng rằng:
“Nhược nhân sinh bách tuế,
Bất kiến thủy lão hạc,
Bất như sinh nhất nhất,
Nhi đắc năng kiến chi”.
Tạm dịch:
Nếu sống lâu trăm tuổi,
Mà không thấy chim hạc nước già,
Thì không bằng sống có một ngày,
Mà có thế thấy được.
Bài kệ này sai khác quá xa so với lời Phật dạy, thật đúng là “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Tôn giả thấy vậy bèn khẩn thiết bước lên trước và sửa lại bài kệ như sau:
“Nhược nhân sinh bách tuế,
Bất giải sinh diệt Pháp,
Bất như sinh nhất nhật,
Nhi đắc giải liễu chi”.
Tạm dịch:
Nếu sống lâu trăm tuổi,
Mà không hiểu được Pháp sinh diệt,
Thì không bằng sống có một ngày,
Mà có thể liễu giải được.
Vị tăng nhân trẻ nghe lời chỉ bảo của tôn giả, bèn trở về kể lại với sư phụ của mình. Nào ngờ vị sư phụ ấy tỏ ra không vui mà lớn tiếng phản đối rằng: “Con không nên nghe A Nan nói linh tinh. A Nan đã quá già rồi, trí nhớ cũng không còn được minh mẫn như xưa. Con phải tin ta, điều ta dạy con không sai chút nào đâu”.
Vị tăng nhân trẻ bèn thuật lại lời của sư phụ cho A Nan. Tôn giả nghe xong vô cùng phiền não, trong lòng băn khoăn tự hỏi: Vị sư phụ ấy đường đường là một tăng nhân đã dày công tu luyện, cớ sao lại nói ra những lời thiển cận như thế?
Lúc ấy tôn giả A Nan đã 120 tuổi rồi, từ lâu ngài không còn lưu luyến hết thảy thị phi nơi thế gian tục sự. Ngài tự nhủ: “Thế gian này quả là không còn cách nào cứu vãn nữa rồi! Đức Thế Tôn mới nhập niết bàn chưa lâu mà đã có người hiểu sai rồi cải biên lời Phật dạy, thế thì tăng đoàn sao có thể tránh khỏi những tà tri tà kiến? Ta đã thuộc lòng Pháp mà Đức Phật giảng, vậy mà các tăng nhân vẫn cố chấp làm theo ý mình. Nay ta vẫn còn ở lại thế gian thì hỏi có tác dụng gì đây?”.
Đức Thế Tôn đã không còn tại thế, các đại đệ tử của Ngài như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, hay Đại Ca Diếp đều đã niết bàn rồi, chỉ còn lại một mình A Nan chứng kiến sự thay đổi của tăng đoàn. “Ôi, những vị ấy như chim bay theo gió, chỉ một thoáng đã nhập niết bàn. Trong các bậc Thánh giả giờ chỉ còn mình ta, tình cảnh này nào có khác chi khu rừng bị đốn hạ, còn trơ trọi một gốc đại thụ chẳng thể nào ngăn gió che mưa. Nhân gian quá cô tịch, ta cũng nên nhập niết bàn thôi”.
Nghĩ vậy, tôn giả A Nan bèn giao phó lại trọng trách cho đệ tử của ngài là Thương Na Hòa Tu (Shanavasa), rồi ôm bình bát hướng về phía sông Hằng mà đi.
Lúc ấy, sông Hằng là ranh giới phân chia nước Ma Yết Đà (Magadha) và nước Tỳ Xá Ly (Vaishali). Giữa hai tiểu quốc này xảy ra cuộc giao chiến, khiến dân chúng đôi bờ ôm giữ mối hận thù thâm sâu khó có thể hòa giải. Tôn giả A Nan thầm nghĩ: “Nếu ta niết bàn ở nước Ma Yết Đà thì di cốt sẽ không được chia cho Tỳ Xá Ly; Còn nếu ta đến Tỳ Xá Ly niết bàn thì di cốt cũng không được chia cho Ma Yết Đà. Vậy chi bằng ta hãy đến sông Hằng giữa hai nước, rồi ở trên không mà nhập diệt”. Sau đó, ngài thác mộng cho vua nước Ma Yết Đà và vua nước Tỳ Xá Ly biết ý định của mình.
Khi vua A Xà Thế của Ma Yết Đà biết tin, ông bèn vội vàng dẫn binh mã chạy đến bờ sông Hằng rồi quỳ sụp mà kêu lên rằng: “Phật Đà tối thắng tự tại, ngài là ngọn đèn sáng soi Tam giới, xin ngài hãy quay trở về để tiểu quốc chúng con được làm nơi tôn giả tịch diệt”.
Từ bờ sông bên kia, vua nước Tỳ Xá Ly cũng cầu xin điều tương tự. Lúc ấy tôn giả A Nan đang ở giữa dòng sông, ngài từ bi đáp lại: “Ta đã suy xét đến nỗi oán hận của hai nước nên mới đến giữa sông Hằng để nhập diệt. Hy vọng hai dân tộc sẽ quên nỗi oán thù mà chung sống thuận hòa, thân thiện”.
Vừa dứt lời, tôn giả A Nan liền bay lên không trung trong tư thế ngồi đả tọa mà niết bàn. Xá lợi của ngài rơi xuống hai bên, cho mỗi nước xây tháp cúng dường. Các vị quốc vương đều tín ngưỡng Phật Pháp và kính trọng các cao tăng, nên không ai bảo ai mà cả hai đều tự động lui binh.
Tương truyền, một tháp xá lợi của tôn giả A Nan nằm ở giảng đường Đại Lâm Trùng Các phía bắc thành Tỳ Xá Ly, còn một tháp tọa lạc tại tinh xá Trúc Lâm bên ngoài thành Vương Xá. Cũng từ đó, hai nước Ma Yết Đà và Tỳ Xá Ly xóa bỏ hiềm khích trước kia, sống bên nhau hữu hảo, cả hai bờ sông Hằng cũng trở lại thanh tịnh không còn giao tranh.
Chuyện tôn giả A Nan nhập diệt đã đem lại hòa bình cho Ma Yết Đà và Tỳ Xá Ly, nhưng cũng không khỏi khiến hậu thế chúng ta trăn trở: Thì ra, sau khi Đức Phật Thích Ca niết bàn, người đời sau hữu tình hay vô ý đã cải biên lời Phật giảng. Phải chăng đó chính là lý do vì sao Phật giáo lại đi vào mạt Pháp, không còn Pháp lực độ nhân như thời Phật Đà còn tại thế? Và cũng như lời Phật giảng, nhân loại chỉ có thể trông chờ và hy vọng vào Đức Di Lặc, tức vị Phật tương lai đến cứu độ nhân gian sau này…
Theo Chánh Kiến
Nhất Tâm biên dịch