Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu luôn là một vấn đề gia đình nan giải. Tuy nhiên, đó không chỉ là câu chuyện riêng của mẹ chồng hay nàng dâu, mà vai trò của người chồng, người con trai trong mối quan hệ này đôi khi lại là chiếc chìa khoá cho tất cả.
Trong chia sẻ của một nàng dâu mới cưới, có những dòng tâm sự rất chân thành.
Cô gái mở đầu:
“Sau 2 năm hẹn hò cuối cùng chúng mình cũng kết hôn. Biết nói sao nhỉ… em chỉ là cô gái bướng bỉnh, yếu ớt, sống nội tâm, lại không khéo nội trợ… Anh từng nói đùa rằng vợ của anh là mẫu người mà thế hệ trước không ưa đâu. Nhưng em biết, anh đã làm tất cả để mẹ luôn hài lòng về em!”
Sau đó, cô hào hứng kể lại:
“Hôm nay, lúc ở trong phòng em đã nghe hết những gì anh và mẹ nói. Mẹ hỏi: “Sao vợ con ngủ đến giờ này mà còn chưa dậy?” Sau đó là một tràng những lời trách móc của mẹ, và em đều nghe thấy cả.
Anh đợi đến khi em ngủ dậy rồi nói với em rằng: “Em à, em dậy muộn thế, anh sắp phải đi làm rồi. Sau này em dậy sớm hơn nhé? Anh thấy chúng ta chẳng có mấy thời gian bên nhau, vậy hãy để anh và em được ở bên nhau nhiều hơn. Em dậy sớm với anh, mình cùng trò chuyện, nghe nhạc hay đi dạo, thật tuyệt phải không?”
Vậy là em đã làm anh phải khó xử rồi. Em hiểu anh không muốn em chịu áp lực tâm lý nên mới khéo léo nhắc nhở như vậy. Anh à, em sẽ cố gắng thay đổi thói xấu của mình, vì em không muốn anh phải phiền lòng thêm nữa”.
Cô viết thêm:
“Em biết anh vẫn luôn tìm cách để em được gần gũi với mẹ hơn. Em nhớ có lần chúng mình hứa sẽ đưa mẹ về quê thăm các cụ, nhưng đúng ngày đó em lại bận không đi cùng anh và mẹ được. Ở trong bếp, em đã nghe mẹ nói với giọng không vui: “Cuối tuần mà bận đến thế cơ à!?”
Đối với mẹ, còn có gì quan trọng hơn việc con dâu giữ lời hứa với mẹ chồng? Em không biết phải làm sao để bà bớt giận, may có anh đỡ lời: ”Vợ con cũng rất muốn đưa mẹ đi, nhưng khách hàng của cô ấy phiền phức lắm, khiến vợ con cũng mệt mỏi. Nhưng biết làm sao hả mẹ, cũng chỉ vì miếng cơm thôi mà. Cô ấy nói thương mẹ đau chân mà lại không đưa mẹ đi được, nên đã dặn con phải đi đường cẩn thận”. Em cứ tưởng mẹ sẽ giận em cả ngày, thế mà chỉ một câu nói của anh đã thay đổi tất cả”.
Câu chuyện nhỏ kể trên muốn nói với chúng ta rằng, để mẹ chồng hoà hợp với nàng dâu luôn thì thái độ của người chồng, người con trai cũng đóng vai trò quyết định. Không phải mẹ chồng nào cũng hoà hợp được với con dâu, và không phải nàng dâu nào cũng dễ dàng thích nghi với nếp sống nhà chồng. Vậy nên, một người chồng sáng suốt sẽ biết cách giúp vợ hoà nhập với gia đình mình, và để quan hệ với mẹ chồng không còn là nỗi ám ảnh của mỗi nàng dâu.
Không có con dâu bất hiếu, chỉ có con trai không hiểu chuyện
Thông thường, mỗi khi mâu thuẫn xảy ra, nhiều người đều chỉ trích “con dâu bất hiếu” mà không nghĩ rằng nguyên nhân lại nằm ở thái độ của người chồng.
Người đàn ông luôn là cầu nối khởi đầu cho mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu. Một người chồng thông minh và tinh tế sẽ biết điều tiết mối quan hệ trong gia đình, từ đó đem lại niềm vui cho hai người phụ nữ của đời mình.
Người chồng thông minh sẽ dẫn dắt vợ trở thành nàng dâu hiếu thảo
Sau khi kết hôn, không ít đấng lang quân cho rằng: “Cha mẹ đã vất vả vì mình, thế nên cô ấy (vợ) cần phải hiếu thuận với cha mẹ mình”.
Nhưng hãy thử nghĩ xem, khi nhận lời kết hôn, cô ấy phải chấp nhận rời xa vòng tay bao bọc của cha mẹ để sống trong một môi trường xa lạ. Cô ấy phải gọi những người không phải đấng sinh thành là “cha”, là “mẹ”, phải hiếu kính và phụng dưỡng họ hơn cả đối với cha mẹ ruột của mình. Ngày rằm cũng như lễ tết, cô ấy phải làm tròn phận dâu con trước khi trở về thăm quê ngoại. Đối với bậc sinh thành, cô ấy chưa kịp báo ơn dưỡng dục đã phải làm tròn chữ hiếu bên nhà chồng. Vậy hỡi các quý ông, cha mẹ đã nuôi bạn khôn lớn, vì sao bạn lại cần vợ đến chăm sóc họ mà không phải chính bạn?
Khi con trai hiếu thuận thì con dâu tự nhiên cũng theo đó mà hiếu thuận song thân. Bởi yêu chồng nên cô ấy có thể vì chồng mà làm tất cả, cũng bởi yêu chồng nên cô ấy sẵn sàng gọi hai người xa lạ bằng cha bằng mẹ. Nếu người chồng chăm sóc mẹ cha chu đáo, thì người vợ cũng tự khắc nhìn đó mà noi gương, dần dần mẹ chồng cũng sẽ cảm mến và yêu thương con dâu như con gái ruột của mình.
Đàn ông hiểu chuyện sẽ giúp vợ tạo thiện cảm trong mắt mẹ chồng
Để hoá giải những căng thẳng trong quan hệ mẹ chồng nàng dâu thì cần tăng cường sự thân mật giữa hai người. Là người đàn ông thông minh, họ sẽ biết cách tạo cơ hội cho vợ mình trở thành con dâu tốt. Ví như những ngày lễ tết mua chút đồ tỏ lòng hiếu kính cha mẹ, khi có món ăn ngon mang biếu mẹ cha thưởng thức, luôn khéo léo để vợ mình khen ngợi những điểm tốt của mẹ, khen mẹ nấu ăn ngon, những lúc cha mẹ vui vẻ cũng nên nhắc đến thành ý của vợ.
Khi con dâu hiếu thuận thì mẹ chồng cũng sẽ ghi nhận, trong lòng tự khắc sẽ vui mừng yêu quý. Ngoài ra, nếu người vợ có thể cảm nhận được nỗ lực của chồng để vun đắp quan hệ đó thì tình cảm vợ chồng cũng sẽ sâu đậm hơn.
Không có ai đúng ai sai, là người ở giữa thì không nên bênh một bên nào cả
Kỳ thực, mâu thuẫn giữa mẹ chồng và con dâu không phải là việc gì lớn lao cả, hết thảy chỉ là những việc nhỏ nhặt trong gia đình như nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hay nuôi dạy con cái. Giữa hai người, một bên là mẹ một bên là vợ, một người đồng hành ta nửa đời trước, một người đồng hành ta nửa đời sau, vậy sao nỡ nói ai đúng ai sai?
Khi mẹ chồng nàng dâu phát sinh mâu thuẫn, lúc này lập trường của người con trai sẽ quyết định tất cả. Nếu như đứng về một bên thì người còn lại sẽ cảm thấy uất ức khó chịu, cho nên cần phải đứng ở cả hai đầu mà dung hoà mâu thuẫn.
Coi trọng hai bên nội ngoại như nhau
Cũng có người thắc mắc, vấn đề này có liên quan đến quan hệ vợ chồng hay không? Đương nhiên là có, hơn nữa còn rất quan trọng.
Nếu người chồng hiếu thuận với cha mẹ vợ như với cha mẹ mình, người vợ sẽ cảm động mà hết lòng vì gia đình hơn. Khi chồng luôn quan tâm kính trọng cha mẹ vợ, thì tất nhiên vợ cũng sẽ quan tâm chăm sóc cha mẹ chồng như vậy. Khi tới những ngày lễ tết, chồng mua quà biếu cha mẹ vợ thì vợ cũng tự khắc biết thể hiện thành ý với cha mẹ chồng.
Kỳ thực, bất kể người phụ nữ nào cũng hiểu rằng chấp nhận lấy chồng là vĩnh viễn chấp nhận gia đình nhà chồng. Bởi vì, đối với cha mẹ chồng là mối quan hệ máu mủ ruột thịt, vĩnh viễn tồn tại không thể chia lìa, cho nên người vợ hành xử như thế nào, tất cả đều phụ thuộc vào người chồng.
Vợ chồng không nên bất hoà trước mặt mẹ cha
Trong cuộc sống vợ chồng, khó có thể tránh khỏi những va chạm. Nhưng dù thế nào cũng không nên tranh cãi trước mặt mẹ chồng, nếu không muốn mẹ chồng ác cảm với con dâu. Mẹ chồng sẽ cho rằng con dâu không làm tròn bổn phận mới dẫn tới xung đột. Theo bản năng, mẹ chồng sẽ đứng ra bênh vực con trai rồi sinh ra quan niệm: “Con dâu không tốt với con trai mình, nếu không vì sao hai đứa thiếu tôn trọng nhau như thế?”
Hơn nữa, khi phải chịu ấm ức một thời gian dài, người vợ thường sẽ sinh ra suy nghĩ tiêu cực: “Ngay cả chồng còn không thể bảo vệ mình”; từ đó thất vọng, thậm chí muốn ly hôn, khiến cuộc sống gia đình trở nên mệt mỏi.
Để mẹ chồng thiện cảm với con dâu, trước hết phải gìn giữ mối quan hệ vợ chồng
“Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, vợ chồng hoà thuận thì mới có thể chinh phục được mẹ chồng.
Khi có xung đột mẹ chồng nàng dâu, thì vì yêu thương chồng mà người vợ chấp nhận nhún nhường để hoà giải. Lúc đó người phụ nữ sẽ không vì một chút thiệt thòi mà tranh đấu. Họ chỉ mong sao gia đình êm ấm để chồng không phải khó xử vì những bất hoà trong gia đình. Và quan trọng hơn, đó là người vợ muốn được chia sẻ những khó khăn với chồng mình.
Một người vợ thực lòng yêu thương chồng cũng sẽ yêu thương cha mẹ chồng. Khi người đàn ông thấu hiểu vợ mình, biết chia sẻ khó khăn với vợ, biết những điều khó xử của vợ thì sẽ hết mực yêu thương và bảo vệ vợ nhiều hơn. Từ đó mà mối quan hệ vợ chồng được tương thân tương ái, hạnh phúc lâu dài, mâu thuẫn nào cũng cùng nhau hoá giải, chông gai nào cũng cùng nhau vượt qua…
Minh Vũ
Xem thêm: