Chịu thiệt phải chăng là ngốc? Thật ra lại không hề ngốc chút nào, bởi đó là cảnh giới của sự từ bi và trí huệ của bậc chân tu.

Từ câu chuyện Quan Âm Thị Kính

Xưa có một người đã trải qua chín kiếp tu hành nhưng vẫn chưa đắc quả vị Phật. Đến lần chuyển sinh thứ mười, cô thác sinh thành con gái nhà họ Mãng ở nước Cao-ly, tên là Thị Kính.

Thị Kính lớn lên được gả vào nhà họ Sùng. Một hôm, tình cờ trong lúc chồng ngủ say, Thị Kính thấy có sợi râu mọc ngược rất khó coi nên định dùng kéo cắt đi, đúng lúc ấy chồng nàng tỉnh dậy, ngỡ tưởng vợ có ý sát phu. Phải chịu tiếng oan mà không thể giãi bày, nàng phẫn uất ra đi. Cuối cùng, nàng cải trang thành nam nhi bước vào cửa tu hành, lấy pháp danh là Kính Tâm. Vì tướng mạo đẹp đẽ nên chú tiểu Kính Tâm vô tình lọt vào mắt xanh của Thị Mầu con gái phú ông. Vốn bản tính lẳng lơ, Thị Mầu qua lại với người đầy tớ trong nhà rồi mang bầu. Khi cái bầu dần lớn lên, Thị Mầu không dám nói ra sự thật nên vu oan rằng chú tiểu Kính Tâm chính là cha đứa bé. Thị Mầu sau đó sinh được một bé trai đem bỏ ở cổng chùa.

Nhận lấy đứa bé thì không khác gì một hành động thú tội, mà không nhận thì làm ngơ sao đành trước một đứa bé vô tội thế kia? Những tràng khóc oa oa của đứa trẻ sơ sinh đã khiến Kính Tâm buông bỏ mọi ngại ngần, nàng bế đứa bé vào lều chăm sóc. Kể từ đó, công việc mới đã choán hết thì giờ và tâm trí của nàng, nàng phải bế con đi xin sữa khắp đầu làng cuối xóm. Mặc cho dân làng kẻ cười người chê, nàng vẫn âm thầm chịu đựng, tuyệt không một lời oán thán. Cứ như thế sau sáu năm, nàng trông nom con người như con đẻ. Trong khi đứa bé ngày một khôn lớn, thì sức của nàng lại ngày một mỏi mòn kiệt quệ rồi qua đời. Mãi tới khi khâm liệm, dân làng mới hay chú tiểu Kính Tâm là nữ, ai nấy đều nhận thấy sự chịu đựng của nàng bấy lâu nay quả là phi thường.

Vì thương đứa bé vô tội mà nàng Thị Kính cam tâm chấp nhận bị người đời khinh miệt, chịu tiếng oan mà không oán hận. (Ảnh: youtube.com)

Vào ngày cử hành tang lễ thì trên trời, giữa một đám mây ngũ sắc, đức Phật Thiên Tôn hiện ra phán truyền cho Kính Tâm thành Phật Quan Âm.

Hành động cao thượng của Quan âm Thị Kính làm tôi chợt liên tưởng đến vị đệ tử trong câu chuyện dưới đây.

Đến xâu chuỗi của sư trụ trì

Thuở xưa tại một ngôi chùa hẻo lánh nọ có vị sư trụ trì và 7 đệ tử. Sư trụ trì thấy rằng các đệ tử đều là những người rất có ngộ tính và có thể làm rạng danh Phật Pháp nên muốn truyền y bát cho một người trong số đó. Nhưng không ngờ, một ngày xâu tràng hạt đột nhiên biến mất.

Thầy trụ trì bèn hỏi 7 đệ tử: “Trong các con ai đã lấy xâu chuỗi, chỉ cần trả về vị trí cũ, ta sẽ không truy cứu, Phật tổ cũng không trách tội”. Các đệ tử đều lắc đầu.

Bảy ngày trôi qua, xâu chuỗi vẫn không được trả về. Thầy trụ trì lại nói: “Chỉ cần ai đó thừa nhận, xâu chuỗi sẽ thuộc về người đó”. Lại trải qua 7 ngày, vẫn không ai thừa nhận.

Thầy trụ trì bèn tỏ ra thất vọng: “Ngày mai các con hãy rời khỏi chùa xuống núi, riêng kẻ đã lấy xâu chuỗi ta cho phép ở lại đây“.

Qua ngày hôm sau, 6 đệ tử thu dọn xong hành lý, thở phào nhẹ nhõm một hơi dài, vui vẻ ra đi. Duy chỉ có một người ở lại.

Thầy trụ trì hỏi đệ tử ở lại:

– Xâu chuỗi đâu?

– Thưa, con không lấy.

– Vậy tại sao con chịu mang lấy tiếng trộm cắp?

– Mấy ngày nay các huynh đệ đều nghi ngờ lẫn nhau, con nghĩ nếu có người đứng ra, mới có thể giải thoát chuyện này.

Sư trụ trì mỉm cười gật đầu nói: “Sợi chuỗi tuy mất, nhưng Phật vẫn còn đây”.

Sau đó sư trụ trì lấy y bát và chuỗi hạt ra trao vào tay người đệ tử.

Dù mắc tiếng oan là trộm cắp nhưng vị đệ tử kia vẫn vui vẻ chịu đựng, chỉ vì để các huynh đệ không mất hòa khí với nhau. (Ảnh: pinterest.com)

Dù mắc tiếng oan là trộm cắp nhưng vị đệ tử kia vẫn vui vẻ chịu đựng, chỉ vì để các huynh đệ không mất hòa khí; cũng vì thương đứa bé vô tội mà nàng Thị Kính cam tâm chấp nhận bị người đời khinh miệt. Nhưng “Phật chỉ xét nhân tâm”, nên cuối cùng cái quả tốt đẹp cũng đến với họ, vị đệ tử kia vẫn được trụ trì ban cho y bát đi truyền rộng Phật Pháp còn Thị Kính thì thành Phật Quan Âm.

Vậy, việc chịu thiệt thòi của họ phải chăng là ngốc, nhưng thật ra lại không hề ngốc chút nào, bởi đó là cảnh giới của sự từ bi và trí huệ của bậc chân tu. Những khảo nghiệm tâm tính không làm che mất giá trị của họ, trái lại, đã chứng tỏ họ có tấm lòng từ bi rộng lớn luôn suy nghĩ cho người khác trước mà quên đi bản thân mình. Nếu có thể giúp ích cho người khác thì họ sẵn sàng chịu thiệt thòi, họ cũng không vì lợi ích thiết thân mà tranh mà đấu.

Người trong tâm có đạo thì đối với họ mọi việc thế gian đều thuận theo quy luật nhân quả, đều được Thần Phật chứng giám, vậy hỏi tranh biện hơn thua để làm gì? Bởi vậy nên thế giới nội tâm của họ thật an lành, tĩnh tại.

Người trong tâm có đạo thì đối với họ mọi việc thế gian đều thuận theo quy luật nhân quả, đều được Thần Phật chứng giám, vậy hỏi tranh biện hơn thua để làm gì? (Ảnh: dkn.tv)

Còn con người thế gian thì sao, vì không tin nhân quả nên hầu như ai ai cũng nghĩ cho lợi ích thiết thân mà tranh mà đấu, hậu quả cuối cùng là trí mỏi tâm phiền, thể xác cũng hao mòn kiệt quệ.

Vậy chịu thiệt phải chăng là ngốc, mà thật ra lại không ngốc chút nào. Bởi lẽ điều mà người chịu thiệt đạt được không chỉ là nội tâm thanh tịnh mà còn tích được công đức sâu dày về sau, họ sẽ nhân được phước báo theo quy luật nhân quả, điều này chẳng phải thật đáng quý hay sao?

Nhã Thanh