Chỉ có những bà mẹ “nhẫn tâm” mới có thể biến con trở thành viên kim cương! Cảm ngộ của người mẹ dưới đây đã làm cảm động rất nhiều người.  

Bức tâm thư của một người mẹ

Con trai, hôm nay con lại giả vờ như không có việc gì mà ám thị cho mẹ rằng gần đây giá nhà lại leo thang. Nếu không hành động sớm thì sau này có thể ngay cả một cái phòng nhỏ trú chân con cũng không có. Mẹ chỉ lãng đạm nhìn con một cái, cuối cùng thì không giống như con hy vọng rằng mẹ sẽ nói: “Mẹ sẽ mua nhà cho con”.

Con im lặng lúng túng, rồi đứng phắt dậy, giận đùng đùng buông bát đũa xuống, đập cửa uỳnh một cái rồi đi mất. Mẹ nhìn bóng con khuất dần qua khung cửa sổ, dáng con mảnh khảnh, lười nhác và có một chút tùy tiện. Con vẫn muốn núp mãi trong lòng cha mẹ, mãi không chịu trưởng thành.

Nhưng, con trai thân yêu, con đã 25 tuổi rồi. Con đã có một công việc ổn định, có một người bạn gái cần phải chở che. Còn có cha mẹ đang già đi từng ngày, cần con chăm sóc. Lẽ nào những điều này không đủ giúp con trưởng thành, khiến con có thể thực sự thoát khỏi đôi cánh của cha mẹ, buông bỏ tính lười nhác, dựa dẫm, mà tự gánh vác trách nhiệm của một người trưởng thành cần gánh vác hay sao?

Còn nhớ, ngay từ khi còn rất nhỏ, con đã quen với việc hễ có việc gì là lại tìm mẹ. Con thường nói:. “Mẹ ơi, quần áo con bẩn rồi, mẹ giặt giúp con nhé”, “Mẹ ơi, ngày mai chúng con đi dã ngoại, mẹ giúp cho chuẩn bị hành lý nhé”, “Mẹ ơi, bạn gái con thích ăn sườn chua ngọt, mẹ nhớ làm cho cô ấy nhé”.

Con trai đã 25 tuổi nhưng vẫn luôn dựa dẫm vào mẹ. (Ảnh dẫn theo ask.fm)

Biết bao lâu nay mẹ đã quen với những lời dặn dò của con. Mẹ cứ nghĩ rằng, mỗi lần mẹ đối xử tốt với con hơn thì con sẽ ghi nhớ. Sau này khi cha mẹ già đi, có thể nhận được sự quan tâm và che chở chu đáo như vậy của con. Còn mẹ và cha con, cũng đã dành dụm từng đồng, mở cho con một tài khoản ở ngân hàng, để một ngày nào đó, khi con đã có gia đình của mình, con có thể rút số tiền đó ra, coi như là một sự giúp đỡ thiết thực của cha mẹ.

Nhưng hôm nay, mẹ mới phát hiện ra rằng, cách mẹ hy sinh tất cả vì con không hề dưỡng thành một đứa con biết trân quý mà cha mẹ mong muốn. Ngược lại còn tạo ra một đứa con bị xã hội vứt bỏ với đôi cánh bị thui chột và ý chí mai một trầm trọng. Cha mẹ càng yêu con, càng dung túng, con lại càng dựa dẫm và vòi vĩnh cha mẹ, sự ích kỷ và lười nhác sâu trong đáy lòng con lại càng sinh sôi nảy nở không ngừng…

Năm ấy con 5 tuổi, con muốn mẹ dọn dẹp đồ chơi con bày đầy trên sàn nhà. Năm con 10 tuổi, nhìn thấy đôi giày da sang trọng trên chân người bạn học, con đã khóc và mẹ cũng phải mua cho con một đôi như thế. Năm con 15 tuổi, con viết thư tình cho một cô bạn cùng lớp rằng: “Mẹ của tớ quen biết rất nhiều người, ai mà bắt nạt cậu, thì cứ bảo tớ một câu”. Năm con 20 tuổi, con học đại học, mỗi lần gọi điện thoại về con lại thường oán trách rằng cơm canh ở nhà ăn quá chán.

Đến nay, hàng ngày con ăn cơm ở nhà, lại còn thường xuyên dẫn bạn gái về. Mẹ vừa phải làm việc, vừa phải chạy ngược chạy xuôi chuẩn bị cơm canh cho các con ngày ba bữa. Cứ bận rộn quay cuồng, khiến mẹ chẳng thể nặn được một nụ cười trên môi.

Cuối cùng mẹ cũng phải thừa nhận rằng, 25 năm qua, mẹ nuông chiều con quá mức. Đây là điều sai lầm nhất trong cuộc đời của mẹ!

Con trai yêu quý, mẹ đành phải nhẫn tâm nói cho con biết rằng: Trước kia cuộc sống của con và mẹ như sợi dây xoắn chặt vào nhau, không thể tách rời. Nhưng sau ngày hôm nay mẹ sẽ không hỏi han gì thêm về con đường sau này của con nữa.

Mẹ cũng xin con, giống với những người đàn ông đã trưởng thành, hãy dọn ra khỏi căn nhà của cha mẹ, dùng chính những đồng tiền của mình mà thuê phòng ở riêng. Mẹ sẽ động viên và dành dũng khí cho con, nhưng mẹ sẽ không giúp con thêm bất cứ một đồng một cắc nào nữa.

Con trai à, mẹ rất xin lỗi, mẹ không nên yêu con theo cách này. Còn con, con cũng nên tự thấy xấu hổ vì những gì mình đã làm. Vậy nên mẹ con mình cùng tha thứ cho nhau và bắt đầu làm lại từ đầu.

“Tình mẹ trong xã hội Á Đông” rốt cuộc đang có vấn đề gì vậy?

Mẹ tin rằng, tình yêu của mẹ dành cho con cái luôn xếp thứ nhất, thứ nhì trên thế giới này. Từ khi con lẫm chẫm vào lớp mầm non, tới khi học tiểu học, lên trung học, vào đại học và tìm việc, kết hôn, sinh con, không có giây phút nào mẹ không lo lắng về con. Nhưng có lẽ mẹ đã quá bao bọc mà không cho con có cơ hội đối diện với cuộc sống bằng chính đôi cánh của mình.

Salad vốn cũng như vậy. Cô ấy là con cháu đời sau của người Do Thái, sinh ra ở Thượng Hải. Cô sinh được 2 trai, 1 gái. Sau này Salad ly hôn, dẫn theo 3 đứa trẻ chuyển tới Israel. Ban đầu khi tới Israel, Salad phải bán nem rán mưu sinh.

Lúc đó Salad vẫn quen với tư duy giáo dục của những bà mẹ truyền thống Á Đông: Dù mình vất vả thế nào cũng không được để con cái phải khổ. Thế là hàng ngày cô đưa bọn trẻ đi học, sau đó một mình bận rộn lo liệu cơm canh. Bọn trẻ vây quanh lò sưởi ấm áp chờ đợi mẹ chúng bê cơm canh lên bàn… Yêu cầu duy nhất của cô với bọn trẻ là: “Chỉ cần các con thi đỗ đại học là được”.

Nhưng kỳ lạ là thấy mẹ đầu tắt mặt tối chúng cũng dửng dưng như không. Đôi khi còn chê món này hơn mặn, món kia không vừa ý, có khi còn hờn dỗi bỏ cơm. Ăn xong là chúng khoanh chân ngồi trước màn hình xem ti vi. Chúng coi tình yêu của Salad dành cho mình là điều đương nhiên. Đôi khi Salad cũng phải giật mình vì sự ích kỷ và ỷ lại thái quá của bọn trẻ.

Ảnh minh họa. (Dẫn theo tinhtam.info)

Tình cảnh này cứ kéo dài suốt một thời gian. Cuối cùng một bà thím bên nhà hàng xóm nhìn không thuận mắt. Một hôm, bà tới nói với mấy bọn trẻ của Salad rằng: “Các cháu đã lớn rồi, cũng nên học cách giúp đỡ mẹ mình một chút. Đừng chỉ ngồi nhìn mẹ con chạy đi chạy lại như vậy, còn mình thì giống như thứ đồ bỏ đi ấy”. Sau đó bà thím này rất bất bình hét lên với Salad rằng: “Em đừng nghĩ là sinh ra con thì em đã là mẹ của chúng. Em thích chiều chuộng thế nào thì chiều chuộng thế nấy. Em làm vậy không phải là yêu con đâu, mà là đang hại con đấy!”

Sau này Salad mới phát hiện ra rằng trong những gia đình người Israel, con cái nhất loạt đều phải chung tay làm việc nhà. Hơn nữa những đứa trẻ trong các gia đình càng giàu có thì cha mẹ chúng lại càng đẩy chúng ra khỏi cửa nhà để chúng tự mình nếm trải cuộc sống gian khổ. Vậy là Salad đã thành khẩn tiếp thu ý kiến của bà thím nhà hàng xóm.

Cô treo giải để bọn trẻ giúp cô bán nem rán, bán được một cái nem rán sẽ được tặng 20% hoa hồng. Trong khi bán nem những đứa trẻ cũng học được kỹ năng giao tiếp với người lạ. Salad còn kẻ một bảng trực nhật, treo ngay ngắn trên tường. Bảng đó quy định ai sẽ giặt quần áo, nấu cơm, quét dọn phòng vào ngày nào.

Sau khi thông qua “cuộc họp gia đình” mọi người đều nhất trí và quyết định thành lập “Trưởng ban trực nhật” và quy định nhiệm vụ của “Trưởng ban trực ban”. Cậu con trai cả của Salad sẽ đảm nhiệm vai trò “Trưởng ban trực nhật” vào ngày đầu tiên. Mới sáng cậu đã lau nhà xong xuôi và còn mua mỳ tôm, nấu đồ ăn sáng cho mọi người. Cậu còn tuyên bố tối nay sẽ ăn cải thảo sào và một món canh rau.

Nhờ có ba người con luân phiên trực nhật, nên mỗi sáng chủ nhật Salad đều được ngủ nướng thêm một chút. Còn đứa con hôm đó phụ trách trực ban sẽ lấy sữa chua, bánh mỳ, rồi rán thêm quả trứng gà, sau đó dọn bữa sáng tinh tươm ra bàn.

Sau một thời gian, Salad phát hiện ra những đứa con của mình đã đổi khác. Chúng không chỉ biết tự chăm sóc mình mà còn biết quan tâm, san sẻ với người khác. Salad về tới nhà là chúng chạy tới hỏi han. Thấy khuôn mặt cô lộ vẻ mệt mỏi là chúng bảo cô vào phòng nghỉ ngơi, để mình tự lo liệu.

(Ảnh dẫn theo Anreikicris.com)

Cô cũng chia sẻ với con cái những khó khăn về tài chính mà cả gia đình phải đối mặt. Dẫu chúng còn nhỏ, cũng chẳng thể đỡ đần được bao nhiêu, nhưng chúng biết yêu thương và trân trọng những gì mình đang có.

Thi thoảng bốn mẹ con ngồi quanh mâm cơm, Salad hỏi sau này lớn lên các con có chăm sóc cho mẹ không. Cả ba đứa thi nhau tưởng tượng ra đủ mọi viễn cảnh. Cậu cả nói: “Sau này con sẽ mua cho mẹ một ngôi nhà thật to, một khuôn viên thật đẹp và thuê người chăm sóc nhà cửa, vườn tược để mẹ có thể nghỉ ngơi”. Cậu hai cướp lời: “Con sẽ mua một chiếc xe thật đẹp, chở mẹ đi bất cứ nơi nào mẹ muốn, và ăn những món ngon nhất trên đời!”.

Cô út giật giật áo Salad, cong cái môi đỏ chót lên nói: “Con sẽ làm thật nhiều việc tốt giúp đỡ những bạn nghèo. Con sẽ tặng búp bê và kẹo mút cho các bạn ấy. Con sẽ kể cho các bạn ấy biết rằng mẹ của con tuyệt vời như thế nào”. Bất giác đôi mắt Salad trở nên long lanh, cô cố kìm nén sự xúc động để những giọt nước mắt hạnh phúc không rớt xuống.

Cha mẹ quá nuông chiều con chính là đang làm hại chúng. (Ảnh dẫn theo tinhhoa.net)

Nếu bạn “nhẫn tâm” một chút, những đứa trẻ sẽ học được cách cho thêm “đường” để có một ly nước chanh ngon tuyệt!

Nuông chiều con cái thì ai cũng giỏi, thậm chí ngay cả gà mẹ cũng biết điều này. Nhưng học cách yêu con một cách “nhẫn tâm” như vậy không phải là người bình thường nào cũng có thể làm được. Hiện giờ hai đứa con của Salad đều trở thành những nhà buôn bán kim cương thành công. Salad đã tổng kết lại bí quyết giáo dục con cái trong một cuốn sách rằng: “Mềm lòng là hại con, “nhẫn tâm” mới là yêu chúng. Những ai nuông chiều con cái, thì người đó sẽ có một ngày phải băng bó vết thương cho chính con mình”.

Kỳ thực dù bạn yêu thương con mình thế nào thì cũng không thể bao bọc, chở che cho chúng hết cả cuộc đời. Mà cuộc sống như biển rộng bao la. Có những ngày bình yên lặng sóng, nắng vàng, trời xanh, biển biếc hòa chung một màu. Cũng có những ngày biển động, cuộn sóng ầm ào, giông tố thét gào muốn lật ngược những con thuyền nhân sinh bé nhỏ. Nếu mãi ôm ấp chúng trong vòng tay mình, không “nhẫn tâm” ngày ngày rèn luyện kỹ năng sống, vun đắp một tâm hồn đẹp, bền bỉ cho chúng, thì khi bạn rời xa, chúng sẽ phải uống trọn ly nước chanh mà cuộc đời dành cho mình.

Nếu bạn “nhẫn tâm” một chút, chúng sẽ học được cách cho thêm “đường” để có một ly nước chanh ngon tuyệt!

Nói là khả năng, im lặng là “thăng hoa” của hùng biện

https://video3.dkn.tv/noi-la-kha-nang-im-lang-la-thang-hoa-cua-hung-bien_7d970cce1.html