Văn dĩ tải Đạo”, người xưa viết văn là để gửi vào đó những đạo lý cao thâm. Tây Du Ký kể về quá trình tu luyện của một người trên con đường viên mãn đắc Đạo, do đó cũng mang tầng tầng ý nghĩa, lớp lớp nội hàm. Thậm chí một cái tên, một địa danh, hay một tình tiết nhỏ trong truyện đều là ngụ ý của tác giả. Về nội hàm và ý nghĩa của Tây Du Ký luôn có nhiều cách nói khác nhau, không đồng nhất. Vậy nên trong loạt bài cảm ngộ này, người viết chỉ mạn phép đưa ra một số lý giải về Tây Du Ký từ góc độ tu luyện, mong được cùng độc giả gần xa góp ý, thảo luận.

Sau khi Đường Tăng gỡ tấm bùa trấn yểm trên núi Ngũ Hành, Tôn Ngộ Không được giải thoát, nguyện ý hộ giá Đường Tăng đi Tây Trúc thỉnh kinh. Nhưng đường xa vạn dặm, nguy hiểm trập trùng, Ngộ Không vẫn còn tính hung hăng càn quấy mà Đường Tăng thì yếu nhược. May nhờ có bài niệm chú vòng Kim Cô màu nhiệm, nên Đường Tăng mới sai bảo được Ngộ Không.

Món quà của Bồ tát

Hồi thứ mười bốn “Lòng vượn theo đường chính/ Sáu giặc mất tăm hơi”, Tôn Ngộ Không cuối cùng đã được vùng vẫy tự do sau năm trăm năm đợi chờ đằng đẵng. Bấy giờ, tính tình nóng nảy hung hăng vẫn còn, sau khi đập một gậy chết tươi con hổ dữ khiến Đường Tam Tạng sợ quá suýt ngã ngựa, Ngộ Không lại giết chết 6 tên cướp chặn đường, lột lấy quần áo và tiền bạc, cười khanh khách.

Đường Tăng mắng:

“Vô cớ đánh chết người ta, thì làm Hòa thượng sao được? Người xuất gia “quét nhà còn lo con kiến chết, sa đèn thương hại cái thiêu thân”, nhà ngươi chẳng nghĩ phải trái giết tất cả, không có một lòng từ bi hiếu sinh nào”.

“Lúc ấy do nhà ngươi không ai thu phục cai quản, hoành hành ở chốn nhân gian, dối trời lừa trên, cho nên mới bị giam năm trăm năm. Nay trở thành sa môn rồi, mà vẫn giữ thói hành hung như ngày xưa, một mực giết người, thì không sang nổi phương Tây, không làm được Hòa thượng đâu. Ác quá! Ác quá!” [1]

Ngộ Không thấy Tam Tạng lải nhải mãi, không nén được bực tức, nói:

“Con không làm được Hòa thượng, không sang được phương Tây, thì việc gì phải càu nhàu mắng con mãi, con trở về là xong!”

Đoạn, bay vút về phương Đông.

Khi Ngộ Không đã bỏ Đường Tăng mà đi, Quán Âm Bồ tát hoá thân làm bà lão, tặng cho Đường Tăng chiếc vòng Kim Cô cùng bài “Khẩn cô nhi chú” để kiềm chế Ngộ Không.

Cảm ngộ Tây Du (Kỳ 15): Bí ẩn đằng sau câu thần chú Kim Cô
Ngộ Không tính tình ngang ngạnh không nghe lời nên Bồ Tát đã tặng đường tăng chiếc vòng Kim Cô cùng bài “Khẩn cô nhi chú”. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Nguồn gốc và bí ẩn đằng sau “Khẩn cô nhi chú”

Bồ Tát nói:

“Đây lão còn có một bài chú gọi là “Định tâm chân ngôn”, bài ấy còn có tên nữa là “Khẩn cô nhi chú”. Ngài nhẩm cho thuộc, nhớ cho kỹ, chớ có tiết lộ cho ai biết. Lão sẽ đuổi kịp hắn, bảo hắn quay lại với ngài, rồi ngài đưa bộ mũ áo này cho hắn mặc. Nếu hắn không nghe lời sai bảo, ngài hãy niệm bài chú ấy, là hắn không dám hành hung và không dám bỏ đi nữa đâu”.

Vì sao bài thần chú vòng Kim Cô còn có tên là “Định tâm chân ngôn”? Vì Tôn Ngộ Không trong hình tượng con khỉ đá tượng trưng cho cái Tâm của con người. Tâm con người dễ bị dục niệm can nhiễu, bất ổn định, nhảy nhót lăng xăng như khỉ, nên mới gọi là “tâm viên ý mã”. Người tu luyện trong tu luyện gian khổ, kiềm chế cái tâm của bản thân mình mà không ngừng tăng cường định lực. Định tâm rồi, thì trí huệ sinh, như Phật Thích Ca Mâu Ni đương thời giảng pháp tu “Giới – Định – Huệ”. Vì thế, bài chú mà Bồ tát truyền cho Đường Tăng mới có tên là “Định tâm chân ngôn”, cũng gọi là “Khẩn cô nhi chú” (Bài chú dùng khi khẩn cấp).

Chiếc vòng Kim Cô này nguyên là của Phật Tổ Như Lai truyền cho Bồ tát. Ở hồi thứ tám: “Phật Tổ tạo kinh truyền cực lạc/ Quan Âm vâng mệnh đến Tràng An”, Phật Tổ Như Lai dặn dò Bồ tát tìm người phương Đông đi thỉnh kinh và ban cho năm thứ bảo bối. Một là chiếc áo cà sa gấm, mặc vào thì thoát khỏi luân hồi; hai là cây gậy tích trượng chín vòng, cầm vào thì không bị hãm hại; và cuối cùng là ba chiếc vòng:

“Bảo bối này gọi là “Khẩn cô nhi”, tuy ba cái giống nhau nhưng công dụng khác nhau. Ta lại có ba bài “Kim khẩn cấm” nữa. Nếu trên đường gặp phải yêu ma có phép thần thông biến hóa, đệ tử hãy khuyên hắn học đạo, đi theo người lấy kinh làm đồ đệ. Nếu hắn không chịu sai khiến, thì chụp cái vòng ấy lên đầu hắn, cái vòng sẽ mọc rễ cắm chặt vào thịt, mỗi khi niệm câu thần chú, là hắn sẽ đau đầu nhức mắt, đầu óc cứ như bị vỡ tung ra, bắt hắn phải chịu làm môn đệ của ta ngay”.

Trong ba chiếc vòng này thì chiếc đầu tiên ở trên đầu Tôn Ngộ Không, tên là “Khẩn cô nhi”. Hàm ý là một người trước hết phải nguyện ý quản chắc cái tâm của mình, thì mới tính là bắt đầu chân chính tu luyện. Chiếc thứ hai đeo lên đầu Hắc Hùng Tinh (yêu tinh gấu đen), tên là “Cấm cô nhi”. Trong ngũ hành, màu sắc mà thận tạng đối ứng là màu đen, tinh dịch tồn tại ở thận của con người; Hắc Hùng Tinh chỉ tinh dịch của người tu luyện, cho nên cần phải “cấm”. Do đó, Hắc Hùng Tinh bị Bồ Tát thu phục mang đi, đó là thủ pháp nghệ thuật tượng trưng của tác giả, muốn nói rằng Đường Tăng đã đạt đến cảnh giới “cấm dục”.

Khi Bồ Tát thu phục Hồng Hài Nhi, chiếc vòng cuối cùng Ngài dùng là “Kim cô nhi”. Hồng Hài Nhi là hình tượng hóa cho tâm hỏa quá vượng của Tôn Ngộ Không. Trong truyện, khi nói về Tôn Ngộ Không có dùng từ “kim công”, cũng là dùng để chỉ cái tâm, bởi vì tâm thuộc tính hỏa, hỏa khắc kim, Hồng Hài Nhi cũng nhiều lần dùng lửa thiêu đốt Ngộ Không. Tu luyện Đạo gia giảng rằng tu luyện “phục quy vu anh nhi” (quay trở về hình hài trẻ sơ sinh), một khi anh nhi bị thu phục, cũng chính là chỉ tâm hư hỏa (lửa giả) đã tu bỏ đi rồi, mà một bộ phận tâm tu thành cũng đã là “kim thân bất hoại” rồi, cho nên “Kim cô nhi” mới được đeo trên đầu của Hồng Hài Nhi.

Cảm ngộ Tây Du (Kỳ 15): Bí ẩn đằng sau câu thần chú Kim Cô
Mỗi chiếc vòng đều là những ngưỡng cửa tuy khó khăn nhưng thần thánh mà Đường Tăng phải trải qua. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Nỗi đau của Ngộ Không có hàm ý gì?

Mỗi lần Đường Tăng niệm “Khẩn cô nhi chú” là một lần Ngộ Không “đau tưởng chết đi được, quằn quại lăn lộn, đỏ mặt tía tai, hai mắt trợn ngược, thân mình tê dại”. Nỗi đau đớn của Ngộ Không khi bị niệm chú Kim Cô là ẩn dụ cho nỗi thống khổ giày xéo tâm can của con người trên hành trình tu luyện.

Phàm là con người, ai cũng bị trói buộc bởi danh – lợi – tình. Có người chấp trước vào ái tình, đối với họ, phải xa lìa người mình yêu thương còn đau đớn hơn cái chết. Có người sống vì danh dự và thể diện, họ không thể nhẫn chịu bất cứ sự đả kích nhục nhã nào. Còn có người coi tiền bạc hơn mạng sống, như anh chàng trong câu chuyện “Năm quan vẫn đắt, thà chết còn hơn”. Một con người phàm tục với đầy đủ thất tình lục dục như thế, mà muốn tu thành Phật, Bồ tát tuyệt đối kiền tịnh, không còn chấp trước thế tục thì khó đến chừng nào? Khó, chính là khó và khổ, không kém gì nỗi đau tan xương nát thịt của Ngộ Không.

Tu luyện là gian khổ phi thường, vì sao trong lịch sử xưa nay vẫn có biết bao người không nề hà gian khổ, dấn thân trên con đường tu luyện? Đường Tăng từng cảm thán rằng:

“Xuất gia lập chí phi thường,

Ái ân rũ sạch mọi đường xưa nay.

Ngoại vật coi nhẹ, nhàn thay

Âm dương vũ trụ đủ đầy trong ta.

Công quả viên mãn chan hòa,

Sáng lòng thấy tính trở về cố hương.

Gấp trăm tham dục người phàm,

Những túi da thối, ai màng chi đâu!”

Bởi vì chỗ lập chí của người tu luyện cao xa, cao xa hơn tất cả những thành tựu nơi thế gian này; đó chính là công thành viên mãn, vượt thoát sinh tử luân hồi, trở thành sinh mệnh vĩnh hằng nơi Thiên quốc. Thế nên, người tu luyện mới nguyện ý đeo lên tâm mình chiếc vòng Kim Cô, nhẫn chịu mọi đau đớn, tự khắc chế bản thân, dứt trừ hết thảy dục vọng và ngu kiến.

Cảm ngộ Tây Du (Kỳ 15): Bí ẩn đằng sau câu thần chú Kim Cô
Người tu luyện có chí hướng vượt ra ngoài thế gian vậy nên cần trải qua đau đớn để dứt trừ dục vọng và ngu kiến giống như đội chiếc vòng Kim Cô vậy. (Ảnh: youtube.com)

Sau này, Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh bị Tam Tạng giận dữ đuổi đi, Ngộ Không đã xin thầy niệm “túng cô nhi chú” để cởi chiếc vòng Kim Cô ra. Đường Tăng cả sợ nói: “Ngộ Không, khi ấy Bồ Tát chỉ trao cho ta bài chú “khẩn cô nhi”, chứ không có bài chú “túng cô nhi” nào cả”. Ấy là bởi một khi hành trình tu luyện chưa tới đích, thì không phút giây nào được phóng túng thân tâm. Chỉ tới khi thầy trò đặt chân lên đất Phật, công thành viên mãn rồi, chiếc vòng Kim Cô mới tự động biến mất đi.

Chiếc vòng Kim Cô khiến Ngộ Không vướng víu và đau đớn, thực ra là món quà vô giá của Phật Tổ và Bồ tát. Đường Tăng nói: “Đội chiếc mũ ấy [3], chẳng học kinh cũng biết niệm kinh. Mặc chiếc áo ấy, chẳng cần học lễ cũng biết làm lễ”. Phải chăng, hàm ý chính là khắc khổ tu tâm rồi, sẽ dần dần đề cao tâm tính và cảnh giới tinh thần, cuối cùng tự nhiên thấu tỏ Pháp lý, trở nên lễ độ từ bi, đạt tới cảnh giới của Phật, Bồ tát?

Ấy chính là:

“Du du vạn thế hành, tầm tha thiên bách độ.

Duyên giả đăng quy đồ, Pháp quang tán mê vụ.

Tuệ giả tâm tự thanh, khổ trung lạc trường trú.

Tục thế hồng lưu tỉnh, phương kinh thiên địa thù”.

Dịch nghĩa:

“Hành trình biết bao đời, tìm kiếm trăm nghìn lần.

Người có duyên trở về, Pháp quang xóa mây mù.

Người trí tuệ tâm sáng, trong khổ vẫn thường vui.

Thức tỉnh trong cõi tục, mới biết vẻ đất trời” [2].

Chú thích:

[1] Các lời thoại của nhân vật trong bài viết được trích từ bản dịch Tây Du Ký của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh.

[2] Lời bài hát “Đăng quy đồ”, nguồn chanhkien.org.

[3] Chiếc mũ có vòng Kim Cô bên trong.