Bị thương do đao súng có thể chịu được, mà bị thương bởi những lời nói vu khống là khó chịu đựng nhất. Vậy mà người xưa vẫn nhẫn chịu được với một tâm thái cao thượng đáng ngưỡng mộ.

Khoan dung và độ lượng là những đức tính cao quý. Trong đối nhân xử thế, một người hành được chữ “Nhẫn” thì có thể giải quyết rất nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống, qua đó mà thể hiện ra phong thái cao thượng của tâm hồn. Tấm lòng khoan dung và độ lượng của người xưa là những đức tính đáng để chúng ta học tập.

Ngạn ngữ có câu: Bị thương do đao súng có thể chịu được, mà bị thương bởi những lời nói vu khống là khó tiêu tan nhất. Vậy người xưa làm sao đối đãi với những người và việc làm hại đến bản thân mình?

Không tự thanh minh

Vào thời Đông Tấn (Trung Hoa) có một người tên là Cao Phòng, làm chức phán quan ngự sử cho Trương Tùng Ân ở huyện Thiền Uyên. Khi đó có một người lính tên là Đoàn Hồng Tiến, ăn trộm gỗ của quan phủ đem về nhà dùng. Trương Tùng Ân biết được thì vô cùng tức giận, liền muốn giết Đoàn Hồng Tiến. Vì muốn thoát tội, Đoàn Hồng Tiến vu rằng: “Đây là do Cao Phòng ra lệnh cho tôi làm”. Trương Tùng Ân cho gọi riêng Cao Phòng tới hỏi chuyện. Cao Phòng nghe chuyện bèn thừa nhận. Đoàn Hồng Tiến thoát chết. 

Vì Cao Phòng theo mình đã lâu, Trương Tùng Ân không nỡ trách phạt ông, bèn đưa 1 vạn xâu tiền và 1 con ngựa cho Cao Phòng và đuổi ông đi. Cao Phòng cũng rất bình tĩnh mà rời đi, không oán thán gì. Sau đó, Trương Tùng Ân hối hận, lại phái người đuổi theo đưa Cao Phòng quay trở về. Qua 1 năm sau, người thân của Trương Tùng Ân mới nói cho ông biết sự tình. Cao Phòng nhận tội vì muốn cứu một mạng người. Trương Tùng Ân nghe xong vô cùng kinh ngạc và càng kính trọng Cao Phòng hơn. 

Được vàng không nhận

Cho người khác tiền tài là chuyện không khó nhưng dùng lòng tốt của mình để đối đãi với những người đang làm hại đến tiền tài của mình lại là một cảnh giới không phải ai cũng đạt được. Có một câu chuyện thế này. 

Khi Trương Trí Thường còn ở trường học, người nhà nhờ gửi cho anh 20 lượng vàng. Bạn cùng phòng với anh ta nhân lúc không có ai ở phòng liền lấy đi số vàng đó. Quan lại trong trường đã triệu tập và khám xét tất cả những người bạn cùng phòng của Trương Trí Thường và tìm thấy số vàng đó. Nhưng khi ấy Trương Trí Thường lại nói rằng đó không phải là vàng của mình.

Người bạn học lấy vàng Trương Trí Thường tối hôm đó đã mang trả tiền lại cho anh ta. Khi Trương Trí Thường biết được gia cảnh khó khăn của anh này, liền khẳng khái chia cho anh ta một nửa số vàng. Khi khám xét phát hiện thấy tiền vàng của mình, Trương Trí Thường vẫn không nhận chính là vì lo người bạn sẽ bị kết tội, ảnh hưởng tới tiền đồ. Điều này người bình thường không thể làm được.

Ảnh: Shutterstock.

Lòng thiện khiến kẻ trộm cải tà quy chính

Vu Linh Nghĩa ở Tào Châu (Trung Quốc) vốn chỉ là một người dân bình thường nhưng đối xử với người khác rất trung hậu, không bao giờ làm những chuyện hại người ích ta. Do chăm chỉ làm ăn, những năm cuối đời ông trở nên rất giàu có. Một tối nọ có người đến nhà ông ăn trộm bị các con trai của Vu Linh Nghĩa bắt được. Hóa ra đó là con trai nhà hàng xóm. Vu Linh Nghĩa liền hỏi anh ta: “Bình thường cậu chưa bao giờ làm việc xấu, sao hôm nay lại đi ăn trộm thế?”. 

Người đó trả lời: “Đều là do nghèo đói ép buộc cả”. Nghe xong Vu Linh Nghĩa liền hỏi anh ta: “Cần thứ gì?”. Anh ta trả lời: “Chỉ cần một vạn tiền là đủ mua đồ ăn và quần áo rồi”. Vu Linh Nghĩa liền đưa cho anh ta đúng số tiền mà anh ta yêu cầu. Tên trộm vừa định ra về thì Vu Linh Nghĩa bèn gọi anh ta lại. Tên trộm trong lòng lo lắng, nghĩ rằng Vu Linh Nghĩa đã hối hận và muốn đưa mình tới công đường.

Vu Linh Nghĩa nói: “Cậu nghèo như thế, trên người đột nhiên lại có một vạn lượng, chỉ sợ tuần đêm nhìn thấy sẽ nghi ngờ. Chi bằng hãy ở lại đây một đêm, sáng mai rồi rời đi cũng chưa muộn”. Tên trộm vô cùng xấu hổ, về sau quyết tâm cải tà quy chính, trở thành một công dân lương thiện. Vu Linh Nghĩa cũng thành lập một trường học, rồi mời những thầy giáo có tiếng đến dạy học. Con cháu trong nhà liên tiếp đỗ đạt, gia đình ông trở thành một danh gia vọng tộc ở Tào Châu. Đây cũng là một minh chứng rõ ràng cho việc ở hiền gặp lành. 

Ảnh minh hoạ: Sohu.

Giữ bí mật cho người trót sai lầm

Khoan dung khác với dung túng. Khoan dung chính là âm thầm chịu đựng, không để trong lòng. Thời Bắc Tống (Trung Quốc) có một người tên là Trương Tề Hiền, trước đây từng đi sứ Giang Nam. Một lần, gia đình ông tổ chức tiệc, người hầu trong nhà đã ăn trộm một vài đồ vật bằng bạc và giấu trong cánh tay áo của mình. Trương Tế Hiền đứng sau mành cửa nhìn thấy nhưng không hỏi. Sau này, những năm cuối đời, Trương Tế Hiền giữ chức Tể tướng, nô bộc trong nhà ông rất nhiều người đều đã làm quan, chỉ có người đầy tớ trộm tiền năm xưa chẳng thăng tiến được.

Một hôm, người nô bộc này chạy đến trước mặt Trương Tề Hiền hỏi: “Tôi theo hầu ngài lâu như vậy, những người đến sau đều đã được phong quan. Tại sao ngài chỉ lãng quên một mình tôi?”. Vừa nói, anh ta vừa không ngừng khóc thút thít. Tề Hiền ôn tồn nói: “Ta vốn dĩ không định nói chuyện cũ nhưng ngươi lại oán trách ta. Ngươi còn nhớ khi chúng ta ở Giang Nam không? Lúc đó ngươi ăn trộm mấy thứ đồ bằng bạc, ta đã nhìn thấy hết nhưng giấu chuyện này trong lòng suốt 30 năm qua, người khác không hề biết. Ta bây giờ là Tể tướng, chịu trách nhiệm bổ nhiệm và bãi nhiệm các quan, khích lệ người hiền tài, sa thải những kẻ suy đồi đạo đức, làm sao mà ta để cho một tên trộm làm quan đây? Ngươi đã theo ta rất lâu, giờ ta đưa cho ngươi 30 vạn lượng, rời khỏi nơi đây, tự tìm cho mình một nơi an cư lạc nghiệp đi. Bởi vì khi ngươi biết chuyện ta phát hiện ra việc làm của ngươi trong quá khứ thì ngươi không còn có thể ở lại bên cạnh ta nữa”. Người hầu nghe xong vô cùng kinh ngạc, khóc nói lời từ biệt rồi rời đi.

Nhà triết học Trình Di từng nói: “Nhịn tất cả những thứ không thể nhịn, dung tất cả những thứ không thể dung, chỉ có người có đủ hiểu biết mới có thể làm được vậy”. Những câu chuyện về người xưa, nghe ra đều rất đơn giản và chân thành. Nhưng người hiện đại thực khó lòng làm theo nổi. Bởi vì người hiện đại sống trong một xã hội đầy rẫy sự cám dỗ về vật chất, sự hào nhoáng của vinh hoa, khó lòng mà giữ được tâm thái trầm tĩnh, cũng khó lòng có được đức khoan dung rộng lượng của người xưa. 

Ngọc Linh
Theo Secretchina

Video: Nhẫn dưỡng phúc, từ bi dưỡng tâm, khoan dung dưỡng khí

videoinfo__video3.dkn.tv||3daf5638c__

Từ Khóa: