Có bài thơ rằng: 

“Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”

(Bạch Đằng Giang Phú – Trương Hán Siêu) 

Lịch sử như dòng sông dài cuốn đi trong lớp sóng của nó bao nhiêu sự tích, chiến công, thành bại của cả một dân tộc. Thế kỷ 21 hiện đại với quá nhiều thú vui và dục vọng, mấy ai còn lưu tâm đến những huy hoàng của quá khứ, những tinh hoa của cổ nhân hay những bài học sâu sắc từ ngàn xưa? 

Việt Nam 4.000 năm văn hiến với nhiều triều đại kiệt xuất thấm đẫm văn hóa Phật Đạo Thần đã đem đến cho dải đất xinh đẹp này biết bao nhiêu kỳ tích và truyền kỳ vẫn còn rọi sáng đến tận hôm nay. Chúng tôi tiến hành loạt bài viết về lịch sử Việt Nam mong muốn đem đến cho quý độc giả một góc nhìn mới về sử Việt, chính là ôn cũ biết mới, ngẫm chuyện xưa nhìn chuyện nay, tự đúc rút cho mình những trải nghiệm riêng. 

Khởi nguồn của nhà Lý không phải là đêm mưa gió khi Lý Công Uẩn chào đời ở chùa Tiêu Sơn, cũng không phải là lúc Công Uẩn nhờ học được võ công, binh pháp thượng thừa từ sư Vạn Hạnh mà có được thiên hạ. Câu chuyện dài ấy thật sự bắt nguồn từ 1000 năm trước khi Lý Công Uẩn xuất sinh với bao huyền tích chấn động lòng người. 

Xem thêm: Phần 1

Trời đãi nơi Thánh Địa Phật Quốc. Tỳ Sa Môn Thiên Vương hộ vệ nước Nam

Nơi mà dân chúng sống theo Phật Pháp vốn đã gây nên thiện căn sâu dày, quả lành tất sẽ ứng nghiệm. Sau 1000 năm Bắc thuộc đau khổ trả hết nghiệp lực đã mang, cùng với sự tín phụng Phật Pháp, dân Việt cũng đợi được đến ngày có lại được quốc gia của chính mình. Điềm báo đó chính là ngay từ trước khi nhà Lý quật khởi, Trời đã phái Tỳ Sa Môn Thiên Vương đến bảo vệ nước ta để đảm bảo từ đó trở về sau đây sẽ là nơi hoằng dương Phật Pháp mạnh mẽ (dưới 2 triều Lý, Trần). 

Theo sách “Thiền uyển tập anh”, Khuông Việt (933-1011), tên tục Ngô Chân Lưu, là người truyền thừa đời thứ tư của dòng Thiền Vô Ngôn Thông. Khuông Việt học và đắc đạo với Vân Phong. Năm ngoài bốn mươi tuổi, Khuông Việt được Đinh Tiên Hoàng (trị vì 968-979) mời vào triều hội kiến. Nhà vua rất kính trọng sư và phong cho ông chức Tăng thống. Sau đó còn ban cho danh hiệu Khuông Việt Thái sư.

Khuông Việt (933-1011), tên tục Ngô Chân Lưu, là người truyền thừa đời thứ tư của dòng Thiền Vô Ngôn Thông. Ảnh dẫn theo wikipedia.org

Nhà Đinh suy tàn, nhà Tiền Lê nối tiếp. Dưới thời Lê Đại Hành (trị vì 980-1005), Khuông Việt vẫn tiếp tục giữ những chức vụ cũ, hơn nữa ông còn được Lê Đại Hành mời tham dự vào tất cả các vấn đề quân sự và triều chính. Sách chép, Khuông Việt thường ngao du núi Vệ Linh, quận Bình Lỗ và yêu thích phong cảnh u thắng. Sư định xây am và trụ trì ở đó. Một đêm sư nằm mơ thấy có một Thần nhân mặc áo giáp vàng, tay phải cầm thương vàng, tay trái cầm bảo tháp. Đi theo là hơn mười tùy tùng dung mạo dữ tợn. Thần nhân bước tới nói: “Ta là Tỳ Sa Môn Thiên Vương, các tùy tùng của ta đều là dạ xoa (yaksa). Thiên đế ra lệnh cho ta đến nước này để bảo vệ biên cương, khiến cho Phật Pháp được hưng thịnh. Ta có duyên với ông, cho nên ta đến đây để ủy thác cho ông“.

Khuông Việt kinh hoàng tỉnh giấc, nghe thấy có tiếng gào thét trong núi, trong lòng lấy làm lạ lắm. Sáng ra, sư đi vào trong núi, thấy có một cội cây lớn cao hơn mười trượng với cành lá sum sê lại có một đám mây lành che phủ bên trên. Sư sai thợ đốn cây và tạc thành tượng Thần đã thấy trong mơ và lập đền thờ. Vào năm Thiên Phúc thứ nhất (981) quân Tống xâm nhập đánh phá. Hoàng đế Lê Đại Hành nghe câu chuyện nọ, sai Khuông Việt đến đền thờ cầu đảo. Quân Tống sợ hãi và bỏ chạy đến Ninh Giang ở Bảo Hựu. Lại thấy gió cuộn, sóng lớn nổi lên, giao long lồng lộn chồm tới. Quân Tống hoàn toàn tan rã. 

Long mạch thành hình, cuộc chiến bảo hộ Long mạch trăm năm của Phật môn

Sau nghìn năm chờ đợi rốt cuộc vùng đất này cũng đã hội tụ đủ điều kiện để phát tích đế vương, quả thật là:

“Ngũ tinh cách tú triều nguyên
Kim Mộc Thủy Hỏa bốn bên loan hoàn
Thổ tinh kết huyệt trung ương
Ấy đất sinh Thánh sinh Vương đời đời”

(Tả Ao)

Dân Văn Lang bị đô hộ hơn mười thế kỷ sau khi triều đại các vua Hùng sụp đổ, hào kiệt thi nhau quật khởi nhưng chưa có triều đại nào có thể khai mở một quốc vận dài lâu. Dẫu vài lần đã nếm được vinh quang của chiến thắng, tưởng chừng nối được quốc thống tiên tổ ngàn xưa, nhưng thời gian độc lập quá ngắn, phải lo chống giữ, không đủ vật lực tài lực để vun bồi văn hoá giáo dục, không có một giá trị tinh thần đủ mạnh làm cốt lõi như để dẫn lối cho cả dân tộc đi lên.

Chính vì lẽ đó mà Phật giáo nghiễm nhiên trở thành lựa chọn tối ưu nhất cho nước Nam. Cũng chính lúc ấy, Luy Lâu thời đó chính là một trung tâm Phật giáo phồn thịnh phát triển qua hàng ngàn năm, sản sinh ra vô số Thánh địa Phật môn cũng như những cao tăng đắc Đạo.

Di tích thành cổ Luy Lâu ( Thuận Thành _ Bắc Ninh) một trung tâm Phật giáo phồn thịnh phát triển qua hàng ngàn năm, sản sinh ra vô số Thánh địa Phật môn cũng như những cao tăng đắc Đạo. Ảnh dẫn theo baobacninh.com

Ai cũng biết Lý Thái Tổ lên ngôi mở ra thời thịnh trị của Đại Việt. Nhưng rất ít người biết được rằng để có được sự lên ngôi thành công, Phật môn ở Luy Lâu đã phải trả giá những gì. Đó chính là câu chuyện về sự sắp đặt truyền thừa bảo hộ hàng trăm năm Long mạch Đại Việt, bắt nguồn từ thiền sư Định Không (730-808) của Thiền phái Diệt Hỷ thời còn thuộc Đường.

Thiền phái Diệt Hỷ do thiền sư Ti-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci) người Ấn Độ sáng lập vào năm 580, truyền đến cuối đời Trần, trải qua 19 đời rồi ẩn tích đến ngày nay. Tuy nhiên tài năng và đức hạnh của những bậc thiền sư trong dòng phái này vẫn còn được hậu thế lưu truyền.

Thiền sư Định Không, người sắp đặt thế cuộc hai trăm năm cho nhà Lý lên ngôi

Thông thường thì cuộc đời của các thiền sư luôn chứa đựng nhiều bí mật vì họ xuất thế đi tu và sống ẩn dật tu luyện nơi rừng hoang núi thẳm. Và dù có đại trí đại huệ và tài năng kinh nhân, chúng sinh cũng rất ít khi biết được hành trạng của họ. Đối với họ, chuyện thế nhân căn bản không nằm trong những thứ họ quan tâm và truy cầu.

Nhưng khác với nhiều thiền phái từng tồn tại trong lịch sử nước ta, các thiền sư của thiền phái Diệt Hỷ có khuynh hướng nhập thế, giúp đời. Họ tham gia đóng góp cho dân tộc với tư cách của những vị quân sư, những người thầy cả văn và võ giúp đào tạo nhân tài cho quốc gia cũng như lo liệu nhiều vấn đề quốc gia đại sự. Vì vậy, tên tuổi của họ được hậu thế lưu truyền nhiều đời, đến giờ sử sách và dân gian vẫn nhắc tới tên tuổi của các bậc thiền sư này.

Tương truyền rằng sư Định Không vốn thuộc họ Lý, quê ở hương Diên Uẩn, tu hành đắc Đạo và rất giỏi thuật số. Khi sư về quê nhà dựng chùa Quỳnh Lâm, lúc mới đào đất đắp nền đã phát hiện một cái ly hương và 10 cái khánh. Sau đó, sư sai người đem xuống sông rửa sạch.

Chùa Quỳnh Lâm do Thiền sư Định Không (730-808) thuộc phái thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi (thế hệ thứ 8) thành lập. Ảnh dẫn theo ditichlichsuvanhoa.com

Một cái khánh bị rơi xuống tận đáy sông. Thiền sư Định Không cho rằng đây là điềm báo tốt, liền nói với mọi người: “Chữ thập, chữ khẩu hợp thành chữ cổ. Chữ thuỷ, chữ khứ hợp thành chữ pháp. Chữ thổ chỉ làng ta ở“. Vậy nên sư quyết định đặt tên làng mình từ Diên Uẩn thành Cổ Pháp.

Sau đó, sư tụng bài kệ rằng:

Pháp lai xuất hiện 
Thập khẩu đồng chung 
Lý thị hưng vương
Tam phẩm thành công

(Pháp khí hiện ra
 Khánh đồng mười tấm
 Họ Lý làm vua
 Ba đời sẽ thành công)

Theo thuyết phong thủy thiên mệnh, một dòng họ quật khởi ắt phải có đủ đức độ để đắc được một ngôi Long mạch mới có thể khai mở quốc vận trị vì thiên hạ. Các triều đại Trung Quốc, thủy tổ của thuyết phong thủy dĩ nhiên càng phải biết rõ điều đó. Với khả năng siêu phàm của một người tu hành đắc Đạo, thuận theo mệnh Trời mà làm việc, sư Định Không đã thấy trước rằng nhà Lý phải tích Đức đủ 3 đời nữa (Tam phẩm thành công) thì mới sinh ra được “Chân Long Thiên Tử”, nhiệm vụ của Thiền phái ngài chính là phải đảm bảo không để cho tà ma quấy nhiễu quá trình này. Thế nên ngài đã dặn dò đệ tử là thiền sư Thông Thiện:

Ta muốn mở mang hương ấp, nhưng sợ ngày sau gặp nạn, tất có dị nhân đến phá hoại mạch đất của hương ta. Sau khi ta qua đời, ngươi khéo giữ đạo pháp của ta để sau gặp người họ Đinh thì truyền lại. Thế là ý nguyện của ta được toại thành”. Nói xong, Sư cáo biệt rồi qua đời, hưởng dương 79 tuổi. Năm đó là năm Mậu Tý, niên hiệu Đường Nguyên Hòa thứ ba (năm 808).

Thiền Sư Đinh La Quý, pháp thuật thông thần, hàn gắn Long mạch, phá phép trấn yểm

Thiền sư Đinh La Quý sinh năm 852, mất năm 936, người An Chân, nay là thôn Đồng Trực, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Sách chép về ngài như sau, thuở nhỏ Đinh La Quý đã du phương học thiền khắp nơi nhưng không gặp duyên đạo, sắp thối chí thì gặp Thông Thiện tu ở chùa Thiện Chúng (làng Phù Ninh, phủ Thiên Đức, nay là thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), La Quý khai ngộ thờ Thông Thiện làm thầy. Khi Thiền sư Thông Thiện sắp viên tịch gọi Sư đến dạy rằng: “Xưa thầy ta là Định Không thường dặn ta rằng: Người giữ Pháp ta, gặp người họ Đinh thì truyền, con đúng là người đó, ta đi vậy”. Khi đã đắc pháp, sư tùy phương diễn hóa, chọn đất dựng chùa, mỗi khi nói ra lời nào, tất là sấm phù (lời tiên tri). 

Chợ quê xã Quỳnh Hoàng, Quỳnh Phụ, Thái Bình – Quê hương Thiền sư Đinh La Quý. Ảnh dẫn theo dulichaz.com

Thiền sư La Quý trụ trì chùa Song Lâm, làng Phù Linh, phủ Thiên Đức. Khi sắp tịch, sư bảo đệ tử là Thiền Ông rằng: “Thuở trước Cao Biền xây thành (Đại La) bên sông Tô Lịch, vì biết vùng đất làng Cổ Pháp có khí tượng Đế vương, nên cho đào đứt sông Diềm và những hồ ao liên hệ… đến mười chín chỗ mà yểm đó. Nay ta đã sai Khúc Lãm lấp lại như xưa. Ta lại trồng một cây Miên (cây gạo) ở chùa Minh Châu để trấn chỗ bị đứt. Biết sau này ắt có vua hiền ra đời, để vun bồi chánh pháp của ta. Sau khi ta tịch, ngươi nên đắp lên một nền đất, xây lên ngọn tháp, lấy pháp để kín trong ấy, chớ cho người thấy”. Lúc trồng cây Miên (gạo), Sư có bài kệ rằng:

Đại Sơn long đầu khởi 
Cù Vĩ ẩn Minh Châu 
Thập bát tử định thành 
Miên thụ hiện long hình 
Thỏ kê thử nguyệt nội 
Định kiến nhật xuất thanh

Dịch thơ:

Đại sơn đầu rồng dấy
Đuôi rồng ẩn Châu Minh
Thập bát tử định thành
Cây gạo hiện hình rồng
Thỏ gà trong tháng chuột
Quyết thấy mặt trời lên


Nói xong, sư tịch, thọ 85 tuổi, nhằm niên hiệu Thanh Thái thứ ba nhà Hậu Đường (năm 936). Bài thơ trên là một lần cuối thiền sư thể hiện thần thông của Phật Pháp, hé lộ tiên tri về thiên cơ ngày sau của lịch sử nước ta. Ngày nay người ta lý giải như sau: Đại Sơn long đầu khởi chính là nói về cuộc khởi nghĩa đầu tiên của sứ quân Lý Khuê (Lý Lãng Công) năm 966-967, tức là ông nội của Lý Công Uẩn. Ông khởi nghĩa ứng với câu “Đại Sơn long đầu khởi“, vì Long mạch ở đất Cổ Pháp có đầu ứng với núi Đại Sơn và có đuôi ẩn gần chùa Minh Châu (Dương Lôi). 

Câu “Cù vĩ ẩn Minh Châu“, ý cũng nói là cuộc khởi nghĩa sẽ thất bại đơn giản vì Thiên tử lúc nào mới chỉ là “rồng ẩn” (tiềm long). Lý Khuê chết và các con cháu của ngài phải ẩn tu hoặc mai danh ẩn tích, đổi họ Lý thành họ Nguyễn vào thời Đinh (968-991), thời Tiền Lê (991-1009). Trong số đó có Lý Vạn Hạnh mặc dù họ Lý nhưng cũng có thời kỳ phải mang họ Nguyễn chính là nguyên do này. 

Thập bát tử định thành” chính là chiết tự của chữ Lý gồm có chữ Thập, Bát và chữ Tử bên dưới. Cho biết họ Lý rốt cục rồi sẽ thành công. Miên thụ hiện long hình” chính là nói cây gạo do ngài trồng sẽ bị sét đánh và hiện ra bài sấm nói cho thế nhân biết ai là chân mệnh thiên tử (long hình). Hai câu còn lại chính là nói về thời gian mà nhà Lý sẽ lên ngôi báu.

Ngoài những lời tiên tri về Thiên tử, dự ngôn về kẻ địch hay tà ma phá hoại cũng chính xác hoàn toàn “dị nhân đến phá hoại mạch đất” chính là ứng vào Cao Biền vậy. Cao Biền (821 – 887), người U Châu (Bắc Kinh ngày nay), là tướng nhà Đường, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, được Vua Đường Ý Tông sai sang Giao Châu làm Tiết Độ Sứ. Trước khi đi, quan xem thiên văn nhìn thấy bao vì tinh tú đều chầu về Cổ Pháp đã bẩm báo lên vua.

Cao Biền (821 – 887), người U Châu (Bắc Kinh ngày nay), là tướng nhà Đường, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý. Ảnh dẫn theo soha.vn

Vua Đường lo lắng về linh khí nước Nam quá vượng, dặn riêng với Cao Biền rằng: “Trưng Thị là hai người đàn bà mà làm rung chuyển cả cơ nghiệp nhà Đông Hán, rồi lại Triệu Ẩu, Lý Bôn… làm cho ta vất vả lắm mới dẹp được. Nay trẫm thấy linh khí An Nam quá thịnh, e sau có biến. Khanh đến đó trước bình giặc Nam Chiếu, sau tìm cách trấn yểm linh khí An Nam, đi và vẽ bản đồ về cho trẫm“. 

Vì thế, Cao Biền đi xem hình thế núi sông, viết sách: “Cao Biền địa lý Tấu thư kiểu tự” nói đến 632 huyệt chính cùng 1517 huyệt bàng từ đất Ninh Bình trở ra, tổng cộng có hơn 2000 ngôi đất quý phát ra Anh hùng hào kiệt, để dâng lên vua Đường. Sau này, vua Lê Lợi thu thành Đông Quan, bắt được Hoàng Phúc và sách, biết được vua Minh sai Hoàng Phúc xét duyệt và trấn yểm nốt những ngôi đất quý theo sách của Biền.

Cao Biền lại cho đào đứt sông Điềm và hồ ao 19 chỗ ở Phù Chấn để trấn yểm long mạch Đế vương của nước Nam. Thế nhưng người tính không bằng trời tính, ngôi cao kia đã do Trời cao an bài cho con dân Việt Nam lầm than sau nghìn năm vẫn biết tín phụng Phật Pháp và sống một đời đạo đức.

Do đó, Trời đã sớm sắp đặt các cao nhân Phật môn phá hết các phép trấn yểm của Cao Biền. Đó chính là các truyền nhân của Diệt Hỷ Thiền Phái vậy. Từ Định Không cho đến Vạn Hạnh trải qua 100 năm, quả thật là một cuộc chiến phong thủy vô tiền khoáng hậu giữa Chính và Tà ngay trên đất nước ta.

Vạn Hạnh Thiền Sư, thuận Thiên hành sự, đào tạo Thiên tử tương lai

Đại biểu cuối cùng cũng là xuất sắc nhất, hoàn thành di nguyện tiên tổ của Diệt Hỷ phái chính là Thiền Sư Vạn Hạnh, chính ông là cố vấn cho vua Lê Đại Hành, là một nhà tiên tri kiệt xuất và cũng là thầy khai Đạo cho Lý Công Uẩn, Chân Mệnh Thiên Tử mà muôn dân ngóng trông.

Hành trạng của ông sử sách ghi lại như sau: Thiền sư họ Nguyễn, quê châu Cổ Pháp (nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), từ thuở nhỏ đã thông minh, học thông Nho, Lão, Phật và nghiên cứu hàng trăm bộ luận Phật giáo. Năm 21 tuổi ông xuất gia, tu học với bạn là thiền sư Ðịnh Tuệ dưới sự chỉ dẫn của thiền sư Thiền Ông tại chùa Lục Tổ. Sau khi Thiền Ông mất, ông bắt đầu chuyên thực tập Tổng Trì Tam Ma Ðịa, nên sau này hễ ông nói lời gì đều được thiên hạ cho là phù sấm.

Tượng sư Vạn Hạnh tại chùa Tiêu Sơn thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh dẫn theo vietnamtourism.com

Vua Lê Ðại Hành rất tôn kính ông. Năm 980, tướng nhà Tống là Hầu Nhân Bảo mang quân sang đóng ở núi Cương Giáp Lãng định xâm chiếm nước Đại Cồ Việt, Lê Đại Hành triệu ông vào hỏi nếu đánh thì thắng hay bại. Ông đáp trong vòng từ ba đến bảy ngày giặc sẽ rút lui. Lời này sau ứng nghiệm. Khi Lê Đại Hành muốn xuất quân đánh Chiêm Thành để cứu sứ giả bị vua Chiêm bắt giữ nhưng còn do dự, thì Vạn Hạnh nói đây là cơ hội đừng để mất. Sau đó lời này nghiệm, và Lê Đại Hành đánh tan quân Chiêm. 

Điều thú vị nhất ở sư Vạn Hạnh chính là tài năng võ thuật thượng thừa mà ông đã truyền cho Lý Công Uẩn. Điều này chứng tỏ rằng các thiền sư phái Diệt Hỷ chính là những người tu luyện “nội ngoại kiêm tu” (vừa luyện võ vừa tu nội), đạt đến trình độ rất cao. Do đó ông đã dốc lòng nuôi nấng, đào tạo nên một Lý Công Uẩn tài năng hoàn hảo cả văn lẫn võ. Vị vua này sau này không những là một võ tướng bách chiến bách thắng, từng cầm quân trấn áp nhiều thế lực phản loạn dưới thời Tiền Lê, mà còn là một vị minh quân nhân từ hiếm có trong lịch sử. Tất cả chính là nhờ công dạy dỗ của Vạn Hạnh vậy.

Ông còn là người có công lớn nhất khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Tương truyền, ngày vua Lý Thái Tổ lên ngôi (sự kiện diễn ra tại Ninh Bình), sư Vạn Hạnh ở mãi tận chùa Quỳnh Lâm, đã biết trước mọi việc, bảo với người bác và chú của vua rằng: Thiên tử đã băng, Lý Thân vệ (Lý Công Uẩn) hiện đang ở nhà. Trong trưa nay, Thân vệ ắt được lên ngôi“.

Rồi nhà sư cho yết bảng ở đường cái nói rằng:

“Tật lên chìm bể Bắc
Hạt Lý mọc trời Nam
Bốn phương gươm giáo dẹp
Tám cõi mừng bình an”

Lý Thái Tổ (chữ Hán: 李太祖; 8 tháng 3 năm 974 – 31 tháng 3 năm 1028), tên thật là Lý Công Uẩn (李公蘊), là vị hoàng đế sáng lập nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ năm 1009 đến khi qua đời vào năm 1028. Ảnh dẫn theo ĐKN

Ý thơ nói nhà Lý thay nhà Lê (Tật Lê chìm tức là nhà Lê mất nước, hạt Lý mọc trời Nam tức là nhà Lý lện ngôi). Công đức một đời của ông đối với vua, với nước khó mà diễn tả hết được dẫu là qua bao nhiêu lời khen tặng hay bao nhiêu áng văn. Xin dẫn ra đây bài thơ của vua Lý Nhân Tông để thay cho lời kết về sự viên mãn công thành của Vạn Hạnh đối với lời thệ nguyện của các tổ để lại cho ông cũng như công đức của ông với nước nhà:

Vạn Hạnh dung tam tế
Chân phù cổ sấm cơ
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ

Bản dịch của Nguyễn Đức Vân và Đào Phương Bình:

Vạn Hạnh thông ba cõi
Thật hợp lời sấm xưa
Quê hương tên Cổ Pháp
Chống gậy trấn kinh vua.

Lời kết

Dù Đại Việt là một quốc gia Nho giáo tiêu biểu của phương Đông nhưng hai triều đại rực rỡ nhất và tất cả các triều đại khác của nó đều mang đậm dấu ấn ảnh hưởng của Phật giáo. Những vị vua của các vương triều phong kiến của nước Việt đều sùng thượng Phật Pháp, nhờ đó cai trị thuận buồm xuôi gió, đem đến cho dân tộc những thiên hùng sử lưu dấu mãi đến ngàn năm sau.

Một vương triều mới nổi có thể quật khởi là không điều hề đơn giản. Nó chính là quá trình tích đức tụ linh trải suốt hàng mấy trăm năm thậm chí cả nghìn năm. Đó cũng là sự việc đã được an bài rất chi tiết từ trên Thiên thượng xuống tận trần gian, tính luôn cả những âm mưu phá hoại của tà ma và ngoại tộc. Đêm trường Bắc thuộc gần một nghìn năm lại là một khảo nghiệm, một ma nạn lớn để càng thêm hun đúc tinh thần quật khởi ấy. 

Sở dĩ người Việt có thể làm được điều kỳ diệu tưởng chừng bất khả thi đó là nhờ nguồn gốc sâu xa và ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật Pháp. Chính là Thần Phật đã an bài cho nhà Lý khai vận để chính truyền Phật Pháp tại trời Nam. Vì sao Thần Phật lại an bài sự tình này? Bởi vì trong lúc gian khổ nhất, ác liệt nhất thì dân Việt ta vẫn tôn trọng Phật Pháp và sống hài hòa, yêu chuộng hòa bình. Chính là tâm thái kính Thần Phật, yêu chuộng hòa bình đã đem lại bình yên và hạnh phúc trường cửu cho dân tộc này. 

Thực là:

Văn hiến thiên niên quốc
Xa thư vạn lý đồ
Hồng Bàng khai tịch hậu
Nam phục nhất Đường Ngu

(Nước ngàn năm văn hiến
Cơ đồ vạn dặm xa
Từ Hồng Bàng mở cõi
Trời Nam một sơn hà)

(Hết)

Tĩnh Thủy