Người Việt Nam quen dùng “Âm lịch” cho các hoạt động lễ tết, ma chay, cưới hỏi, xây nhà, v.v… Nhưng ít ai biết rằng, lịch pháp truyền thống ấy vốn không phải là “Âm lịch”. Gọi “Âm lịch” là một sự nhầm lẫn, làm thay đổi và mất đi nội hàm tinh hoa của văn hóa truyền thống.
Cách ghi lịch truyền thống
Lịch pháp truyền thống của Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Hoa, dùng can chi để ghi năm, tháng, ngày, giờ. Cái gọi là “can chi” là tên gọi tắt của “Thiên can” và “Địa chi”. Trong đó “Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý” là mười thiên can. “Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi” là mười hai địa chi. Ghi năm theo trình tự can chi lấy ra mỗi thứ một chữ, bắt đầu bằng chữ Giáp, 60 năm tuần hoàn một lần, lặp đi lặp lại cho tới vô cùng.
Mỗi một thời khắc đều được đánh dấu từ can chi của năm, tháng, ngày, giờ, do đó tổng cộng có tám chữ. Ví dụ, 6 giờ sáng ngày 06 tháng 06 năm 2006, cũng thuộc về “Giờ Tân Mão, ngày Bính Dần, tháng Giáp Ngọ, năm Bính Tuất”, Khi đó “Sinh thần bát tự” (ngày tháng năm sinh) của một người được gọi là “Bính Tuất, Giáp Ngọ, Bính Dần, Tân Mão”.
Sau khi lịch sử Hoàng triều được kiến lập, Hoàng đế lên ngôi, hoặc phát sinh đại sự, thiên tai… đều sửa niên hiệu, do đó trong lịch pháp lại thêm vào niên hiệu. Ví như chúng ta đã quen thuộc với “Trinh Quán”, “Vĩnh Lạc”, “Khang Hy”, v.v.. đều là niên hiệu.
Lịch thư truyền thống của hoàng triều đều do Hoàng đế ban bố, có liên hệ trực tiếp đến niên hiệu Hoàng đế, đồng thời do chính quyền khắc ấn, do đó lịch pháp truyền thống được gọi là “Hoàng lịch”. Cũng bởi vì lịch pháp sớm nhất khởi nguồn từ Hoàng Đế, do đó cũng gọi là “Hoàng lịch”.
Bản chất của lịch pháp truyền thống
Âm Dương hợp lịch, Âm Dương cân bằng
Lịch pháp truyền thống là lịch kết hợp giữa Âm và Dương, chứ không đơn thuần là Âm lịch. Ví dụ về lịch Âm đơn thuần là lịch Hồi giáo. Cơ sở tính tháng của nó đều dùng chu kỳ tròn khuyết của mặt trăng, mỗi năm 12 tháng, khoảng 354 ngày, cho nên cứ 33 năm lại cách một năm so với Công lịch.
Cổ nhân chú trọng Âm Dương hòa hợp đã lập ra lịch pháp truyền thống, đồng thời cũng quan tâm tới chu kỳ mặt trăng tròn khuyết và chu kỳ trái đất xoay quanh mặt trời. Độ dài bình quân của lịch tháng gần giống với tháng Sóc vọng (tháng mặt trời). “Ngày sóc” (mùng 1), mặt trăng nằm giữa mặt trời và trái đất, nửa bán cầu được mặt trời chiếu sáng sẽ quay lưng về phía Trái Đất, ngày hôm đó đứng trên trái đất không nhìn thấy Mặt Trăng. Giữa tháng là “ngày vọng” (ngày rằm – ngày trăng tròn).
Thông qua việc đặt ra tháng nhuận, khiến độ dài bình quân của lịch năm tiếp cận với năm hồi quy là một loại lịch kết hợp Âm Dương “tháng Âm năm Dương”. Nó vừa có thể khiến mỗi một năm về cơ bản đều phù hợp với thay đổi của từng mùa, lại có thể khiến ngày của mỗi tháng đối ứng với Mặt Trăng.
Lịch pháp sớm nhất của Trung Quốc là do Hoàng đế Hiên Viên ban bố. Hoàng đế Hiên Viên được tôn xưng là “Nhân văn sơ tổ” (Ông tổ nhân văn), do đó có thể thấy rằng người Trung Quốc rất coi trọng lịch pháp. Hoàng đế Hiên Viên là người sáng lập ra văn hóa Đạo gia, bởi vậy người Trung Quốc từ thuở văn minh sơ khai đã rất coi trọng học thuyết Âm Dương của Đạo gia. Lịch pháp cũng biểu đạt về khái niệm cân bằng Âm Dương.
Thiên nhân hợp nhất, kính Thiên tín Thần
Văn hóa truyền thống coi trọng “Thiên nhân hợp nhất”. Đạo gia cho rằng con người chính là một tiểu vũ trụ, bởi vậy rất coi trọng việc quan sát thiên tượng. Thời đầu nhà Hán khi Tư Mã Thiên viết “Sử Ký”, ông đã viết riêng một chương “Thiên quan thư”, trình bày hết sức tỉ mỉ vị trí, quy luật vận hành của tinh cầu và sự ảnh hưởng của nó đến sự việc tại nhân gian.
Do Thiên can địa chi đối ứng với ngũ hành, hơn nữa còn đối ứng với vị trí, màu sắc, các mùa, ngũ tạng, kết cấu xã hội, v.v.. do đó nó đã trở thành căn cứ chủ yếu của dự đoán học Chu Dịch. Lấy can chi để ghi tháng (nguyệt), tức là Chu Dịch dự đoán cũng phải căn cứ vào lịch pháp truyền thống.
Hoàng lịch truyền thống thể hiện đầy đủ tư tưởng Âm Dương Ngũ Hành, ẩn chứa quy luật diễn hóa tuần hoàn của tự nhiên, tức là kết quả tác dụng của tương tác giữa thời (thời gian) và không (phương hướng), và giữa “Âm” và “Dương”.
Đồng thời, lịch pháp truyền thống còn phản ánh vũ trụ quan của cổ nhân về tương sinh tương khắc, họa phúc hoán chuyển, thay triều đổi đại, tuần hoàn lặp lại. Điều phản ánh phía sau là văn hóa Đạo gia và xã hội truyền thống kính sợ Thiên Địa, Thần linh, cân nhắc tới giá trị quan thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Tác hại của việc gọi sai tên lịch pháp truyền thống
Lịch pháp truyền thống là “Âm Dương hợp lịch”, khi gọi “Âm lịch” đã phá vỡ đi quan niệm Âm Dương cân bằng trong văn hóa truyền thống. Ngoài ra, “Âm lịch” có thể khiến một số người hiểu lầm rằng đây là lịch cho người đã chết (người cõi “Âm”), còn người đang sống thì dùng “Dương lịch” mà thôi.
Tuy vậy, dù sao “Âm” vẫn là cách nói của Đạo gia, vẫn là mang theo nội hàm tu luyện. Vào năm 1968, chính quyền Trung Quốc mượn cớ phá bỏ “Tứ Cựu” đã gọi Hoàng lịch thành “Nông lịch”.
Gọi lịch pháp truyền thống thành Nông lịch, khiến mọi người sinh ra một loại ảo giác, dường như tác dụng của lịch pháp truyền thống chỉ giới hạn trong nông nghiệp, cần thiết cho việc tính toán thời vụ, không có quan hệ gì nhiều đối với xã hội hiện đại. Lịch pháp truyền thống do đó mà bị gạt sang một bên.
Trên thực tế, tác dụng của Hoàng lịch truyền thống tuyệt nhiên không chỉ giới hạn trong nông nghiệp. Nó có mối quan hệ trực tiếp với cuộc sống của nhân dân, là trực tiếp phản ánh mối quan hệ giữa “Thiên Địa Nhân”, lấy thiên can địa chi làm cơ sở, căn cứ theo ngũ hành sinh khắc mà xác định cát, hung, hợp, kỵ trong mỗi ngày, và lấy việc kính Thiên tín Thần làm trọng tâm cho các hoạt động tế tự, ngày Tết.
Gọi Hoàng lịch truyền thống là “Âm lịch” hay Nông lịch đã hạ thấp giá trị và lấy đi nội hàm văn hóa rộng lớn của Hoàng lịch, cắt đứt sự truyền thừa của văn hóa truyền thống. Thanh niên trẻ ngày nay nói đến Nông lịch, chỉ biết nó có liên quan đến vài ngày lễ truyền thống thưa thớt còn sót lại và liên quan tới việc nhà nông, chứ không biết trong đó ẩn chứa nội hàm văn hóa truyền thống sâu sắc.
Khôi phục lại tên gọi chân thực của “Hoàng lịch” không chỉ là thay đổi danh xưng, mà còn là sự trở về với truyền thống tôn kính Thiên Địa Thần linh, và thấu hiểu vị trí của con người trong vũ trụ rộng lớn.
Thanh Ngọc