Lời ngỏ:

Văn hoá truyền thống cho chúng ta hiểu rằng: Sinh mệnh vốn từ thiên thượng, do mắc tội nghiệp nên phải đoạ xuống cõi người để tu thân quay trở về. Nhân gian là cõi mê, khiến con người phải trải qua khổ nạn mà tu dưỡng thành một sinh mệnh tốt thật sự, ở trong thùng thuốc nhuộm xã hội mà vẫn giữ được sự thuần thiện tiên thiên. Chỉ khi biết trân quý bản thân mình, phù hợp với tiêu chuẩn của thiên quốc thì sinh mệnh mới tìm được con đường quay trở về. 

Thuở mới xuất hiện văn minh, Thần đã nhiều lần giáng thế để dạy cho nhân loại các tiêu chuẩn cần có để làm người. Thần cũng hiển linh trong các trường hợp đặc thù để con người hiểu được bài học đó, nhớ tới Thần cũng là nhớ về cội nguồn của sinh mệnh. Vì thế bằng nhiều cách khác nhau, Thần đã truyền cấp cho con người văn hoá, những quan niệm đạo đức để con người có được nền tảng tư tưởng đúng đắn, biết phân biệt tốt xấu, đúng sai.

Truyện cổ tích là một bộ phận không thể thiếu trong Văn hoá Thần truyền. Dù cho xã hội đã phát triển như thế nào đi nữa, dù thuyết vô Thần và các loại học thuyết nguỵ khoa học đã dụ hoặc con người bài xích sự tồn tại của Thần, nhưng những quan niệm về tốt, xấu, đúng, sai vẫn được truyền thừa thông qua truyện cổ tích hay những câu chuyện Thần tiên lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đặc biệt trong văn hoá truyền thống Việt còn lưu lại rất nhiều câu chuyện về tu luyện, để muôn đời hiểu rằng đó mới là mục đích để làm người.

Hãy cùng Đại Kỷ Nguyên sống lại với những bài học từ truyện cổ tích. Chúng tôi lựa chọn những câu chuyện hay, ý nghĩa được lưu truyền trong dân gian và gửi tới bạn đọc những bài học kinh điển rút ra từ những câu chuyện đó.

Trọn bộ: Bài học cổ tích

***

Truyện cổ tích Andersen có ý nghĩa thâm sâu và rất nhiều bài học đắt giá. Ngay cả những bài học rất đau đớn về cuộc đời cũng được ông đưa vào tác phẩm của mình một cách ý nhị, để lại ấn tượng trong lòng độc giả. “Đôi giày đỏ” là một câu chuyện như thế.

Truyện kể rằng:

Bởi vì mẹ cô bé Karen rất nghèo nên cô cũng chẳng có những thứ giày dép nào cả, khi mùa hè tới cô chỉ toàn đi chân đất mà thôi, còn mùa đông thì cô lại đi một đôi guốc gỗ cũ. Chân cô không chịu nổi cái thời tiết rét lạnh ấy nên cứ đỏ ửng hết cả lên.

Ở trong làng bấy giờ có bà lão làm nghề thợ giày. Bởi rất thương yêu cô bé nên bà đem gom góp những mảnh da màu đỏ rồi chắp vá lại thành một đôi giày để tặng cho cô bé.

Mặc dù đôi giày mà bà làm chẳng đẹp đẽ cho lắm, bởi vì đôi mắt của bà già phúc hậu này đã kém lắm rồi, đôi tay thì lại thường run rẩy, nhưng mà bà lão đã làm và tặng đôi giày ấy cho Karen với tấm lòng vô cùng trìu mến. Vì thế mà Karen thích đôi giày này lắm.

Nhưng cũng vào đúng ngày hôm ấy mẹ của cô bé đột nhiên qua đời. Theo lẽ thường thì nhà có tang sẽ không thể nào được đi giày màu đỏ. Tuy nhiên Karen lại không có lấy một đôi giày nào khác cả, vì vậy cô đành phải chấp nhận đeo đôi giày đỏ kia. Karen vừa đi lại vừa khóc nức nở.

Bỗng nhiên có một cỗ xe ngựa rất lớn nhưng có phần cũ kĩ đi ngang qua. Ở trên xe có một bà già trông rất quý phái. Khi nhìn thấy cô gái nhỏ mồ côi đang thút thít đáng thương, bà liền động lòng, bà nói với ông cụ đạo để xin nhận cô bé ấy. Bà già quý phái nói rằng:

– Cụ hãy cho tôi đem cô bé này theo, tôi hứa sẽ đem về và nuôi nấng, chăm sóc thật chu đáo.

Ảnh: Wikipedia.

Ban đầu thì Karen nghĩ rằng người này nhìn tới mình vì mình đeo một đôi giày đẹp. Tuy nhiên về sau thì bà lại chê đôi giày xấu, nên vứt đi. Sau đó thì bà cho Karen ăn mặc toàn những thứ quần áo sạch sẽ và đẹp đẽ, còn cho Karen đi học đọc, học viết, còn học cả may vá nữa. Tất cả mọi người xung quanh đều khen ngợi Karen vừa xinh đẹp vừa ngoan ngoãn. Khi nhìn vào gương thì gương cũng nói rằng Karen rất đẹp và rất ngoan.

Vào một ngày nọ khi nhà vua đem theo hoàng hậu cùng công chúa của mình ngự giá tới thành phố ở gần đấy, nhân dân đều nô nức kéo nhau tới để chiêm ngưỡng được long nhan. Và Karen cũng đi theo những người lớn để đến xem.

Cô bé nhìn thấy nàng công chúa mặc váy xa-tanh độc một màu trắng tinh và đứng ở trên bao lơn cho mọi dân chúng đều nhìn thấy. Ở dưới chân mình, nàng công chúa đeo một đôi giày màu đỏ bằng da dê vô cùng xinh đẹp, nó khác hẳn với đôi giày đỏ mà bà lão thợ giày nghèo nhưng phúc hậu đã từng tặng cho Karen ngày trước.

Khi sắp tới ngày Karen chịu lễ thêm-sức thì bà già quý phái liền may cho Karen bộ quần áo rất đẹp, sau đó bà đưa cô bé tới chỗ người thợ giày giỏi nhất trong thành phố để thuê người ta đóng cho Karen một đôi giày đẹp. Khi đến chỗ người thợ giày, Karen liền chìa đôi chân nhỏ bé của mình để bác thợ giày kia đo cỡ.

Trong lúc đó cô bé cũng bận rộn nhìn khắp chung quanh cửa hàng. Cô bé trông thấy ở bên trong tủ kính có đôi giày đỏ rất đẹp, nhìn cũng đẹp y như là đôi giày mà nàng công chúa đeo ngày hôm trước vậy. Và cô bé reo lên đầy vui mừng:

– Ôi chao! Đôi giày kia đẹp biết bao! Cháu thích nó lắm! Bác để cháu thử đi, nếu như vừa thì hãy bán nó cho cháu.

Người thợ lấy đôi giày kia đưa cho Karen thử và bảo:

– Đây chính là đôi giày mà con gái bá tước đã đặt trước, nhưng bởi vì nó quá nhỏ nên đi bị chật nên tôi mới để lại đây.

– Đôi giày này làm bằng da dê đúng không? – Bà già quý phái hỏi – nhìn nó bóng bẩy đẹp quá!

– Vâng thưa bà, nó được làm từ da dê đấy!

Bởi vì Karen đeo đôi giày ấy rất vừa rất đẹp nên bà già quý phái lập tức mua cho cô. Có điều là bà không hề biết đôi giày đó màu đỏ, bởi vì mắt bà đã kém quá rồi. Nếu như biết nó màu đỏ thì chắc chắn bà sẽ không để cho cô bé đeo nó trong ngày đi chịu lễ thêm-sức ở nhà thờ.

Khi trông thấy Karen đeo một đôi giày đỏ, tất cả mọi người bên trong nhà thờ đều lắc đầu. Khi Karen đi qua ngưỡng cửa thì tất cả những bức tranh được treo ở trên tường đều nhìn chằm chằm cô bé. Nhưng Karen không hề cảm thấy ngượng ngùng, cô bé lại càng cảm thấy hãnh diện hơn.

Cụ đạo thì nhắc nhở cho Karen biết bổn phận của một cô gái khi đã đến tuổi biết suy nghĩ, bước chân vào trong hàng ngũ của con chiên. Và rồi đại phong cầm lại vang lên những giai điệu của bài thánh ca. Còn dàn hợp xướng nhi đồng thì hát vang bài hát cầu nguyện. Nhưng Karen lại chỉ mải mê ngắm nhìn đôi giày đỏ xinh đẹp như đôi giày của nàng công chúa.

Buổi chiều ngày ấy, khi nghe được mọi người bàn tán thì bà già quý phái mới hay mọi chuyện. Bà già bảo với cô bé rằng:

– Khi đến nhà thờ để dự lễ, nếu đi giày đỏ thì sẽ bị cho là ngạo nghễ. Vì vậy từ nay mỗi khi bước chân vào nhà thờ thì phải đeo giày đen, dù cho nó có cũ hay rách thì cũng phải đeo.

Vào ngày chủ nhật sau thì Karen tiếp tục phải tới nhà thờ để chịu lễ ban thánh thể. Cô bé nhớ tới lời dặn của bà già quý phái, vì vậy liền đeo một đôi giày đen. Nhưng là cô bé cứ nhìn qua rồi lại nhìn lại phía đôi giày đỏ, kiểu gì cũng thấy nó đẹp hơn, vậy là cô bé lại bỏ đôi giày đen dưới chân ra và đeo giày đỏ vào.

Ngày hôm ấy thời tiết rất đẹp. Vì muốn được tận hưởng những tia nắng mặt trời ấm áp nên bà già quý phái dắt Karen đi dạo qua những con đường nhỏ, sau đó mới trở ra phía đường cái đến nhà thờ. Và họ đã qua con đường khá nhiều bụi bặm. Có một ông già thương binh đang chống gậy, khi thấy cả hai người đang đi tới thì ông già xin bà già quý phái cho phép mình được đánh giày. Và bà già đã đồng ý, cô bé Karen liền chìa đôi giày đỏ nhỏ xinh của mình cho ông già kia chải bụi.

Ông ta chải bụi xong bèn xuýt xoa:

– Chao ôi, đôi giày khiêu vũ này đẹp quá! Lúc khiêu vũ thì cô nhớ để giày bám thật chặt vào chân mình kẻo rơi đấy.

Rồi bà già quý phái liền cho ông già tàn tật ấy một đồng bạc, sau đó dẫn theo Karen vào nhà thờ. Tất cả các cử tọa ở đấy đều trợn tròn mắt nhìn đôi giày đỏ của Karen. Tất cả những bức tranh treo ở trên tường đều dán mắt nhìn đôi giày đỏ. Và Karen thì lại nhìn ngắm đôi giày xinh đẹp của mình đến mức quên luôn cả việc cầu nguyện lúc chịu lễ ban thánh thể. Karen lơ đãng vì cứ mải nghĩ tới đôi giày đỏ ở dưới chân mình, và cô bé luôn tưởng rằng những người chung quanh đều ghen tỵ với đôi giày đỏ của mình.

Khi từ nhà thờ ra ngoài, bà già quý phái bước lên cỗ xe ngựa đã chờ sẵn ở ngoài cửa. Và Karen cũng theo sau bà bước lên.

Ông già tàn tật đánh giày khi nãy vẫn còn ở chỗ cũ. Khi nhìn thấy Karen thì ông già lại tấm tắc khen:

– Đôi giày khiêu vũ đó đẹp thật!

Đột nhiên Karen cảm thấy người mình bị nhấc bổng lên, còn đôi chân cô thì cứ nhún nhảy không ngừng, dù cô có muốn ghìm lại bao nhiêu thì cũng không được như ý muốn.

Người đánh xe trông thấy thì vội vàng ôm lấy Karen rồi ấn cô vào trong xe. Nhưng dù cho có vào trong xe thì Karen vẫn cứ tiếp tục nhảy múa, cô đá cả vào người bà già quý phái. May sao cuối cùng chiếc xe ấy cũng trở về tới nhà. Chị hầu gái vội vàng bế Karen vào trong phòng, lập tức tháo bỏ cái đôi giày quái gở trên chân cô ra, nếu không thì cô cứ vẫn nhảy múa mãi. Đến lúc ấy thì đôi chân của cô mới dừng lại nghỉ ngơi.

Ảnh: Pinterest.

Đôi giày đỏ được cất vào trong tủ và khóa lại thật chặt. Nhưng mỗi ngày Karen đều đến ngắm nhìn nó hàng chục lần không biết chán.

Ít lâu sau bà già quý phái bị ốm, và bà cần có một người ở bên để trông nom và chăm sóc. Đó chính là nhiệm vụ mà Karen được giao. Nhưng cũng đúng hôm ấy thì cô nhận được thiệp mời dự dạ hội. Karen vốn đã nghĩ mình phải ở nhà để mà chăm sóc cho bà già quý phái, vì bà chính là ân nhân cưu mang cuộc sống của cô.

Nhưng rồi Karen lại nghĩ rằng bà chắc chẳng sống bao lâu nữa, dù cho có chăm sóc thì cũng chẳng có ích lợi gì cả. Vậy là Karen lập tức đi mở tủ lấy đôi giày đỏ của mình, nó vẫn được giữ ở nơi đó từ rất lâu rồi. Khi đeo giày vào chân, Karen liền nghĩ đi dạ hội mà đeo giày này chắc hẳn không có chuyện gì.

Và Karen ra đi. Tuy nhiên, cô chỉ vừa bước chân khỏi cửa thì đôi chân lại bắt đầu nhảy nhót không ngừng, chúng đập vào nhau, rồi lại nhảy sang bên trái, rồi lại nhảy sang bên phải. Bởi vì thấy cô bé xinh đẹp quá, nhảy lại khéo nên mọi người đi đường đều đứng hết lại để xem.

Suốt cả quãng đường từ nhà cho tới nơi tổ chức dạ hội thì Karen vẫn cứ nhảy nhót không ngừng, khiến cho cô mệt đến mức không cách nào mà lê vào trong hội trường nữa. Thế là cô cứ phó mặc mình cho đôi giày, để nó đưa cô đi qua khắp các phố phường, sau đó lại đi thẳng ra ngoại thành và tới những khu rừng ở rất xa.

Khi đến đây thì cô nhìn thấy ông già tàn tật đánh giày ngày trước. Ông già nói:

– Xin chào cô bé xinh đẹp. Cô bé có một đôi giày khiêu vũ thật kháu quá đi!

Cho đến tận lúc này thì Karen mới biết ông già tàn tật này chính là một gã phù thủy. Lão tiếp cận cô không phải để đánh giày kiếm tiền, điều lão ta muốn chính là phù phép vào đôi giày của cô. Lúc này thì Karen đã phát hoảng lên được, cô muốn tháo bỏ đôi giày nhưng lại không làm cách nào lôi nó ra khỏi chân.

Đôi giầy cứ dính chặt vào chân và bắt cô bé phải cử động liên hồi, không sao ngồi xuống được.

Cô bé cứ nhảy nhót như thế, băng qua đồng cỏ, ruộng mương, rừng núi, chẳng được nghỉ ngơi lấy một giây, chẳng kịp lấy lại hơi thở. Hết ngày nọ qua ngày kia cô bé không ngớt quay cuồng cả dưới ánh nắng như lửa đốt, cả trong giá lạnh và mưa rào.

Cô bị cuốn vào một nghĩa địa, cố bám lấy một ngôi mộ, nhưng lại bị bật ra ngay, không sao níu được. Cô lại bị lôi đến một nhà thờ, cô muốn ẩn vào thánh thất cầu xin Thượng Đế xá cho tội đã ngạo mạn người.

Nhưng một vị tiên cánh dài chấm đất, thái độ nghiêm khắc, vung thanh gươm sáng loáng bảo cô:

– Con cứ nhảy đi, nhảy mãi với đôi giày đỏ mà con quý hơn mọi cái, nhảy cho đến lúc chỉ còn da bọc xương, cho đến thân tàn ma dại. Khi nào qua nhà những đứa trẻ hay sĩ diện và tự phụ, con hãy gõ cửa gọi chúng ra xem để chúng biết tính kiêu ngạo thiệt hại như thế nào. Nhảy đi! Nhảy mãi đi!

– Xin tha tội! Xin tha tội cho con.

Karen kêu van nhưng đôi chân đã kéo cô đi xa không nghe thấy tiếng trả lời của vị tiên nữa.

Ảnh: Fairies.

Hôm sau cô bé đến một ngôi nhà trông quen thuộc. Một đám người mặc đồ tang đưa từ trong ra một cỗ quan tài trên trải đầy hoa. Đó là đám ma bà già quý phái, ân nhân của Karen. Karen đã bỏ mặc bà ở nhà để đi khiêu vũ. Karen cảm thấy có tội.

Đôi giày vẫn tiếp tục lôi cô bé đi qua núi non, rừng rậm, gai góc cào rách cả mặt, xước cả chân tay. Rồi cô đến trước cửa một ngôi nhà mà cô biết là đao phủ. Cô đập cửa gọi:

– Ông ơi, ông ra đây! Cháu van ông! Cháu không vào được. Đôi giày cứ bắt chân cháu quay cuồng liên tục, không sao ngừng được.

– Gọi ra làm gì? Cô biết ta là ai không? Ta là người chặt đầu những kẻ gian ác. Búa tạ đang reo lên đây hẳn là sắp có việc.

– Vâng! – Karen nói – Nhưng xin ông đừng chặt đầu cháu, để cháu còn sám hối, ông chặt chân cháu thôi.

Nói thế rồi cô bé thu hết tội lỗi đã ngạo mạn. Đao phủ túm chặt cô chặt một nhát đứt phăng hai chân.

Hai chân vẫn tiếp tục quay cuồng mang theo đôi giày đỏ, biến thẳng vào rừng, sau đấy cô bé đi đến nhà thờ để mọi người thấy rằng cô đã được xá tội.

Nhưng vừa tới nhà thờ, cô đã thấy đôi chân đi giày đỏ của mình đang nhảy múa ở đấy rồi. Cô bé ù té chạy.

Cô lang thang khắp chốn, sống nhờ của bố thí. Cô buồn phiền, nước mắt tuôn rơi như suối.

Cô bé rời nhà thờ đến nhà ông mục sư xin được làm người giúp việc, xin nhận mọi công việc có thể làm được, miễn là ít phải đi lại và không hỏi công xá gì, chỉ cần có chỗ dung thân mà thôi.

Bà vợ ông mục sư thương tình giữ cô lại. Karen đã tỏ ra quyết tâm và chăm chỉ làm việc. Cô trở nên trầm tĩnh, lặng lẽ. Buổi tối khi ông mực sư đọc kinh, cô chú ý lắng nghe. Các em nhỏ rất quý cô, nhưng hễ thấy chúng khoe khoang với nhau, đứa nào xinh, đứa kia có quần áo đẹp là cô khuyên nhủ bảo rằng đó là những thói xấu cần phải tránh.

Đến một ngày, mọi người đến nhà thờ dự lễ. Cô không đi được, thấy buồn, khóc thút thít. Cô leo lên gian phòng nhỏ của mình quỳ xuống đọc kinh. Giữa lúc đang tĩnh tâm cầu nguyện, tiếng đại phong cầm vọng đến. Cô ngước mắt nhìn lên trời cầu khẩn: “Xin Thượng Đế hãy cứu vớt con”.

Bỗng quanh mình cô ánh hào quang rực sáng. Trước mặt cô hiện ra một vị tiên mà cô đã trông thấy ở nhà thờ hôm trước. Những lúc này vị tiên không cầm gươm mà cầm một bông hồng rực rỡ. Người đẩy bông hồng lên trần nhà, tức thì các bức tường mở ra, Karen được đưa vào giữa nhà thờ. Tiếng đại phong cầm vang lên, khi bài hát chấm dứt, ông mục sư nhìn thấy cô và bảo:

– Con đã đến đấy à? Tốt lắm!

Cô bé đáp:

– Thượng Đế xá tội cho con rồi!

Tiếng đại phong cầm lại vang lên. Các em nhỏ cất tiếng hát bài cầu nguyện. Một tia nắng rực rỡ xuyên qua cửa kính, rọi vào Karen. Tim cô tràn đầy sung sướng, hồn cô lao theo tia nắng lên Thiên đường.

***

Nhà văn Andersen vốn là người theo đạo Cơ Đốc và là một con chiên ngoan đạo, vậy nên các tác phẩm của ông cũng thấm nhuần đức tin và cảm hứng từ tư tưởng của Cơ Đốc giáo.

“Đôi giày đỏ” là một biểu tượng của dục vọng và tội lỗi. Dục vọng nói chung chính là sự ham muốn của con người. Và khi dục vọng quá lớn, nó sẽ điều khiển lý trí và nhân tính khiến cho người ta làm điều tội lỗi quên đi luân thường đạo lý, giống như Karen. Vì quá yêu thích đôi giày đỏ, cô bé đã quên đi những phép tắc linh thiêng khi đến nhà thờ dù biết đó là sai. Cô bé đã định đeo đôi giày đen khi đi lễ, nhưng vì sự ham muốn với đôi giày đỏ nên Karen lại thay giày và ngạo nghễ đi vào lễ đường, mặc kệ mọi sự khó chịu và ngạc nhiên của nhiều người.

Sự yêu thích quá đỗi của cô bé đã chiêu mời những thứ xấu, chính là gã phù thuỷ đã ếm bùa lên đôi giày đỏ. Văn hoá phương Đông cũng có một câu thành ngữ: “Nhân tâm câu đích quỷ thượng môn” – chính chấp tâm của con người chiêu mời ma quỷ. Mặc dù cô đã được cảnh báo một lần về quả báo mình sẽ gặp phải, rằng đôi giày đã bị ếm bùa, rằng đôi giày ma quỷ đã điều khiển cô như thế nào và nó sẽ khiến những người khác ngay cả là ân nhân tốt bụng của cô sẽ bị tổn thương ra sao… nhưng ma tính trong cô lúc này đã quá lớn, nó không buông tha cô. Bài học cảnh báo dường như không giúp cô hồi tỉnh, lý trí và lương tâm của cô đã yếu thế trước ma tính của chính mình. Cô đã quyết định bỏ đi nghĩa vụ và lương tâm, bỏ đi người ân nhân đã dang tay cưu mang khi cô bơ vơ không nơi nương tựa để chạy theo sự xui khiến của ma quỷ.

Kết cục cô bé đã phải trả giá cho sự sa ngã của mình. Không ai có thể giúp cô tránh khỏi việc phải trả giá, ngay cả vị Thần quyền năng cũng nghiêm khắc đồng tình rằng sự trả giá này là cần thiết, cô phải chịu đựng sự trừng phạt thảm khốc cho đến khi thật sự từ trong sâu thẳm nội tâm nhận ra tội lỗi của mình. Cùng với đức tin và quyền năng của Chúa, Karen đã tìm lại trong mình một Karen thiện lương, trầm tĩnh, kiên nhẫn, và lại trở về với vòng tay của Chúa.

Câu chuyện rất buồn xoay quanh sự sa ngã của Karen, nhưng nó cũng đầy tính nhân văn và lòng trắc ẩn. Andersen đã đưa ra những lý giải hết sức từ bi về quá trình ma biến của một con người. Những tổn thương và đau khổ thuở thơ ấu đã tạo nên nỗi ám ảnh trong Karen đối với đôi giày đỏ, khiến Karen khó mà thoát khỏi nó. Nhưng con người rốt cuộc cũng là sinh mệnh của Thần, nên Thần đã không từ bỏ họ cho dù tội lỗi và sai trái thế nào. Nhưng rốt cuộc, sự trừng phạt chỉ là để sinh mệnh hiểu rằng cần phải làm một sinh mệnh thiện lương, sự cứu rỗi chỉ dành cho ai đó thật sự ăn năn về tội lỗi của mình.