Nhắc đến danh thần Phạm Ngũ Lão, nhà sử học Ngô Sĩ Liên từng viết đại ý rằng: Nếu như học vấn của Hưng Đạo Vương thể hiện qua bài hịch thì học vấn của Phạm Ngũ Lão lại biểu hiện ở lời thơ. ‘Lời thơ’ mà Ngô Sĩ Liên nhắc đến chính là bài “Thuật hoài” (Tỏ nỗi lòng).

Phạm Ngũ Lão (1255-1320) sinh ra ở làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương, từ nhỏ đã thể hiện là một người có chí khí phi thường.

Có câu chuyện kể về cậu bé Ngũ Lão thuở thiếu thời. Hồi ấy trong làng có ông Bùi Công Tiến mở tiệc mừng đỗ tiến sĩ, dân làng đều nô nức đến dự tiệc, chỉ riêng Ngũ Lão là không đi. Khi mẹ hỏi, Ngũ Lão trả lời rằng: “Chí làm trai phải lập công danh rạng rỡ non sông mà con chưa lập được bằng người, giờ đi mừng người ta thì nhục lắm”.

Phạm Ngũ Lão văn võ song toàn, đã tinh thông võ lược lại rất giỏi văn thao. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Ngũ Lão xuất thân trong hàng quân ngũ nhưng rất thích đọc sách, sống phóng khoáng, có chí lớn, thích ngâm thơ, xem qua có vẻ như không để ý đến việc võ bị nhưng quân do ông chỉ huy thực là đội quân trên dưới như cha con, hễ đánh là thắng”. Bên cạnh tài năng quân sự, Phạm Ngũ Lão đã viết nhiều bài thơ thể hiện chí nam nhi và lòng yêu nước. Tiếc rằng các tác phẩm của ông đã thất lạc gần hết, chỉ còn lại hai bài thơ là “Thuật hoài” (Tỏ nỗi lòng) và “Vãn Hưng Đạo Đại Vương” (Khóc viếng Hưng Đạo Đại Vương). Trong đó bài “Thuật hoài” là áng thơ thể hiện hùng tâm tráng chí của một bậc đại trượng phu.

Phạm Ngũ Lão từ nhỏ đã có chí, sau này lớn lên văn võ song toàn, lập nhiều chiến công trong cuộc chiến chống quân xâm lược. (Ảnh minh họa: wenlc.com)

Nguyên tác:

述懷

橫槊江山恰幾秋
三軍貔虎氣吞牛
男兒未了功名債
羞聽人間說武侯

Âm Hán Việt:

Thuật hoài

Hoành sóc giang sơn kháp kỷ thu,
Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

Dịch nghĩa:

Cắp ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu,
Ba quân như gấu hổ, át cả sao Ngưu.
Thân nam nhi nếu chưa trả xong nợ công danh,
Ắt thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu.

Dịch thơ:

Bản dịch 1 của Bùi Văn Nguyên trong sách Ngữ văn 10:

Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu
Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.

Bản dịch 2 của Trần Trọng Kim trong các sách giáo khoa trước năm 2000:

Múa giáo non sông trải mấy thâu,
Ba quân hùng khí át sao Ngưu.
Công danh nam tử còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.

Câu 1: “Hoành sóc giang sơn kháp kỷ thu”

Cả hai bản dịch thơ đều dịch “hoành sóc” là “múa giáo”. Tuy nhiên, “múa giáo” chỉ là biểu diễn, diễu võ dương oai; trong khi “hoành sóc” là cầm ngang ngọn giáo – đó là tư thế sẵn sàng nghênh chiến, nhưng cũng cho thấy tình thế của một người đang phòng vệ, không chủ động tấn công. Câu mở đầu: “Cầm ngang ngọn giáo canh giữ bảo vệ giang sơn đã trải qua mấy mùa thu” đã khắc họa hình ảnh của một bậc nam tử đại trượng phu hết lòng vì giang sơn xã tắc, vì cuộc sống yên bình của bách tính lê dân. Người anh hùng ấy ngày đêm canh giữ bờ cõi, vừa cao lớn hiên ngang, nhưng cũng vừa bình lặng khiêm nhường.

Nho gia có câu thành ngữ: “Thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách”, có nghĩa là: “Thiên hạ (quốc gia) hưng thịnh hay suy bại diệt vong thì kẻ thất phu (thường dân) cũng phải có trách nhiệm”. Phạm Ngũ Lão tuy xuất thân là nông dân áo vải, nhưng trong lòng ông luôn đau đáu nỗi lo trước hiểm họa ngoại xâm, thân ở chốn thôn quê mà tâm trí vẫn nghĩ về trách nhiệm của một người con đất Việt.

Tương truyền, một lần Hưng Đạo Vương hành quân qua làng đã đi qua nơi Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt. Mải suy nghĩ về binh thư, Ngũ Lão không biết rằng quan quân đang đi tới. Một người lính dẹp đường đã lớn tiếng quát mãi mà Ngũ Lão vẫn ngồi lì ở đó, liền tức giận đâm giáo vào kẻ đang cản đường. Cuối cùng Hưng Đạo Vương phải đích thân đến hỏi, Ngũ Lão mới chắp tay thi lễ và đáp: “Tôi ngồi ở đây đan sọt, nhưng bụng thì lo nước nhà bị quân Nguyên tàn phá, đầu óc mải nghĩ kế chống lại chúng. Vì vậy, khi đại quân của ngài kéo tới, quả thật tôi không biết gì!”.

Hưng Đạo Vương biết là nhân tài, bèn đưa về truyền thụ văn tài võ lược và binh thư, sau lại gả con gái nuôi của mình cho Ngũ Lão.

Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt nhưng mải suy nghĩ binh thư. (Ảnh theo gioivan.net)

Câu 2: “Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu”

Bản dịch 1: “Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu” không diễn tả được hùng khí của tam quân như trong bản dịch 2: “Ba quân hùng khí át sao Ngưu”.

“Tam quân” nghĩa là ba đạo quân, ở đây chỉ quân đội nước Đại Việt dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Vương. Xưa, đoàn hành quân thường chia thành ba đạo quân: tiền quân (tiên phong), hậu quân (đoạn hậu) và trung quân (quân chủ lực tấn công chính và bảo vệ chủ soái). Khi tác chiến và tấn công thì ba quân cũng có thể được chia làm tả quân (cánh quân tấn công bên trái), hữu quân (cánh quân tấn công bên phải) và trung quân (cánh quân chủ lực tấn công chính diện).

“Tỳ” là tỳ hưu, một loài gấu trắng, cũng là một loài thú dữ trong truyền thuyết, người xưa thường mượn chữ này để gọi các dũng sỹ. Còn “hổ” nghĩa là con hổ, cũng là chỉ tướng sỹ dũng mãnh như hổ tướng.

Bản dịch 1 hiểu chữ “Ngưu” là trâu, con trâu, nên mới dịch “khí thôn ngưu” thành ‘nuốt trôi trâu’. Ba đạo quân của một quốc gia mà lại ‘nuốt trôi trâu’ thì quả là khôi hài, và có phần ‘tham ăn tục uống’. Thực ra, “Ngưu” ở đây nghĩa là sao Khiên Ngưu, tức sao Ngưu Lang. Trên trời, ở bên bờ sông Ngân Hà có hai ngôi sao sáng, theo truyền thuyết đó là sao Khiên Ngưu và sao Chức Nữ, tức chàng Ngưu Lang và nàng Chức Nữ. Vì âm “Ngưu” đọc chệch thành “Ngâu”, nên dân gian cũng gọi đó là ông Ngâu bà Ngâu.

Trong cổ thi có câu:

Điều điều Khiên Ngưu tinh,
Hiệu hiệu Hà Hán nữ

Nghĩa là:

Sao Khiên Ngưu xa xa
Cô gái trắng Ngân Hà

Như vậy, “Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu” là chỉ khí thế ngút trời của quân sỹ Đại Việt làm át cả sao Ngưu. Đây cũng chính là khí thế ngùn ngụt cháy bỏng trong lòng Phạm Ngũ Lão, luôn khắc khoải đợi chờ cơ hội được ra quân dẹp giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Khí thế này được thể hiện bằng những chiến công của ông trong hai cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần 2 và lần 3.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2, Phạm Ngũ Lão cùng Trần Quang Khải lập nên chiến công “Chương Dương cướp giáo giặc, Hàm Tử bắt quân Hồ”, phá tan hạm đội chiến thuyền lớn của giặc. Ông còn lập công ở trận Vạn Kiếp, tiêu diệt hai phó tướng của quân Nguyên là Lý Quán và Lý Hằng.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3, Phạm Ngũ Lão và Hưng Đạo Vương bố trí phục kích trên sông Bạch Đằng, cùng với các tướng lĩnh bắt sống tướng giặc là Nguyên Phàn Tiếp, Áo Lỗ Xích và Ô Mã Nhi.

Câu thơ diễn tả hùng khí của quân nước Đại Việt thời bấy giờ. (Ảnh minh họa: viettoon.net)

Câu 3: “Nam nhi vị liễu công danh trái”

Cả hai bản đều dịch là: “Công danh nam tử còn vương nợ”. Nam nhi xưa chí ở bốn phương trời, Nguyễn Công Trứ cũng từng viết về chí làm trai trong bài thơ “Nợ tang bồng” như sau:

Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông

Nho gia lập chí học Đạo ở “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, tức là: trước hết tu dưỡng đạo đức, bồi dưỡng tài năng, sau đó là quán xuyến việc gia đình gia tộc, tiếp đó là trị sửa trong địa hạt, giúp dân giúp nước, và cuối cùng là vỗ yên thiên hạ, khiến thiên hạ thái bình yên vui. Thế nên, trí thức xưa có ý thức trách nhiệm xã hội rất cao. Nguyễn Công Trứ viết: “Vũ trụ giai ngô phận sự”, nghĩa là mọi việc trong vũ trụ đều là bổn phận trách nhiệm của bản thân ta. Trong Hiếu kinh, Khổng Tử nói: “Lập thân hành Đạo, lưu danh hậu thế, để rạng danh cha mẹ, là tận cùng của hiếu”. Cái nợ công danh của trai nam nhi chính là ý nghĩa này.

Câu 4: “Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”

Cả hai bản đều dịch là: “Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu”. Vũ Hầu chính là Khổng Minh Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng vốn là một anh nông phu ẩn cư ở Long Trung, về sau được Lưu Bị mời về làm quân sư. Với tài năng kiệt xuất của mình, ông đã giúp Lưu Bị tay trắng dựng cơ đồ, lập nên nhà Thục Hán. Là một bậc quân sư tài năng uyên bác, trí huệ siêu phàm như vậy nhưng ông luôn khiêm nhường, thanh liêm giản dị, cả đời “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”. Đỗ Phủ có thơ ca ngợi rằng:

“Tam cố mao lư” chia thiên hạ,
Lưỡng triều khai quốc lão công thần.
Xuất quân chưa thắng thân đà chết,
Anh hùng rơi lệ mãi ngàn năm.

Thế nên, trai nam nhi đều học theo tấm gương Gia Cát Lượng: tu đức, dưỡng tài, dốc sức tận tâm vì sơn hà xã tắc, coi việc xả thân trên chiến trường là vinh quang, coi cái chết nhẹ như lông hồng.

Phạm Ngũ Lão cũng vậy. Ông đã lập nhiều chiến công hiển hách trong hai lần chống quân Nguyên và rất nhiều chiến công khác sau này, như: ba lần cất quân đi dẹp yên giặc Ai Lao, hai lần Nam chinh đánh thắng quân Chiêm Thành buộc vua Chiêm phải xin hàng…

“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, bậc anh hùng hào kiệt dẫu tài năng trác việt đến mấy, thì thành hay bại đều là do ý Trời. Như Gia Cát Lượng đức cao tài lớn, nhưng không có thiên thời, đành xả thân chốn sa trường để tận trung báo quốc. Phạm Ngũ Lão có cả thiên thời – địa lợi – nhân hòa, góp phần to lớn trong cả ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông, viết nên trang sử hào hùng chói lọi, được Nguyễn Sưởng viết trong bài thơ “Bạch Đằng giang” như sau:

Thuỳ tri vạn cổ Trùng Hưng nghiệp,
Bán tại quan hà bán tại nhân.

Dịch thơ:

Đại nghiệp Trùng Hưng lưu muôn thuở,
Nửa do sông núi nửa do người.

Triêu Lộ