Hàng trăm năm trước, khi những tiếng ồn của cuộc sống công nghiệp chưa len lỏi vào từng góc phố, có lẽ chúng ta đã tinh tế và nhạy cảm hơn với những âm thanh nhẹ nhàng như tiếng lá rơi, tiếng nước chảy, tiếng chim hót, và cả tiếng đàn tranh truyền thống mà dây đàn vốn được làm từ sợi tơ tằm.
Nhưng kể cả khi sống giữa một trong những thành phố ồn ã nhất thế giới như New York, nếu yên lặng chú tâm lắng nghe, bạn sẽ ngạc nhiên nhận ra rằng, những âm thanh thánh thót từ sợi tơ tằm của chiếc đàn tranh vẫn có thể lấp đầy cả một thính phòng rộng lớn. Đó là khi cô gái Hàn Thái Lai (TeRra Han) biểu diễn cùng chiếc cổ cầm Kayagum, một loại đàn tranh truyền thống của Hàn Quốc.
Sinh ra và lớn lên tại xứ sở kim chi, khi còn nhỏ, Hàn Thái Lai được sư thầy đặt tên là Meongwol, có nghĩa là “trăng sáng”. Tên thật của cô là Raesook có nghĩa là “hướng tới điều tốt đẹp”. Chính vì vậy, cô gái Hàn Quốc đã chọn nghệ danh là Hàn Thái Lai, vì theo cô, cái tên đó bao hàm tất cả những kỳ vọng của mọi người dành cho mình.
Xuất hiện trên sân khấu thính phòng Carnegie Hall cuối tháng 9 vừa qua, Hàn Thái Lai mang đến cho khán giả một khúc “tản điệu” (sanjo) vô cùng đặc biệt. Và tất nhiên, cũng như bộ trang phục truyền thống Hàn Quốc của cô, những dây đàn trên chiếc Kayagum mà cô biểu diễn cũng được làm từ sợi tơ tằm thay vì sợi cước kim loại như các nhạc cụ hiện đại.
“Tôi nghĩ rằng thứ âm nhạc này thật sự cần thiết trong thời đại ngày nay“, Hàn Thái Lai chia sẻ. Đó là lý do tại sao cô dũng cảm bảo vệ nền nghệ thuật truyền thống đang dần mai một trước cuộc sống hiện đại – một lối sống bận bịu, ngập ngụa khiến con người luôn muốn thực hiện mọi việc thật nhanh chóng. Thế nhưng, khán giả trong thính phòng Carnegie Hall đã được Hàn Thái Lai kéo khỏi hiện thực ấy với khúc tản điệu của mình.
Theo truyền thống, Hàn Thái Lai sẽ được một nhạc công đánh trống Janggu hỗ trợ. Nghệ sĩ Sumin Cho thỉnh thoảng sẽ gõ trống, hay kêu lên những lời tán thưởng để khích lệ tiếng đàn của cô. Điều này cũng giúp người nghệ sĩ luôn ở trong trạng thái tốt nhất. “Đây là một yếu tố rất quan trọng trong thể loại âm nhạc này,” Hàn Thái Lai chia sẻ.
Khúc tản điệu bắt đầu rất chậm rãi, với những âm thanh đàn – trống nhẹ nhàng vang lên, tưởng chừng như rất ngẫu nhiên và tùy hứng. Tay trái của Sumin Cho, tượng trưng cho mặt trăng âm nhu, sẽ vỗ nhẹ nhàng vào trống, trong khi tay phải tượng trưng cho mặt trời dương cương, sẽ gõ những tiếng dứt khoát. Với Hàn Thái Lai, âm nhạc truyền thống Hàn Quốc, đặc biệt là đoạn mở đầu, thường rất chậm rãi, giống như một kiểu thiền định vậy.
Trong khoảng một tiếng đồng hồ, khúc sanjo cứ từ từ tăng dần nhịp điệu, và khi khán giả vừa kịp nhận ra rằng mình đang lạc vào những đợt sóng liên tiếp thì cũng là lúc âm nhạc gần đi đến hồi kết. Bất cứ điều gì đang dần thành hình, bất cứ giai điệu nào đang dần hiện lên đều chợt vụt tắt mà không kịp để lại thậm chí là một bước chuyển, để rồi đợt sóng kế tiếp lại trào dâng.
Hàn Thái Lai chia sẻ, “Trong nghệ thuật Hàn Quốc truyền thống, người ta thường tập trung vào hồi kết,” vì chỉ khi kết thúc thì thính giả mới có thể hiểu được khúc nhạc. Nó không giống như nghệ thuật của phương Tây, trong đó âm nhạc thường đưa khán giả vào chủ đề ngay từ phút ban đầu. Khúc tản điệu mà Hàn Thái Lai biểu diễn cũng giống như cách mà những suy nghĩ trong lòng xuất hiện và rồi biến mất vậy. Chính vì thế, khi thính giả bất chợt hụt hẫng, rồi học cách hài lòng, thì họ chợt phát hiện ra chủ đề của khúc nhạc.
Hẳn bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, trong âm nhạc Hàn Quốc truyền thống, những khúc tản điệu không hề cố định, và cũng không hề giống nhau mỗi lần được đánh lên. Chúng được nhạc sư truyền cho học trò của mình, và bản thân người học trò lại thêm vào đó phong cách, tình cảm cũng như những phút ngẫu hứng. Chính vì thế, bạn sẽ không bao giờ bắt gặp hai khúc tản điệu giống hệt nhau.
Video Hàn Thái Lai biểu diễn đàn tranh truyền thống của Hàn Quốc:
“Nhiều khi các ngón tay tôi tự động di chuyển“, Hàn Thái Lai tiết lộ. Mặc dù với dây đàn làm từ sợi tơ tằm, âm thanh vang lên sẽ rất nhẹ nhàng, nhưng “chúng lại vô cùng mạnh mẽ“. Nghệ thuật phương Đông truyền thống không nhấn mạnh vào sự ngân vang của âm thanh, mà là vào năng lượng mà chúng truyền tải – đó chính là “khí” mà người Trung Hoa đề cập đến.
“Năng lượng đối với một nghệ sĩ vô cùng quan trọng… Những học viên mới bắt đầu thường khó mà có được năng lượng đó, họ chỉ đơn giản là gảy đàn. Nhưng khi họ tập luyện nhiều hơn, họ sẽ có được năng lượng của chính mình và trở thành một nhạc sĩ tài ba“, Hàn Thái Lai chia sẻ. Theo cô, một nhạc sư điêu luyện sẽ biết cách tạo ra và cân bằng thứ năng lượng đó.
Cô nói: “Những nghệ sĩ Hàn Quốc có một bản chất riêng, người Mỹ và châu Âu cũng vậy. Tuy nhiên, chúng ta có thể chia sẻ với nhau, và nhận ra vẻ đẹp đặc biệt của mỗi người.“
Hàn Thái Lai từng ước ao trở thành một nghệ sĩ piano danh tiếng và đã dành giải thưởng đặc biệt trong cuộc thi Piano quốc gia năm 1989. Tuy nhiên, được mẹ khuyến khích, cô gái Hàn Quốc chưa bao giờ từ bỏ nền âm nhạc truyền thống phương Đông của mình kể từ năm lên 6 tuổi. Không chỉ biểu diễn đàn tranh thiện nghệ, Hàn Thái Lai còn là một ca sĩ, một vũ công truyền thống.
Mặc dù Hàn Thái Lai là một tài năng âm nhạc từ nhỏ, và thậm chí đã thu hút rất nhiều bạn học tới nghe mỗi khi cô đánh đàn, nhưng người nghệ sĩ bậc thầy của xứ sở kim chi cũng từng trải qua nhiều khó khăn và sóng gió. Đôi lúc, cô đã muốn rời bỏ âm nhạc để theo đuổi nghề làm báo, nhưng cuối cùng tình yêu nghệ thuật đã giúp cô trụ vững lại.
Hàn Thái Lai đã dành được nhiều giải thưởng danh giá, như giải thưởng âm nhạc của UNESCO Hàn Quốc năm 1994, giải thưởng Kayago Hàn Quốc năm 2001 và 2004, giải thưởng quỹ Blanchette Rockefeller Fund dành cho nghệ sĩ chơi đàn Kayageum của Mỹ năm 2010, cùng nhiều giải thưởng khác. Tháng 4 và tháng 5 năm tới, cô sẽ thực hiện một tour diễn ở Seoul, Tokyo, Paris, và New York.
Quang Minh
Xem thêm: