Lời toà soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.
Từ xưa đến nay, bậc Đế Vương vì đại nhẫn mà được thiên hạ, tướng lĩnh vì nhẫn mà được lâu dài, thương nhân vì nhẫn mà được giàu sang phú quý, người thường vì nhẫn mà có được tri kỷ. Nhẫn nhịn luôn là một đức tính truyền thống tốt đẹp của con người. Nhìn lại lịch sử, có nhiều nhân vật nhờ có tâm đại nhẫn mà làm thành được việc lớn.
4. Chu Du
Chu Du là người biết lễ nghĩa, khiêm tốn. Tôn Quyền mặc dù coi Chu Du là huynh trưởng nhưng ông vẫn một mực không kiêu ngạo, kính trọng và phục sự Tôn Quyền. Ông hoàn toàn dựa theo lễ nghĩa quân thần mà đối đãi, vô cùng trung thành với Tôn Quyền.
Ngoài ra ông cũng là người vô cùng thân thiện, nhiệt tình. Dân chúng Dương Châu tôn Chu Du và Tôn Sách là Chu Lang và Tôn Lang. Lang là chỉ người đàn ông anh tuấn, hào hiệp, dung mạo đẹp.
Trong “Tam Quốc Chí”, tác giả Trần Thọ viết, Chu Du là người quảng đại, biết dùng người. Thời niên thiếu, ông là người học giỏi, tướng mạo cao gầy, tính cách cởi mở khoáng đạt, khiêm tốn, nhún nhường, được người người mong muốn kết bạn. Duy chỉ có Trình Phổ lớn tuổi hơn Chu Du nhưng chức vị lại thấp hơn nên sinh lòng đố kỵ, không phục. Vì thế, Trình Phổ nhiều lần vũ nhục Chu Du nhưng Chu Du trước sau đều thủy chung khoan dung tha thứ.
Sau nhiều lần như vậy, Trình Phổ đã thay đổi quan niệm với Chu Du, ông nói: “Dữ chu công cẩn giao, như ẩm thuần lao, bất giác tự túy” (Ý nói làm bạn với Chu Du giống như uống rượu ngon, không biết bị say lúc nào). Trong “Tam Quốc Chí” cũng viết rằng, trong chiến trận Xích Bích, Chu Du cùng với Trình Phổ, Hoàng Cái đồng tâm hiệp lực cuối cùng đã giành thắng lợi.
Bị Trình Phổ nhiều lần vũ nhục nhưng Chu Du luôn lấy đại cục làm trọng, không so đo tính toán mà nhường nhịn hết lần này đến lần khác. Chính vì sự nhẫn nhịn mà cuối cùng Trình Phổ đã bị Chu Du cảm hóa. Từ trong điển cố này có thể thấy được rằng, “nhẫn” có thể biến “vũ khí” thành “tơ lụa”. Trước mâu thuẫn xung đột lấy hòa làm trọng, bao dung người khác, lấy ý chí cao xa thản nhiên đối đãi thì mọi mâu thuẫn xung đột đều sẽ được hóa giải. Người với người có thể hòa thuận cùng nhau thì phải lấy bao dung, nhường nhịn làm trọng.
5. Hàn Tín đại nhẫn chui háng kẻ côn đồ, sau này lập chiến công hiển hách
Nhà Tần vào thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên là triều đại phong kiến thống nhất đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, cho xây dưng Vạn Lý Trường Thành. Tuy nhiên do chế độ hà khắc nên triều đại Tần chỉ trong 15 năm đã bị lật đổ bởi phong trào khởi nghĩa nông dân. Trong cuộc khởi nghĩa này đã xuất hiện nhiều nhân vật anh hùng kiệt xuất, và Hàn Tín là một trong họ.
Người đời ai cũng biết Hàn Tín là một thống soái quân sự nổi tiếng ở Trung Nguyên xưa. Hàn Tín xuất thân bần hàn, mồ côi cha mẹ từ tấm bé. Trước khi lập nên chiến công, Hàn Tín vừa không biết buôn bán, vừa không muốn làm ruộng, ở nhà cũng không có tài sản gì, nên cuộc sống rất khó khăn và bị kỳ thị, bữa có bữa không. Hàn Tín quen biết một quan chức nhỏ địa phương, nên ông thường đến nhà quan chức này ăn trực, thấy vậy, vợ viên quan rất ghét Hàn Tín, bèn cố tình ăn cơm sớm. Về sau khi Hàn Tín đến, thấy không còn cơm ăn, ông quyết không đi lại với viên quan này nữa.
Để kiếm miếng ăn, Hàn Tín đành phải đi câu cá ở sông Hoài địa phương, một bà già giặt quần áo ở bờ sông Hoài nhìn thấy Hàn Tín không có cơm ăn, bèn chia thức ăn mang theo cho ông ăn. Như vậy mấy chục ngày liền, Hàn Tín rất cảm động, nói với bà già rằng: “Sau này cháu nhất định sẽ báo đáp bác.” Bà già tức giận mà nói: “Cháu là người đàn ông, không nuôi sống nổi mình, bác thấy cháu đáng thương mới cho cháu cơm ăn, chưa bao giờ mong cháu báo đáp bác.” Hàn Tín lấy làm xấu hổ, và quyết chí phải làm nên sự nghiệp.
Ở thành phố Hoài Âm quê của Hàn Tín, một số thanh niên coi khinh Hàn Tín, một hôm, một thiếu niên nhìn thấy Hàn Tín có vóc dáng to lớn lại thường đeo gươm, cho ông là kẻ hèn nhát, bèn ngăn ông ở phố sá sầm uất, nói: “Nếu mày gan dạ, thì dùng gươm đâm tao; nếu mày là kẻ hèn nhát, thì chui qua háng tao.” Mọi người xung quanh đều biết thiếu niên đó cố tình tìm cớ làm nhục Hàn Tín, họ không biết Hàn Tín sẽ đối xử thế nào. Hàn Tín nghĩ một lát, không nói gì, chui qua háng tay thiếu niên đó. Mọi người có mặt cười ầm lên, cho rằng Hàn Tín là một kẻ hèn nhát, không dũng cảm. Từ đó, câu chuyện “Cái nhục dưới háng” lưu truyền đến đời sau.
Thực ra, Hàn Tín là một người có mưu lược và có tâm đại nhẫn. Ông đoán trước xã hội khi ấy sắp có chuyển biến lớn về đổi triều đại, nên chăm chỉ nghiên cứu phép dùng binh, luyện tập võ nghệ. Ông tin rằng mình sẽ có cơ hội phát triển. Bởi vậy khi gặp kẻ côn đồ có hành vi bất nhã, ông nghĩ rằng một điều nhịn chín điều lành, nếu ra tay gây sự dễ rơi vào đường ngục tù, không đáng khi mình còn cả tiền đồ phía trước. Trên thực tế mười tên côn đồ đó cũng không chọi nổi Hàn Tín. Bởi vậy mà việc chui háng là điều mà ông lựa chọn. Qủa thật chẳng mấy chốc nổ ra phong trào khởi nghĩa chống Tần, Hàn Tín xung quân, liên tiếp lập công và trở thành tướng tài của Lưu Bang, phò tá lập nên nhà Hán với danh hiệu Hán Cao tổ.
Nếu không có tâm đại nhẫn, chỉ để thỏa mãn cái tôi cá nhân mà người ta thường gọi là “lòng tự trọng”, hai nhân vật trên có thể khiến đất nước lầm than và phá vỡ tiền đồ xán lạn. Sống ở trên đời, rất cần tâm đại nhẫn, vừa để bao dung và từ bi với đồng loại, cũng vừa giúp một người thành công.
6. Lạn Tương Như đại nhẫn thu phục tướng Liêm Pha hống hách, giữ bình an xã tắc
Chính khách thời Chiến Quốc Lạn Tương Như xuất thân bần hàn, tuy nhiên do lập nhiều công trạng và bản tính thông minh nên đã được vua Triệu cất nhắc, địa vị của ông ở trên võ tướng Liêm Pha. Chính vì thế mà Liêm Pha bất mãn, nói thẳng với các quan triều khác như sau: “Ta là tướng nước Triệu, phá thành đánh trận có công to, trái lại Tương Như chỉ nhờ miệng lưỡi lập công mà địa vị ở trên ta. Hơn nữa, Tương Như vốn người thấp hèn, ta xấu hổ không mặt mũi nào ngồi ở dưới ông ta!”. Không dừng ở đó, Liêm Pha còn rêu rao khắp nơi rằng: “Ta gặp Tương Như, quyết làm nhục ông ta”.
Tương Như nghe chuyện, đã tìm cách tránh mặt Liêm Pha. Mỗi lần có buổi chầu, Tương Như thường cáo bệnh không muốn tranh ngôi thứ với Liêm Pha. Một hôm, Tương Như đi ra trông thấy Liêm Pha, Tương Như quay xe tránh. Môn hạ của Tương Như bèn cùng nhau can: “Chúng tôi sở dĩ bỏ thân thích đến thờ ngài chỉ vì mến cao nghĩa của ngài. Nay ngài và Liêm Pha cũng ngang hàng. Liêm Pha rêu rao nói xấu mà ngài lại sợ trốn tránh ông ta, sợ sệt quá đáng, người thường còn lấy làm xấu hổ, huống hồ là bậc tướng quốc, tướng quân! Bọn chúng tôi bất tài, xin từ giã về”. Tương Như nghe vậy mỉm cười và nói: Các ông xem Liêm tướng quân có bằng vua Tần không? – Không bằng, môn hạ đáp.
Tương Như tiếp lời: “Oai như vua Tần mà Tương Như dám gào thét ở giữa triều đình, làm nhục cả quần thần. Tương Như tuy hèn nhát há sợ Liêm tướng quân sao? Nhưng ta nghĩ rằng nước Tần sở dĩ mạnh, không đem binh lính đánh Triệu vì có ta cùng Liêm tướng quân. Nay hai con hổ đánh nhau, thế nào cũng không sống được cả, cho nên ta phải làm như thế, vì nghĩ đến việc cấp bách của nước nhà trước mà gác việc thù riêng đó thôi”.
Lời nói bao dung đại nghĩa đó lập tức truyền tới tai Liêm Pha. Nghe xong Liêm Pha chợt tỉnh ngộ, tự biết mình có lỗi, bèn cởi trần mang roi nhờ tân khách đưa đến cửa nhà Lạn Tương Như tạ tội, miệng nói: “Kẻ hèn mọn này không biết tướng quân rộng lượng đến thế!”. Kể từ đó hai người cùng nhau vui vẻ làm bạn sống chết có nhau. Nước Triệu có hai tướng văn võ phò trợ nên được vững mạnh, không bị Tần lấn chiếm, người ta gọi giai thoại nổi tiếng này là “Tướng tướng hòa”.
7. Lý Mục dùng Đại Nhẫn đánh bại đại quân Hung Nô
Lý Mục là danh tướng nước Triệu thời Chiến Quốc, thời gian này quân Hung Nô thường tràn biên giới nước Triệu cướp bóc, khi quân Triệu đánh chỗ này thì đến chỗ khác cướp, khi quân Triệu rút thì lại tràn sang cướp. Vì thế quân Triệu không có biện pháp nào để chặn quân Hung Nô.
Lý Mục được giao quân đóng ở vùng biên giới để ngăn chặn quân Hung Nô. Ông đưa ra kế sách vườn không nhà trống, rồi nhẫn nhịn cố thủ trong thành mà không đánh, ai trái lệnh tham chiến bị xử theo quân lệnh. Quân Hung Nô đến dù không bị đánh nhưng gặp phải vườn không nhà trống thì không cướp được phải tự rút về.
Triệu Vương cho rằng Lý Mục hèn nhát không đánh, nhắc nhở nhiều lần nhưng Lý Mục cứ vờ như không nghe. Triệu Vương bèn thay tướng khác đến đem quân giao chiến nhiều trận với Hung Nô, kết quả quân Hung Nô quen địa thế và thông thạo tập kích đã đánh cho quân Triệu đại bại.
Lúc này Triệu Vương đành phục chức cho Lý Mục để chặn quân Hung Nô, Lý Mục ra điều kiện không được can thiệp vào kế sách của ông.
Lý Mục tiếp tục thực hiện kế sách cũ, thực hiện vườn không nhà trống và thủ trong thành, củng cố lực lượng, quyết không giao chiến.
Sau vài năm, lúc này quân Lý Mục có 1.300 chiến xa, 13.000 chiến mã, 5 vạn binh, 10 vạn cung thủ, thế nhưng quân Hung Nô không biết lực lượng quân Triệu. Mặt khác sau vài năm cướp bóc quân Hung Nô đã quen với cảnh quân Triệu chết nhát chỉ lo phòng thủ chứ không tham chiến, nên nghênh ngang như chỗ không người mà chẳng phải lo gì, rất chủ quan khinh địch.
Khi sĩ khí lên cao, Lý Mục chủ động đưa quân tấn công quân Hung Nô rồi giả thua vứt hết khí giới bỏ chạy, quân Hung Nô chủ quan đưa hết 10 vạn kỵ binh tràn sang biên giới quyết đuổi theo quân Triệu và rơi vào trận phục binh do Lý Mục chuẩn bị sẵn. Hai cánh quân của Lý Mục xông ra đánh bại 10 vạn đại quân Hung Nô, từ đó trở về sau quân Hung Nô vô cùng sợ hãi không còn dám cướp phá nữa.
Nhờ nhẫn nhịn vài năm mà chỉ một trận đánh Lý Mục đã khiến quân Hung Nô đại bại không còn dám cướp phá như trước nữa.
Lời kết
Chữ Nhẫn trong tiếng Hán
Nhẫn không phải không phân biệt thiện ác, đúng sai, nguyên tắc hay vô nguyên tắc mà là chỉ phương diện lợi ích của cá nhân, trình độ tu dưỡng của cá nhân, lùi một bước, ít so đo, nhiều nhẫn nại. Khi đối mặt với đúng sai đương nhiên phải giữ chính nghĩa, bảo vệ chân lý. Trong lịch sử có rất nhiều nhân vật đại nhẫn, họ đối với phương diện lợi ích cá nhân thì coi nhẹ, không tranh giành lại luôn khoan dung tha thứ và không dễ hồ đồ.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, chúng ta thường xuyên phải đối mặt với đủ các loại mâu thuẫn, khiêu chiến trong công tác cũng như trong các mối quan hệ. Những khi ấy, khoan dung nhẫn nại chẳng những giúp chúng ta tránh được mầm tai họa mà còn hóa giải được mâu thuẫn, đồng thời còn nâng cao tâm tính và cảnh giới tu dưỡng của bản thân. Từ đó, các mối quan hệ của chúng ta sẽ rộng mở hơn, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn!
Chân Phong tổng hợp
Xem thêm: