Tam Quốc Chí là pho sách sử ghi chép về thời kỳ Tam Quốc, đồng thời cũng là cuốn sử ký nằm trong “Tiền Tứ Sử” được đánh giá cao trong “Nhị Thập Tứ Sử”. Giá trị lịch sử, giá trị văn hiến, giá trị văn học của Tam Quốc Chí là điều không gì sánh được. Cũng nhờ cuốn sách ấy, mà rất nhiều tác phẩm và tiểu thuyết lịch sử được ra đời, trong đó có Tam Quốc Diễn Nghĩa và Tam Quốc Chí Bình Thoại.

Những câu chuyện được kể đến trong các tác phẩm viết về thời kỳ Tam Quốc, rất nhiều đều là những thần tích, là trí huệ mà Thần tiên lưu lại trong nhân gian. Dưới đây là một vài trong số đó:

1. Phi ngựa qua Đàn Khê

Khoái Việt và Thái Mạo muốn dồn Lưu Bị vào chỗ chết, ép ông đến suối Đàn Khê. Lưu Bị nhìn dòng suối trước mắt mà không khỏi than thở: “Hậu hữu tặc binh, tiền hữu đại thủy, ngô tử ư thử thủy” (Phía sau là quân địch, phía trước là nước lớn, lẽ nào ta phải chôn thân ở dòng nước này?).

Lưu Bị nói với tuấn mã Đích Lư của mình: “Ngô mệnh tại nhĩ, mệnh tại thủy nhĩ, dữ ngô hữu mệnh, khiêu quá thử thủy” (Mạng của ta phải nhờ vào ngươi, hôm nay đối diện với tình huống nguy kịch, nếu như ta chưa tận số thì ngươi hãy nhảy qua dòng suối này).

Nói xong Lưu Bị phi ngựa nhảy cao ba trượng sang bờ bên kia. Khoái Việt và Thái Mạo vừa lúc đuổi đến, tận mắt chứng kiến cảnh tượng ngoạn mục khi Lưu Bị phi ngựa qua Đàn Khê liền nói: “Chân Thiên Tử dã” (thật là bậc Thiên Tử chân chính!) — (Trích trong Tam Quốc Chí Bình Thoại).

Lưu Bị cưỡi ngựa Đích Lư vượt suối Đàn Khê. (Ảnh: encyclopedia.com)

2. Gia Cát Lượng được Tư Mã Ý xưng tôn là Thần Nhân

Vào thời Tam Quốc, Từ Thứ tiến cử Gia Cát Lượng với Lưu Bị. Biết ông có tài năng hơn người, liệu sự như Thần, nên một năm bốn mùa, Lưu Bị đã ba lần hạ cố đến nhà tranh để cầu được gặp Ngọa Long tiên sinh Gia Cát Lượng, mời ông xuống núi mưu tính đại sự.

Gia Cát vốn dĩ là một vị thần tiên, chỉ hưởng dương đến tuổi trung niên, chờ đến khi đạt được thiên thời địa lợi, ý chí kiên định, thì cho dù Thần hay quỷ cũng không thể thay đổi, không thể ngăn ông gọi gió hô mưa, dùng đậu biến thành quân đội, lệnh kiếm biến thành sông.

Tư Mã Trọng Đạt từng nói: “Lai bất khả đương, công bất khả thủ, khốn bất khả vi, vị tri thị nhân dã, thần dã, tiên dã?”, nghĩa là: Gia Cát Lượng đã đến thì không ai có thể chống đỡ, đã tấn công thì không ai có thể phòng thủ, khó khăn cũng chẳng thể vây hãm, ông không phải là người mà là Thần, là Tiên — (Trích trong Tam Quốc Chí Bình Thoại).

Gia Cát Lượng được Tư Mã Ý xưng tôn là Thần Nhân. (Ảnh: tinhhoa.net)

3. Sáu lần xuất quân ra Kỳ Sơn của Gia Cát Lượng

Quân sư Gia Cát Lượng nghĩ: “Man tặc không chịu đầu hàng, ắt sẽ để lại hậu hoạn về sau”. Vì vậy ông cho rằng nhất định phải dẫn quân tiến công, nhưng muốn đến được Bồ Quan phải vượt qua được Tiêu Hồng Giang. Theo lời của Vũ Hầu, Tiêu Hồng Giang là con sông rộng lớn, hơn nữa còn sâu hơn ba ngàn mét.

Kiến Hưng năm thứ hai, khoảng hơn tháng sáu, trời đổ tuyết lớn, quân đội không có cách nào qua được Tiêu Hồng Giang. Quân sư lệnh cho người chế tạo Phong Luân, thuận theo gió mà qua, vừa đúng rơi xuống khu vực Bồ Quan.

Man Vương nói: “Gia Cát phi nhân dã, nãi thiên thần dã” (Gia Cát Lượng không phải là người mà là Thần), sau đó đón quân sư vào Bồ Quan, quản đãi vài ngày, dâng tặng mười xe kim ngân châu báu, thề cả đời sẽ tận trung với nhà Hán.

Quân sư nói: “Phóng nhĩ chi mệnh, tả dữ văn thư, đa vô ngũ niên, viễn phó Kỳ Sơn, đương lai cứu ngã” (Lần này tha cho ngươi một mạng, phải làm theo như lời ta để lại: Lần này ta xuất quân Kỳ Sơn, nếu trong vòng 5 năm không thấy ta trở lại thì phải đến ứng cứu). Sau đó quân sư sáu lần xuất binh ra Kỳ Sơn, đến đô thành Ích Châu, thưởng quân, an dân — (Trích trong Tam Quốc Chí Bình Thoại).

Sáu lần xuất quân ra Kỳ Sơn của Gia Cát Lượng. (Ảnh: phimmoi.net)

4. Tiếng hét trên cầu Trường Bản của Trương Phi

Lúc giao tranh tại Đương Dương – Trường Bản, trước thế tấn công mãnh liệt của Tào Tháo, quân dân Lưu Bị thua chạy tan tác mỗi người một nơi. Lưu Bị sai Trương Phi mang 20 kỵ binh đi chặn hậu, ngăn cản quân Tào.

Trương Phi đợi Lưu Bị cùng mọi người đi kịp sang sông rồi mới đứng lên chặn quân địch ở đầu cầu Trường Bản. Mắt nhìn thấy ba mươi vạn đại quân Tào sắp tiến đến, có người hỏi tại sao không trốn chạy, Trương Phi chỉ cười mà đáp: “Ngô bất kiến chúng quân, chỉ kiến Tào Tháo” (Không nhìn quân đội chỉ nhìn Tào Tháo).

videoinfo__video3.dkn.tv||cc2945203__

Quân Tào Thuần truy kích đuổi đến nơi, một mình Trương Phi hùng dũng đứng cầm xà mâu quát lớn: “Ngô nãi Yến nhân Trương Dực Đức, thùy cảm cộng ngô quyết tử” (Ta là người Yến, tên gọi Trương Dực Đức, ai dám cùng ta quyết tử).

Thanh âm lớn như sét đánh bên tai khiến cây cầu bị phá vỡ, không ai trong quân Tào dám tiến sang sông giao đấu. Tào Thuần sợ Trương Phi có kế khác nên không dám liều lĩnh sang đánh — (Trích trong Tam Quốc Chí Bình Thoại).

Tiếng hét của Trương Phi thanh âm lớn như sét đánh bên tai khiến cây cầu bị phá vỡ, không ai trong quân Tào dám tiến sang sông giao đấu. (Ảnh: imdb.com)

5. Trên đường Hoa Dung, Tào Tháo mệnh chưa tuyệt hay Quan Vũ biết cảm kích?

Khi Tào Tháo thua trận Xích Bích, buổi tối hôm ấy, Tào Tháo dừng chân tại một khu rừng lớn, không thể tiến phát. Phía trước chỉ có hai con đường, một đường hướng bắc dẫn đến đất Sở, đường còn lại là đường Hoa Dung.

Tào tướng nghĩ: “Trước tiến Đương Dương, Trường Bản, hai mươi người của Trương Phi ngăn cản không cho quân ta tiến lên. Lần này lại là Gia Cát ngăn cản, chỉ sợ càng thêm khó khăn cho quân ta”.

Cuối cùng Tào Tháo quyết định về hướng Hoa Dung. Không tới hai mươi dặm, liền nhìn thấy năm trăm người cầm giáo, đao do Quan tướng dẫn đầu ngăn cản.

Tào Tháo dùng lời lẽ hoa mỹ nói với Quan Vân Trường: “Tào Tháo cùng Thọ Đình Hầu có ân”. Quan Vũ đáp: “Quân sư nghiêm lệnh”. Nhưng cuối cùng, Quan Vũ lại quyết định tha cho Tào Tháo.

Quan Vũ trở về gặp Huyền Đức và quân sư, rồi nhận tội vì đã thả Tào tặc. Vũ Hầu nói: “Quan tướng quân là người nhân nghĩa, chắc đã nghĩ đến ân tình của Tào Tháo khi xưa nên mới tha cho hắn” — (Trích trong Tam Quốc Chí Bình Thoại).

Trên đường Hoa Dung, Tào Tháo mệnh chưa tuyệt hay Quan Vũ biết cảm kích. (Ảnh: dkn.tv)

6. Trương Liêu và Quan Vũ mỗi người một chủ, trong tâm đều nêu cao chữ “Nghĩa”

Trương Liêu đến thuyết phục Quan Công đầu hàng, nói rằng: “Quan Công từ nhỏ đã đọc sách, xem Xuân Thu Tả Thị Truyện, từng là người hiền lương, sao lại không giải được ý? Tào Tháo thâm ái”.

Quan Công hỏi: “Nếu ta đầu hàng Tào quân thì sẽ thế nào?”.

Trương Liêu đáp: “Tướng quân sẽ được trọng dụng, mỗi tháng được cấp bốn trăm quan, bốn trăm thạch”.

Quan Công: “Nếu theo đúng lời ta làm ba điều, ta sẽ hàng”.

Trương Liêu: “Lời của tướng quân?”.

Quan Công: “Thứ nhất, ta và phu nhân, một nhà phân thành hai viện, để bảo toàn danh tiết cho phu nhân. Thứ hai, nếu biết tin tức của Hoàng Thúc, ta sẽ quay lại chủ cũ. Thứ ba, hàng Hán không hàng Tào. Nếu như đáp ứng, nguyện vì thừa tướng làm việc lớn, nếu không đáp ứng, thề chết không hàng”.

Trương Liêu và Quan Vũ mỗi người một chủ, trong tâm đều nêu cao chữ “Nghĩa”. (Ảnh: dkn.tv)

Trương Liêu cười đáp: “Đây chỉ là chuyện nhỏ”. Sau đó quay về đem toàn bộ mọi chuyện bẩm báo với Tào Tháo — (Trích trong Tam Quốc Chí Bình Thoại).

Những câu chuyện trong “Tam Quốc Chí Bình Thoại” kể trên đều thể hiện chữ “Nghĩa”, đạo Nghĩa. Hơn nữa, rất nhiều sự việc trong đó đều là những điều mà một phàm nhân không thể thực hiện được, nhưng lại xảy ra như một kỳ tích chốn nhân gian.

Có người lý giải rằng, đây là những Thần tích do Thần tiên lưu lại, cũng chính là một phần của văn hóa mà Thần truyền lại cho con người trần thế.

Theo Soundofhope
Khải Phong biên dịch