Sống trên đời, làm người không cần đòi hỏi, làm việc không cần hoàn hảo, hưởng lạc không được hưởng đến hết. Làm người phải biết dừng lại đúng lúc, đối với người khác là một sự khoan dung, đối với chính mình là trừ lại con đường để thoái lui vậy.
1. Người đi đêm dẫu chẳng làm điều tà gian nhưng không thể cấm chó sủa
“Dạ hành giả năng vô vi gian, bất năng cấm cẩu sử vô phệ kỉ dã” (Chiến Quốc sách – Hàn sách).
Ngày xưa, người ra đường giữa đêm khuya khoắt thường rơi vào hai trường hợp: Một là có việc gấp, bất đắc dĩ, hai là kẻ trộm cắp, lưu manh. Dẫu là người quân tử, đường đường chính chính, không làm chuyện xấu nhưng đi ngoài đường buổi đêm cũng khó tránh khỏi điều tiếng, không ngăn nổi đàn chó sủa bậy.
Lại cũng giống như người ta có thể quang minh chính đại, đi được thẳng, làm được chính nhưng cũng không ngăn nổi lời ong tiếng ve dị nghị của thiên hạ. Bởi vậy, chớ nên để trong tâm những điều thị phi, tai đừng nghe lời gàn dở, mắt đừng nhìn chuyện trái khoáy. Miệng lưỡi của thiên hạ căn bản là không nên để ý, luỵ phiền.
Từ Vị, nhà thơ đời nhà Minh từng nói: “Thế gian việc gì cũng không cưỡng cầu, chuyện gì cũng có thể buông bỏ, nhàn nhã cũng là thú vui. Tình người có muôn vàn dạng nên như thế này, nên như thế kia, chỉ cần giữ tâm hồn thoải mái là được“.
2. Người giỏi bơi lội dễ bị chết đuối, người giỏi cưỡi ngựa dễ bị ngã đau
“Thiện du giả nịch, thiện kỵ giả đọa” (Hoài Nam Tử – Đạo Huấn).
Đó gọi là “sinh nghề tử nghiệp”, người ta giỏi thứ gì thì rất có thể phải mang lấy họa vì thứ đó. Đặc biệt là những người có tâm cao ngạo, kiêu căng, cậy tài thì càng dễ mang hoạ. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết rất chí lý: “Có tài mà cậy chi tài. Chữ tài liền với chữ tai một vần“. Phàm là những kẻ ham danh phải khốn vì danh, hám lợi phải bỏ mình vì lợi, thích tranh đoạt lợi ích thì dễ rơi vào cảnh khốn cùng.
3. Cá nhờ sức nước mà bơi lội, chim nhờ sức gió mà bay lượn, cây cỏ nhờ thời vụ mà sinh trưởng
“Ngư thừa ư thủy, điểu thừa ư phong, thảo mộc thừa ư thời” (Thuyết Uyển – Kiến Bản).
Câu nói này đề cập đến khái niệm “thuận theo thời thế”. Trong đời, nếu muốn gặt hái thành công thì cần phải chớp lấy thời cơ, vận dụng tốt điều kiện. Nhân lúc tình thế đang tốt đẹp mà ra tay, nỗ lực một phen, khéo léo dẫn dắt, thuận theo thời thế thì có thể hy vọng lập được sự nghiệp lớn.
4. Cỏ Chi Lan sống ở hang núi sâu, không vì ở chốn vắng người mà ngừng toả hương thơm
“Chi Lan sinh ư thâm cốc, bất dĩ vô nhân nhi bất phương” (Khổng Tử gia ngữ – Tại Ách)
Cây cỏ vốn thơm, dẫu là giữa chốn phồn hoa, đô hội hay nơi thâm sơn cùng cốc hương thơm ấy vẫn không đổi. Làm người cũng phải có được sự kiên định ấy. Tâm không lay động trước ngoại cảnh, lòng không mê hoặc bởi vật chất trước mắt, có thể trong lúc gian nguy vẫn thể hiện rõ ràng phẩm chất, ấy là người quân tử vậy.
Cỏ Chi Lan sống nơi núi sâu không bóng người vì sao vẫn toả ngát hương thơm, không chút bối rối, muộn phiền? Chẳng phải rốt cuộc cũng chỉ là để chờ đợi người có duyên biết thương hoa tiếc ngọc, thưởng thức hương thơm đó sao?
5. Phàm là thứ ẩn nấp lâu, khi bay ắt sẽ bay cao. Phàm là vật khai nở quá sớm, khi tàn tạ cũng rất mau lẹ
“Phục cửu giả, phi tất cao. Khai tiên giả, tạ độc tảo” (Vi Lô Dạ Thoại).
Định luật tương sinh tương khắc ấy quả là rất đúng. Vạn sự vạn vật đều đang hoạt động dựa theo một quy luật, chuẩn tắc nhất định, tưởng hỗn độn nhưng lại cực kỳ có trật tự. Con người cũng vậy, sau khi ẩn thân một thời gian dài, mài giũa đầy đủ khí chất một khi xuất sơn nhất định sẽ tạo nên chấn động, tung cánh giữa trời cao.
Tôn Tẫn học Đạo cùng Quỷ Cốc Tử mấy chục năm, ẩn nhẫn trên núi, rời xa thế tục, đến khi xuống phò vua Tề thì uy chấn thiên hạ, dựng thành sự nghiệp hiển hách xuân thu. Gia Cát Lượng nằm khểnh ở Long Trung, ngày tiêu dao vui thú sông hồ, đêm ngâm thơ, hóng gió ngắm trăng, sau này xuống núi đã phò tá Lưu Bị dựng thành đế nghiệp, chia ba thiên hạ. Những ví dụ như thế đều có rất nhiều, kể mãi không hết.
6. Ngắm hoa lúc mới nở một nửa, uống rượu đến độ vừa chớm say, thảy đều là niềm vui thú lớn
“Hoa khán bán khai, tửu ẩm vi túy, thử trung đại hữu giai thú” (Thái Căn Đàm).
Đời người cần phải học tiết chế, biết dừng lại đúng lúc, biết đủ. Như thế thì không lo gì không có được niềm vui. Khi vui đừng quá mức, kẻo vui quá hóa buồn. Dục vọng không thể phóng túng, hễ phóng túng thì dễ gây nên tai họa. Uống rượu chỉ nên hơi hơi say, ngắm hoa chỉ nên ngắm nửa chừng, ấy mới là niềm vui thú lớn trong đời.
Nếu luôn truy cầu một sự nghiệp đủ đầy, tiền của dư thừa thì cả đời người ta cũng không được an toàn, thanh thản. Sống trên đời, làm người không cần đòi hỏi, làm việc không cần hoàn hảo, hưởng lạc không được hưởng đến hết. Làm người phải biết dừng lại đúng lúc, đối với người khác là một sự khoan dung, đối với chính mình là trừ lại một con đường để thoái lui vậy.
Vũ Dương – Văn Nhược