Những lời dạy của cổ nhân trong cách ứng xử giữa người với người, trong cách làm người đến muôn đời sau vẫn còn nguyên giá trị. Người xưa coi trọng Đức, không vì ham tiếc công danh lợi lộc mà khoe mẽ bản thân, hạ thấp người khác. Ngược lại người quân tử luôn khiêm nhường, không ngừng học hỏi hoàn thiện bản thân và biết cách tôn vinh người khác.
Xem thêm: Phần 1
Nói ít mới tuyệt, nói năng hành động cẩn trọng, giữ đạo tu thân
Ngạn ngữ có câu rằng: “Họa từ miệng ra”. Từ xưa đến nay, những người nói chuyện xấu nơi nào cũng có. Muốn làm một người biết nói năng, ít lỡ lời mà lại có tâm, trong “Quý Thị – Luận Ngữ” Khổng Tử viết rằng: “Ở bên hầu chuyện người quân tử, thường mắc phải 3 lỗi: Chưa đến lúc nói mà đã nói, gọi là nóng vội; Lúc cần nói mà không nói gọi là né tránh, che giấu; Chưa nhìn sắc mặt người nghe mà nói gọi là mù.”
(Thị ư quân tử hữu tam khiên: Ngôn vị cập chi nhi ngôn, vị chi táo, ngôn cập chi nhi bất ngôn, vị chi ẩn, vị kiến nhan sắc nhi ngôn, vị chi cổ).
Lỡ lời thì dễ đắc tội với người khác, đạo lý này xưa nay chưa từng thay đổi. Xin hãy nhớ kỹ đạo “tam khiên” (3 lỗi cần tránh). Nói vào những thời điểm thích hợp nhất, nói ít mà hiệu quả nhiều.
1. Nột nột quả ngôn giả vị tất ngu, điệp điệp lợi khẩu giả vị tất trí.
Dịch nghĩa: Người có vẻ ngây ngô ít lời chưa chắc đã ngu đần, người nói không ngớt, lưỡi như lò xo chưa chắc đã thông minh.
2. Ngôn quá kỳ thực, chung vô đại dụng.
Dịch nghĩa: Nói phóng đại sự thực, cuối cùng lại chẳng có tác dụng gì.
3. Tri thức dũ thiển, tự tin dũ thâm.
Dịch nghĩa: Người có hiểu biết càng nông cạn thì càng thích khoe khoang, thể hiện bản thân.
4. Tri tri vi tri chi, bất tri chi vi bất tri, thị tri giã. (Vi Chính – Luận Ngữ)
Dịch nghĩa: Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, đó mới gọi là trí huệ chân chính.
5. Tương cự gián tắc anh hùng tán, sách bất đồng tắc mưu sỹ phản. (Hoàng Thạch Công)
Dịch nghĩa: Phải biết lắng nghe ý kiến của những người xung quanh. Nếu không tiếp nhận ý kiến của người khác thì họ sẽ bỏ bạn mà đi.
6. Nhược yếu tinh, nhân tiền thính.
Dịch nghĩa: Phải nghe nhiều những lời người khác nói, tiếp nhận những ý kiến và kinh nghiệm hữu ích nhiều hơn mới có thể làm phong phú trí huệ của mình, khiến bản thân trở nên anh minh, sáng suốt.
Đại trí nhược ngu: Người thông minh thực sự đều giả ngốc
Khi còn trẻ Khổng Tử từng thỉnh giáo Lão Tử về đạo làm người.
Lão Tử nói với Khổng Tử rằng: “Lương cổ thâm tàng nhược hư, quân tử thịnh đức dung mạo nhược ngu.”
Nghĩa là: Một thương nhân đầu óc nhanh nhạy vô cùng hiểu cách cất giữ của cải, nên bề ngoài có vẻ như trống trơn, chẳng có gì. Người quân tử đạo đức cao thượng rất hiểu cách ẩn giấu đạo đức, bên ngoài trông như một người ngu ngốc, chậm chạp.
Nếu bạn bỏ đi sự cao ngạo và lòng tham thì có thể trở thành bậc Thánh nhân. Đây gọi là “Đại trí nhược ngu” (Người hiểu biết rộng như kẻ ngốc).
“Hồ đồ hiếm có” xưa nay đều được dùng để tôn sùng đạo xử thế cao minh. Rất nhiều người theo đuổi trí huệ và cảnh giới “hồ đồ” như Lão tử nói là “Đại trí nhược ngu”. Làm người rất kỵ khoe tài tự mãn, không biết nhường nhịn. Ánh quang chói lóa quá lộ liễu dễ sinh đố kỵ oán hận, càng dễ tìm kẻ thù cho bản thân.
7. Nhân sinh chí ngu thị ác văn kỷ quá, nhân sinh chí ác thị thiện đàm nhân quá.
(Thân Cư Vân)
Dịch nghĩa: Chuyện ngu ngốc nhất của đời người chính là ghét người khác chỉ ra khuyết điểm của mình. Đời người không có đạo đức nhất chính là thích đàm luận về nhược điểm của người khác.
8. Thông minh duệ trí, thủ chi dĩ ngu.
Công bí thiên hạ, thủ chi dĩ nhượng.
Dũng sỹ chấn thế, thủ chi dĩ khiếp,
Phú hữu tứ hải, thủ chi dĩ khiêm,
Thử sở vị ấp chi hựu tổn chi đạo dã.
(Hựu Tọa – Tuân Tử)
Dịch nghĩa: Thông minh cơ trí có thể an thân bởi chữ ngu. Công trùm thiên hạ có thể tự bảo vệ mình bằng cách khiêm nhường. Dũng sỹ đủ để chấn nhiếp thế giới lại có thể giữ mình bằng sự khiếp nhược. Có tiền tài bốn bể nhưng có thể khiêm tốn tự giữ mình. Đây chính là cách khiêm nhường lại càng thêm khiêm nhường!
9. Đại dũng nhược khiếp, đại trí nhược ngu. (Tô Thức)
Dịch nghĩa: Người dũng cảm nhất trông lại có vẻ nhát gan. Người thông tuệ nhất trông lại có vẻ xuẩn ngốc.
10. Cơ quan toán tận thái thông minh, phản toán liễu khanh khanh tính mệnh. (Hồng Lâu Mộng)
Dịch nghĩa: Cơ mưu tính toán quá thông minh, tính đi tính lại hại mạng chồng.
Giỏi nói về khiếm khuyết của người khác để che giấu khiếm khuyết của bản thân, khen sở trường của mình mà kỵ không nói về sở trường của người khác đâu phải việc làm của bậc quân tử
Vạch trần sở đoản của người khác để khoe khoang sở trường của bản thân, bản chất đều là chứng minh ưu thế của bản thân mà ác ý hạ thấp người khác. Hành vi này thể hiện một tấm lòng hạn hẹp, trong giao tiếp rất dễ bị người khác thù ghét.
Người thực sự thông minh thường tìm căn nguyên của vấn đề ở bản thân, như câu Khổng Tử nói: “Ngô nhật tam tỉnh ngô thân” (Một ngày ta 3 lần suy xét bản thân mình). Phát hiện ra những thiếu sót của bản thân từ đó sửa đổi, chứ không hạ thấp người khác để tìm sự an ủi cho mình.
11. Vật hữu sở bất túc, trí hữu sở bất minh, số hữu sở bất đãi, Thần hữu sở bất thông. (Sử ký)
Dịch nghĩa: Thước dẫu dài hơn tấc nhưng so với vật dài hơn thì lại trở nên ngắn. Tấc dẫu ngắn hơn thước nhưng so với vật ngắn hơn vẫn dài hơn. Sự vật vẫn luôn có chỗ thiếu sót của mình, bậc trí giả cũng thường có những chỗ không sáng suốt.
12. Sơn bất yếm cao, thủy bất yếm sâu. (Đoản Ca Hành – Tào Tháo)
Dịch nghĩa: Núi không chê cao, nước không chê sâu.
13. Đoản bất khả hộ, hộ đoản chung đoản. Trường bất khả quan, quan tắc bất trường. (Niếp Đại Niên)
Dịch nghĩa: Đừng bảo vệ sở đoản và khuyết điểm của mình, như vậy sẽ trở thành khuyết điểm vĩnh viễn, không thể bù đắp. Đừng kiêu ngạo về sở trường hay ưu điểm của mình, như vậy sẽ rất nhanh chóng mất đi ưu thế của bản thân mà chẳng thể tiến bộ.
14. Hiếu thuyết kỷ trường tiện thị đoản, tự tri kỷ đoản tiện trường. (Thân Cư Vân)
Dịch nghĩa: Thường kể về sở trường của mình ở đâu thì chính là sở đoản của mình ở đó. Nếu biết sở đoản của mình ở đâu thì chính là sở trường của mình ở đó.
15. Khôi Hoằng chí sỹ chi khí, bất nghi vọng tự phỉ bạc. (Gia Cát Lượng)
Dịch nghĩa: Dẫu muốn hoằng dương khí khái của binh sỹ, cũng không nên tùy tiện coi nhẹ bản thân.
Những lời dạy của cổ nhân trong cách ứng xử giữa người với người, trong cách làm người đến muôn đời sau vẫn còn nguyên giá trị. Người xưa coi trọng Đức, không vì ham tiếc công danh lợi lộc mà khoe mẽ bản thân, hạ thấp người khác. Ngược lại người quân tử luôn khiêm nhường, không ngừng học hỏi hoàn thiện bản thân và biết cách tôn vinh người khác.
Theo Soundofhope
Hiểu Mai biên dịch