Trung Hoa luôn nức danh với thế giới là mảnh đất của những kì tài trong tất cả mọi lĩnh vực. Nhưng ít ai biết rằng có ba người Việt Nam đã từng làm mảnh đất địa linh nhân kiệt ấy phải ngả mũ kính phục. 

Tại sao Tần Thủy Hoàng phải đúc tượng của Lý Ông Trọng?

Sau khi thống nhất đất Trung Hoa, uy danh lừng lẫy, Tần Thủy Hoàng vẫn phải canh cánh một mối nguy đến từ phương Bắc. Bất chấp sự kiên cố của Vạn Lý Trường Thành, quân Hung Nô vẫn hung hăng quấy nhiễu vùng biên giới. Thời bấy giờ, ở nước Tần, có một vị sứ giả có tướng mạo phi phàm, cao hơn hai thước (một “thước” theo hệ thống đo lường Trung Hoa tương ứng với 3,3m). Nhìn thấy tướng mạo khác thường cùng bản lĩnh của một tướng quân nơi vị sứ giả ấy, vua Tần đã ngỏ ý mời ông đi trừ giặc Hung Nô. Ông được phong làm Vạn Tín Hầu cử đến trấn ở vùng đất Lâm Thao (Tỉnh Cam Túc ngày nay). Giặc Hung Nô khi tới nơi tận mắt chứng kiến Uy danh của ông đã không đánh mà tan, nháo nhào bỏ chạy.

ly-ong-trong-1
Pho tượng đồng khổng lồ hình Lý Ông Trọng – Tranh vẽ của Bui Van Bao (Ảnh: hungsuviet.us)

Vị sứ giả bí ẩn ấy lại chính là một người dân Việt, ông tên thật là Lý Thân, thường gọi là Lý Ông Trọng, người làng Chèm (nay thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội). Theo truyền thuyết trong dân gian, ông vốn tính tình cương trực, lại có lòng thương dân, phò tá vua Hùng thứ 18 trấn áp biên thùy nên rất được trọng dụng dưới triều vua An Dương Vương và trở thành sứ giả nước Tần.

Sau một thời gian sống tại nước Tần, vinh hoa phú quý không làm nguôi nỗi nhớ quê nhà của người con Viêt chân chất ấy. Lý Ông Trọng xin được về thăm quê. Trong thời gian đó, giặc Hung Nô lại quay lại quấy phá phía Bắc, vua Tần cử người sang vời ông về lại vùng biên giới. Lý Ông Trọng không muốn một lần nữa phải rời bỏ quê hương, nên vua xứ Nam đã phải dối rằng ông đã qua đời. Không còn cách nào khác, vua Tần bèn cho đúc một bức tượng của Lý Ông Trọng, tương truyền, trong bụng của tượng có thể chứa đến hàng chục người.

ong1
Chân dung Lý Ông Trọng

Người ta còn làm các khớp tay, chân cho tượng nên bức tượng có thể di chuyển, cử động như người thật. Giặc Hung Nô trông thấy bức tượng từ xa, ngỡ tưởng Lý Ông Trọng quay trở lại nên sợ hãi tháo chạy về nước và không dám quay lại thêm lần nào nữa. Nhưng không chỉ có vua Tần Thủy Hoàng cho làm tượng của Lý Ông Trọng. Trong sử sách còn ghi lại hai vị tướng nhà Đường là Cao Biền và Triệu Xương vì cảm phục thanh danh của vị tướng cương trực người Việt ấy, đã cho làm tượng gỗ, sơn son thiếp vàng để thờ cúng.

Vị tướng đất Nam trở thành ông tổ súng thần công Trung Quốc

Ho-Nguyen-Trung-quan-Minh-te-sung-phai-te-Trung-Chinese-3-675x400
Súng thần cơ của Hồ Nguyên Trừng (Ảnh minh họa: Internet)

Trung Quốc vốn là quốc gia đầu tiên chế tạo thành công thuốc súng, đưa phát minh này ứng dụng vào quân sự nhằm nâng cao sức tân cống của các loại vũ khí chiến đấu. Nhưng đến thời kì nhà Minh, Trung Hoa cũng như các nước phương Tây vẫn đang loay hoay với các thiết kế về súng đạn. Trong khi đó, ở Việt Nam, một kĩ sư quân sự dưới thời nhà Hồ đã chế tạo thành công một loại súng, sau đó sẽ trở thành điều bất ngờ vô cùng lớn với quân đội nhà Minh: “Thần cơ sang pháo”.

Sách sử của nhà Minh có ghi chép lại sự bất ngờ đến khâm phục của quân đội nhà Minh khi vấp phải sức công phá của loại vũ khí này: Trong cuộc bình Giao Chỉ, nhà Minh đã bắt được súng thần, pháo thần của Giao Chỉ được coi là vũ khí nhất thiên hạ… Súng “thần công” có được gần đây dùng sắt làm tên, bắn đi bằng lửa, đi xa ngoài 100 bước, nhanh chóng kỳ diệu như thần, nghe thấy tiếng là lửa đã đến. Không chỉ có vậy nhà Minh đã không ngần ngại vận chuyển súng Thần cơ này về nước họ.

Ho-Nguyen-Trung-quan-Minh-te-sung-phai-te-Trung-Chinese-Sung_than_cong
Súng thần cơ được trưng bày tại Viện Bảo tàng Lịch sử Quân đội, Hà Nội (Ảnh đăng lại từ Cục văn thư và lưu trữ nhà nước -archives.gov.vn)

Vậy vị tướng ấy là ai? Và loại vũ khí mà ông tạo tại sao lại có uy lực đến như vậy? Vị tướng tài giỏi được lịch sử nhà Minh ghi nhận phát minh ấy chính là Hồ Nguyên Trừng, con trai cả của vua Hồ Quý Ly. Không màng ngôi báu, ông chỉ nguyện được cống hiến cho quốc gia và trở thành một vị tướng trọng yếu của triều đình. Năm 1407, nước Đại Ngu mới hình thành đã đứng trước nguy cơ xâm lược rõ ràng của nhà Minh, Hồ Nguyên Trừng đã gấp rút cho thành lập các tổ đúc súng đạn, chế ra các loại súng trang bị cho quân đội, trong trường hợp cần ngênh chiến với quân Minh.

Dựa trên những hiểu biết về thuốc súng và các phương pháp đúc súng cổ truyền, Hồ Nguyên Trừng đã phát huy trí sáng tạo của một kĩ sư quân sự để tạo ra một loại vũ khí mới có sức công phá cao chưa từng thấy thời bấy giờ, lấy tên là súng Thần cơ sang pháo. Về kết cấu, loại vũ khí này được cho là tiền thân của các loại súng thần công hiện nay, hay cũng chính là khẩu đại bác đầu tiên được chế tạo.

Ho-Nguyen-Trung-quan-Minh-te-sung-phai-te-Trung-Chinese-2
Ảnh trái: Ngự Lâm Quân của nhà Minh với những khẩu súng hỏa mai từ khoảng thế kỷ 14; Ảnh phải: Một loại súng của nhà Minh vào thế kỷ 14, trước thời Hồ Nguyên Trừng. Khi đó, súng bắn là hỗn hợp lửa và than củi cháy dở (Ảnh: Wikipedia)

Tài năng của Hồ Nguyên Trừng đã phát huy ngay từ khi ông là tướng trong triều của vua Hồ Quý Ly. Không chỉ đúc súng, ông còn là tác giả của chiến thuyền cổ lâu, của thế trận độc đáo chống giặc Minh và của nhiều các công trình trị thủy khác. Tài năng của ông lại một lần nữa được khẳng định khi nó đã cứu ông thoát khỏi cái chết. Nhà Minh sau khi đưa ba cha con Hồ Quý Ly về nước, đã tha tội cho Hồ Nguyên Trừng và giao cho ông một chức quan trong triều đình. Điều mà nhà Minh mong muốn chính là dùng tính mạng của cha và em trai ông để có được tài nghệ đúc súng thần cơ của ông. Khi ấy, để làm trọn đạo nghĩa với cha và em trai, Hồ Nguyên Trừng đã chấp nhận làm quan dưới Triều Minh và ông được sử sách nhà Minh lưu lại dưới cái tên Lê Trừng.

Người Việt làm khiến cả thế giới thán phục khi xây dựng Tử Cấm Thành

Khi nhắc đến Kiến trúc cổ Trung Hoa, Tử Cấm Thành có lẽ là một trong những công trình sẽ được nhắc đến đầu tiên và nhiều nhất. Cung điện được cho xây dựng bởi vua Minh Thành Tổ – Hoàng đế thứ ba của Triều Minh. Tử Cấm Thành luôn khiến người ta phải choáng ngợp trước sự đồ sộ, nguy nga, tráng lệ của hệ thống 800 các công trình bao gồm cung điện, lầu thành, ngự hoa viên… trải rộng trên một diện tích lên  đến 720.000m2.

Kiến trúc đặc trưng của Cung điên cổ này là sự bố trí, sắp xếp, trang trí các công trình dựa trên những nguyên lý rất đặc trưng của minh triết phương Đông: Kính Trời, trọng Đạo, Thiên Nhân hợp nhất, Âm dương hòa hợp. Tử Cấm Thành đối với thế giới giống như một bảo tàng lịch sử – văn hóa-nghệ thuật có giá trị nghiên cứu vô cùng lớn. Không ai có thể tưởng tượng rằng vị kiến trúc sư tài năng kiệt xuất đã thiết kế nên Cố Cung – Tử Cấm Thành lại không phải là người Trung Hoa mà lại là một người Việt Nam khiêm nhường, luôn tận tâm, tận sức vì công việc.

untitled-1-45
Tử Cấm Thành là công trình được Nguyễn An thiết kế và chỉ đạo thi công. 

Người Việt ấy là Nguyễn An (1381-1453), sinh ra ở Hà Đông, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Tài năng của Nguyễn An đã phát tiết khi ông còn rất trẻ. Năm 16 tuổi, Nguyễn An bắt đầu tham gia vào hiệp thợ xây dựng cung điện nhà Trần để phát huy tài năng tính toán và biệt tài kiến trúc hiếm có của mình. Nguyễn An đã bị nhà Minh bắt làm tù binh cùng với rất nhiều những nhân tài khác của nước Việt. Trớ trêu hơn nữa, ông bị hoạn và trở thành thái giám phục vụ trong Cung. Vua Minh lúc bấy giờ đang ấp ủ kế hoạch xây dựng lại cung điện của triều đình tại kinh đô mới ở Bắc Bình (nay là Bắc Kinh). Minh Thành Tổ đã nhìn thấy tài năng kiến trúc của Nguyễn An, lại thêm phần mến phục đức độ liêm khiết, chính trực của ông, đã trao cho ông trọng trách làm “Tổng đốc công” chỉ huy công trường xây dựng Tử Cấm Thành.

tct1
Tử Cấm Thành – Cung điện đồ sộ nhất dưới thời các triều đại phong kiến Trung Hoa. Ảnh dẫn qua: tourbkk.com

Ở cương vị ấy Nguyễn An đã phát huy hết được những sở trường của ông, trong cả lĩnh vực thiết kế và lĩnh vực quản lý, quy hoạch. Ông tham gia  tính toán, sắp đặt trong tất cả các khâu  từ tuyển chọn, chuẩn bị vật liệu cho tới đào tạo thợ, thiết kế, chỉ huy công trình xây dựng. Hãy cùng đọc một nhận xét của Dương Sĩ Kì trong  “Kinh Thành Ký Thắng” về của Nguyễn An: “Nguyễn An tự tay vạch kiểu, thành hình là lập được thế, mắt ngắm là nghĩ ra cách làm, tất cả đều đúng với quy chế. Bộ công và các thợ thuyền đành chịu khoanh tay, bái phục, nghe ông chỉ bảo, sai khiến, thật là người đại tài, xuất chúng”. Trong rất nhiều các sách sử khác của Trung Hoa, nhất là của Triều Minh, Nguyễn An vẫn được nhắc đến như một bậc kì nhân.

Tiếng thơm lưu muôn thuở

Không ai có thể phủ nhận rằng chính những tài năng thiên bẩm của ba nhân vật ấy đã giúp tên tuổi của họ được lưu truyền đến ngày hôm nay. Nhưng nếu nhìn nhận một cách toàn diện hơn, nhân cách của ba người con đất Việt ấy cũng chính là điều khiến người đời sau cảm phục.

Nguyễn An cùng Hồ Nguyên Trừng đều làm quan cho Triều Minh, hưởng bổng lộc, sống trong giàu sang nhung lụa nơi đất khách nhưng tấm lòng của hai ông không bao giờ rời khỏi mảnh đất Việt thân thương, dù chỉ có một người có thể trở về. Người còn lại chỉ có thể mượn bút để viết nên nỗi lòng của mình với quê cha đất tổ. Về cuối đời, Hồ Nguyên Trừng đã lấy bút danh “Nam Ông” (Ông già đất Việt) để viết nên hồi ký “Nam Ông mộng lục”. Rất nhiều người đã tin tưởng vào tấm lòng với đất nước của ông sau khi đọc cuốn hồi kí ấy.

Không chỉ có vậy, họ đều hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ của mình nơi xứ người, không để những tủi nhục của hoàn cảnh nhấn chìm ý chí vươn lên. Nguyễn An, người đã vượt qua nỗi nhục của thân phận hoạn quan, Hồ Nguyên Trừng không để nỗi đau mất nước hủy hoại, họ vẫn cố gắng sống, giữ trọn đức độ và tài năng của mình. Họ chọn cống hiến để để lại những di sản mà ngày nay đã trở thành niềm tự hào của người dân đất Việt. Mặc dù sử sách Việt thời bấy giờ không ghi nhận công trạng của họ, có thể còn có những nhận xét trái chiều về lựa chọn của họ, nhưng chắc hẳn những người Việt của hiện tại sẽ đánh giá công tâm những gì mà những “vị quan Trung Hoa bất đắc dĩ” ấy đã tận tâm kiến tạo.