Những cuộc đời bất trắc, cốt nhục ly tán, quá khứ tản thành mây khói, nhưng nỗi đau xuyên thấu tâm can thì trường tồn bất diệt. Một khi mây tan thấy Mặt trời, cốt nhục được tương phùng, chân tướng khiến người ta thở dài: Ông Trời quả có mắt!

17 năm không biết cha là tên cướp, đến khi chân tướng phơi bày 

Vào thời kỳ Tống Lý Tông, có một người đàn ông tên là Lý Đồ ở huyện Tương Âm, Đàm Châu, gia đình sở hữu vài khoảnh ruộng. Vợ của Lý Đồ bác thông điển tịch kinh sử, tự mình dạy con trai Ứng Long đọc sách học tập, tuy nhiên, Lý Đồ thường than thở, quở trách Ứng Long.

Khi Ứng Long mười bảy tuổi, hương lý tiến cử chàng đi thi tỉnh vào năm tới, nhưng người cha Lý Đồ không cấp cho lộ phí. Người mẹ đã bí mật đưa cho con trai Ứng Long một số tiền, và Ứng Long lên đường một mình với hành lý. Chàng đi ba ngày đường, đến một thôn nọ, vừa lúc sắc trời dần tối, mà lại không có lữ điếm nào để trọ, chàng bèn rẽ vào một con đường nhỏ, hy vọng gặp được một gia đình có thể cho tá túc qua đêm. Đi chưa xa, chàng nhìn thấy một đại trạch viện, nghe ngóng mới biết đó là nhà của quan thông phán họ Trịnh, bèn bước đến trước cổng và xin ngủ qua đêm, nhưng người gác cổng từ chối, dù Ứng Long đã ba lần khẩn cầu. Lúc này, có một người hầu già bên cạnh nói: “Sắc trời đã tối, thật không dễ dàng tìm được một chỗ trọ, bất quá quan nhân không có ở nhà, đợi ta đi vào nói với lão phu nhân để cho hắn ở lại qua đêm trong khách phòng”.

Lão phu nhân hồi đáp, nói: “Vì là một quan nhân lên tỉnh để dự thi, thỉnh đến thư phòng ngụ tạm”. Lão cũng kêu người chuẩn bị một bữa ăn chiêu đãi anh chàng, Ứng Long tự thấy vui mừng vì thật may mắn. Một lúc sau, người hầu già lại đi ra và nói với chàng: “Lão phu nhân mời uống trà”. Ứng Long cảm thấy sự hiếu khách nồng nhiệt khác thường này thật kỳ lạ, nên chàng không thể trái lời, đành theo lời mời mà tiến vào. Lão phu nhân hỏi cặn kẽ danh tính của Ứng Long, sắp xếp một bữa cơm rượu thịnh soạn, từ đầu đến cuối đều ngồi bên cạnh nhìn Ứng Long chăm chú, trong miệng còn thường xuyên phát ra một tiếng “hừ hừ” kỳ lạ, Ứng Long nào biết nguyên nhân là gì?

Sau bữa cơm, chàng bước vào thư phòng, chỉ thấy màn trướng đã được xếp nếp rất gọn gàng. Sáng sớm hôm sau, lão phu nhân đưa cho Ứng Long một ngàn quan tiền giấy, rồi nói: “Ngươi trên đường trở về, nhất định thế nào cũng phải tới đây”.

Ứng Long ở kinh thành chờ công bố danh sách, kết quả thi đỗ, vượt qua kỳ thi cung đình, trở thành tiến sĩ, được phong quan làm giáo thụ Lễ Châu. Trên đường về, chàng lại đến nhà lão phu nhân. Lão phu nhân nhiệt tình chiêu đãi, giữ chàng lưu lại vài ngày. Lão phu nhân nói: “Quan nhân thật giống như đứa con trai đã mất của ta, con trai ta làm quan đến thông phán Quảng Châu, sau khi hết nhiệm kỳ, ly chức hồi hương, thì cả nhà bị cường đạo sát hại, chỉ có lão nhân ở nhà không ra khỏi cửa, mới may mắn sống sót. Nhà ta chỉ có vài điền sản, tuy rằng đã lập một người trong gia tộc làm người thừa kế, nhưng nay nhìn thấy quan nhân, như thể gặp lại con trai ta vậy, khó lòng buông tay, con nếu đến đây sống, thì một nửa gia sản sẽ tặng cho con”.

Ứng Long vì nghĩ đến bố mẹ ở nhà, đã nhũn nhặn tạ tuyệt, lão phu nhân liền nói: “Bố mẹ con cũng có thể đến đây ở cùng ta”. Ứng Long đành đồng ý. Lão phu nhân lại ba lần thỉnh cầu chàng nhất định phải đến, rồi tiễn Ứng Long ra đi trong nước mắt.

Sau khi Ứng Long trở về nhà, lúc đó Lý Đồ ngẫu nhiên không ở nhà, chàng vội vàng kể lại câu chuyện đó cho mẹ mình. Người mẹ rơi nước mắt, nói: “Lão nhân ấy chính là tổ mẫu (bà nội) của con! Cả nhà cha con đều bị bọn cướp giết hại, chỉ còn lại một mình mẹ. Khi đó con đã ở trong bụng mẹ hơn năm tháng rồi, cha con hôm nay chính là cường tặc”.

Ứng Long cảm thấy phi thường bi thống, đã đi báo cáo với tổng đốc Hồ Đĩnh (hiệu Thạch Bích), Hồ Đĩnh vô cùng kinh ngạc, bí mật cử người đến đón lão phu nhân, mượn cớ ăn mừng Ứng Long mới được làm quan, mời cha mẹ chàng cùng dự tiệc. Sau khi mẹ của Ứng Long đến, bà bước vào sảnh và nhìn thấy lão phu nhân, hai người ôm nhau khóc lớn, cảm xúc bi hoan lẫn lộn.

Hồ Đĩnh đã giao Lý Đồ cho cơ quan tố tụng để điều tra và thu thập chứng cứ, sau khi điều tra rõ toàn bộ sự việc, đã tịch thu nhà và chặt đầu ông ta, rồi yêu cầu mẹ con Ứng Long cùng lão phu nhân cùng nhau về nhà, báo cáo triều đình đổi họ ban đầu của Ứng Long. Sự việc này xảy ra vào thời Tống Lý Tông.

(Trích “Giang hồ kỷ văn” của Quách Tiêu Phong)

Lý Lão được đoàn tụ sau bao năm thất lạc con trai

Tương phùng là ý Trời. (Ảnh: Internet)

Vào thời nhà Thanh, ở vùng Hằng Sơn (nay là phía đông nam thành Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây và phía đông nam thành Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc), có một nông dân tên là Lý Lão. Ông có hàng trăm mẫu đất, cuộc sống an khang. Ở tuổi trung niên, ông mới sinh một người con trai tên là Nhất. Khi Nhất lớn lên và đi học, Lý Lão phi thường nghiêm khắc đối với việc học tập của con. Khi Lý Nhất mười hai tuổi, vì ham chơi mà bỏ học, sợ bị cha trách mắng, nên đã lấy trộm tiền của gia đình rồi bỏ trốn. Hai vợ chồng họ Lý hết sức lo lắng, treo thưởng cho ai tìm được con trai, đi tìm khắp nơi, nhưng vẫn không có tin tức gì.

Mẹ của Nhất rất buồn phiền, suýt nữa đã quyên sinh. Lý Lão an ủi vợ, nói: “Chúng ta cũng chưa già, vẫn có thể sinh con”. Nhưng mẹ của Nhất vì nhớ nhung con trai mà sinh bệnh. Bà nhiều lần thuyết phục Lý Lão lấy vợ lẽ để có con nối dõi, tiếp tục hương hỏa, nhưng Lý Lão không nhẫn tâm. Thời gian đã trôi qua thật nhanh, Lý Lão đã gần bảy mươi tuổi mà vẫn không có tin tức gì của con trai. Những thân thuộc nội ngoại nghèo khó trong gia tộc đều muốn thừa kế tài sản của Lý Lão, họ cãi vã không ngừng khiến Lý Lão càng thêm mệt mỏi và khổ não.

Lý Lão cảm thấy mình vẫn còn rất sung sức, thể lực vẫn còn khả dĩ, ông nghe nói giữa Sơn Tây và Hà Nam có người bán trẻ em, giá rất rẻ. Thế là Lý Lão lấy ra một trăm lạng bạc ra đưa cho một người trung gian, dùng năm mươi quan tiền để mua một thiếu nữ đoan trang, vô cùng mãn ý.

Cô gái hỏi danh tính và quê quán của Lý Lão, Lý Lão nói cho cô gái biết sự thật. Cô gái ngạc nhiên nói: “Con và lão đồng họ đồng hương, thật là kỳ quái!” Lý Lão nói: “Đồng họ thì có thể, nhưng quê tôi cách đây năm trăm dặm, nên không thể coi là người đồng hương”. Cô gái nói: “Khi con còn nhỏ, con đã từng nghe cha nói, cha họ Lý, tên Nhất, người Hằng Sơn. Sau đó, cha con đã bỏ nhà vì trốn học, trở thành con nuôi của nhà người ta. Giờ không biết cha mẹ thân sinh của cha con có còn không? Cha con thường xuyên khóc lóc, mẹ và con liền an ủi ông”.

Lý Lão kinh ngạc nói: “Dựa theo miêu tả của con, cha con hẳn là con trai của ta, còn con hẳn là cháu gái của ta. May mắn là con đã nói những lời này. Chúng ta hãy mau đến nhà con để xác nhận; Xa nhau đã bao năm rồi, nhưng giọng nói và nụ cười hẳn là không thay đổi”.

Vì vậy, Lý Lão đã đưa cô gái về đến thôn, gọi cha cô ra mắt, quả nhiên đó chính là con trai của Lý Lão. Người con trai vừa khóc vừa kể chuyện: Sau khi trốn nhà chạy về phương Nam, đến khi hết tiền thì ăn xin trong làng. Một cụ già cùng họ đã nhận ông làm con nuôi, sau cưới vợ cho ông, sinh được bốn trai, hai gái. Cách đây mấy năm, cha mẹ nuôi lần lượt qua đời, nhà đông con, cuộc sống rất khó khăn, nên đành phải bán con gái để sống sót qua ngày.

Lý Lão mừng lắm, sai con trai bán hết đồ đạc, đem sáu đứa cháu về nhà. Vợ Lý Lão đang nằm một mình trên giường bệnh, khi nghe tin con về, đột nhiên thấy con cháu mãn đường, bà lập tức khỏi bệnh.

(Nguồn: “Dạ Vũ Thu Đăng Lục”)

Theo Epoch Times
Hương Thảo biên dịch