Cổ nhân đã tích lũy kinh nghiệm sống bao đời, để lại những lời khuyên dạy cho hậu nhân. Mỗi lời dạy đều quý hơn vàng, là những chân lý cho muôn đời!
Hạnh phúc lớn nhất của mỗi người chính là trong tâm không có chuyện phiền muộn; tai họa của một người có đáng sợ tới đâu cũng không bằng lòng dạ đa nghi. Người ta thường nói: “Dữ kỳ đa tâm, bất như thiểu căn cân”, tạm dịch: Nếu vì đa nghi mà sinh hiểu lầm thà coi như không biết việc gì sẽ tốt hơn.
Nguồn gốc của thị phi thường ở sự đa nghi của con người, đa nghi sinh bất lợi cho việc qua lại và chung sống giữa người với người. Chỉ có những người cả ngày phải bôn ba vất vả cực nhọc kiếm sống, bị những chuyện vụn vặt vướng víu quanh thân mới hiểu được rằng bình an, vô sự, nhẹ nhàng chính là hạnh phúc lớn nhất. Chỉ có những người tâm như chỉ thủy, yên tĩnh ổn định mới hiểu được hiểu lầm chính là tai vạ lớn nhất.
1. Lưu thủy bất tranh tiên
Nghĩa là: Những dòng suối không tranh nhau chảy
Lão Tử nói: “Thượng thiện nhược thủy, thủy thiện lợi vạn vật, phù duy bất tranh, cố vô vưu”, ý nói nước là thiện nhất, là tốt nhất, nước đem lại lợi ích cho muôn vật mà lại không tranh không giành lợi ích; có thể làm mòn đá núi và không gì có thể ngăn được nước chảy. Đặc tính của nước là chân thành giúp đỡ vạn vật mà không tranh giành danh lợi, không tranh giành cao thấp, cũng không tự cho mình là hiểu biết, lại không khoe khoang bản thân. Chính là bởi vì không tranh giành với vạn vật, cho nên không có oán hận lo âu.
“Bất tranh tiên” không phải là không mong cầu vươn lên, mà là tôn trọng quy luật của tự nhiên, không phá hoại cân bằng, không vì nhỏ mà mất đi việc lớn để tự mất phương hướng của bản thân.
Hành sự không nên dựa vào sự gấp gáp nhất thời mà cần làm đến nơi đến chốn. Cũng giống như nước chảy chậm chạp từ từ, không đi tranh giành trước sau, chỉ từng chút từng chút, tích góp sức mạnh của bản thân. Nước cứ tiếp tục lâu dài như vậy mà đợi thời cơ để bung ra. Kinh nghiệm phải dựa vào sự từng trải mới có thể đạt được những tích lũy phong phú. Trí huệ không phải chạm một cái mà thành, mà phải sau khi thông qua việc suy xét cảm nhận, dùng con mắt tinh tường để quan sát, đợi khi năng lực đầy đủ vẹn tròn.
2. Kỳ thị dục thâm giả, kỳ thiên ky thiển
Nghĩa là: Nếu một người có quá nhiều dục vọng ham muốn, thì trí tuệ của bản thân người này sẽ bị phong bế. Mê muội mất ý chí thì sẽ mất hết, tham lam ham muốn quá nhiều thì hại thân.
Khi một người đắm đuối hưởng thụ tài sắc danh vọng, thì khả năng phán đoán của họ sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí đánh mất luôn trí tuệ của mình, tự họ cũng bắt đầu gieo mầm tai họa cho chính cuộc sống của bản thân. Nếu một người không lấy sự nghiệp và tu dưỡng làm trọng, không hiểu cách kiềm chế dục vọng, thì có thể dễ dàng rơi vào sự nguy hiểm bất cứ lúc nào.
3. Quân tử tri mệnh bất toán mệnh
Nghĩa là: Người quân tử hiểu vận mệnh không đi đoán mệnh.
Vạn sự vạn vật đều có thời, có vận, có thế. “Thời” chính là thời cơ, có thiên thời mà vận khí chưa đến cũng khó tránh khỏi rơi vào tan vỡ; “Vận” chính là sự hòa hợp của thiên thời, địa lợi, nhân hòa; “Thế” chính là sự sai lệch về tình thế, sự sai lệch càng lớn, năng lượng càng lớn sẽ ào ào như thác nước.
Ba điều này hợp lại với nhau gọi chung là “mệnh”.
Khổng Tử nói: “Bất tri mệnh, vô dĩ vi quân tử dã ; Bất tri lễ, vô dĩ lập dã; Bất tri tín, vô dĩ tri nhân dã”. Nghĩa là: Không biết mệnh trời thì không thể làm người quân tử. Không biết lễ thì không thể tự lập thân. Không biết chữ tín thì không hiểu được người.
“Tri mệnh” trước tiên là biết được “mệnh của tự thân”, chính là nên hiểu được rằng là một con người khi được sinh ra trong thế giới này nên làm sao để lập thân xử thế; Tiếp nữa là biết tới “thiên mệnh”, chính là sau khi đã trải qua những thăng trầm trong cõi nhân sinh thì hiểu được quy luật tự nhiên của trời đất, từ đó có thể tuân theo mệnh trời.
Một người sau khi hiểu số mệnh con người và trong lòng không có hoài nghi, họ có thể thản nhiên đón nhận mọi thứ tự nhiên, cũng sẽ không cần đi toán mệnh nữa.
4. Nhân hữu thiên toán, thiên tắc nhất toán
Nghĩa là: Con người có tính toán vạn lần cũng không bằng trời tính một lần.
Có lẽ trong lòng mỗi người, ai cũng đều có những tính toán nhỏ nhặt để bản thân thu được lợi ích. Tuy nhiên con người có tính toán nghìn vạn lần, tính tới tính lui cho bản thân cũng là “người tính không bằng trời tính”.
“Thiên tắc nhất toán”, trời tính là tính như thế nào? Chính là căn cứ theo lượng “đức” nhiều ít của mỗi người. “Đức” mà nhiều thì sẽ được hưởng nhiều phúc lộc, còn “đức” ít, “nghiệp” nhiều thì có tính toán nhiều đến đâu cũng không thành, có khi còn mang họa đến thân.
“Nhân thiện, nhân khi, thiên bất khi; nhân ác, nhân phạ, thiên bất phạ. Nhân hữu thiện niệm, thiên tất hữu chi; nhân nhược trung hậu, phúc tất tùy chi”. Ý rằng: Người thiện, người ác, trời không ác; Kẻ ác, người sợ, trời không sợ; người hiền, người khinh, trời chẳng khinh. Người có thiện niệm, trời tất có bảo hộ; người có trung hậu, phúc tất tới phía sau.
5. Nhân tình thế thái, bất nghi thái chân; Thế tình khán lãnh noãn, nhân diện trục cao đê
Nghĩa là: Nhân tình thế thái của con người trong thế gian, thông qua con người khi ở vào tình cảnh khó khăn mà trở nên lúc nóng lúc lạnh, sắc mặt của con người cũng thuận theo địa vị cao thấp của đối phương mà biến đổi nhiệt tình hay lạnh nhạt.
Bợ đỡ nịnh nọt là trạng thái bình thường trong cuộc đời, khi con người nhận ra được điều này sẽ biết cách coi nhẹ sự thay đổi của nhân tình thế thái. Khi không được như ý bị đối xử lạnh nhạt cũng không cần mắng người ta; khi đắc ý được người ta truy đuổi cũng không cần lung lay mà luôn cần giữ sự minh mẫn bình thản.
Thành thật đối đãi với người lấy sự chân thành để gặp người điều này cần nghiêm túc. Còn việc đối phương có chân thành thật hay không cũng không cần quá để tâm.
6. Trực mộc tiên phạt, cam tỉnh tiên kiệt
Nghĩa là: Cây thẳng bị đốn trước, giếng ngọt bị cạn trước.
Cây cao vượt rừng gió sẽ dập, chim bay vượt đàn chịu súng săn. Người luôn nổi trội hơn người khác tất sẽ bị người ghen ghét. Tâm lý ‘không muốn nhìn thấy điểm tốt của người khác’, chính là một biểu hiện của sự đố kỵ, cũng là một hiện tượng khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Bởi vậy một người giỏi giang tài hoa là việc tốt, tuy nhiên không nên đi khắp nơi khoe khoang hiển lộ tài năng của mình. Cậy tài mà khinh người chỉ bộc lộ sự nông cạn và tự chuốc vạ vào bản thân.
7. Trung hòa vi phúc, thiên kích vi tai
Nghĩa là: Trung hòa là phúc, cực đoan là tai nạn
Tâm thái bình hòa, làm việc trung dung, người như vậy là người có phúc. Còn những người có tính cách cực đoan cố chấp thì cuộc sống thường không thuận lợi, thậm chí tự rước lấy tai họa.
Có câu chuyện kể khi Tăng Quốc Phiên làm quan tổng đốc ở Lưỡng Giang, có người đề cử cho ông mấy nhân tài, trong đó có một người tên là Lưu Tích Hồng. Lưu Tích Hồng là người văn thơ rất tốt, hạ bút có thể viết ngàn chữ, cũng là người rất nổi tiếng thời bấy giờ. Tuy nhiên sau khi gặp mặt Tăng Quốc Phiên, cho rằng đây là người “tràn đầy chí khí bất bình”, e rằng không được lâu dài.
Không lâu sau Lưu Tích Hồng làm Phó sứ đi theo Quách Tung Đạo, đi sứ tới các nước phương Tây, quả nhiên hai người nảy sinh bất hòa. Lưu Tích Hồng bèn viết thư gửi về triều đình nói rằng, Quách Tung Đạo đưa vợ bé xuất ngoại, qua lại thân thiết với người nước ngoài, làm ô nhục hình ảnh quốc gia.
Quách Tung Đạo cũng viết thư gửi triều đình tố cáo Lưu Tích Hồng ăn trộm đồng hồ của người nước ngoài. Lý Hồng Chương là người phụ trách giải quyết vụ việc mâu thuẫn giữa hai người, khi đó là người có quan hệ mật thiết Quách Tung Đạo, đã cho triệu tập Lưu Tích Hồng về, không làm Phó Sứ nữa. Lưu Tích Hồng vô cùng oán giận viết tấu thư, gửi tới hoàng đế liệt kê mười tội ác đáng bị chém đầu của Lý Hồng Chương. Nhưng thật không may khi đó triều đình đang coi trọng Lý Hồng Chương về vấn đề ngoại giao, nên không thèm để ý tới tấu thư của Lưu Tích Hồng. Ông ta càng căm phẫn uất ức và trở nên cực đoan, thường xuyên nói năng cư xử với người khác không lễ độ, người cùng quê cũng đều không thể gần gũi. Cho tới khi Lưu Tích Hồng mở tiệc mời khách cũng không có ai tới làm ông ta rất buồn rầu, không lâu mà chết.
8. Thiểu sự vi phúc, đa tâm chiêu họa; Phúc mạc phúc vu thiểu sự, họa mạc họa vu đa tâm
Nghĩa là: Ít chuyện là phúc, đa nghi là chiêu mời tai họa. Có phúc hay không là ở việc có ít chuyện hay nhiều chuyện, có họa hay không là ở việc đa nghi nhiều hay ít.
Hạnh phúc lớn nhất của đời người không có gì hơn việc trong tâm không có chuyện phiền muộn, tai họa lớn nhất của đời người không có gì đáng sợ hơn sự đa nghi.
Người ta thường nói: “Dữ kỳ đa tâm, bất như thiểu căn cân”, tạm dịch: nếu vì đa nghi mà sinh hiểu lầm thà coi như không biết việc gì sẽ tốt hơn. Nguồn gốc của thị phi thường ở sự đa nghi của con người, đa nghi sinh bất lợi cho việc qua lại và chung sống giữa người với người. Chỉ có những người cả ngày phải bôn ba vất vả cực nhọc kiếm sống, bị những chuyện vụn vặt vướng víu quanh thân, mới hiểu được bình an vô sự nhẹ nhàng chính là hạnh phúc lớn nhất; chỉ có những người tâm như chỉ thủy yên tĩnh ổn định mới hiểu được hiểu lầm chính là tai vạ lớn nhất.
9. Chân bất ly huyễn, nhã bất ly tục
Nghĩa là: Thật không thể tách rời với ảo, cao thượng không tách rời với trần tục.
Chân thực và ảo tưởng, cao thượng và dung tục là những điều tương khắc đối lập nhau.
Nhân sinh như mộng, mộng cũng như nhân sinh, nằm mộng cũng là nhân sinh. Cho dù là “giấc mộng vàng đẹp đẽ” hay nằm mơ giữa ban ngày thường bị mọi người cười chê, tuy nhiên đó đều không phải ngẫu nhiên. Tại sao trời đất lại phân ra ngày và đêm? Chính là để chúng ta một nửa sống trong hiện thực, một nửa rơi vào cõi mê. Hoa sen sống giữa bùn lầy, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, vẫn giữ được sự thanh cao lại vừa trần tục. Đơn giản tới đỉnh điểm, chính là tận cùng của sự tao nhã.
10. Lưỡng niên học thuyết thoại, nhất bối tử học bế chủy
Nghĩa là: Hai năm học nói cả đời học im lặng.
Cổ nhân dạy: “Nhiều lời là bệnh thứ nhất trong đối nhân xử thế, động không bằng tĩnh, nói không bằng im lặng”.
Đa số trong các trường hợp chúng ta nói càng nhiều, khoảng cách giữa hai bên càng trở nên xa cách, mâu thuẫn cùng theo đó càng tăng lên. Trong cuộc sống giao tiếp hằng ngày, đôi khi vì muốn bày tỏ ý kiến bản thân, chúng ta thường hay vội vàng nói mà chưa kịp hiểu ý kiến của đối phương. Bởi vậy, trước khi nói cần suy nghĩ cân nhắc xem lời nói đó có ảnh hưởng gì tới người khác không.
Cổ nhân nói: “Phong lưu bất tại đàm phong thịnh, tụ thủ vô ngôn vị tối trường“, tạm dịch: Người phong lưu kiệt xuất, lời nói thường ẩn chứa hàm ý sâu sắc.
Những người ba hoa thao thao bất tuyệt đôi khi không phải là người có thể tỏa sáng. Ngược lại có những người im lặng không nói lại ẩn chứa sâu thẳm trong tâm những suy nghĩ cao thâm khó lường.
Theo soundofhope.org
Kiên Định biên dịch