Trong Tăng quảng hiền văn có câu: “Quan kim nghi giám cổ, vô cổ bất thành kim” (Xem việc xưa mà xét việc nay, không có xưa thì chẳng có nay). Điều đó đã cho thấy tầm quan trọng trong việc học tập đúc rút kinh nghiệm người đi trước.
Nhân loại sở dĩ phát triển đến như ngày nay là do con người biết không ngừng học tập đúc rút kinh nghiệm người xưa, để tránh thất bại, rút ngắn con đường đến tới thành công.
Xin giới thiệu 10 câu cách ngôn, cũng là lời giáo huấn, đúc rút kinh nghiệm của cổ nhân, vẫn vô cùng hữu ích cho chúng ta hiện nay.
1. Việc học, không lo tài chẳng thành, mà lo không có chí
(Học giả, bất hoạn tài bất cập, nhi hoạn chí bất lập – Tấn Thư)
Từ xưa cổ nhân đã coi trọng việc học, vì chỉ có học mới phát triển tài năng, mới tạo lập được chỗ đứng trong xã hội. Ngày nay kinh tế phát triển, mọi người có điều kiện đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, những mong con em mình có thể thực hiện được những hoài bão mà mình chưa thực hiện được, rạng danh gia đình tổ tiên.
Nhưng việc học, sợ nhất là thiếu ý chí, thì có học mấy cũng chẳng thành. Hiện nay các thầy cô, nhà trường, phụ huynh giành nhiều công sức cho truyền thụ kiến thức mà quên mất gây dựng cho con em mình ý chí quyết tâm, khắc phục khó khăn, dùi mài học tập. Người xưa nói, có chí thì nên. Việc học cũng vậy, nếu không có ý chí, ắt chẳng thể thành tài. Chính vì vậy, đầu tư nhiều cho giáo dục nhưng nhân tài nước ta vẫn “như lá mùa thu”.
2. Học không tinh thông cần mẫn, thì chẳng bằng không học
(Học bất tinh cần, bất như bất học – Chu thư)
Việc học xưa nay đều là việc gian khổ, cần rèn giũa trong thời gian dài, khổ công học tập, mới có thể thành tài. Học không tinh thông, không cần mẫn, thì cái gì cũng biết, nhưng chẳng biết cái gì. Khi bàn chuyện gì cũng cứ ngỡ mình đã biết, nhưng chỉ là biết sơ sơ bề ngoài, thực hiện ắt sẽ không hiệu quả, hoặc thất bại, có khi còn gây nguy hại cho người khác, cho bản thân, cho xã hội.
Nếu những người học hành lơ mơ, cái gì cũng biết nhưng không tinh thông mà lại thành thầy, viết sách, đào tạo dạy dỗ người khác thì rất nguy hiểm, sẽ hủy hoại rất nhiều người mà lẽ ra có thể trở thành bậc rường cột quốc gia, hay những danh nhân, những người hữu ích cho xã hội. Chính vì vậy, nếu họ không học, thì chỉ có hại cho mình họ, nhưng nếu họ học lơ mơ thì hậu họa khôn lường.
3. Nghe các ý kiến trái ngược là thông minh, nhìn vào nội tâm tìm lỗi bản thân là sáng suốt, chiến thắng chính mình là kẻ mạnh
(Phản thính chi vị thông, nội thị chi vị minh, tự thắng chi vị cường – Sử ký)
Tuyệt đại đa số người đều thích nghe cái gì phù hợp với mình, không thích nghe lời trái ngược ý mình. Cổ nhân có câu “Lương dược khổ khẩu lợi ư bệnh, trung ngôn nghịch nhĩ lợi ư hành” (Thuốc tốt đắng miệng lợi cho bệnh, lời trung nghịch tai lợi cho việc). Nếu chúng ta học được cách nhẫn nại, buông bỏ thành kiến cá nhân, lắng nghe các ý kiến trái ngược, chúng ta sẽ thấy mình đã lên cảnh giới mới, thông minh lên rất nhiều.
Chúng ta cũng thường có thói quen khi có lỗi thường tìm nguyên nhân khách quan, từ môi trường hoàn cảnh, và từ người khác. Nhiều khi rõ ràng mình có lỗi mà vẫn tìm lý do là bởi vì việc này, vì người kia khiến mình sai. Nếu thay vì tìm nguyên nhân bên ngoài mà tự nhìn vào nội tâm, tìm nguyên nhân từ chính bản thân mình, chúng ta sẽ thấy, bất kỳ mâu thuẫn, va chạm nào cũng có một phần lỗi của bản thân mình trong đó, giống như vỗ tay phải có 2 bàn tay mới thành tiếng được. Như thế, chúng ta đã trở nên sáng suốt, thông đạt, cảnh giới tinh thần đã thăng tiến lên rất nhiều rồi.
Ngày nay chúng ta hay lấy chiến thắng làm mục tiêu. Thực ra trong chiến thắng, có nhiều yếu tố, nếu hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa thì không gì là không thắng lợi. Mà để có được 3 yếu tố đó thì không chỉ phải học tập tri thức mà còn cần phải tu Đạo. Quan niệm người xưa Thiên – Nhân hợp nhất, nên khi chúng ta thuận theo tự nhiên thì trí tuệ khai thông, hiểu rõ Thiên – Địa – Nhân, và hành động theo quy luật tự nhiên. Tuy nhiên trở ngại lớn nhất đối với học Đạo là không chiến thắng được các thói quen an dật, ham muốn, ích kỷ, tranh đấu, nóng giận, đa ngôn… của chính mình.
4. Kẻ trí nghĩ nghìn điều, ắt cũng có điều sai; Người ngu nghĩ nghìn điều, ắt cũng có điều đúng
(Trí giả thiên lự, tất hữu nhất thất; Ngu giả thiên lự, tất hữu nhất đắc – Sử ký)
Hiểu rõ câu này, chúng ta mới có khiêm tốn học hỏi tất cả mọi người, kể cả những người thấp kém, bị coi là ngu dốt, và không bị tin mù quáng vào người nào, chỉ vì danh tiếng hay trí tuệ của anh ta. Trước một vấn đề, lắng nghe ý kiến của nhiều người, không phân biệt cao thấp, ngu hiền, rồi suy nghĩ, phân tích lý tính, rồi chọn theo cái hợp lý nhất, đó chính là bí quyết của thành công.
5. Quốc gia hưng thịnh thì coi người dân như con; Quốc gia suy vong thì coi người dân như cỏ rác
(Quốc chi hưng dã, thị dân như xích tử; Kỳ vong dã, thị dân như thảo giới – Tam quốc chí)
Người dân chính là tài lực quốc gia, nên nếu biết chăm bẵm người dân như chăm chút đứa con mới sinh thì nguồn tài lực sẽ có chất lượng cao, quốc gia sẽ hưng thịnh. Ngược lại, coi người dân như cỏ rác, nguồn tại lực quốc gia sẽ như đống phế liệu vô giá trị, quốc gia suy vong.
6. Vẽ hổ là vẽ da, khó vẽ được xương, biết người là biết mặt, khó biết được lòng
(Họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm – Tăng quảng hiền văn)
Câu này ý nói chúng ta thường thấy sự vật hiện tượng bề ngoài mà khó biết được bản chất bên trong, do đó không nên bị cái vẻ bề ngoài mê hoặc, cần quan sát suy xét người, vật trong một thời gian, dưới nhiều góc độ, với nhiều đối tượng khác nhau, từ đó sẽ có cái nhìn tổng thể chân thực về người, hay vật đó. Do đó không nên đánh giá con người chỉ qua vẻ bề ngoài, hay một vài hành động nào đó.
7. Người tha thứ cho người khác thì không phải là người ngu si, người ngu si thì không biết tha thứ cho người khác
(Nhiêu nhân bất thị si hán, si hán bất hội nhiêu nhân – Tăng quảng hiền văn)
Người biết tha thứ, khoan dung với lỗi lầm của người khác là người không những không ngu si tý nào mà trái lại cực kỳ thông minh, sáng suốt và thoáng đạt.
Người không biết tha thứ, khoan dung thì trước tiên là làm hại sức khỏe chính bản thân họ, nếu mãi không buông bỏ được những u sầu, uất hận, lo nghĩ trong lòng thì ắt sẽ sinh bệnh. Sách “Hoàng Đế nội kinh” viết: “Kinh, Hỷ thương Tâm; Nộ thương Can; Tư thương Tỳ; Bi, Ưu thương Phế; Khủng thương Thận”.
Có nghĩa là kinh hãi và quá vui dễ gây tổn thương đối với tạng Tâm; tức giận dễ gây tổn thương đối với tạng Can; tư lự suy nghĩ quá độ dễ gây tổn thương đối với tạng Tỳ; bi thương, âu sầu quá độ dễ gây tổn thương đối với tạng Phế; sợ hãi quá độ dễ gây tổn thương đối với tạng Thận.
Người bao dung độ lượng, như biển rộng dung nạp muôn sông, đối với lầm lỗi, xúc phạm hoặc hủy báng của người khác, chỉ cười mà cho qua, cái tâm yên tĩnh như mặt nước hồ, không vì sai trái của người mà nổi sóng. Người bao dung độ lượng giống như một quý ông, chẳng vì đứa trẻ con hư hỗn mắng chửi mình mà tức giận. Họ đã vượt qua cái tầm thường, chỉ thấy cảm thương cho những người mê muội, giận dữ, oán hận người mà tự hại chính mình, trong lòng luôn canh cánh trăm mối, sao chẳng biết quẳng tảng đá đó đi, để mình nhẹ nhàng, thảnh thơi mà vui với đời.
8. Cùng người khác kinh doanh, chớ chiếm phần hơn
(Dữ nhân khiêu mậu dịch, vật chiếm tiện nghi – Chu Tử trị gia)
Ngày nay mọi người đều nói đến hợp tác hai bên cùng có lợi (win-win), vì đã hiểu được đạo lý “Một cây làm chẳng lên non”. Khi hai người hợp tác, sức mạnh không phải đơn giản là phép cộng tăng gấp đôi, mà sức mạnh tăng gấp nhiều lần.
Người xưa không những thấu hiểu đạo lý này từ rất sớm, mà còn vượt cả cái mô hình hợp tác win-win hiện đai này, khi biết “cùng người khác kinh doanh, chớ chiếm phần hơn”, tức là nhường người phần hơn, mình nhận phần ít, thua thiệt, để rồi thành tựu đại nghiệp. Câu chuyện của Bảo Thúc Nha và Quản Trọng thời Xuân Thu là ví dụ sinh động.
Bảo Thúc Nha và Quản Trọng là đôi bạn tốt luôn cùng nhau buôn bán. Bảo Thúc Nha có tiền thì lấy phần nhiều đưa cho bạn, vì nghĩ gia cảnh bạn nghèo túng, còn mình thì nhận phần thiệt hơn. Hai người cùng nhau buôn bán và mỗi lần chia lãi thì bên nhiều bên ít như thế.
Bọn thủ hạ của Bảo Thúc Nha thấy vậy thì rất khó chịu nói Quản Trọng là kẻ không ra gì. Bảo Thúc Nha nói: “Các ngươi lầm rồi, ông ta đâu có tham lam chút tiền mà làm gì. Chẳng qua gia cảnh ông ta quá khó khăn phải dựa vào chút tiền đó mà sống cho qua ngày nên ta tự nguyên nhường cho ông ta phần lãi hơn”.
Chính vì vậy mà cả hai người sau này đều thành nhân tài giúp Tề Hoàn Công thành tựu bá nghiệp.
9. Người thấy kẻ phú quý mà a dua siểm nịnh, chính là kẻ vô sỉ bỉ ổi nhất; Kẻ thấy người nghèo khổ mà tỏ vẻ kiêu ngạo, kinh nhờn, chính là kẻ đê tiện nhất
(Kiến phú quý nhi sinh siểm dung giả, tối khả sỉ; Ngộ bần cùng nhi tác kiêu thái giả, tiện mạc thậm – Chu Tử trị gia)
Con người sở dĩ cao quý là ở cốt cách, phẩm đức. Kẻ thấy phú quý thì xu nịnh, thấy nghèo khổ thì kinh thường, là kẻ tâm hồn trống rỗng, chỉ biết chạy theo ham muốn thể xác, thú vui nhục dục, không biết đạo lý, phẩm đức là gì, chính là kẻ vô sỉ bỉ ổi nhất, là kẻ đê tiện hèn hạ nhất.
10. Làm thiện muốn người ta thấy, đó không phải là chân thiện; Làm ác sợ người ta biết, đó là đại ác
(Thiện dục nhân kiến, bất thị chân thiện; Ác khủng nhân tri, tiện thị đại ác – Chu Tử trị gia)
Thiện – ác, tốt – xấu rất dễ phân biệt. Có người làm từ thiện, nhưng lại mời đông đảo mọi người tham gia, rồi quay phim, chụp ảnh, viết bài, quảng bá trên các phương tiện đại chúng, thì đó không phải là chân thiện, mà ẩn chứa sau đó là có mục đích, như đánh bóng tên tuổi, lấy cái danh, muốn được mọi người biết đến, muốn được mọi người tung hô, ca ngợi.
Cũng có người do chưa hiểu đạo lý, mặc dù có cái tâm thiện, làm việc thiện, nhưng cũng theo những người khác, làm hình thức, như phóng sinh, công đức, để cho mọi người thấy, hay công đức lấy phiếu công đức v.v… đều chưa phải chân thiện. Thiện có thiện báo, chưa phải chân thiện thì ắt là chưa thể có thiện báo được, đó là tại sao có người rất chăm làm việc thiện mà không có thiện báo, không có phúc báo.
Kẻ làm ác cũng vậy. Những kẻ giết người cướp của là tội ác lớn, người người ghê tởm, nhưng những kẻ giết người dấu tay, thuê giết người, làm việc ác nhưng che dấu, sợ mọi người biết, thì đó mới thực sự là kẻ đại ác. Vì khi ma quỷ khoác cái áo giả nhân giả nghĩa, nó khiến mọi người không nhận ra, theo nó, để rồi người người bị hại chết mà không biết, nên cái ác cứ tồn tại mãi, tội ác chất chồng, mới là đại ác vậy.
Nam Phương