Hàng loạt doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng đang lâm vào cảnh điêu đứng khi tiền thuê đất tăng cao chóng mặt, thậm chí tăng 3,6 – 9,4 lần. Nhiều doanh nghiệp cho biết phải chạy vạy khắp nơi vay tiền để nộp tiền thuê đất, nếu không muốn bị cưỡng chế, dừng hoạt động, Tuổi Trẻ đưa tin.
Ba năm chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, nhiều khu du lịch lớn ven biển Đà Nẵng đã mở cửa trở lại. Dù vậy, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, lượng khách du lịch trong nước không nhiều và khách quốc tế cũng chưa quay trở lại như mong đợi, ngành du lịch chưa hồi phục hoàn toàn, nhiều khu du lịch hoạt động cầm chừng. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp cho biết đã bị bồi thêm gánh nặng bởi tiền thuê đất tăng nhiều lần, khó khăn chồng thêm khó khăn.
Ông Nguyễn Mạnh Trung – tổng giám đốc Công ty TNHH Sao Việt Non Nước, chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng Meliá Đà Nẵng – cho hay đã bị sốc khi nhận thông báo tiền thuê đất tăng dựng đứng. Theo đó, kể từ kỳ thuê đất 2022 – 2026, dự án này phải nộp gần 26,5 tỉ đồng/năm. Trong khi đó, tiền thuê đất kỳ liền trước (2017 – 2021) 7,3 tỉ đồng/năm, tăng hơn 360%. Nếu so với kỳ thuê 2012 – 2016 là 2 tỉ đồng, tiền thuê đất tại dự án này tăng hơn 1.300%!
Để không bị cưỡng chế thuế, phong tỏa tài khoản, doanh nghiệp phải vay ngân hàng đóng tiền thuê đất. Ông Trung cho hay đây chỉ là giải pháp tình thế bởi nếu tiền thuê đất vẫn neo cao như hiện nay sẽ không có doanh nghiệp nào cầm cự nổi và dẫn tới nguy cơ phá sản hàng loạt. Chẳng hạn, trong năm 2022, tổng doanh thu khu nghỉ dưỡng Meliá 37 tỉ đồng nhưng riêng tiền thuê đất 26,5 tỉ đồng.
“Trừ chi phí vận hành, trả lương lao động, doanh nghiệp không cân đối được nguồn tiền đóng ngân sách. Đến nay, giữa mùa du lịch hè công suất buồng phòng mới đạt 50% bởi khách quốc tế chưa quay lại. Chúng tôi mong cơ quan chức năng nhìn thấy khó khăn của doanh nghiệp để có hướng hỗ trợ tháo gỡ, giúp tránh khỏi cảnh phá sản!” – ông Trung nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hàng chục dự án du lịch ven biển Đà Nẵng đang gặp khó vì tiền thuê đất. Chẳng hạn, trong kỳ thuê đất 2020 – 2024, tiền thuê đất của dự án khu du lịch thể thao biển quy mô 2ha (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), do Công ty CP San Hô đầu tư, mà doanh nghiệp phải nộp là 28,45 tỉ đồng/năm, tăng 948% so với kỳ thuê liền trước 2015 – 2019 (3 tỉ đồng/năm).
Tương tự, trong kỳ thuê 2021 – 2025, số tiền thuê đất của dự án khu vui chơi giải trí và thể thao biển Danabeach (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) của Công ty CP Quê Việt, với quy mô hơn 7.000m2, tăng hơn 766% so với kỳ thuê đất 2016 – 2020, khi doanh nghiệp chỉ phải nộp 900 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Anh Minh, chủ đầu tư, cho hay do kinh tế năm 2022 gặp khó khăn, không xoay kịp tiền để trả tiền thuê đất, doanh nghiệp bị phạt chậm nộp hơn 500 triệu đồng.
Ông Minh nói: “Khi đầu tư làm du lịch, doanh nghiệp bỏ tiền tỉ thu tiền lẻ, chưa kể tình hình kinh doanh đang rất khó khăn, doanh thu thấp hơn nhiều so với trước. Mỗi đêm lác đác vài chục khách đến khu du lịch, thu không đủ bù chi phí vận hành, trả lương nhân sự. Do đó, giai đoạn này doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ tháo gỡ từ cơ quan chức năng để sống sót thay vì phải chạy đôn chạy đáo xoay tiền để nộp tiền thuê đất nếu không muốn bị phạt”.