Chiều tối 3/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng cuối năm 2023 do Bộ Ngoại giao tổ chức.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối điểm cầu trụ sở Bộ Ngoại giao với 94 điểm cầu cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; đại diện các bộ, ngành Trung ương; các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện và Tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài; đại diện các hiệp hội doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, Bộ Ngoại giao đã báo cáo các kết quả nổi bật về ngoại giao kinh tế trong 6 tháng đầu năm, đánh giá các hạn chế, tồn tại và xác định các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong các tháng cuối năm, góp phần thiết thực vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Lãnh đạo các bộ, ngành, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp để triển khai hiệu quả, thực chất công tác ngoại giao kinh tế trong 6 tháng cuối năm.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn của lãnh đạo các bộ, ngành, Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện tại nước ngoài và đại diện cộng đồng doanh nghiệp; biểu dương các bộ, ngành, cơ quan, nhất là cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các Hiệp hội, doanh nghiệp đã triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ. Nhờ đó công tác ngoại giao kinh tế được triển khai ngày càng đồng bộ, toàn diện; nội dung hợp tác kinh tế được thúc đẩy mạnh mẽ.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tranh thủ, phát huy cao nhất thế và lực của đất nước; chủ động, tích cực kiến tạo cục diện có lợi cho môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của đất nước; tranh thủ hiệu quả các cơ hội hợp tác nhưng đồng thời phải bảo đảm củng cố thế cân bằng chiến lược, phát triển hài hòa quan hệ với các đối tác lớn, các đối tác quan trọng trên tinh thần chân thành, tin cậy, chia sẻ, trách nhiệm, lắng nghe và thấu hiểu.
“Chúng ta phải lấy lợi ích quốc gia – dân tộc, hiệu quả thực chất làm tiêu chí hàng đầu; đề cao đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương; người dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm, là động lực”, Thủ tướng nhắc nhở.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu, thúc đẩy hình thành các khuôn khổ, cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam có lợi ích chiến lược trong giai đoạn hiện nay như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược; chất bán dẫn, hydrogen, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, nông nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao; hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu…
Cùng với đó, thúc đẩy các chương trình ODA thế hệ mới; kết nối chiến lược về phát triển và cơ sở hạ tầng với các nước; khai thác các FTA đã ký kết và chuẩn bị ký FTA với các nước; thúc đẩy du lịch, xuất khẩu lao động…