Mới đây, tác giả gốc Hoa, Phổ Lâm Ni (普林尼) có bài viết nhận định về các cuộc tấn công ‘ăn miếng trả miếng’ giữa Iran và Israel. Liệu xung đột có leo thang thành một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba?

Cách đây không lâu, Không quân Israel đã thực hiện một “chiến dịch phủ đầu”: đánh sập đại sứ quán Iran ở Syria và sát hại một số quan chức của quân đoàn Cách mạng Hồi giáo Iran. 

Sau đó, Iran đã có những lời lẽ gay gắt và lên kế hoạch tiến hành một loạt hành động trả đũa. Hàng trăm máy bay không người lái và hỏa tiễn của Tehran đã tấn công Israel. Có thông tin nói rằng chúng đã bắn trúng mục tiêu, nhưng xét về tổn thất thì không có gì đáng nói.

Iran đã thực hiện hành động trả đũa ầm ĩ và rõ ràng. Liệu có thực sự đáng suy nghĩ về một Thế chiến thứ 3, khi căng thẳng khu vực đã leo thang đến mức rất cao? Tác giả Phổ Lâm Ni nói, không nhất thiết phải lo lắng về điều đó. 

Tác giả chỉ ra rằng, hãy xem xét một tin tức hấp dẫn tiếp theo: Jordan, quốc gia cũng theo đạo Hồi, đã chứng kiến ​​hệ thống phòng không của mình bắn hạ một số máy bay không người lái của Iran trong cuộc phản công của Iran, và Iran đe dọa trả đũa.

Động cơ của Jordan để làm điều này là gì? Xét về vị trí địa lý thì Iran và Israel không giáp nhau. Nếu chiến tranh xảy ra, thì dù là bằng máy bay không người lái hay hỏa tiễn, các loại vũ khí bắn từ hai phía sẽ phải bay qua bầu trời của một số nước láng giềng như Iraq, Syria và Jordan.

Jordan ngày nay không đồng ý với cách tiếp cận của Iran với tư cách là nhà lãnh đạo Trung Đông. Jordan sẽ không cho phép máy bay không người lái của các bên bay qua bầu trời của mình. Một khi có sai sót kỹ thuật và vài quả hoả tiễn rơi xuống thì sẽ gây ra hậu quả như thế nào? 

Một điều nữa là, với công nghệ hỏa tiễn và máy bay không người lái của Iran, việc chặn các cuộc tấn công tầm xa như vậy là điều bình thường.

Theo tác giả Phổ Lâm Ni, việc Israel đánh phủ đầu Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran là một chiến lược phổ biến được sử dụng để đối phó với các quốc gia thù địch láng giềng kể từ Chiến tranh Trung Đông lần thứ năm. Trước khi Hamas tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào Israel năm ngoái, một giáo sư người Israel đã nói với tác giả rằng, kẻ thù mạnh nhất của Israel là 3 chế độ: Iran, chế độ Assad ở Syria và Hezbollah ở Li-băng.

Cách mà ba kẻ thù hùng mạnh này đối phó với Israel là đào tạo nhân lực có vũ trang, cung cấp vũ khí và viện trợ tài chính để nuôi dưỡng các lực lượng dân tộc cực đoan ở Palestine, đồng thời tiến hành các cuộc tấn công chống lại Israel. Nói cách khác, ba kẻ thù mạnh mẽ này rất hiếm khi đích thân ra tay, họ núp sau hậu trường và dùng gián điệp là một phương pháp phổ biến.

Theo tác giả, người Israel đã dần quen thuộc với những đối thủ này. Việc hôm nay cho nổ tung một kho vũ khí hạt nhân ở Syria, và ngày mai lại cho nổ tung một doanh trại quân sự ở Syria là những chuyện thường xuyên xảy ra trong thế kỷ 21. 

Dù sao, Syria ở rất gần, và việc không quân của họ thỉnh thoảng được điều động để tiến hành các cuộc không kích vào một số địa điểm chiến lược nhằm ‘rung cây dọa khỉ’, đồng thời họ cũng thường ngăn cản các lực lượng Palestine có được vũ khí tiềm năng mới.

Lần này, các quan chức của một kẻ thù mạnh khác là Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo tình cờ có mặt ở đó. Theo tác giả Phổ Lâm Ni, phía Israel cho rằng Iran cũng là bên thao túng đằng sau hậu trường nên đã lợi dụng họ và làm nổ tung tòa nhà đại sứ quán Iran tại Syria. Họ phớt lờ mọi nguyên tắc miễn trừ ngoại giao và những thứ tương tự.

Hiện tại, Israel đang sử dụng lực lượng mặt đất để tiến hành các cuộc tấn công vũ trang hạng nặng vào Palestine, trong khi các lực lượng ủy nhiệm của họ đang hoạt động dưới hình thức là các cuộc tấn công răn đe và tầm xa.

Tuy nhiên, theo tác giả, về cái gọi là chiến tranh trên bộ hay thậm chí là chiến tranh toàn diện với Iran của Israel, thì là chuyện hoàn toàn viển vông. Lý do một phần là vì vấn đề khoảng cách xa mà tác giả đã đề cập phía trên. Nếu Israel và Iran thực sự muốn tổ chức chiến tranh bộ binh thì làm sao để có thể hợp pháp đi qua nhiều nước láng giềng, và việc đến gần biên giới của nhau là một vấn đề gần như không thể giải quyết được.

Tác giả cũng nhận định, người Israel đủ khôn ngoan và không liều lĩnh đích thân ra trận, bất chấp tính mạng của quân nhân để tiến hành chiến tranh, cái được chẳng bõ cho cái mất.

Lập trường của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về vụ xung đột qua lại gần đây giữa Iran và Israel là kêu gọi hòa bình và sự điềm tĩnh. Đầu tiên, họ đưa ra tuyên bố: Họ giúp Israel thực hiện việc đánh chặn và phòng thủ phù hợp, nhưng họ không muốn Israel làm tình hình trở nên trầm trọng hơn và chấm dứt việc phản công. Sau khi ông Biden kết thúc cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel, Netanyahu, Israel tạm thời từ bỏ ý định trả đũa thêm.

Như tác giả đã nhận định trước đó, xét đến cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần và vụ việc của Aaron Bushnell, chính quyền ông Biden sẽ cực kỳ lo ngại về thiện cảm của cử tri đối với Palestine và sẽ ngày càng ít ủng hộ mạnh mẽ cho lập trường của Israel. Thông tin thêm, vào ngày 25 tháng 2 năm 2024, Aaron Bushnell, một quân nhân 25 tuổi thuộc Lực lượng Không quân Hoa Kỳ, đã tử vong sau khi tự thiêu bên ngoài cổng của Đại sứ quán Israel tại Washington, D.C.

Cuộc chiến ở khu vực Palestine đang ngày càng trở thành một cuộc chiến do cá nhân ông Netanyahu quyết định và lãnh đạo. Sau nhiều lệnh ngừng bắn ngắn hạn, quân đội Israel tiếp tục tiến vào trung tâm Gaza trên quy mô lớn, liên tiếp tấn công các tình nguyện viên và gây ra một tỷ lệ thương vong dân sự nhất định. 

Theo tác giả, có thể nói, thủ tướng Israel, Netanyahu, đang tiến hành một cuộc chiến tuyệt vọng ở Gaza, và sự lên án đạo đức từ các đồng minh phương Tây cũng như tình trạng bi thảm của dân thường mà thế giới nhìn thấy đều không thể ngăn cản ông ban hành thêm mệnh lệnh. 

Ông dường như hiểu rằng chỉ bằng cách thực hiện một cuộc thanh lọc kinh hoàng ở Gaza, những kẻ thù hùng mạnh của ông mới không thể tuyển mộ các chiến binh mới ở khu vực này. Đây là tham vọng và hy vọng một lần và mãi mãi của ông Netanyahu.

Bất kể Israel có xung đột với quốc gia láng giềng nào trong tương lai, chiến trường chính của Israel vẫn sẽ là ở Dải Gaza. Trong giai đoạn này, bất kỳ cuộc xung đột nào bên ngoài Gaza, bao gồm cả với Iran, sẽ chỉ khiến chính quyền Israel tăng cường hơn nữa các hoạt động quân sự ở Gaza.

Theo tác giả, chỉ cần lực lượng không quân Israel được các nước láng giềng cho phép bay qua không phận, họ có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào Iran. Nếu Iran muốn đưa ra phản ứng tương tự, sợ rằng Tehran sẽ bị tiêu diệt. Bởi vì có sự khác biệt trong thế hệ công nghệ của Israel và Iran. Nhìn thoáng qua có thể thấy rõ lực lượng nào mạnh hơn.

Vì vậy, vòng xung đột giữa Iran và Israel này cũng chỉ giống như màn bắn pháo hoa, nó sẽ không trở thành đòn bẩy thúc đẩy tình hình thế giới chứ chưa nói đến việc trở thành ngòi nổ cho một cuộc chiến. Chỉ có Gaza sẽ trở thành một địa ngục bi thảm hơn trên trái đất. Cuối cùng, dân thường vẫn là những người khổ nhất.