Vào thời điểm cuộc chiến giữa Nga và Ukraina đang bế tắc và Trung Đông lo ngại chiến tranh tái diễn, Tổng thống Nga Putin đã gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình Tại Diễn đàn cấp cao “Vành đai và Con đường ” ở Bắc Kinh vào ngày 18/10. Quan hệ Trung-Nga có dấu hiệu ấm lên hơn nữa. Đồng thời, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới thăm Israel để bày tỏ sự ủng hộ. 

Tờ New York Times đã phân tích xoay quanh những sự kiện này và chỉ ra rằng, những điều này nêu bật những thay đổi trong tình hình chính trị quốc tế do chiến tranh Nga-Ukraina gây ra, và sự đối đầu giữa các phe ngày càng trở nên rõ ràng.

Bài báo phân tích rằng, kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraina vào năm 2022, Nga, Trung Quốc và Iran đã hình thành một “trục mới” về ngoại giao, kinh tế, chiến lược và thậm chí cả hệ tư tưởng. Nga cần vũ khí của Iran và sự hỗ trợ ngoại giao từ ĐCSTQ; Iran cần Trung Quốc và Nga để giảm bớt sự cô lập; Trung Quốc nhập khẩu một lượng lớn dầu từ Nga, Iran và các nước khác bị phương Tây trừng phạt.

Nga, Trung Quốc và Iran có chung mục tiêu chính trị là đối đầu với trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo. Với sự bùng nổ xung đột ở Trung Đông, sự khác biệt giữa các nước phương Tây với Nga và Trung Quốc tiếp tục ngày càng sâu sắc.

Nhà phân tích người Đức, Ulrich Speck cho rằng, cũng giống như cuộc chiến Nga-Ukraina, cuộc chiến giữa Israel và Hamas là một cuộc xung đột khác kích thích sự đối đầu giữa nền dân chủ phương Tây và phe độc ​​tài Nga, ĐCSTQ và Iran, đồng thời đó cũng là thời điểm mà tất cả các nước phải nêu rõ quan điểm của mình.

Cho đến này, Matxcova và Bắc Kinh vẫn từ chối lên án Hamas, thay vào đó họ chỉ trích cách đối xử của Israel với người Palestine. Bài báo viết rằng, từ góc độ của Mỹ, chính phủ Trung Quốc và Nga đứng về phía người Palestine đang đấu tranh giải phóng và tự quyết nhưng không cho phép người Ukraina, người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ và thậm chí cả người Đài Loan có cơ hội như nhau.

Vào ngày ông Putin gặp ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 18/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới Israel để bày tỏ sự ủng hộ của Mỹ đối với cuộc chiến chống khủng bố. Mỹ và các đồng minh phương Tây cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraina trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Nga, và đã công bố một đợt viện trợ mới cho Ukraina trong những ngày gần đây.

Truyền thông Pháp, Đức: Trung Quốc, Nga thể hiện “sự đoàn kết” chống phương Tây

Khi ông Tập Cận Bình gặp ông Putin ở Bắc Kinh vào ngày 18/10, ông Tập đã ca ngợi sự tin tưởng “ngày càng tăng” giữa hai nước; Ông Putin tuyên bố ở Bắc Kinh rằng, các mối đe dọa toàn cầu đã “củng cố” mối quan hệ giữa Matxcova và Bắc Kinh. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của ông Putin tới một nước lớn kể từ khi Nga bị quốc tế cô lập do xâm lược Ukraina vào năm 2022, và ông Putin bị Tòa án Hình sự Quốc tế ra lệnh bắt giữ vào tháng 3 năm nay.

Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Carnegie Russia-Eurasia ở Berlin tuyên bố rằng: “Ông Putin giờ đây sẽ chỉ đến những nơi mà ông ta cảm thấy tuyệt đối an toàn”. Việc xuất hiện tại một diễn đàn quốc tế lớn như vậy cho thấy ông Putin không hoàn toàn bị cô lập”. Tờ New York Times nhận xét chuyến thăm của ông Putin cho thấy sự phụ thuộc của Matxcova vào sự hỗ trợ của Bắc Kinh khi cuộc chiến Nga-Ukraina đang bế tắc.

Đối với ông Tập Cận Bình, việc ông Putin tham dự lễ kỷ niệm 10 năm Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường cũng rất quan trọng. Chuyên gia Gabuev phân tích rằng: “Rõ ràng không có nhà lãnh đạo chính trị lớn nào của phương Tây tham dự. Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không coi trọng việc này. Bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, ông Putin vẫn là người đứng đầu một cường quốc hạt nhân, còn Nga vẫn là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, vì cả Trung Quốc và Nga đều đang phải đối mặt với áp lực từ phương Tây, liên minh giữa ông Tập và Putin là một biện pháp hữu ích hơn là quan hệ đối tác dựa trên sự gần gũi và tin cậy lẫn nhau thực sự.

Học giả Trung Quốc: Bắc Kinh cảnh giác với Nga

Về sự phát triển của quan hệ Trung-Nga, giáo sư quan hệ quốc tế Thời Ân Hoằng (Shi Yinhong) tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói rằng, quan hệ Trung-Nga đã trở nên gần gũi hơn về mặt chiến lược so với một liên minh quân sự, nhưng vẫn còn một khoảng cách mang tính quyết định và quan trọng.

Ngoài ra, đối với ĐCSTQ, để đối phó với cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung, thì cần có mối quan hệ đối tác anh em với Nga và Triều Tiên, nhưng hiện tại, trong hai người anh em này, một người thì đang mắc kẹt trong vũng lầy của cuộc xâm lược Ukraina, và bị rơi nằm dưới các lệnh trừng phạt quốc tế, trong khi người kia vẫn đang phát triển tên lửa hạt nhân chiến lược, gây ra sự đối đầu và cân bằng quân sự giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Một học giả Bắc Kinh yêu cầu giấu tên chỉ ra rằng: “ĐCSTQ vẫn rất thận trọng”. Quan hệ đối tác chiến lược giữa Bắc Kinh và Matxcova quan trọng hơn bao giờ hết, nhưng các đối tác của Bắc Kinh ngày càng yếu đi, và những mối nguy hiểm ngày càng lớn hơn.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, sự ủng hộ của chính quyền Bắc Kinh đối với Nga đã khiến châu Âu và Mỹ nhận thức rõ hơn về bản chất của ĐCSTQ, cũng như những rủi ro mà họ gặp phải khi giao dịch với chế độ này, và họ đã thực hiện các biện pháp để đối phó. Khi chiến tranh Nga-Ukraina và xung đột Israel-Palestine tiếp diễn, phương Tây ngày càng lo lắng hơn về nỗ lực thống nhất Đài Loan bằng vũ lực của ĐCSTQ.