Hôm 30/5, Diễn đàn Trung Quốc – Ả Rập đã được tổ chức tại Bắc Kinh và một số nhà lãnh đạo Trung Đông đã đến thăm Trung Quốc. Nhà bình luận gốc Hoa, Dương Uy (杨威) nhìn nhận rằng, chính quyền Trung Quốc đã phải cố gắng chứng minh rằng, họ đã đạt được tiến bộ trong ngoại giao với các nước Ả Rập nhằm che đậy tình thế tiến thoái lưỡng nan về sự cô lập quốc tế, và không muốn chọc giận Iran một lần nữa. 

Bên cạnh đó, các chủ đề như Eo biển Đài Loan, Biển Đông, chiến tranh Nga-Ukraina, Hồng Kông, các vụ gián điệp của ĐCSTQ cũng bất ngờ lần lượt nổi lên. Trung Nam Hải một lần nữa rơi vào nhiều vòng xoáy ngoại giao, và màn trình diễn đối ngoại trước Hội nghị toàn thể lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ ngay lập tức bị hủy hoại.

Trung Quốc cố tình xóa tuyên bố chung với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)?

Ngày 30/5, ông Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mohammed bin Zayed Al Nahyan của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đang đến thăm; ngày 31/5, ông gặp Quốc vương Hamad bin Isa bin Salman Al Khalifa của Bahrain và Tổng thống Tunisia, Kais Saied, đang đến thăm. 

Đã có tuyên bố chung sau ba cuộc họp, nhưng Bắc Kinh đã không kịp thời đưa ra tuyên bố chung với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và mãi đến ngày 2/6 mới công bố bản tiếng Trung. Sự kỳ lạ nhanh chóng được phơi bày.

Tại cuộc họp báo Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/6, phóng viên đặt câu hỏi: Theo truyền thông Iran đưa tin, Bộ Ngoại giao Iran đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Iran để phản đối tuyên bố của Bắc Kinh và UAE về quần đảo tranh chấp giữa UAE và Iran. Bộ Ngoại giao bình luận thế nào về việc này?

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết “lập trường nhất quán” của Trung Quốc về vấn đề “ba hòn đảo” và “kêu gọi các bên liên quan tham gia đối thoại và tham vấn”, đồng thời nói rằng “các nội dung liên quan của tuyên bố chung” là “phù hợp với quan điểm của Trung Quốc”.

Trong tuyên bố chung do Bắc Kinh đưa ra ngày 2/6 không có nội dung liên quan đến “ba hòn đảo”, nhưng câu trả lời của bà Mao Ninh lại khẳng định tuyên bố chung có nội dung liên quan, và ĐCSTQ không đứng về phía Iran. Theo nhà bình luận Dương Uy, bản tiếng Trung do Bắc Kinh phát hành có lẽ đã bí mật xóa nội dung về “ba hòn đảo” đang tranh chấp giữa Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Bằng cách này, ĐCSTQ không thể che giấu sự phản đối của Iran, mà giống như là để che giấu các quan chức trong đảng và người dân Trung Quốc hơn. Nhà bình luận Dương Uy đánh giá rằng, cách tiếp cận của Bắc Kinh thật trẻ con, một lần nữa vừa khiến Iran tức giận, vừa thiếu tôn trọng UAE.

Khi ông Tập Cận Bình đến thăm Trung Đông vào tháng 12/2022, ông Tập đã vướng vào rắc rối do tranh chấp “ba hòn đảo”. Truyền thông Iran ngay lập tức lợi dụng vấn đề Đài Loan để chống lại ĐCSTQ. Sau đó, Hồ Xuân Hoa (胡春华), người bị cách chức khỏi Bộ Chính trị và vẫn giữ chức Phó Thủ tướng Trung Quốc, được cử sang Iran để dập lửa.

Lần này ĐCSTQ tổ chức Diễn đàn Trung Quốc – Ả Rập tại Bắc Kinh và bố trí nguyên thủ các nước Trung Đông thăm Trung Quốc để tạo đà, họ phải tiếp tục giữ vững lập trường về vấn đề “Ba hòn đảo”, dẫn đến sự cố ngoại giao lần thứ hai.

Nhà bình luận Dương Uy nhận xét rằng, việc Bắc Kinh xóa và sửa đổi tuyên bố chung là hoàn toàn coi thường các quy tắc ngoại giao cơ bản. Có lẽ chủ yếu là do họ lo lắng về việc tự lừa mình dối người trong nội bộ.

Trước Phiên họp toàn thể ngày 3 tháng 7 của Ban Chấp hành Trung ương Trung Quốc, trước sự ngăn chặn ngày càng tăng của Hoa Kỳ và các đồng minh, lãnh đạo ĐCSTQ có lẽ đã hy vọng sử dụng hoạt động ngoại giao ở Trung Đông để khoe khoang nhưng không ngờ lại phản tác dụng. Thông qua sự việc này, các quốc gia ở Trung Đông có thể thấy rằng ĐCSTQ hoàn toàn không thể tin cậy được.

Phương tiện truyền thông của Bắc Kinh khiêm tốn công bố Diễn đàn Trung Quốc – Ả Rập

Vào ngày 30/5, Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn Trung Quốc – Ả Rập đã được tổ chức tại Bắc Kinh và ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu. Theo nhà bình luận Dương Uy, Bắc Kinh đang cố gắng chứng minh rằng họ có mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước Ả Rập hoặc có tiếng nói lớn hơn ở Trung Đông. Tuy nhiên, tuyên truyền của các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ tương đối khiêm tốn.

Bắc Kinh tuyên bố rằng diễn đàn đã đưa ra ba văn kiện kết luận: Tuyên bố Bắc Kinh; Kế hoạch thực hiện hành động của Diễn đàn hợp tác Trung Quốc – các nước Ả Rập từ năm 2024 đến năm 2026; và Tuyên bố chung của Trung Quốc và các nước Ả Rập về vấn đề Palestine. Tài liệu thứ ba đã được công bố nhưng toàn văn của hai tài liệu nêu trước chưa được công bố.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc giới thiệu ngắn gọn một phần Tuyên bố Bắc Kinh và đề cập rằng Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 11 của Diễn đàn sẽ được tổ chức tại Tunisia vào năm 2025. Tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Ả Rập lần thứ hai đã được lên kế hoạch vào năm 2026. Nhà bình luận Dương Uy chỉ ra rằng, điều này cho thấy thiện chí trong các cuộc gặp cấp cao giữa hai bên không mạnh mẽ.

Tuyên bố cũng đề cập rằng, Bắc Kinh “hỗ trợ các nước Ả Rập trong việc bảo vệ an ninh và ổn định ở Trung Đông”. Ông Dương cũng nhận định, điều này hoàn toàn trái ngược với những gì chính quyền Trung Quốc thực sự làm. Bắc Kinh đã và đang làm mọi cách có thể để tạo ra sự hỗn loạn ở Trung Đông nhằm kiềm chế Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này. 

Sau khi Israel và Iran tiến hành các cuộc không kích hạn chế nhằm vào nhau, Bắc Kinh đã nhanh chóng dừng hành động của mình. Các phương tiện truyền thông của Bắc Kinh đưa tin rất miễn cưỡng.

Tuyên bố cũng đề cập rằng, “cả hai bên đều nhấn mạnh việc lên án và chống lại mọi hình thức khủng bố cũng như xóa bỏ tận gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố”.

Nhà bình luận Dương Uy lại chỉ ra rằng, đây là một lời cam kết sai lầm khác của chính quyền Trung Quốc. Kể từ khi Hamas tấn công Israel vào tháng 7 năm 2023, hầu hết các con tin vẫn chưa được thả. ĐCSTQ chưa bao giờ lên án Hamas nhưng liên tục cáo buộc Israel. 

Kẻ thúc đẩy bên ngoài lãnh thổ lớn nhất của các tổ chức khủng bố ở Trung Đông là ĐCSTQ. Tuy nhiên, các nước Trung Đông không thể ngăn chặn và chỉ có thể yêu cầu Bắc Kinh đưa ra các cam kết trên bề mặt, điều này tốt hơn với việc Bắc Kinh công khai ủng hộ các tổ chức khủng bố.

ĐCSTQ và Iran lợi dụng lẫn nhau, các nước ở Trung Đông cũng nhận thức được điều này. Vào tháng 4, Iran đã tiến hành một cuộc không kích quy mô lớn nhằm vào Israel. Israel có khả năng phòng không mạnh mẽ, trong khi các quốc gia khác có thể phải dựa nhiều hơn vào sự viện trợ của Hoa Kỳ và các đồng minh, nếu không sẽ khó chống lại Iran. 

Lực lượng Houthi ở Yemen đang tàn phá Biển Đỏ, nơi có tác động lớn nhất đến các nước Trung Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh không tham gia vào các hoạt động hộ tống của Hoa Kỳ, và các lực lượng liên minh của Bắc Kinh ở Trung Đông thậm chí không thể bảo vệ được tàu buôn Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tóm tắt Kế hoạch thực hiện hành động Trung Quốc – Ả Rập trong một câu, chỉ đề cập ngắn gọn về các cơ chế đối thoại, hợp tác kinh tế, giao lưu nhân dân và giao lưu văn hóa, v.v. mà không có nội dung chi tiết.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, đã có bài phát biểu tại diễn đàn với tiêu đề “Hãy là một nhà hoạt động có định hướng trong việc xây dựng một cộng đồng Trung Quốc – Ả rập chia sẻ tương lai chung”. 

Theo nhà bình luận Dương Uy, tiêu đề này tiết lộ hiện trạng hợp tác Trung Quốc – Ả Rập. Các cuộc họp cấp bộ trưởng của diễn đàn đã được tổ chức 10 lần và sự hợp tác thực chất rất hạn chế, do đó ông Vương Nghị phải kêu gọi “hành động”.

Xét cho cùng, ĐCSTQ vẫn là khách hàng dầu mỏ lớn của Trung Đông, nhưng các nước có lẽ không tin tưởng Bắc Kinh. Một số nước có thể phải nhượng bộ với ĐCSTQ. Ngoại trưởng của một số nước đã không đến dự hội nghị và chỉ cử đại diện.

Ông Vương Nghị chỉ có thể tiếp tục ca ngợi ông Tập Cận Bình vì đã “chỉ đường” cho sự phát triển quan hệ Trung Quốc – UAE. Tuy nhiên, Bắc Kinh không có ý định hoặc khả năng giải quyết các vấn đề thực chất ở Trung Đông, trái lại, họ đang cố gắng phá rối tình hình và kích động xung đột.

Diễn đàn Trung Quốc – Ả Rập được ĐCSTQ chỉ đạo cẩn thận nhưng nhà bình luận Dương Uy nhận thấy nó không có gì để quảng bá và một lần nữa gây rắc rối với Iran. Đồng thời, nhiều sự cố đã xảy ra sau đó.

Eo biển Đài Loan và Biển Đông lại trở thành tâm điểm

Vào ngày 23/5, Bắc Kinh công bố một cuộc tập trận quân sự quanh Đài Loan và nhanh chóng kết thúc vào ngày hôm sau. Đổng Quân (董军), tân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đã cố gắng duy trì lập trường cứng rắn tại “Đối thoại Shangri-La”, nhưng điều này sớm gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngày 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nhật và Hàn đã tổ chức cuộc gặp ba bên tại Singapore và đưa ra tuyên bố chung “phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng của vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”; cuộc gặp cũng xem xét quan điểm tương ứng của 3 nước về “hành vi nguy hiểm và hung hãn” gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông; yêu cầu “tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế, bao gồm tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không”; nhấn mạnh “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan”. Ba bên quyết định tiến hành cuộc tập trận ba bên đa miền vào mùa hè này.

Nhà bình luận Dương Uy đánh giá, Hội nghị thượng đỉnh Trung – Nhật – Hàn tổ chức ngày 27/5 rõ ràng không hiệu quả bằng cuộc gặp bộ trưởng quốc phòng Mỹ-Nhật-Hàn vài ngày sau đó. Lãnh đạo ĐCSTQ đã từ chối tham gia hội nghị thượng đỉnh Trung – Nhật – Hàn, đẩy Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần hơn về phía Mỹ.

Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/6, một phóng viên đặt câu hỏi: Tuần trước, một tàu hải quân Hà Lan đã đi qua Biển Đông rồi đi qua eo biển Đài Loan như một phần của cuộc tập trận tự do hàng hải lớn hơn trong khu vực. Liệu Trung Quốc có hiểu được tình hình liên quan không? Tàu hải quân Trung Quốc có đuổi theo tàu không? Bắc Kinh nhìn nhận các hoạt động quá cảnh nêu trên như thế nào?

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh không đề cập trực tiếp đến Hà Lan và chỉ trả lời một cách chung chung. Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã công bố rộng rãi các cuộc tập trận quân sự quanh Đài Loan nhưng giữ im lặng về điều này, và bí mật của họ đột nhiên bị tiết lộ.

Vào ngày 31/5, Tổng thống Philippines Marcos đã kêu gọi “Đối thoại Shangri-La” ở Singapore “thực hiện hành động quyết đoán để ngăn chặn vũ lực từ ĐCSTQ, sự đe dọa và tuyên truyền lừa dối quá mức của chế độ này cũng như các yêu sách lãnh thổ vô căn cứ của họ.

Ông nói: “Những đường ranh giới chúng tôi được vẽ ra trong vùng biển của mình không phải do trí tưởng tượng vẽ ra mà là do luật pháp quốc tế vẽ ra. Người dân Philippines sẽ không nhượng bộ”.

Ngày 3/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố “kiên quyết phản đối”; đồng thời cho rằng “trách nhiệm về sự leo thang gần đây của vấn đề Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines nằm hoàn toàn ở phía Philippines” và  còn có sự tham gia của Hoa Kỳ.

Theo nhà bình luận Dương Uy, sự tức giận của ĐCSTQ đối với Philippines ở Biển Đông có lẽ chủ yếu là do quân đội Hoa Kỳ hoạt động trở lại và việc Washington bổ sung các căn cứ mới ở Philippines, điều này đã làm tăng thêm khó khăn cho ĐCSTQ trong âm mưu xâm lược Đài Loan. 

Tuy nhiên, những hành động khiêu khích của Bắc Kinh đã gây ra phản ứng dữ dội từ Philippines và cũng làm dấy lên mối lo ngại trong các nước ASEAN. Bắc Kinh cũng đang đẩy các nước về phía Hoa Kỳ và các đồng minh.

Tổng thống Ukraina bất ngờ chỉ trích mạnh mẽ ĐCSTQ

Tổng thống Ukraina Zelensky tham gia “Đối thoại Shangri-La” tại Singapore để nhận được sự ủng hộ từ ASEAN.

Vào ngày 15/6, Thụy Sĩ sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraina, nhưng Trung Quốc không sẵn lòng tham gia. Ông Zelensky nói với các phóng viên rằng: “Nga đang lợi dụng ảnh hưởng của ĐCSTQ trong khu vực và cũng lợi dụng các nhà ngoại giao Trung Quốc để làm mọi cách có thể nhằm phá hoại hội nghị thượng đỉnh hòa bình này”.

Ông cũng nói: “Chúng tôi đã nhiều lần muốn gặp các đại diện Trung Quốc, trong đó có ông Tập Cận Bình. Thật không may, Ukraina không có bất kỳ mối quan hệ chặt chẽ nào với ĐCSTQ vì họ không muốn điều này”.

Ông Zelensky cũng đề cập đến viện trợ quân sự của ĐCSTQ cho Nga. Ông nói: “Chúng tôi không mong đợi Bắc Kinh sẽ cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraina. Chúng tôi chưa bao giờ đưa ra yêu cầu với họ… nhưng chúng tôi cũng không mong đợi ĐCSTQ cung cấp vũ khí cho Nga. Đây là những gì chúng tôi đã thảo luận trong cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Bắc Kinh bảo đảm với tôi rằng họ sẽ đứng ngoài vấn đề này và sẽ không cung cấp vũ khí viện trợ cho Nga. Hiện có thông tin tình báo cho biết, bằng cách nào đó, có thứ gì đó đang ‘tuồn’ vào thị trường Nga từ Trung Quốc…Các bộ phận vũ khí và thiết bị của Nga đều đến từ Trung Quốc”.

Nhà bình luận Dương Uy đánh giá rằng, ông Zelensky đã có bài phát biểu hiếm hoi và vạch trần thói đạo đức giả của ĐCSTQ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Mao Ninh rõ ràng đã cứng họng trước những câu hỏi liên tục của các phóng viên.

Dự án đường ống khí đốt tự nhiên Trung Quốc – Nga không đạt được thỏa thuận

ĐCSTQ viện trợ Nga trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraina, nhưng hai bên lợi dụng lẫn nhau và cạnh tranh với nhau.

Tại cuộc họp báo Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/6, phóng viên đặt câu hỏi: Trung Quốc đưa ra những yêu cầu vô lý về giá cả và số lượng cung cấp dự án đường ống khí đốt tự nhiên “Sức mạnh Siberia 2” Trung – Nga. Tôi xin hỏi liệu quá trình đàm phán Trung – Nga về hiệp định này có gặp trở ngại như truyền thông đưa tin hay không?

Bà Mao Ninh chỉ trả lời một cách mơ hồ: “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Nga để thực hiện sự đồng thuận quan trọng mà hai nguyên thủ quốc gia đã đạt được, và tiếp tục tăng cường hợp tác toàn diện cùng có lợi giữa hai nước”.

Theo nhà bình luận Dương Uy, tuyên bố của bà Mao Ninh tương đương với việc xác nhận dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Trung – Nga đã bị phong tỏa. Bắc Kinh có thể muốn lợi dụng cuộc khủng hoảng của người dân và cố tình hạ giá, nhưng Nga sẽ không chấp nhận. Matxcova không sẵn sàng đầu hàng Bắc Kinh và không sẵn lòng trở thành em trai của ĐCSTQ.

Vụ án gián điệp của ĐCSTQ tiếp tục thu hút chú ý

Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/6, một phóng viên đặt câu hỏi: Trung Quốc công khai tuyên bố đã giải quyết xong vụ gián điệp của Cơ quan Tình báo Bí mật Anh (MI6), người phát ngôn có thể cung cấp thêm thông tin về vụ việc hay không? và liệu các biện pháp đối phó có liên quan sẽ được thực hiện?

Bà Mao Ninh chỉ nói: “Thông tin đã được công bố chi tiết, tôi không có thêm thông tin nào để bổ sung”.

Một phóng viên khác hỏi: Có phải quan điểm của Bắc Kinh là Trung Quốc chưa bao giờ thực hiện các hoạt động gián điệp chống lại Anh, nhưng bây giờ Bắc Kinh lại cáo buộc London thực hiện các hoạt động gián điệp chống lại Trung Quốc?. Bà Mao chỉ có thể đáp lại bằng việc phản đối một cách cường điệu.

Một số phóng viên hỏi: Ý của bà là “vụ gián điệp Trung Quốc” do Anh công bố hồi tháng 5 là không có căn cứ, nhưng những vụ việc liên quan do Trung Quốc công bố đều có cơ sở? Bà đã xác nhận rằng Bắc Kinh chưa bao giờ thực hiện bất kỳ hoạt động gián điệp nào chống lại Vương quốc Anh chưa?.

Một lần nữa bà Mao Ninh lại phản đối gay gắt; sau đó nói rằng bà “không hiểu tình hình cụ thể”.

ĐCSTQ cố gắng trả đũa vương quốc Anh bằng cách tạo ra một “vụ gián điệp” của Anh nhắm vào mình. Không ngờ, chỉ sau vài câu hỏi, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã bị ‘hạ gục’.

Gần đây, Hồng Kông đã bắt giữ bừa bãi các nhà hoạt động dân chủ, và Hoa Kỳ đang chuẩn bị áp dụng các biện pháp trừng phạt thị thực đối với các quan chức Hồng Kông có liên quan mà bà Mao tuyên bố là đây “biện pháp đối phó”.

Theo nhà bình luận Dương Uy, ĐCSTQ đã cố gắng sử dụng Diễn đàn Trung Quốc – Ả Rập để phô diễn nhưng không thành công, và vô tình lại tự đẩy mình vướng vào loạt rắc rối với Iran, vấn đề Biển Đông, chiến tranh Nga-Ukraina, các vụ gián điệp, vấn đề Hồng Kông và các vấn đề khác.

Trong khoảng thời gian khắp nơi trên thế giới tưởng niệm sự kiện “ngày 4/6” hay còn gọi là Vụ thảm sát Thiên An Môn, Trung Nam Hải một lần nữa thu hút sự chú ý của quốc tế và rơi vào một vòng tiến thoái lưỡng nan mới.