Ngày 18 tháng 1 năm 2024, tại trụ sở ở Strasbourg, Pháp, các thành viên của Nghị viện Châu Âu (MEP) đã thông qua nghị quyết 2024/2504 (RSP) với đa số phiếu thuận. Nghị quyết được khởi xướng bởi các nghị viên từ các đảng và các quốc gia thành viên nhằm lên án cuộc bức hại đang diễn ra của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với Pháp Luân Công, đồng thời kêu gọi chấm dứt ngay lập tức cuộc đàn áp và trả tự do vô điều kiện cho ông Đinh Nguyên Đức (Ding Yuande), một học viên đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ và kết án ba năm tù vào tháng 12 năm 2023. Nội dung của nghị quyết sẽ được chuyển đến các tổ chức, chính phủ và nghị viện các nước thành viên EU và chính phủ Trung Quốc.
Nghị quyết kêu gọi EU và các quốc gia thành viên lập tức hành động để lên án hành vi lạm dụng cấy ghép nội tạng và nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống do chính nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn. Nghị quyết cũng yêu cầu “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Đinh Nguyên Đức và tất cả các học viên đã bị bắt cóc khác” và kêu gọi các biện pháp trừng phạt đối với tất cả thủ phạm cũng như tổ chức và cá nhân đã tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Một ngày trước cuộc bỏ phiếu, các thành viên của Nghị viện Châu Âu đã tổ chức một phiên tranh luận về nội dung bản dự thảo của nghị quyết tại Tòa nhà Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg. Nhiều nghị sỹ đã lên án việc ĐCSTQ phỉ báng các học viên Pháp Luân Công và sử dụng các cực hình để tra tấn họ. Các nghị sỹ kêu gọi EU đưa ra các biện pháp trừng phạt thích đáng đối với thủ phạm của những hành vi vi phạm nhân quyền này.
Nghị sỹ Đức: Tu luyện Pháp Luân Công không phải là mối đe dọa
Nghị sỹ Michael Gahler của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo Đức đã đề cập đến Pháp Luân Công trong bài phát biểu tranh luận của ông: “Đó là một môn tu luyện không gây hại cho bất cứ ai, cũng không gây ra mối đe dọa cho nhà nước, vậy mà từ năm 1999, ĐCSTQ đã coi pháp môn này là mối đe dọa cho hệ tư tưởng của họ và đã phát động cuộc bức hại. Vụ việc mà chúng tôi đang lưu ý đến là trường hợp ông Đinh Nguyên Đức đã bị bắt và bị kết án hơn ba năm tù vào tháng 12.” Ông cho hay các học viên “cần phải được trả tự do vô điều kiện và được phép thực hành tín ngưỡng hoặc văn hóa của họ, bởi điều đó cũng được quy định trong Hiến pháp Trung Quốc”.
Nghị sỹ Ý: Phải có chế tài nghiêm đối với hành vi buôn bán nội tạng
Nghị sĩ Ý Fabio Massimo Castaldo phát biểu: “Đã 25 năm kể từ khi Bắc Kinh tiến hành cuộc bức hại thực sự [tàn bạo] đối với những người theo Pháp Luân Công…”
“(Cuộc bức hại) thực sự là một cuộc đàn áp theo phong cách thời Trung cổ đối với các nhóm thiểu số và sắc tộc. Song, nó còn được thực hiện với sự trợ giúp của các công nghệ tương lai khiến sự áp bức ngày càng gia tăng, như thể được nêu trong tiểu thuyết nổi tiếng “1984” của George Orwell vậy.”
“(Cuộc bức hại là) một tội ác kinh hoàng khiến hàng chục nghìn người mất tích. Trước những tội ác này, chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc lên án một cách kiên quyết, rõ ràng và dứt khoát. Tất cả chúng ta cần yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế về tội buôn bán nội tạng và áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với các quan chức và cơ quan có thẩm quyền.”
Nghị sỹ Bồ Đào Nha: EU không thể trở thành đồng phạm
Trong phiên tranh luận, Nghị sỹ Isabel Santos của Đảng Dân chủ Xã hội Bồ Đào Nha cho biết: “Vụ việc của ông Đinh Nguyên Đức chỉ là một trong nhiều trường hợp học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc mà ĐCSTQ đã che đậy trong nhiều năm qua. Pháp Luân Công là một môn tu luyện hoàn toàn vô hại và không hề gây tổn hại đến lợi ích của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào. Trước loại trường hợp này, Liên minh Châu Âu không thể là đồng phạm khi cứ giữ thái độ khoan nhượng hoặc lặng im.”
“Do vậy, chúng tôi yêu cầu trả tự do vô điều kiện và ngay lập tức cho ông ấy (Đinh Nguyên Đức), cũng như tất cả các học viên Pháp Luân Công cùng các nạn nhân đang bị giam giữ tùy tiện khác, …chúng ta không thể dung thứ cho loại hành vi này.”
“Ngoài ra, Liên minh Châu Âu và các quốc gia thành viên cần phải hỗ trợ cho cuộc điều tra quốc tế về các trường hợp thu hoạch nội tạng cũng như các trường hợp bị tra tấn, xỉ nhục, và đối xử vô nhân đạo ở Trung Quốc.”
Nghị sỹ Séc: Đừng bán đứng giá trị của chúng ta
Nghị sỹ Markéta Gregorová thuộc Đảng Xanh của Séc phát biểu: “Mối quan hệ thương mại của chúng ta (giữa EU và Trung Quốc) không thể trở thành lý do để làm ngơ trước nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng, nạn triệt sản, và hàng loạt trại tập trung trong thế kỷ 21 này.”
“Trong nhiều thập kỷ qua, Liên minh Châu Âu đã không có động thái gì để ngăn chặn ĐCSTQ gây ra những tội ác này. Thay vào đó, chúng ta còn cử các phái đoàn doanh nghiệp lớn và các nguyên thủ quốc gia qua đó và chấp nhận mong muốn của Trung Quốc coi những tội ác này là vấn đề nội bộ, không đáng để can thiệp.”
Cuối cùng, bà nhấn mạnh: “Đừng tài trợ cho sự hủy diệt đối với chúng ta và đừng bán đứng những giá trị của chúng ta”.
Nghị sỹ Slovakia: Đã đến lúc áp dụng biện pháp có nguyên tắc đối với ĐCSTQ
Nhà lập pháp Slovakia Miriam Lexmann cho hay bà đã biết rõ các học viên bị tra tấn như thế nào trong các nhà tù ở Trung Quốc. Bà nói: “(Họ) bị buộc phải mặc ‘áo trói’, bị sốc bằng dùi cui điện, bị xịt ớt, bị làm bỏng chân, bị bức thực bằng dầu mù tạt, hoặc bị cấm ăn, cấm ngủ. Một số phụ nữ còn bị tấn công tình dục, và chúng ta không thể bỏ qua nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng kinh hoàng.”
“Đã đến lúc EU cần áp dụng biện pháp có nguyên tắc hơn đối với ĐCSTQ. Chính việc thiếu các chính sách mang tính nguyên tắc đã khiến chúng ta rơi vào tình trạng nguy hiểm về an ninh hiện nay. Việc buộc ĐCSTQ và tay sai của họ phải chịu trách nhiệm về những tội ác chống lại loài người là một khởi đầu tốt để giải quyết vấn đề này.”
Nghị sỹ Ba Lan: Một trường hợp đàn áp khác
Nghị sỹ Anna Fotyga là một chính trị gia người Ba Lan và là tổng thư ký của Đảng Bảo thủ và Cải cách Châu Âu. Bà cho rằng trường hợp của ông Đinh Nguyên Đức là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang đàn áp quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng.
Bà nhắc nhở các thành viên khác rằng con trai ông Đinh đang kháng nghị trước Tòa nhà Quốc hội và bà kiến nghị các nghị viên thể hiện sự ủng hộ [đối với các học viên Pháp Luân Công].
Sau khi phiên tranh luận kết thúc, ông Nicolas Schmit, thành viên Ủy ban Châu Âu, thay mặt ông Josep Borrell, Phó Chủ tịch Ủy ban kiêm Đại diện Cấp cao của EU, phát biểu: “Cuộc tranh luận phản ánh rõ ràng mối quan ngại sâu sắc và trường kỳ của Nghị viện Châu Âu về các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.”
Ông cho biết thêm rằng EU “tiếp tục nắm bắt mọi cơ hội, bao gồm cả đa phương và ở cấp độ chính trị cao nhất, để nêu lên những mối quan ngại dai dẳng về tình hình nhân quyền hết sức nghiêm trọng ở Trung Quốc”.
Nghị quyết nhằm trừng phạt những kẻ gây ra cuộc bức hại
Nghị quyết đề cập rằng sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, “hàng nghìn học viên Pháp Luân Công đã được ghi nhận là đã từ vong vì bị ngược đãi trong cuộc bức hại của ĐCSTQ, và còn rất nhiều trường hợp khác không được ghi chép.”
Nghị quyết kêu gọi EU và các quốc gia thành viên “công khai lên án hành vi lạm dụng cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc, đồng thời sử dụng Chế độ trừng phạt Nhân quyền Toàn cầu của EU và các chế độ trừng phạt nhân quyền quốc gia đối với tất cả thủ phạm, người nhà của họ, cũng như các tổ chức đã tham gia vào việc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc và nước ngoài, đồng thời nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt nên bao gồm từ chối cấp thị thực, phong tỏa tài sản, trục xuất khỏi lãnh thổ EU, truy tố hình sự hoặc khởi xướng các cáo buộc hình sự quốc tế.”
Con trai kêu gọi sự trợ giúp để giải cứu cha
Chính quyền thành phố Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã bắt cóc khoảng 70 học viên Pháp Luân Công, trong đó có ông Đinh Nguyên Đức và vợ ông là bà Mã Thụy Mai vào ngày 12 tháng 5 năm 2023 mà không hề có lệnh bắt giữ.
Sau khi con trai của họ, anh Đinh Nhạc Bân, cũng là một học viên hiện đang sinh sống tại Đức, biết tin cha mẹ mình bị bắt, anh đã kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp. Hơn mười ngày sau khi bị bắt, mẹ anh đã được thả nhưng cha anh vẫn bị giam giữ. Vào tháng 11 năm 2023, Tòa án quận Ngũ Liên đã tiến hành xét xử ông Đinh Nguyên Đức. Sau đó, không ai trong gia đình ông nhận được thông tin gì về vụ việc này. Một tháng sau, ngày 20 tháng 12 năm 2023, gia đình biết tin ông Đinh đã bị kết án ba năm tù và bị phạt 15.000 nhân dân tệ.
Theo Minh Huệ Net