Kinh tế Nga có vẻ không bị ảnh hưởng nhiều bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Việc áp dụng “chủ nghĩa Keynes quân sự” như Đức Quốc xã từng làm và một nguồn dầu mỏ lớn thậm chí đã giúp Nga vượt Nhật Bản nếu tính theo sức mua tương đương. Tuy nhiên, các chuyên gia đã chỉ ra, hệ quả của việc này sẽ sớm ập đến trong năm 2025, và nó sẽ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến.
Gần đây, Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Lại Thanh Đức đã có cuộc phỏng vấn với truyền thông Đài Loan, ông đã nhấn mạnh rằng “bây giờ Nga đang ở thời điểm yếu nhất… Trung Quốc có thể yêu cầu lấy lại đất từ Nga…”. Tờ Liên Hợp Báo (United Daily News) đã có bài bình cho rằng, về kết luận Nga đang ở thời điểm yếu nhất, đây là điều cần được bàn luận thêm.
Liên Hợp Báo cho rằng Tổng thống Lại Thanh Đức đang đứng trên lập trường của khối tự do dân chủ, và phát ngôn của ông nên dựa trên việc Nga đã bị các nước phương Tây áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế, bao gồm giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga và đóng băng tài sản của Nga ở nước ngoài. Tuy nhiên, dù Nga không được ưa chuộng tại phương Tây, nhưng vẫn có nhiều bạn bè ở châu Á và châu Phi, như việc ông Putin vừa thăm Mông Cổ, nơi không tuân thủ lệnh bắt giữ ông của Tòa án Hình sự Quốc tế.
Hơn nữa, ngay sau khi Nga xâm lược Ukraina, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu đã phát huy tác dụng nhất định, khiến GDP của Nga vào năm 2022 giảm xuống -1,2%. Nhưng với sự hỗ trợ từ các nước như Trung Quốc, đến năm 2023, nền kinh tế Nga đã nhanh chóng phục hồi lên 3,5%, cho thấy tình hình kinh tế không tệ như tưởng tượng, thậm chí nếu tính theo sức mua tương đương (PPP), Nga đã vượt Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới.
Dù Nga là một cường quốc quân sự, nhưng kinh tế của họ không xuất sắc và dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài. Ví dụ, sau khi xâm lược Crimea vào năm 2014 và bị phương Tây trừng phạt, GDP của họ đã giảm mạnh trong năm tiếp theo. Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất cho thấy GDP bình quân đầu người của Nga đã vượt qua mức cao nhất lịch sử vào năm 2013. Do đó, việc cho rằng Nga đang ở thời điểm yếu nhất không hoàn toàn chính xác. Vậy Nga đã làm thế nào để thành công vượt qua các biện pháp trừng phạt của phương Tây?
Tóm lại: “Nga vẫn đang kiếm bộn tiền từ chiến tranh”.
Dầu mỏ khiến Nga vẫn sống sót dưới các biện pháp trừng phạt
Cần biết rằng, trong hơn mười năm qua, Nga đã thực hiện chính sách thắt chặt ngân sách (ngoại trừ hiện đại hóa quân đội), đồng thời tích trữ vốn và trả nợ. Dù có phải chuẩn bị cho chiến tranh hay không, những biện pháp này phần lớn nhằm ứng phó với Hoa Kỳ — trước khi xâm lược Ukraina, dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga cho thấy nước này có khoảng 550 tỷ euro dự trữ (số liệu thực tế khó ước lượng), trong đó tài sản bằng đô la chỉ chiếm khoảng 8% đến 10%.
Trong số các tài sản dự trữ của Nga, nhiều nhất là tài sản bằng đồng euro, khoảng 330 tỷ euro, hiện bị G7 đóng băng khoảng 260 tỷ euro. Các tài sản khác bao gồm yên Nhật, nhân dân tệ (nhưng nhân dân tệ khó có thể chuyển đổi tự do), cùng với vàng và tài khoản IMF, trong đó vàng là quan trọng nhất. Nga sở hữu hơn 2.300 tấn vàng (được định giá khoảng 170 tỷ USD) và là quốc gia sản xuất vàng lớn thứ hai thế giới, với sản lượng năm 2023 đạt 320 tấn.
Ngoài việc bán vàng, Nga còn có “vàng đen”, là các nguồn tài nguyên như dầu mỏ. Do châu Âu cấm vận dầu mỏ của Nga và G7 áp đặt mức giá trần cho xuất khẩu dầu, từ năm 2022, thu nhập xuất khẩu từ nhiên liệu hóa thạch của Nga đã giảm mạnh. Tuy nhiên, đến năm 2024, Nga đang dần phục hồi sản lượng, mặc dù chưa đạt mức trước chiến tranh, nhưng việc Trung Quốc mua vào số lượng lớn đã chiếm một nửa lượng dầu xuất khẩu của Nga, giúp Nga hồi phục (cùng với Ấn Độ, dầu xuất khẩu sang Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 90% tổng lượng xuất khẩu của Nga).
Hơn nữa, mặc dù hiện tại dầu mỏ của Nga bị Mỹ và châu Âu trừng phạt, nhưng vẫn có nhiều kẽ hở. Chẳng hạn, trước đây Hy Lạp được phép vận chuyển hợp pháp dầu mỏ của Nga, khi Liên minh châu Âu áp dụng thêm nhiều lệnh cấm, các công ty vận tải của Hy Lạp đã bán tàu cũ cho Nga, và Nga cũng đã thành lập các đội tàu chở dầu “ma” để vận chuyển dầu đến các nước khác cùng với Iran, Venezuela, khiến Mỹ đang xem xét áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với những đội tàu này.
Biện pháp trừng phạt duy nhất có hiệu quả hơn là đối với khí đốt. Mặc dù khí đốt không nằm trong danh sách các mặt hàng bị Liên minh châu Âu cấm, nhưng các quốc gia EU đã nỗ lực trong nhiều năm để đa dạng hóa nguồn cung khí đốt, khiến tỷ lệ khí đốt của Nga giảm từ 40% xuống còn 8%, thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Điều này cũng dẫn đến việc Công ty Khí đốt Nga (Gazprom) công bố thua lỗ 6,9 tỷ USD vào năm 2023, đánh dấu lần thua lỗ đầu tiên sau 20 năm.
Để tài trợ cho chiến tranh, Nga đã sử dụng tài sản lưu động từ Quỹ Tài sản Quốc gia Nga. Quy mô quỹ trước chiến tranh, phần tài sản lưu động khoảng 110 tỷ USD, đã giảm 44% vào đầu năm nay, chỉ còn khoảng 56 tỷ USD.
Nga một mặt sử dụng Quỹ Tài sản Quốc gia để hỗ trợ chiến tranh, mặt khác lại dùng để bù đắp thâm hụt ngân sách quốc gia. Nguồn thu chính cho quỹ này là từ dầu khí. Vào tháng 6 năm nay, tổng tài sản của quỹ ước tính khoảng 140 tỷ USD, tăng đáng kể so với 138,9 tỷ USD vào tháng 5, nhưng trong số đó, tài sản lưu động dễ dàng sử dụng chỉ có 56,2 tỷ USD, giảm so với 56,4 tỷ USD của tháng trước. Hơn nữa, theo quy định của pháp luật Nga, nếu giá dầu hoặc khí đốt giảm, Bộ Tài chính Nga sẽ phải rút tiền từ Quỹ Tài sản Quốc gia để bù đắp cho khoảng thiếu hụt thu nhập từ dầu khí, làm cho quỹ này và thu nhập từ dầu khí gắn bó chặt chẽ với nhau. Do đó, việc nước ngoài mua dầu khí trở thành yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng tiếp tục chiến tranh của Nga.
Chủ nghĩa Keynes quân sự
Kể từ khi xâm lược Ukraina, Điện Kremlin đã đổ một lượng lớn tiền vào chi tiêu quốc phòng. Năm 2021, chi tiêu quốc phòng của Nga đạt khoảng 38 tỷ USD, đến năm 2024 đã tăng lên thành 140 tỷ USD, chiếm 35% tổng chi tiêu của chính phủ. Chính sách chuyển nhượng nguồn lực khổng lồ vào lĩnh vực quốc phòng, khiến nền kinh tế quân sự hóa, được gọi là “chủ nghĩa Keynes quân sự” (Military Keynesianism), ví dụ rõ ràng nhất là Đức Quốc xã vào những năm 1930.
“Chủ nghĩa Keynes quân sự” là một chính sách kinh tế dựa trên quan điểm rằng chính phủ nên tăng chi tiêu quân sự để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đó là một chính sách kích thích tài chính được ủng hộ bởi John Maynard Keynes.
Khi chính quyền ông Putin chi tiền cho sản xuất quân sự và các thiết bị liên quan đến quân sự, bao gồm các sản phẩm công nghệ cao như điện tử và quang học, nó không chỉ thúc đẩy sự phát triển công nghệ mà còn giúp làm sống động nền kinh tế khu vực tư nhân. Tuy nhiên, yếu tố có lợi nhất trong việc cải thiện thu nhập của người dân có lẽ là khoản tiền lương trả cho binh lính (bao gồm cả tiền trợ cấp cho gia đình binh lính bị thương hoặc hy sinh), điều này ảnh hưởng sâu sắc đến các tộc người thiểu số và tầng lớp nghèo khó.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã thiết lập nhiều nhà máy quân khí ở các khu vực như Tula, Novosibirsk để sản xuất vũ khí, nhưng sau khi Liên Xô tan rã, nhu cầu về quốc phòng giảm mạnh, các nhà máy buộc phải đóng cửa, công nhân mất việc làm. Giờ đây, do chiến tranh, các dây chuyền sản xuất quân sự lại được khởi động, mang lại nguồn thu bất ngờ cho những khu vực này, và do thực hiện nghĩa vụ quân sự dẫn đến thiếu hụt lao động, cũng khiến mức lương tăng cao.
Về quân đội, có thông tin cho biết lương khởi điểm của lính Nga có thể đạt 200.000 rúp (tương đương gần 53 triệu đồng), nhưng do số lượng người chết quá nhiều, nguồn tuyển quân ngày càng giảm, năm nay đã tăng lên 400.000 rúp (tương đương 105 triệu đồng). Một số khu vực còn cung cấp các khoản trợ cấp khuyến khích, như ở Matxcova có khoản trợ cấp một lần lên tới 1,9 triệu rúp (tương đương hơn 500 triệu đồng); nếu có thể phục vụ trong quân đội một năm, sẽ có cơ hội nhận hơn 5 triệu rúp tiền lương và tiền thưởng (tương đương hơn 1,3 tỷ đồng).
Năm 2021, mức lương trung bình hàng tháng của người dân Nga là khoảng 78.000 rúp (khoảng 20 triệu đồng), lương của lính đã gấp hơn hai lần mức lương trung bình, khiến các doanh nghiệp tư nhân cũng phải tăng giá để thu hút nhân lực — vào năm 2023, mức lương trung bình hàng tháng ở Nga đã tăng lên 104.000 rúp (gần 28 triệu đồng). Một cuộc khảo sát năm nay cho thấy, mặc dù lạm phát ở Nga đạt 9%, nhưng mức lương danh nghĩa đã tăng nhanh hơn, đạt 18,7%, mức tăng cao nhất trong mười năm qua.
Ngay cả khi loại bỏ yếu tố lạm phát, sự gia tăng lương thực tế ở Nga vẫn rất rõ ràng, và thu nhập khả dụng thực tế cũng tăng theo, cho phép người Nga mua nhiều sản phẩm nhập khẩu hơn hoặc đầu tư vào bất động sản trong nước. Những khoản chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ này có lợi cho sự tăng trưởng GDP. Nói cách khác, việc gia tăng chi tiêu quốc phòng đã cải thiện điều kiện sống của công nhân Nga, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc tăng tổng cầu.
Hệ quả
Tuy nhiên, nền kinh tế chiến tranh này không thể bảo đảm sự thịnh vượng cho nền kinh tế Nga trong tương lai, thậm chí những lo ngại gần kề đã hiện rõ. Dù người Nga nhận được mức lương cao, nhưng các doanh nghiệp sẽ tăng giá sản phẩm để bù đắp chi phí lao động, dẫn đến nguy cơ lạm phát lớn. Việc mua sắm hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu cũng sẽ gây ra ảnh hưởng, vì điều này sẽ làm giảm thặng dư thương mại và dẫn đến sự mất giá của đồng rúp. Áp lực từ lạm phát cao và sự mất giá của đồng rúp khiến người Nga chuyển đổi tiết kiệm sang ngoại tệ và tìm cách chuyển vốn ra nước ngoài, buộc chính quyền của ông Putin phải thực hiện các biện pháp kiểm soát tiền tệ và hạn chế giá cả.
Ngoài ra, để ngăn chặn sự mất giá của đồng tiền và kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Trung ương Nga liên tục tăng lãi suất, với mức lãi suất chính hiện đã được nâng lên 19%, gấp bốn lần lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Ngân hàng Trung ương Nga cho rằng, trừ khi lạm phát được kiểm soát, có khả năng họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất, và chi phí của việc tăng lãi suất này là nền kinh tế sẽ thu hẹp nhanh chóng. Ngân hàng này dự đoán rằng tăng trưởng GDP của Nga vào năm 2025 chỉ đạt 1,7%, gần giống với dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (dự đoán tỷ lệ tăng trưởng GDP của Nga vào năm 2025 là 1,5%).
Cuối cùng, việc phụ thuộc vào tăng trưởng thông qua “chủ nghĩa Keynes quân sự” có những mối lo ngại tiềm ẩn, vì việc ưu tiên cho chi tiêu quốc phòng chắc chắn đồng nghĩa với việc giảm mạnh chi tiêu cho giáo dục, y tế và các lĩnh vực khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xây dựng đất nước. Cho đến nay, Nga đã sử dụng việc tăng lương để phân phối lại tài sản quốc gia, thu hút sự ủng hộ từ một bộ phận người Nga, đồng thời khơi dậy lòng nhiệt huyết của họ đối với chiến tranh, trong khi bỏ qua các khía cạnh phát triển khác trong tương lai.
Nói chung, cách tiếp cận này sẽ hy sinh cuộc sống của nhiều thế hệ và chuyển đổi nguồn lực để từ bỏ sự cân bằng, nó có lẽ sẽ không bền vững. Tuy nhiên, cuộc xâm lược Ukraina đã mang lại lợi ích cho nhiều tầng lớp lao động thấp và những người ở đáy xã hội, những người có trình độ học vấn thấp và dễ bị ảnh hưởng bởi tuyên truyền. Chỉ cần lương cao hơn thì họ sẽ càng ủng hộ ông Putin. Thêm vào đó, với nợ nước ngoài thấp, dự trữ vàng cao, và việc bán dầu mỏ, Nga có thể kéo dài thời gian chiến tranh.
“Chủ nghĩa Keynes quân sự” có thể mang lại một giai đoạn công nghiệp hóa mạnh mẽ trong thời gian đầu, nhưng vấn đề là, một khi kinh tế chậm lại, Nga có thể đối mặt với tình trạng lạm phát đình trệ, cần một thời gian rất dài để phục hồi. Tuy nhiên, chính quyền ông Putin vẫn tin tưởng rằng họ có thể tạo ra nền tảng vật chất bền vững thông qua cuộc “chiến tranh vĩnh viễn” với phương Tây, tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào quốc phòng, và hậu quả của chính sách này sẽ dần lộ diện sau năm 2025, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến xâm lược này.