Liên tục tập trận bằng đạn thật, đánh chìm tàu thật, Mỹ không vô tình chọn những tàu có độ giãn nước tương đương như tàu tấn công đổ bộ của Trung Quốc. Tín hiệu đã được gửi đi! Bắc Kinh hãy dè chừng ở eo biển Đài Loan.
Cuộc tập trận quân sự Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC 2024) với sự tham gia của 29 quốc gia đã kết thúc. Trong khuôn khổ sự kiện có cuộc diễn tập đánh chìm bắn đạn thật (SINKEX) được rất nhiều người theo dõi.
Mục tiêu của cuộc tập trận đánh chìm rất rõ ràng, trong một cuộc chiến có thể xảy ra ở eo biển Đài Loan, quân đội Mỹ và các đồng minh sẽ tấn công dữ dội hạm đội đổ bộ của Trung Quốc.
Trong cuộc tập trận bắn đạn thật đó, vũ khí chống hạm của nhiều nước liên tiếp nổ súng, đánh chìm các tàu tấn công đổ bộ đã ngừng hoạt động của quân đội Mỹ được lấy làm đối tượng tác chiến.
Cuộc tập trận đánh chìm của quân đội Mỹ có mục tiêu rõ ràng
Tàu tấn công đổ bộ đã nghỉ hưu USS Tarawa (LHA1) lượng giãn nước toàn tải 38.900 tấn của quân đội Mỹ bị đánh chìm ở vùng biển phía bắc Hawaii hôm 19/7.
Ngày 11/7, một tàu đổ bộ khác đã nghỉ hưu của quân đội Mỹ là USS Dubuque (LPD-8) có lượng giãn nước toàn tải 17.500 tấn cũng bị đánh chìm.
Trong khi đó, tàu tấn công đổ bộ Type 075 của Trung Quốc nặng khoảng 36.000 tấn, tàu đổ bộ Type 071 nặng khoảng 25.000 tấn. Hai còn tàu bị đánh chìm của Mỹ cũng có trọng tải tương đương.
Trong cuộc tập trận “Brave Shield 2024” ở vùng biển Philippines hồi tháng 6, quân đội Mỹ và lực lượng liên quân cũng đánh chìm tàu đổ bộ USS Cleveland (LPD-7) có lượng giãn nước toàn tải 17.600 tấn đã nghỉ hưu.
Quân đội Hoa Kỳ thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật để đánh chìm các tàu tấn công đổ bộ lớn.
Theo nhà bình luận gốc Hoa, Thẩm Chu (沈舟), điều này rõ ràng là đang chuẩn bị cho một cuộc chiến có thể xảy ra ở eo biển Đài Loan, và cũng là một biện pháp răn đe đối với ĐCSTQ.
Quân đội Mỹ đang đưa ra cảnh báo rằng, nếu hạm đội đổ bộ Trung Quốc được điều động vội vàng thì họ sẽ bị chôn vùi ở eo biển Đài Loan, và cuộc tấn công vào Đài Loan chắc chắn sẽ thất bại.
Tại cuộc họp báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 25/7, phóng viên đặt câu hỏi: Trong cuộc tập trận quân sự “RIMPAC 2024” được tổ chức gần Hawaii, một trong những chủ đề là vụ đánh chìm tàu tấn công đổ bộ 40.000 tấn. Một số nhà phân tích tin rằng đây là một hành động dằn mặt. Người Trung Quốc có ý kiến gì về vấn đề này không?”
Người phát ngôn Trương Hiểu Cương (张晓刚/Zhang Xiaogang) nói rằng, quân đội Mỹ “không ngại” “sử dụng các cuộc tập trận để đe dọa Trung Quốc”, đồng thời nói thêm rằng Trung Quốc “quyết tâm, có năng lực và có khả năng đánh bại mọi kẻ thù hung hãn”.
Theo nhà bình luận Thẩm Chu, Bộ Quốc phòng Trung Quốc phản ứng như vậy cho thấy, họ đã rõ ràng về mục tiêu diễn tập của quân đội Hoa Kỳ là để đánh bại quân đội Trung Quốc; nhưng có vẻ Bắc Kinh chỉ nói những lời sáo rỗng, hô hào nhưng lại vô cùng rụt rè.
Trong cuộc diễn tập Vành đai Thái Bình Dương, vũ khí được quân đội Mỹ sử dụng bao gồm ít nhất hỏa tiễn chống hạm tầm xa AGM-158C được trang bị bởi tiêm kích F/A-18 Super Hornet, bom dẫn đường chính xác do phi cơ ném bom B-2 mang theo, hỏa tiễn tấn công hải quân do tàu khu trục phóng, hỏa tiễn AGM-114 Hellfire được vận chuyển bằng trực thăng, hỏa tiễn do tàu không người lái mang theo.
Chiến hạm Úc có thể phóng hỏa tiễn tấn công hải quân; chiến hạm Hà Lan phóng hỏa tiễn chống hạm Harpoon; Nhật Bản phóng hỏa tiễn chống hạm Type 12 trên đất liền.
Nhiều chiến đấu cơ và phi cơ ném bom của quân đội Mỹ có thể mang hỏa tiễn chống hạm tầm xa AGM-158C. Đầu đạn hỏa tiễn nặng 1.000 pound và có thể phá hủy radar, thiết bị liên lạc và trung tâm chỉ huy của bất kỳ chiến hạm nào.
Nhà bình luận Thẩm Chu chỉ ra rằng, quân đội Mỹ có trong kho ít nhất 450 hỏa tiễn chống hạm tầm xa AGM-158C, đủ sức làm tê liệt mọi chiến hạm cỡ lớn của Hải quân Trung Quốc.
Bắc Kinh hiện có 2 hàng không mẫu hạm, 8 tàu khu trục 055, 25 tàu khu trục 052D, 40 khinh hạm 054A, 3 tàu tấn công đổ bộ Type 075 và 8 tàu đổ bộ Type 071, tổng cộng có 85 tàu. Tính cả tàu tiếp tế thì họ có hơn 100 tàu.
Quân đội Mỹ có thể sử dụng 4 đến 5 hỏa tiễn chống hạm tầm xa AGM-158C chống lại mỗi chiến hạm. Để bảo đảm đánh chìm nhanh chóng tàu tấn công đổ bộ Type 075 của Trung Quốc, quân đội Mỹ cũng đã trình diễn các phương tiện khác.
Phi cơ ném bom B-2 cất cánh
Trong cuộc tập trận đánh chìm lần này, phi cơ ném bom tàng hình B-2 của quân đội Mỹ đã xuất hiện và diễn tập khả năng đánh chìm nhanh (QUICK SINK).
Vũ khí đánh chìm nhanh là bom dẫn đường chính xác được trang bị bộ thiết bị bay JDAM. Sau khi được chiến đấu cơ thả ra, vũ khí này có thể lướt đi hàng chục km trên không.
Nó được trang bị hệ thống định vị GPS ở đuôi và thiết bị dẫn đường, kết hợp radar và hình ảnh hồng ngoại ở đầu quả bom được dẫn hướng, cuối cùng sẽ phát nổ gần đường nước của tàu mục tiêu, có thể nhanh chóng đánh chìm chiến hạm của đối phương.
Giá thành của loại vũ khí này khoảng 20.000 đến 30.000 USD, thấp hơn nhiều so với hỏa tiễn chống hạm, nên còn gọi là phương án đánh chìm chi phí thấp.
Hỏa tiễn chống hạm tầm xa AGM-158C đầu tiên làm tê liệt radar của chiến hạm đối phương, khiến nó mất khả năng phát hiện và dẫn đường vũ khí, làm cho hỏa tiễn phòng không khó hoạt động, sau đó bom dẫn đường có độ chính xác cao của quân đội Mỹ sẽ rơi từ trên trời xuống.
Quân đội Mỹ điều động phi cơ ném bom B-2 tập trận bắn đạn thật, chuẩn bị tận dụng tối đa khả năng tàng hình. Các chiến đấu cơ F-15, F-16, F/A-18 và phi cơ ném bom B-1B, B-52 đều có thể mang bom dẫn đường chính xác.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Thẩm Chu, quân đội Mỹ sẽ không sẵn lòng chấp nhận rủi ro trước khi bảo đảm rằng, hỏa tiễn của lực lượng phòng không Trung Quốc đã bị vô hiệu hóa.
B-2 có thể mang 16 quả bom dẫn đường chính xác GBU-31 nặng 2.000 pound, và 2 trong số đó đủ sức phá hủy toàn bộ tàu lớn của hạm đội đổ bộ Trung Quốc.
F-35 cũng có thể thực hiện nhiệm vụ ném bom tàng hình nhưng chỉ có thể mang theo một quả bom dẫn đường chính xác. Sau khi phi cơ ném bom B-21 đi vào hoạt động, quân đội Mỹ sẽ có thêm nhiều lựa chọn.
Quân đội Mỹ cũng sẽ tấn công hạm đội hàng không mẫu hạm và tàu khu trục 055 và 052D của Bắc Kinh. Nhà bình luận Thẩm Chu chỉ ra rằng, quân đội Mỹ và lực lượng liên minh tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật nhằm nỗ lực tận dụng lợi thế của liên minh, và sử dụng nhiều phương tiện khác nhau để tấn công đối thủ ở mức tối đa có thể.
Khả năng của tàu tấn công đổ bộ Type 075
Tàu tấn công đổ bộ Type 075 của quân đội Trung Quốc đã đi vào hoạt động vào năm 2021. Hiện có ba tàu đang hoạt động, hai chiếc ở chiến khu phía Đông và một ở chiến khu phía Nam.
075 chủ yếu mô phỏng tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp của quân đội Mỹ, nhưng lượng giãn nước đầy tải của nó nhỏ hơn một chút, khoảng 36.000 tấn; tàu tấn công lớp Wasp của quân đội Mỹ có lượng giãn nước toàn tải khoảng 41.000 tấn, và mới nhất là Lớp America nặng khoảng 45.000 tấn.
Tàu tấn công đổ bộ của Mỹ có thể biến thành hàng không mẫu hạm hạng nhẹ và có thể chở tới 20 chiến đấu cơ F-35B; tàu tấn công đổ bộ Type 075 của Trung Quốc cũng mô phỏng boong tàu dài đầy đủ, nhưng hiện tại chưa có chiến đấu cơ nào, và nó hiện chủ yếu được sử dụng để cho trực thăng cất cánh và hạ cánh.
Các trực thăng do tàu tấn công đổ bộ của Mỹ mang theo bao gồm trực thăng tấn công AH-1Z Viper, trực thăng MV-22B Osprey, phi cơ vận tải CH-53 Super Stallion và trực thăng tiện ích UH-1Y Venom, có thể thực hiện các hoạt động đổ bộ chung.
Nhà bình luận Thẩm Chu cho hay, Hải quân Trung Quốc vẫn chưa được trang bị tất cả các loại trực thăng. Ban đầu họ cố gắng mua trực thăng Ka-52 của Nga, nhưng hiện loại này khó có thể được giao đúng hạn.
Thêm nữa, Bắc Kinh đã nhìn thấy khả năng của trực thăng Nga trong thực chiến và có lẽ họ đã sẵn sàng bỏ cuộc.
Mặc dù vậy, tàu tấn công đổ bộ Type 075 vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với Đài Loan. Cabin của nó có thể chở khoảng 800 lính thủy đánh bộ, khoảng 60 phương tiện đổ bộ và 2 thủy phi cơ, tương đương với một tiểu đoàn đổ bộ tổng hợp.
Chuyên gia Thẩm cho hay, sức chứa của tàu này không lớn bằng tàu tấn công đổ bộ Mỹ, nhưng khi 3 tàu tấn công đổ bộ Type 075 và 8 tàu đổ bộ Type 071 hoạt động cùng nhau, chúng có thể chở tổng cộng hai lữ đoàn lính thủy đánh bộ và trang thiết bị tương ứng.
Nếu quân đội Mỹ có thể đánh chìm toàn bộ tàu đổ bộ 075 và 071 trên biển, Bắc Kinh sẽ chịu tổn thất nặng nề và hoạt động đổ bộ sẽ không bền vững.
Tàu tấn công Type 075 của Trung Quốc có khả năng phòng thủ hạn chế
Chuyên gia Thẩm chỉ ra rằng, bản thân tàu tấn công đổ bộ Type 075 có khả năng phòng không yếu, chỉ được trang bị 2 hỏa tiễn phòng không tầm ngắn Hồng Kỳ 10 và 2 vũ khí tầm gần Phalanx được cho là có tầm phòng thủ tối đa là 9 km, khiến việc đánh chặn hỏa tiễn chống hạm trở nên khó khăn; nó cũng bất lực trước bom dẫn đường chính xác.
Tàu khu trục 052D ở chiến khu phía đông của Bắc Kinh chịu trách nhiệm chính cho nhiệm vụ phòng không của hạm đội đổ bộ. Đơn vị phóng thẳng đứng 64 chủ yếu được trang bị hỏa tiễn phòng không Hồng Kỳ 9, mô phỏng theo hỏa tiễn của Nga.
S-300 đã không thể hiện được khả năng đánh chặn hỏa tiễn đáng tin cậy trong cuộc chiến thực tế giữa Nga và Ukraina.
Khinh hạm 054A của Bắc Kinh chỉ được trang bị hỏa tiễn phòng không Hồng Kỳ 16, loại hỏa tiễn khó đánh chặn hơn.
Vì vậy, tàu tấn công đổ bộ Type 075 của Bắc Kinh cực kỳ dễ bị tấn công. Các chiến đấu cơ của quân đội Mỹ sẽ mang theo hỏa tiễn chống hạm tầm xa AGM-158C để tấn công các tàu đổ bộ Type 075 và Type 071 cùng các tàu khu trục hộ tống Type 052D và Type 054A bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất.
Hỏa tiễn có thể tấn công các đảo tàu, boong tàu, thân tàu gần mực nước, nhà máy điện và các bộ phận khác, khiến chúng mất khả năng chiến đấu.
Đảo tàu được trang bị radar và thiết bị liên lạc, đồng thời cũng là trung tâm chỉ huy và điều khiển của tàu. Một khi bị bắn trúng sẽ không thể dẫn đường cho vũ khí phòng không của tàu, và tệ nhất là mất liên lạc, không thể chỉ huy, điều hành tàu, gây khó khăn cho việc tiếp cận bãi đáp theo kế hoạch.
Nếu boong tàu 075 bị va chạm, trực thăng có khả năng không thể cất cánh và hạ cánh hiệu quả.
Nếu thân tàu ở gần mực nước bị hỏa tiễn hoặc bom dẫn đường chính xác bắn trúng và bị hư hỏng nghiêm trọng, một lượng nước lớn sẽ tràn vào và thân tàu sẽ bị nghiêng hoặc lật úp.
Chiến đấu cơ F-16V của Đài Loan cũng có thể được trang bị hỏa tiễn chống hạm Harpoon và tàu tấn công đổ bộ Type 075 của Trung Quốc cũng là mục tiêu chính.
Ông Thẩm cho hay, J-20 và J-16 của Trung Quốc sẽ không thể cạnh tranh với vô số chiến đấu cơ F-22 và F-35 của quân đội Mỹ. Hạm đội Trung Quốc sẽ mất khả năng bảo vệ trên không, các chiến hạm lớn cũng không thoát khỏi vận rủi.
Tàu đổ bộ Type 071 của Trung Quốc cũng chịu chung số phận
Quân đội Mỹ có 9 tàu tấn công đổ bộ và 22 tàu đổ bộ cỡ lớn, trong đó có 12 tàu lớp San Antonio, 6 tàu lớp Whidbey Island và 4 tàu lớp Harpers Ferry.
Tàu đổ bộ Type 071 của Bắc Kinh chủ yếu mô phỏng tàu đổ bộ lớp San Antonio của quân đội Hoa Kỳ, với lượng giãn nước đầy tải khoảng 25.000 tấn.
Type 071 có thể chở khoảng 800 lính thủy quân lục chiến và khoảng 60 phương tiện chiến đấu đổ bộ, tương đương sức mạnh của một tiểu đoàn.
Tàu này được đưa vào sử dụng năm 2007. Hiện Bắc Kinh có 8 tàu đang hoạt động, 5 chiếc ở chiến khu phía Nam và 3 chiếc ở chiến khu phía Đông.
Theo nhà bình luận Thẩm Chu, một khi chiến tranh bắt đầu, mục tiêu chính của các cuộc không kích của Mỹ sẽ bao gồm 3 tàu tấn công đổ bộ Type 075 của Bắc Kinh, và 8 tàu đổ bộ Type 071. Việc làm tê liệt 11 tàu lớn này có thể trực tiếp đánh bại hoạt động đổ bộ của quân đội Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng có khoảng 33 tàu đổ bộ các loại 072 và khoảng 11 tàu đổ bộ các loại 073, nhưng có trọng tải nhỏ, có thể chở từ 180 đến 250 người, và 6 đến 10 phương tiện chiến đấu. Tổng cộng có thể tập hợp được gần 2 lữ đoàn lính Thủy quân lục chiến.
Tuy nhiên, ông Thẩm chỉ ra rằng, những tàu đổ bộ này chắc chắn sẽ ở phía sau 075 và 071, một số trong đó chủ yếu được trang bị xe tăng. Họ sẽ đợi đợt quân đầu tiên chiếm bãi biển thành công rồi mới đổ bộ để chi viện.
Nếu hầu hết các tàu đổ bộ lớn 075 và 071 bị tê liệt hoặc bị đánh chìm và không thể thực hiện đợt đổ bộ đầu tiên, thì các tàu đổ bộ 072 và 073 tiếp theo sẽ khó khăn hơn trong việc hoàn thành kế hoạch đổ bộ bãi biển.
Họ cũng không thể đối phó với hỏa tiễn chống hạm và tàu cao tốc mang hỏa tiễn của Đài Loan. Họ phải trốn thoát nhanh chóng hoặc bị đánh chìm.
Các tàu đổ bộ lớn nhỏ của Trung Quốc có thể chở không quá 4 lữ đoàn Thủy quân lục chiến cùng lúc, tổng cộng khoảng 20.000 người, rất có thể họ sẽ không quay lại.
Hầu như không có tàu đổ bộ cỡ lớn nào cho lực lượng tiếp theo, và các tàu ro-ro dân sự được trưng dụng có thể đảm nhận nhiệm vụ hỗ trợ sau khi đổ bộ vào bãi biển.
Kế hoạch tấn công Đài Loan của ĐCSTQ sẽ buộc phải tạm dừng. Nếu tiếp tục sử dụng số lượng lớn thuyền nhỏ để đổ bộ, họ sẽ chỉ càng phải hứng thêm các cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái và pháo binh.
Quân đội Mỹ công khai thể hiện niềm tin chiến thắng
Vài tuần trước, Tướng Charles Q. Brown, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, đã tham dự Diễn đàn An ninh Aspen và được hỏi: Nếu một cuộc chiến nổ ra trên eo biển Đài Loan, liệu quân đội Hoa Kỳ có thể đánh bại quân đội Trung Quốc hay không.
Ông Brown trả lời: “Đúng, tôi hoàn toàn tin tưởng vào lực lượng của chúng tôi. Chúng tôi là lực lượng chiến đấu nguy hiểm nhất và được đánh giá cao nhất trên thế giới.
Mọi quốc gia tôi từng đến đều muốn hình mẫu giống như chúng tôi. Nếu chúng tôi có xung đột với ĐCSTQ, chúng tôi phải đáp trả bằng sức mạnh quốc gia của chúng tôi”.
Tướng Brown cũng cho rằng cuộc chiến này sẽ tàn khốc như Thế chiến thứ hai.
Nhà bình luận Thẩm Chu đánh giá, câu trả lời rõ ràng của Tướng Brown cho thấy, quân đội Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến lớn, chứ không chỉ là một cuộc xung đột hạn chế; lời nói của ông, cùng với các cuộc tập trận bắn đạn thật trong cuộc tập trận quân sự Vành đai Thái Bình Dương, đã gửi một tín hiệu rõ ràng tới Bắc Kinh.
Một khi ĐCSTQ mạo hiểm phát động chiến tranh, diễn biến và kết quả tiếp theo sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát của chế độ này. Các chiến hạm cỡ lớn và vừa của hải quân Trung Quốc có khả năng biến mất trong một thời gian ngắn.
Sau khi mất hầu hết chiến đấu cơ, Lực lượng Không quân Trung Quốc chỉ có thể từ bỏ ưu thế trên không. Ông Thẩm đặt câu hỏi rằng, cái kết như vậy là do quân đội Mỹ lên kế hoạch và diễn tập, liệu Trung Nam Hải có chấp nhận nổi không?.