Sau khi ông Lý Khắc Cường qua đời, 3 phát ngôn trong ba lần khác nhau của ông đã được lưu truyền rộng rãi; có thể cảm nhận được rằng dư luận nói chung có thiên hướng đồng cảm với ông Lý Khắc Cường. Ngược lại, đủ loại “thuyết âm mưu” đều chĩa mũi dùi vào ông Tập Cận Bình, cho thấy ông Tập đã rơi sâu vào bẫy Tacitus – một khái niệm do chính ông trích dùng trong bài phát biểu của mình và sau đó được truyền thông Trung Quốc ưa dùng.
Hôm 27/10, Cựu thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chính thức được thông báo đột ngột qua đời tại Thượng Hải ở tuổi 68. Tin tức về cái chết của ông nhanh chóng gây chấn động dư luận trong và ngoài nước.
Sau khi ông Lý Khắc Cường qua đời, 3 phát ngôn trong ba lần khác nhau của ông đã được lưu truyền rộng rãi; có thể cảm nhận được rằng dư luận nói chung có thiên hướng đồng cảm với ông Lý Khắc Cường; ngược lại, đủ loại “thuyết âm mưu” đều chĩa mũi dùi vào ông Tập Cận Bình, cho thấy ông Tập đã rơi sâu vào bẫy Tacitus.
Tacitus Trap là một lý thuyết chính trị được đặt theo tên của nhà sử học La Mã Tacitus, mô tả tình huống mà một chính phủ không được lòng dân, bị ghét bỏ bất kể nó làm gì và dù đúng hay sai. Lý thuyết này được đưa ra trong một cuốn sách năm 2007 của Giáo sư Phan Trí Thường (Pan Zhichang/潘知常) từ Trường Báo chí và Truyền thông thuộc Đại học Nam Kinh, Trung Quốc. Trong cuốn sách, ông trích dẫn nhận xét của Tacitus về Galba, một vị hoàng đế không được lòng dân của La Mã. Kể từ khi ông Tập Cận Bình sử dụng thuật ngữ này vào năm 2014, nó ngày càng trở nên phổ biến trong báo chí và giới học thuật ở Trung Quốc.
3 câu nói của ông Lý Khắc Cường được lưu hành rộng rãi trước khi ông qua đời phát đi tín hiệu gì?
Ông Lý Khắc Cường đã có 3 phát ngôn được lưu truyền rộng rãi. Thứ nhất, vào ngày 28/5/2020, ông nói với các phóng viên: “Thu nhập trung bình hàng tháng của 600 triệu người có thu nhập thấp và trung bình trở xuống chỉ là 1.000 nhân dân tệ”. Vào thời điểm đó, 1.000 nhân dân tệ tương đương với khoảng 3,3 triệu đồng tiền Việt. Thu nhập hàng tháng của gần một nửa dân số Trung Quốc thấp đến mức như vậy! Con số này được tiết lộ từ miệng các lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ, đã trực tiếp vạch trần lời nói dối của ông Tập Cận Bình rằng Trung Quốc đã đạt kỳ tích trong việc xóa đói giảm nghèo hoàn toàn.
Phát ngôn thứ hai là “Cải cách và mở cửa sẽ không dừng lại. Sẽ không có chuyện sông Dương Tử và Hoàng Hà lại chảy ngược”. Ông Lý Khắc Cường nói câu này khi ông đến thăm một khu cảng trong chuyến thị sát thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, vào tháng 8/2022. Câu nói trên cũng là một câu nói hoàn toàn bình thường và chân thật. Tuy nhiên, khi nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đang đẩy nhanh cái gọi là sự đảo ngược lịch sử, thì phát ngôn thứ hai của ông Lý Khắc Cường đã gây được tiếng vang rộng rãi trong nhân dân.
Phát ngôn thứ ba là câu ông Lý Khắc Cường nói với Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia và Bộ Tài chính khi ông sắp rời nhiệm sở vào cuối tháng 2/2023, rằng: “Người đang làm, Trời đang nhìn, Trời xanh có mắt”.
Phát ngôn thứ ba thể hiện sự kính trọng trời và tin vào thần linh của nhân gian trong một xã hội bình thường, nhưng lại được phát ra từ miệng nhân vật chỉ huy thứ hai của ĐCSTQ trước mặt một nhóm đông đảo đảng viên. Đây chẳng khác nào một sự châm biếm ĐCSTQ, chế độ luôn tuyên truyền và cổ xúy thuyết vô Thần, tuyên bố “đấu với Trời, đấu với đất, đấu với người”.
Nhà phân tích người Hoa – Lý Chính Khoan (李正宽) cho rằng, 3 câu nói trên của ông Lý Khắc Cường được lưu truyền rộng rãi không phải vì ông Lý cao quý và vĩ đại như thế nào. Ông Lý Khắc Cường đã từng bước leo lên ghế thủ tướng Trung Quốc, điều đó cho thấy ông Lý rất có tinh thần đi theo ĐCSTQ, nhất là trong các vấn đề chính trị lớn, ông có thể duy trì được sự nhất quán cao độ với Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ.
Ví dụ, về vụ Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989, Giáo sư luật người Úc gốc Hoa, Viên Hồng Băng (袁红冰) cho biết, ông Lý Khắc Cường đã lên án phong trào sinh viên và kiên quyết ủng hộ ĐCSTQ dùng thiết quân luật để đàn áp nhân dân.
Về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, theo ông Vương Hữu Quần, cựu quan chức Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường rất nhất quán với cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân về vấn đề đàn áp môn tu luyện này, thậm chí có lúc ông Lý Khắc Cường từng cho rằng, mình đã không đàn áp Pháp Luân Công một cách hiệu quả nên chút nữa đã yêu cầu Giang Trạch Dân trừng phạt.
Về vấn đề đàn áp người dân Hồng Kông và thực thi cái gọi là “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, ông Lý Khắc Cường ra vẻ miễn cưỡng nhưng kết quả cuối cùng tinh thần của ĐCSTQ vẫn chi phối sự lựa chọn của ông.
Ngay cả khi ông Lý Khắc Cường vạch trần một vài sự hủ bại trong hệ thống, điều đó cũng chỉ cho thấy nhân tính của ông chưa bị mất đi hoàn toàn, nhưng tiền đề chính là ông vẫn đang bảo vệ ĐCSTQ, chỉ có điều tư tưởng và đường lối của ông khác với của ông Tập Cận Bình.
Sở dĩ 3 phát ngôn trên của ông Lý Khắc Cường được lưu truyền rộng rãi là vì một mặt, chúng phản ánh khát vọng của người dân về sự thật, ví dụ sự thật trong sự kiện “người phụ nữ xích sắt” và vụ đồ ăn “đầu chuột biến thành cổ vịt” nổi tiếng trong dư luận Trung Quốc.
Ba lý do khiến người dân thương tiếc ông Lý Khắc Cường
Văn phòng Thông tin mạng Trung Quốc đã ra lệnh chặn và xóa các bài đăng tưởng nhớ ông Lý Khắc Cường, chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ các hoạt động để tang và tìm mọi cách trấn áp dư luận, dù vậy, họ không thể ngăn chặn được sự phẫn nộ của người dân.
Các video và hình ảnh đăng tải trên mạng cho thấy, ngày 28/10, bên ngoài tòa nhà dân cư số 80 đường Hồng Tinh (Hongxing), nơi ở cũ của ông Lý Khắc Cường ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, dưới sự canh gác của cảnh sát và lực lượng thường phục, người dân vẫn tấp nập xếp hàng để tưởng niệm ông.
Thật trùng hợp, tại Trịnh Châu tỉnh Hà Nam, nơi ông Lý Khắc Cường từng công tác, một số người đã đặt một số lượng lớn hoa tại bức chân dung của ông bên hồ Như Ý, và một số người đã dẫn đầu hô khẩu hiệu tưởng nhớ ông.
Vậy tại sao người ta lại có phản ứng như vậy trước cái chết của ông Lý Khắc Cường?
Nhà phân tích Lý Chính Khoan đưa ra ba lý do. Đầu tiên, cựu thủ tướng Lý Khắc Cường thường thể hiện mình là người gần gũi với nhân dân, nên một số người đã làm điều này để tưởng nhớ.
Thứ hai, sau khi cựu tổng bí thư ĐCSTQ Hồ Diệu Bang qua đời, người dân đã cùng tưởng niệm để bày tỏ sự bất bình và phản đối chế độ độc tài, tham nhũng và tham nhũng của ĐCSTQ. Và việc cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân đàn áp sự kiện phản đối việc tờ báo World Economic Herald bị đóng cửa ở Thượng Hải đã gây ra các cuộc biểu tình quy mô lớn hơn. Cuối cùng nó kết thúc bằng vụ thảm sát Thiên An Môn.
Ông Lý Khắc Cường là một nhà cải cách trong ĐCSTQ nhưng ông kém tiến bộ hơn nhiều so với ông Hồ Diệu Bang trong việc thúc đẩy cải cách và mở cửa.
Tuy nhiên, điều khác biệt hiện nay là trong bối cảnh 3 năm khai triển chính sách Zero Covid, làn sóng thất nghiệp đã càn quét khắp cả nước, cũng như bối cảnh chung của sự sụp đổ kinh tế, sự phẫn nộ của người dân đối với ĐCSTQ ngày nay còn lớn hơn nhiều so với giai đoạn cuối những năm 1980.
Trong những năm gần đây, việc tận dụng các sự kiện tưởng niệm để bày tỏ sự phản đối đã trở thành sự đồng thuận ngầm của nhiều người dân Trung Quốc. Chẳng hạn như năm 2020, người ta thương tiếc bác sĩ Lý Văn Lượng (李文亮), bác sĩ người Vũ Hán bị ĐCSTQ đàn áp, và năm 2022, người ta thương tiếc những nạn nhân bị thiêu chết ở Ô Lỗ Mộc Tề, Tân Cương do lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vì dịch bệnh, v.v.
Ngày nay, nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ và phản đối chính phủ bằng cách thể hiện sự thương tiếc ông Lý Khắc Cường.
Thứ ba, cũng có một số người cần được động viên bởi sự đồng cảm, lòng nhân ái của con người. Một sinh viên tài năng của Đại học Bắc Kinh ngày nào đã bị sỉ nhục và bị biến thành kẻ vô dụng dưới hệ thống ĐCSTQ hiện tại, nay lại đột ngột qua đời, kết thúc cuộc đời bằng một cái chết không minh bạch.
Ngoại trừ một số rất nhỏ những người có quyền lực, hầu hết mọi người dân Trung Quốc đều có thể nhìn thấy bóng dáng của mình trong cuộc đời và kết cục của ông Lý Khắc Cường. Đặc biệt là trong ba năm đại dịch vừa qua, bao nhiêu người phải hứng chịu bàn tay sắt của chế độ ĐCSTQ, bao nhiêu ngành công nghiệp tinh hoa bị phá hủy, bao nhiêu người mất việc làm, bao nhiêu người chết không rõ nguyên nhân, và bao nhiêu con người đang sống mà trong lòng đầy đau buồn, phẫn nộ và bất bình, không thể đoán trước được ngày mai phải sống như thế nào.
Vì vậy, những người dân đó không chỉ là đang thương tiếc cho số phận ông Lý Khắc Cường, mà còn chính là tiếc thương cho số phận hẩm hiu của của chính mình.
Ông Tập Cận Bình đã rơi vào bẫy Tacitus
Sau cái chết đột ngột của ông Lý Khắc Cường, nhiều “thuyết âm mưu” và “trò đùa chính trị” khác nhau đã mau chóng lan truyền trong những ngày gần đây, và hầu hết đều chỉ trích chính quyền ông Tập Cận Bình.
Những chuyên gia truyền thông như Lý Chính (Li Zheng/李正) và Lưu Trác (Liu Zhuo/刘卓) đã phát động một bảng câu hỏi trực tuyến trên kênh thảo luận chính trị mà họ điều hành, có hơn 5.000 cư dân mạng đã bỏ phiếu bày tỏ ý kiến , chỉ 9% trong số họ tin rằng ông Lý Khắc Cường chết vì đau tim thông thường và chết vì nguyên nhân tự nhiên.
Nhà phân tích Lý Chính Khoan nhận định, thực tế mà nói, dù ông Tập Cận Bình có thiếu khả năng chính trị đến đâu thì cũng khó có thể có âm mưu sát hại ông Lý Khắc Cường, vì điều này dường như không mang lại nhiều lợi ích cho ông Tập, và có lẽ ông Tập cũng không cần phải làm như vậy.
Sự thật là ông Tập và ông Lý mâu thuẫn, nhưng chưa nên bàn tới việc hai bên đã tới mức đấu đá nhau. Một mặt, quyền lực của ông Lý Khắc Cường trong đảng quá khác so với ông Tập Cận Bình, có “Tập gia quân” (đội quân của ông Tập) nhưng không có cái gọi là “Lý gia quân”.
Ngoài ra, ông Lý đã rút lui khỏi chính trường. Do đó, khách quan mà nói, ông Lý Khắc Cường không gây ra nhiều mối đe dọa, uy hiếp cho ông Tập. Mặt khác, ông Lý Khắc Cường còn có tính cách nhút nhát và không có động cơ chủ quan để thách thức ông Tập.
Ở một góc độ khác, ông Tập và phe Giang Trạch Dân đã đấu đá hơn mười năm, và “cuộc chiến Tập – Giang” thực sự tồn tại; sau cái chết của Giang Trạch Dân, “cuộc chiến Tập – Tăng”, tức Tăng Khánh Hồng – vây cánh của Giang Trạch Dân – vẫn tiếp tục và ngày càng căng thẳng hơn, nhưng ông Tập không tìm cách ám sát kẻ thù chính trị lớn nhất của mình là Tăng Khánh Hồng.
Vì vậy, “thuyết âm mưu” ông Tập Cận Bình loại bỏ ông Lý Khắc Cường có vẻ hơi xa vời và dường như không phù hợp với logic và lẽ thường.
Về nguyên nhân cái chết của ông Lý Khắc Cường, tác giả Lý Chính Khoan cũng có bài phân tích có tiêu đề “Cái chết đột ngột của ông Lý Khắc Cường kỳ lạ hoặc liên quan đến trò chơi chính trị trong giới lãnh đạo cấp cao”. Ngoài ra, không thể không xét tới bản thân ông Lý Khắc Cường cũng ốm yếu quanh năm.
Ngay từ năm 2015 đã có tin đồn cho rằng, chức năng gan phổi của ông Lý Khắc Cường kém hoặc có thể không thể tái đắc cử thủ tướng, tuy nhiên do tình trạng sức khỏe của các lãnh đạo ĐCSTQ luôn được giữ bí mật nên có nhiều tin đồn tự nhiên im lặng.
Nhà phân tích Lý Chính Khoan tin rằng, nhiều bạn bè của ông Lý Khắc Cường nhận thấy rằng dưới mắt ông có quầng thâm rất rõ ràng, ấn đường của ông cũng có phần thâm quầng. Đoạn video cho thấy ông Lý thường xuyên đổ mồ hôi, đây có thể là dấu hiệu của vấn đề về chức năng gan, thận hoặc tim.
Virus Covid-19 cực kỳ nguy hiểm đối với những người có bệnh lý nền. Vì vậy, có khả năng ông Lý Khắc Cường chết vì “nhồi máu cơ tim” hoặc “đột tử vì viêm cơ tim” do dịch bệnh gây ra.
Có nhiều khả năng dẫn đến cái chết của ông Lý Khắc Cường, nhưng nhiều người lại muốn tin rằng ông Tập Cận Bình là người thao túng đằng sau cái chết của ông Lý, điều này đủ chứng minh ông Tập đã rơi vào bẫy Tacitus. Vào năm 2014, ông Tập đã định nghĩa bẫy Tacitus trong một bài phát biểu trước công chúng là: “Khi quyền lực công mất đi uy tín, xã hội sẽ đánh giá tiêu cực về nó bất kể nó nói gì hay làm gì”.
Vì sao ông Tập lại rơi vào bẫy Tacitus? Nhà phân tích Lý Chính Khoan nói rằng, đó là bởi vì ông Tập đã bảo vệ ĐCSTQ – một chế độ tà ác làm đủ điều xấu, và không có uy tín. Vô số người hứng chịu nắm đấm sắt của chế độ này đã chứa chất đầy phẫn nộ, họ không còn nơi nào để trút giận, do đó, người bảo vệ ĐCSTQ là ông Tập đương nhiên sẽ trở thành mục tiêu chỉ trích của người dân.
Nhà phân tích Lý Chính Khoan nhận định, cái chết đột ngột của ông Lý Khắc Cường đã cho mọi người thấy nỗi kinh hoàng và đau buồn khi bị ràng buộc với ĐCSTQ, đồng thời cũng thả một quả bom nặng ký vào vũ đài chính trị của chế độ này.
Cho dù những người cầm quyền ra sức bảo vệ ĐCSTQ và đàn áp dư luận đến đâu, lòng người từ lâu đã sẵn sàng thay đổi. ĐCSTQ đã phạm đủ mọi tội ác, chắc chắn sẽ bị xã hội bỏ rơi dưới guồng quay của lịch sử, và sẽ tan rã dưới sự trừng phạt.
Cuối cùng, chuyên gia Lý Chính Khoan đưa ra nhận định: “Điều hồi hộp còn lại là liệu ông Tập Cận Bình, người đang bị mắc kẹt trong bẫy ngầm, có sẵn sàng tiếp tục gánh chịu và kế thừa món nợ máu thế kỷ của ĐCSTQ hay không, và liệu các quan chức khác và người dân có tỉnh ngộ, mau chóng rút các tổ chức liên đới của ĐCSTQ hay chấp nhận mù quáng bị chôn cùng chế độ tà ác này?”.