Tận dụng tốt các hình ảnh phản xạ có thể giúp nâng cao chất lượng của ảnh chụp phong cảnh một cách đáng ngạc nhiên. Có một số mẹo nhỏ giúp bạn dễ dàng tiếp cận loại hình nhiếp ảnh này. 

Phản xạ là một hiện tượng thường được tìm kiếm khi chụp ảnh phong cảnh. Vì sao lại như vậy?

Đôi mắt của chúng ta thường hướng một cách tự nhiên vào phong cảnh có nước. Có một điều gì đó đặc biệt từ nước và bề mặt phản chiếu có thể làm tăng đáng kể hiệu quả cho một hình ảnh phong cảnh. Đặc biệt trong một buổi hoàng hôn hoặc bình minh, chất lượng ánh sáng phản chiếu xuống mặt nước có thể tạo ra một số hình ảnh ngoạn mục.

Ảnh: Anita Ritenour / CC BY 2.0

Nếu bạn đang tìm cách nâng cao chất lượng ảnh chụp phong cảnh của mình, thì dưới đây là cách bạn có thể tận dụng hiện tượng phản chiếu để tạo ra hình ảnh phong cảnh tuyệt vời.

Mẹo chụp ảnh phản chiếu

1. Tìm kiếm ánh sáng phù hợp

Để chụp được hình ảnh phản xạ, bạn sẽ cần ra ngoài khi ánh sáng tối ưu. Ánh sáng thấp và chiếu trực tiếp là lựa chọn tốt nhất để các hình ảnh phản xạ rõ ràng. Cần tránh ánh sáng đỉnh đầu sáng chói, mà thay vào đó hãy cố gắng ra ngoài đi chụp vào buổi sáng sớm. Bạn cũng có thể đợi đến chiều, hoặc đầu giờ tối. Trong những thời gian đó, dĩ nhiên hoàng hôn và bình minh cũng là thời điểm lý tưởng để tìm kiếm hình ảnh phản chiếu và chụp được một số hình ảnh thực sự nổi bật.

Ảnh: John McSporran / CC BY 2.0

2. Xem tính chất của gió

Nếu bạn đang tìm cách chụp một ảnh phản xạ rõ ràng từ mặt nước, bạn sẽ muốn đảm bảo rằng có ít gió, hoặc tốt hơn là không có gió để giúp tăng khả năng phản xạ mịn và rõ ràng của hình ảnh. Nhưng cũng không hoàn toàn phải tránh xa những ngày gió lộng! Gió có thể tạo ra những gợn sóng nhẹ nhàng trên mặt nước, mang đến một cơ hội tuyệt vời để chụp một số hình ảnh nghệ thuật, độc lạ.

Ảnh: Francisco Antunes / CC BY 2.0

3. Thay đổi tốc độ màn trập

Tốc độ màn trập khác nhau có thể làm thay đổi mạnh mẽ hình ảnh thu được. Vào một ngày có gió, nên sử dụng tốc độ màn trập nhanh để chụp ảnh phản xạ sóng vỗ bập bềnh, cho một hình ảnh hơi khác lạ. Hoặc có thể làm chậm tốc độ màn trập xuống để làm mờ nhẹ mặt nước, sẽ cho một ảnh phản xạ mờ ảo, nhẹ nhàng, tinh tế.

Ảnh: Gemma Stiles / CC BY 2.0

4. Đặt mức độ phơi sáng

Khi chụp ảnh phản chiếu, bạn có thể cần điều chỉnh độ phơi sáng theo cách thủ công. Thông thường tốt nhất là đo sáng tại một khu vực giữa tông sáng của hình phản chiếu. Các kính lọc mật độ trung tính (ND filter) có thang chia độ cũng có thể giúp cân bằng độ phơi sáng, vì chúng hoạt động giống như các mái che cho ống kính của bạn, có thể giúp tạo cân bằng khi bằng bầu trời quá sáng. Khi chụp, bạn hãy chắc chắn lấy nét vào mặt nước để đảm bảo ảnh phản xạ được rõ nét.

Ảnh: Jeff P / CC BY 2.0

5. Sử dụng kính phân cực tròn

Việc không sử dụng kính phân cực (polarizer) cho phép bạn chụp được những hình ảnh phản chiếu đẹp như qua gương, nhưng nếu bạn muốn chụp một số chi tiết ở khu vực nước nông, bạn sẽ cần phải sử dụng một chiếc kính phân cực để xuyên cắt qua ánh sáng chói lóe trên bề mặt nước. Bạn hãy thử sử dụng một chiếc kính phân cực hình ảnh sẽ giảm bớt một số tia sáng phản xạ. Khi chụp sỏi đá hoặc cát nằm bên dưới mặt nước thì bạn sẽ hiểu rõ được tác dụng của loại kính này.

Ảnh: Jeff P / CC BY 2.0

6. Chọn những ống kính tốt nhất

Mặc dù ống kính góc rộng được hầu hết các nhiếp ảnh gia phong cảnh lựa chọn, trong một số trường hợp, ống kính tele lại là một lựa chọn tốt hơn. Sự lựa chọn đúng đắn phụ thuộc phần lớn vào những gì bạn mong muốn chụp được. Một ống kính góc rộng là tuyệt vời để làm nổi bật kích thước của các đối tượng ở phía trước, nhưng nó làm cho các vật thể ở xa trở nên nhỏ hơn và xa xôi hơn. Chẳng hạn, khi bạn chụp một dãy núi ở phía xa, một ống kính góc rộng có thể khiến các ngọn núi đó trông càng nhỏ hơn và xa hơn. Trong khi đó một ống kính tele sẽ cho phép bạn tiến gần hơn tới các ngọn núi mà bạn đang cố gắng chụp. Tóm lại hãy chọn một ống kính giúp bạn tạo ra bố cục như bạn mong muốn.

Ảnh: Jeff P / CC BY 2.0

7. Tạo các bố cục độc đáo

Trong khi các ảnh phản chiếu cổ điển giống như qua gương có thể tạo ra một số hình ảnh ngoạn mục, hãy tìm các cách khác để tận dụng sự phản chiếu khi bạn chụp ảnh phong cảnh. Những hình ảnh phản xạ thường là điểm quan tâm chính trong bức ảnh, nhưng chúng cũng có thể chỉ đóng vai trò thứ yếu và có thể được sử dụng làm yếu tố hỗ trợ cho một bố cục. Những hình ảnh phản chiếu cũng có thể tạo ra hình ảnh độc lạ tuyệt vời. Chẳng hạn, những chiếc lá mùa thu phản chiếu trên một bề mặt sóng dập dờn có thể tạo cơ hội cho một bức ảnh đẹp lạ. Bạn cũng có thể phóng to một phần của bức ảnh phản chiếu này để tạo ra một hình ảnh nghệ thuật ấn tượng.

Ảnh: Richard Hurd / CC BY 2.0

8. Tận dụng các hình ảnh phản chiếu nhỏ

Trong khi một dãy núi có thể tạo ra các ảnh phản xạ tuyệt vời, các thứ nhỏ nhắn hơn cũng có thể tạo điểm nhấn trong một số hình ảnh của bạn. Một chiếc thuyền trên hồ, một đám lau sậy mọc trên mặt hồ hoặc một con chim đang đứng tại vũng nước nông đều có thể tạo ra những hình ảnh phản chiếu sáng tạo. Bạn có thể chụp các chủ đề cùng với hình ảnh phản chiếu của chúng, hoặc cắt chủ đề ra khỏi hình ảnh và chỉ chụp ảnh phản chiếu của chúng, cũng sẽ tạo ra một bố cục nghệ thuật độc đáo.

Ảnh: OliBac / CC BY 2.0

9. Chụp ảnh các vì sao

Một bầu trời đầy sao phản chiếu trên mặt hồ có thể tạo ra một cơ hội chụp ảnh đặc biệt. Để chụp được ảnh phản chiếu của những vệt sao trời, bạn nên tới địa điểm vào ban đêm và dựng trại bên cạnh một vùng nước phản chiếu. Bạn cũng sẽ phải có pin dự phòng đầy đủ, kèm theo rất nhiều sự kiên nhẫn. Trong trường hợp này, hãy sử dụng chân máy và đặt tốc độ màn trập cực kỳ chậm. Tốc độ màn trập chậm sẽ ghi lại được những vệt sao vì trái đất quay nên chúng dường như chuyển động từ từ ngang qua bầu trời. Hãy sử dụng chế độ ‘bóng đèn’ và đặt tốc độ màn trập khoảng 30 phút khi chụp các vệt sao bạn nhé!.

Ảnh: Dãy núi Kearsarge dưới ánh trăng. Ảnh: Jeff P / CC BY 2.0

10. Đưa vào cả yếu tố tiền cảnh

Bằng cách hạ thấp máy ảnh xuống gần mặt đất, bạn có thể tối đa hóa lượng phản chiếu vào trong bức ảnh. Tiền cảnh cũng có thể đóng vai trò là những đường dẫn, nhằm hướng sự chú ý của người xem xuyên qua hình ảnh và hướng tới tiêu điểm. Hãy tìm kiếm các yếu tố có tác dụng như đường dẫn để kết hợp vào tiền cảnh. Gỗ lũa, đá và cây cỏ đều có thể được tận dụng để hướng sự chú ý của người xem đến một dãy núi xa hoặc mặt trời đang lặn.

Ảnh: Jeff P / CC BY 2.0

Tìm kiếm các bề mặt phản chiếu khác

Cuối cùng, trong khi hồ và đại dương là những địa điểm ngoạn mục kinh điển để ghi lại những hình ảnh phản chiếu, hãy tiếp tục tìm kiếm những cách khác để kết hợp ảnh phản chiếu vào bức ảnh của bạn. Những tảng đá ướt và sáng bóng hoặc cát ẩm ở bờ biển cũng có thể phản chiếu ánh sáng. Bạn cũng có thể tìm thấy cơ hội chụp ảnh phản chiếu trong các vùng nước nhỏ, chẳng hạn như vùng thủy triều.

Ảnh: Phalinn Ooi / CC BY 2.0

Trong khi các khung cảnh núi lớn phản chiếu trên hồ tạo ra hình ảnh phong cảnh tuyệt vời, bạn vẫn có thể chụp được những hình ảnh phản chiếu tuyệt vời ở một số khung cảnh khác nhau, nếu bạn ở xa các đại dương hoặc hồ nước.

Ảnh: McD22 / CC BY 2.0

Khi bạn có cơ hội, hãy ra ngoài sau một cơn bão và tìm kiếm những vũng nước hoặc những khối nước lớn. Biết đâu bạn có thể tìm thấy một cơ hội tuyệt vời để ghi lại những hình ảnh phản xạ bất ngờ nhất.

Theo Christina Harman / Loaded Landscapes

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||9983cd854__