Bạn có khi nào tự hỏi: Điều gì từ một số hình ảnh đã thu hút sự chú ý của bạn? Tại sao một số hình ảnh dường như có sự cuốn hút, trong khi những bức ảnh tương tự khác thì trông lại phẳng lì và nhàm chán? Bài viết này sẽ giới thiệu một số kỹ thuật tạo phối cảnh trong nhiếp ảnh phong cảnh, tạo chiều sâu và sức hút cho bức ảnh.

Thông thường, câu trả lời thường bắt nguồn từ vấn đề phối cảnh, bởi vì nhiếp ảnh gia có thể đưa cảm giác về chiều sâu và tỷ lệ vào trong một hình ảnh một cách hiệu quả. Chúng ta đang sống trong một thế giới ba chiều, nhưng nhiếp ảnh là loại định dạng hai chiều. Thử thách do đó chính là tìm ra cách tạo ra những bức ảnh duy trì được cảm giác về khoảng cách, kích thước và tỷ lệ trong thế giới thực. Đó luôn không phải là một kỳ tích nhỏ!

Ảnh: Jack Nobre /thephotoargus.

Các hình ảnh tạo cảm giác về phối cảnh và chiều sâu có sức thu hút trực quan mạnh mẽ. Thông thường, cảm giác về phối cảnh có thể giúp biến đổi một bức ảnh chụp nhanh tiêu chuẩn thành một hình ảnh hấp dẫn. Những hình ảnh có phối cảnh sẽ chân thực hơn đối với cuộc sống và thu hút người xem, vì làm cho họ cảm thấy như thể được bước vào trong hình ảnh.

Bí quyết nằm ở chỗ nếu bạn đang muốn tạo ra những hình ảnh phong cảnh ba chiều ngoạn mục, hãy tìm kiếm để bao gồm vào ảnh các tín hiệu thị giác cho biết độ sâu hoặc khoảng cách. Dưới đây là một số cách mà bạn có thể ghi lại được cảm giác về chiều sâu cho bức ảnh.

1.Phối cảnh tuyến tính

Mắt chúng ta có xu hướng xác định khoảng cách dựa trên cách mà các đường thẳng sẽ hội tụ ở đường chân trời – đó chính là cái mà chúng ta gọi là phối cảnh tuyến tính. Khi chúng ta nhìn thấy một hình ảnh có các đường dẫn biến mất ở một điểm trên đường chân trời, tâm trí của chúng ta ngay lập tức nhận ra rằng có một khoảng cách, hoặc một chiều sâu nhất định trong hình ảnh. Vì vậy, khi sáng tác các bức ảnh phong cảnh, hãy chú ý đến các đường dẫn mà bạn có thể bao gồm vào. Đó có thể là một dòng sông, một con đường hoặc một vệt gì đó, hoặc thậm chí một hàng của các vật thể dần dần nhỏ lại khi chúng ở xa hơn.

Ảnh: Chris van Kan / thephotoargus.

2. Chồng lấp đối tượng

Kỹ thuật này nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng chồng lấp đối tượng – hoặc còn gọi là xếp lớp, là một cách tuyệt vời để tác động đến cảm giác về khoảng cách và độ sâu trong ảnh. Khi các đối tượng trong ảnh gần bạn hơn, chúng sẽ chồng lấp hoặc che chắn một phần các đối tượng ở xa hơn. Điều này giúp gợi ý người xem về mức độ gần – xa của các vật thể. Nếu bố cục của bạn trông phẳng lì và hai chiều, thì hãy xem xét điều chỉnh góc chụp của bạn một chút để bao gồm một số đối tượng chồng lấp. Ánh sáng bên – ánh sáng mặt trời buổi sáng và buổi chiều – giúp làm nổi bật các chi tiết của mặt đất và đặc biệt lý tưởng để chụp ảnh phong cảnh có sự chồng lấp.

Ảnh: Raymond Zoller / CC BY-SA 2.0.

3. Các điều kiện khí quyển

Hãy chụp một điểm viễn cảnh trong một cảnh đẹp – tưởng tượng rằng bạn nhìn vượt ra xa tới một loạt các dãy núi. Càng ở xa, các dãy núi càng trở nên mờ mịt. Khi nhìn vào một hình ảnh, sự mờ mịt của các đối tượng như thế có thể gợi ý về khoảng cách, cho người xem một ý tưởng về khoảng cách tới các vật thể ở xa. Để tạo cảm giác sương mù ở phía xa, hãy đặt ống kính của bạn ở chế độ thủ công và lấy nét ở gần vô cực, sẽ giúp làm mờ các ngọn đồi ở xa và giúp tăng thêm cảm giác về chiều sâu cho ảnh của bạn.

4. Kích thước tương đối

Kích thước tương đối của một vật thể có thể giúp thể hiện cảm giác về kích thước và quy mô của hoàn cảnh. Nói cách khác, khi chúng ta đã quen thuộc với kích thước của một vật thể, tâm trí của chúng ta có thể xác định tốt hơn kích thước của một vật thể lớn hơn ở gần nó. Chẳng hạn, nếu bạn đang cố gắng thể hiện sự hùng vĩ của một thác nước, cái cây hoặc tảng đá, hãy suy xét việc đưa một người, động vật hoặc đối tượng dễ nhận biết về kích thước trong ảnh, để thể hiện thác nước kia to lớn như thế nào.

David Fulmer / CC BY 2.0

5. Suy xét ống kính/ tiêu cự máy ảnh của bạn

Ống kính của bạn cũng có thể tác động đến cảm giác về phối cảnh trong bức ảnh. Nếu bạn đang muốn thêm chiều sâu cho ảnh của mình, bạn cần dùng một ống kính góc rộng. Các ống kính góc rộng có xu hướng làm nổi bật không gian giữa các đối tượng ở tiền cảnh và hậu cảnh, tăng cường cảm giác về khoảng cách trong một bức ảnh. Mặt khác, với ống kính tele (góc hẹp), khi kéo các vật ở xa tới gần hơn, cũng có nghĩa là chúng nén phẳng tiền cảnh và hậu cảnh, làm giảm thiểu sự xuất hiện cảm giác về độ sâu trong ảnh.

Ảnh: jbwilder75 / CCo.

6. Thay đổi góc chụp của bạn

Một trong những cách tốt nhất để tăng thêm yếu tố phối cảnh cho hình ảnh của bạn là chính là thay đổi góc chụp. Hãy hạ máy xuống thấp để bao gồm một số tiền cảnh – hoặc đưa máy lên cao hơn và chụp cảnh như nhìn bằng mắt của loài chim. Thông thường, thậm chí bạn chỉ cần thực hiện một vài bước đi sang bên trái hoặc bên phải là có thể dẫn đến một phối cảnh hoàn toàn mới và cho bạn cơ hội kết hợp các yếu tố biểu hiện chiều sâu của bức ảnh hoặc khoảng cách giữa các vật thể.

Ảnh: Gonz /thephotoargus.

7. Đóng khung

Đóng khung cũng có thể là một cách tuyệt vời để thêm chiều sâu cho hình ảnh. Hãy luôn chú ý tìm cách đóng khung các tác phẩm của bạn, có thể sử dụng hàng rào, bức tường, hàng cây hoặc bất cứ thứ gì bạn nhận thấy có thể giúp thu hút sự chú ý và thu hút bạn vào bức ảnh. Hoặc, hãy suy xét việc sử dụng một “khung hình trong khung hình”, ví dụ, sử dụng một ô cửa, cổng vòm hoặc các cấu trúc thú vị khác sẽ tạo ra một chiếc khung tự nhiên trong bức ảnh của bạn.

Arches National Park (ảnh: Public Domain).

8. Tìm kiếm tiền cảnh trải dài tới tận hậu cảnh

Một cách tuyệt vời khác để truyền đạt cảm giác về chiều sâu trong ảnh của bạn là tìm cách đưa một số tiền cảnh kéo dài vào không gian hình ảnh của bạn. Ví dụ, một cây cầu, một hàng rào, một con đường hoặc thậm chí một khúc cây đổ đều có thể là những vật tuyệt vời để thử nghiệm kỹ thuật này. Bằng cách đặt máy ảnh của bạn sao cho hình ảnh bao gồm vật thể đó trong tiền cảnh và trải dài vào hậu cảnh, bạn có thể tạo ra một bức ảnh kịch tính cho một cảm giác rõ rệt về khoảng cách. Sử dụng ống kính góc rộng đặc biệt hữu ích trong kỹ thuật này, vì nó sẽ giúp kéo dài tiền cảnh, làm nổi bật thêm cảm giác về chiều sâu trong ảnh.

Ảnh: Kashif Pathan / CC BY-SA 2.

9. Suy xét chế độ chân dung

Hầu hết các phong cảnh đều được chụp ở chế độ cảnh quan (máy để ngang). Chế độ cảnh quan cho phép bạn chụp những viễn cảnh núi non trải rộng. Tuy nhiên, đôi khi một bố cục sẽ có thể giống như một bức ảnh chân dung (theo chiều dọc). Góc chụp kiểu chân dung cho phép bạn bao gồm nhiều tiền cảnh, đồng thời góc chụp đứng sẽ giúp bạn tạo những hình ảnh có chiều sâu hơn.

Với những gợi ý như trên, vào lần tới khi bạn đi chụp ảnh phong cảnh, hãy tìm cách đưa cảm giác phối cảnh vào mỗi hình ảnh của bạn nhé. Đảm bảo rằng, những hình ảnh bạn chụp sẽ có chiều sâu và khoảng cách, truyền tải một cảm giác về thế giới thực ba chiều của chúng ta trong một bức ảnh hai chiều. Chúc bạn tìm được niềm vui cùng những hình ảnh phong cảnh năng động và sâu lắng!

Theo Christina Harman / Loaded Landscapes

Clip hay: Điều gì xảy ra nếu bạn uống trà mỗi ngày

videoinfo__video3.dkn.tv||ebc1bd46d__