Trước việc Mỹ liên tục gia tăng số lượng đầu đạn hạt nhân những năm 60, Liên Xô quyết định tạo ra một loại vũ khí răn đe khiến cả thế giới kinh hoàng khi vụ thử của loại bom mạnh nhất lịch sử loài người này gây ra sức tàn phá gấp 1.500 lần quả bom nguyên tử người dân Hiroshima phải hứng chịu năm 1945. Quái vật đó có tên: Tsa Bomba.

Năm 1945, cùng với sức mạnh của hai quả bom nguyên tử thả xuống Nhật Bản, Mỹ chính thức trở thành cường quốc hạt nhân duy nhất và khiến phần còn lại của thế giới trở nên e dè, trong đó có một đồng minh quan trọng của Mỹ trong Thế chiến Thứ hai.

90% cơ sở hạ tầng của Hiroshima bị san phẳng ngay sau khi “Little boy” phát nổ (Ảnh: www.mirror.co.uk)

Cuộc chạy đua giành ưu thế

Từ vị trí đồng minh trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa phát xít, Mỹ và Liên Xô trở thành đối thủ không đội trời chung thời hậu chiến. Liên Xô khi ấy, đứng trước đối thủ là siêu cường duy nhất sở hữu vũ khí hạt nhân thì chỉ có một lựa chọn. Đó là phải bắt kịp, bắt nhanh và bằng mọi giá phải dẫn trước. Với quyết tâm này, Liên Xô đã xây hẳn một trung tâm quân sự tuyệt mật, cách Matxcơva 500km, có tên mật mã là Arzamas-16.

Tháng 11/1952, Mỹ thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch đầu tiên của loài người có tên là Ivy Mike. Sức công phá của nó tương đương 10,4 Megaton, khiến Liên Xô nhấp nhổm không yên. Hơn một năm sau, tháng 8/1953, Liên Xô thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch đầu tiên của nước này mang tên RDS-6c, với sức công phá 400 kiloton TNT. Tuy nhỏ hơn nhiều so với Mỹ, nhưng RDS-6c lại có đủ chức năng trở thành vũ khí hủy diệt trong khi Ivy Mike chỉ là nguyên mẫu thử nghiệm.

Mỹ thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch đầu tiên của loài người có tên là Ivy Mike (Ảnh: nuclearweaponarchive.org)

Tháng 3/1954, Mỹ thử bom nhiệt hạch nguyên bản có tên là SHRIMP trên đảo Castle Bravo. Vụ nổ với sức công phá 15 Megaton, gấp 1.000 lần bom nguyên tử “Little boy” đã nhấn chìm đảo Castle Bravo và làm biến dạng hoàn toàn hình dáng của quần đảo san hô Bikini. Liên Xô bám sát nút khi thử nghiệm quả bom nhiệt hạch không giới hạn vào 1 năm sau (5/1955). Nguyên mẫu RDS-37 này đã tạo ra vụ nổ 1,6 Megatone và là vũ khí nguyên tử đầu tiên của Liên Xô vượt qua mốc Megatone.


Đảo Castle Bravo bị nhấn chìm sau vụ thử hạt nhân mang tên SHRIMP (Ảnh: tenthousandthingsfromkyoto.blogspot.com)

Năm 1958, Liên Xô đề xuất lệnh cấm thử thiết bị hạt nhân khiến kho vũ khí hạt nhân của nước này bị Mỹ bỏ khá xa. Chỉ trong vòng hai năm, số đầu đạn hạt nhân của Mỹ đã tăng từ 7.500 lên 18.600.

Do không kiềm chế được việc Mỹ tiếp tục thử vũ khí hạt nhân, tháng 7/1961, nhà lãnh đạo Liên Xô là Nikita Khrushchev đã quyết định thúc đẩy việc nghiên cứu vũ khí nhiệt hạch siêu mạnh để lấy lại sự cân bằng với Mỹ, với hy vọng “đưa người Mỹ trở lại thực tế”.
Vậy là Tsa Bomba ra đời, một loại vũ khí siêu mạnh có uy lực tàn phá khủng khiếp đến nỗi ngay chính những nhà chế tạo ra nó cũng phải khiếp sợ.

Quái vật Tsa Bomba ra đời…

Tsar Bomba không phải là một trái bom hạt nhân bình thường. Nó được tạo ra dưới áp lực của nhà lãnh đạo Khrushchev và là kết quả của quá trình nỗ lực ghê gớm của các nhà khoa học Liên Xô trong việc chế tạo ra một thứ vũ khí hạt nhân khiến cả thế giới phải run sợ.

Tsa Bomba được chế tạo ba lớp, với các lớp uranium được tách ra hoạt động từng giai đoạn, có sức công phá lên tới 50 Megaton, lớn gấp 1.500 lần so với sức nổ của hai quả bom nguyên tử thả xuống Nhật Bản.

Nikita Khrushchev – người ra lệnh chế tạo Tsa Bomba (Ảnh: Famous People)

Tuy nhiên ban đầu họ dự kiến tạo ra quả bom có sức nổ tối đa 100 Megaton, và về mặt lý thuyết họ hẳn đã thành công bằng cách sử dụng uranium 238 cho mỗi lớp của quả bom. Nếu họ quyết định chọn theo hướng này, sức công phá của nó sẽ lớn gấp khoảng 3.000 lần so với 2 quả bom nguyên tử thả xuống Nhật Bản.

Nhưng các nhà khoa học Liên Xô suy tính rằng, nếu thử nghiệm trái bom với sức mạnh như thế quả là quá nguy hiểm. Khả năng bụi phóng xạ hạt nhân sẽ bao trùm toàn bộ lãnh thổ phía bắc của Liên Xô.

To khủng khiếp với chiều dài 8m, đường kính 2,6m, nặng trên 27 tấn và đáng sợ hơn một con quái vật, Tsa Bomba khiến ngay cả người “sinh” ra nó cũng chùn bước, là thứ vũ khí cuối cùng dùng tới khi không còn biện pháp nào khác.

Tsa Bomba nặng 27 tấn (Ảnh: theaircache.com)

Tsar Bomba lớn tới mức không thể đặt trên một tên lửa, và nặng tới mức máy bay sẽ gặp khó khăn để đưa nó tới mục tiêu. Thậm chí ngay cả khi hoàn thành nhiệm vụ, đó sẽ là sứ mệnh cảm tử vì máy bay sẽ không đủ thời gian để thiết lập một khoảng cách an toàn trước khi bom phát nổ.

…. và gieo rắc nỗi kinh hoàng cho toàn nhân loại

Vào lúc 11h32 giờ Matxcơva, Tsa Bomba được kích nổ. Trong chớp mắt, nó tạo ra một quả cầu lửa trải rộng khoảng 8km bùng lên dưới dạng một đám mây hình nấm cao 64km. Người ta có thể nhìn thấy cú bùng lên này từ khoảng cách xa tới 1.000km.

Quả cầu lửa bùng lên được nhìn thấy ở khoảng cách 1.000km (Ảnh: www.thesun.co.uk)

Chiếc máy bay ném bom TU-95 được cải tiến để chở Tsa Bomba xuất phát từ sân bay trên bán đảo Kola tới vị trí mục tiêu ở quần đảo Novaya Zemlya ở Bắc Băng Dương, cách làng Vernie khoảng 50km. Chiếc máy bay thứ hai TU-16 nhỏ hơn bám sát có nhiệm vụ ghi hình vụ nổ và theo dõi mẫu không khí.

Chiếc TU-95 đã được cải tiến để chở Tsa Bomba ( Ảnh: nationalinterest.org)

Để đảm bảo sự sống còn cho hai chiếc máy bay, các nhà khoa học đã quyết định gắn một chiếc dù khổng lồ, nặng gần một tấn cho Tsa Bomba. Trái bom sẽ được thả từ độ cao 10.500m, và trôi từ từ xuống độ cao định sẵn 3.940m mới kích nổ. Khi ấy, hai chiếc máy bay đã có thể bay xa trung tâm vụ nổ 50km. Ngay cả khi đây là khoảng cách an toàn, tổ bay vẫn được cảnh báo chỉ có 50% cơ hội sống sót.

Chiếc dù nặng 1 tấn các tác dụng hãm tốc độ rơi của trái bom để máy bay kịp thoát ra Ground Zone (điểm nổ) Ảnh: www.sentientdevelopments.com

Những tác động mà trái bom tạo ra là vô cùng khủng khiếp, gây thiệt hại đáng kể cấu trúc hạ tầng của Liên Xô cách đó hàng trăm dặm, làm sập nhà, tốc mái, bung cửa… Ngôi làng Vernie, cách điểm thả bom chừng 55km, toàn bộ nhà cửa bị phá hủy hoàn toàn.
Thậm chí chiếc máy bay ném bom cũng phải vật lộn để thoát hiểm khi nó rớt thẳng xuống độ cao 1.000m do ảnh hưởng sóng từ vụ nổ trước khi phi công kiểm soát được tình hình.

So với đám mây hình nấm khổng lồ hình thành sau vụ nổ Tsa Bomba, thì 2 quả bom thả ở Nhật Bản chỉ là “nấm lùn” (Ảnh: www.thesun.co.uk)

Tsar Bomba xả ra một lượng năng lượng lớn tới mức không thể tưởng tượng nổi: Khoảng 57 Megaton, tức 57 triệu tấn thuốc nổ TNT, mạnh gấp 1.500 lần so với 2 quả bom thả xuống Nhật Bản gộp lại, và mạnh gấp 10 lần tổng số thuốc súng được sử dụng trong Thế chiến Thứ hai.

Điều gây chấn động nhất là sau khi Tsa Bomba phát nổ, các thiết bị cảm biến đo được sóng điện từ do nó gây ra mạnh đến nỗi lan vòng quanh Trái Đất tới 3 lần, và khiến toàn bộ thiết bị radio bị vô hiệu hóa trong một giờ đồng hồ. Nhưng may mắn thay, tâm của quả cầu lửa không chạm mặt đất, nên tác hại của bụi phóng xạ hạt nhân không lớn như năng lượng khổng lồ của nó và Tsa Bomba là một quả bom hạt nhân “sạch” nhất tính đến thời điểm đó. Đó chính là nhờ một sự thay đổi trong thiết kế bom trước khi được đem đi thử nghiệm: Các lớp uranium đã được thay thế bằng các lớp chì.

Vậy ai đã tác động đến sự thay đổi thiết kế cuối cùng của trái bom này?

Từ nhà chế tạo bom trở thành người đoạt giải Nobel Hòa Bình

Andrei Sakharov, nhà vật lý học nổi tiếng của Liên Xô chính là linh hồn tạo ra “quái vật” Tsa Bomba. Ông là gương mặt kỳ cựu của chương trình bom hạt nhân Liên Xô từ những ngày sơ khai và nằm trong nhóm chủ chốt thiết kế ra bom hạt nhân đầu tiên của nước này.

Ông dành tâm huyết cho nghiên cứu vật lý suốt những năm tháng tuổi trẻ, chủ yếu là thiết kế bom tại trung tâm quân sự tuyệt mật Arzamas-16. Sakharov đã nghĩ ra một bản thiết kế hoàn toàn khác: Bom nhiệt hạch và biến ý tưởng thành sự thật, ông đã giúp Liên Xô tiến nhanh trong cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân với Mỹ.

Tuy nhiên, ông cho rằng niềm đam mê chế tạo bom ấy xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước và tin rằng nếu “lấy hạt nhân răn đe, ngăn ngừa hạt nhân” thì chiến tranh hạt nhân sẽ không xảy ra.

Nhưng cứ sau mỗi vụ thử hạt nhân, ông lại day dứt về số người bị chết, đặc biệt sau vụ thử bom nhiệt hạch vào tháng 11/1955 của Liên Xô đã khiến một tòa nhà bị thổi bay, vài người tử vong, trong đó có trẻ em.

Andrei Sakharov nỗ lực hết mình nhằm ngăn chặn các vụ thử vũ khí hạt nhân bất chấp việc bị “cô lập” và “trừng phạt” (Ảnh: uwcdilijan.org)

Thậm chí ông còn tìm hiểu về gene để tính toán có bao nhiêu người bị ung thư hoặc đột biến gene vì chịu ảnh hưởng từ những vụ thử hạt nhân. Ông lo ngại sẽ có thêm hàng trăm ngàn nạn nhân nữa, kể cả những người sống ở nước trung lập và các thế hệ tương lai đều bị ảnh hưởng bởi bức xạ hạt nhân.

Dựa trên các số liệu sinh học, Sakharov tính ra rằng, một quả bom “sạch” (không tạo ra tàn dư phóng xạ) loại 1 Megaton (tương đương 1 triệu tấn TNT) có thể dẫn đến cái chết cho 6.600 người trong nhiều năm vì đồng vị phóng xạ carbon 14. Vì vậy, ông cho rằng bất cứ sự thử nghiệm bom nhiệt hạch nào trong bầu khí quyển, dù là bom “sạch” hay không thì đều có hại cho con người.

Do đó, ông dồn hết nỗ lực nhằm thuyết phục các nhà lãnh đạo cấp cao Liên Xô thay thế thử nghiệm bom hạt nhân trên thực địa bằng cách thực hiện đo đạc trên máy tính hoặc các mô phỏng khác.

Tuy nhiên, những nỗ lực của ông bị phớt lờ và các cuộc thử nghiệm vẫn tiếp diễn khiến nhiều nơi ở Liên Xô trở nên hoang tàn không sự sống. Chính vì nỗ lực không mệt mỏi của ông nhằm chống lại những vụ thử hạt nhân đã khiến giới lãnh đạo tối cao của Xô Viết tức tối, và ông tự điền tên mình vào danh sách “cần theo dõi” của chính quyền khi ấy.

Năm 1962, khi Tổng bí thư Nikita Khrushchev quyết định thử nghiệm Tsa Bomba, không còn cách nào khác, Sakharov đã trực tiếp đến cầu xin ông ta dừng vụ thử này. Nhưng vô ích. Khi Tsa Bomba phát nổ, nhà khoa học tài ba ấy đã gục mặt xuống bàn và khóc.Tuy nhiên, năm 1963, đề xuất về một lệnh cấm thử nghiệm hạt nhân trong bầu khí quyển mang dấu ấn của ông đã thu được kết quả khi Mỹ, Anh và Liên Xô đã chịu ký Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Hạt nhân. Khi ấy, Sakharov nhận ra rằng, ông cần phải tận dụng cơ hội này để lên tiếng trong các chính sách phát triển vũ khí.

Năm 1975, Sakharov được trao giải Nobel Hòa Bình cho những nỗ lực phi hạt nhân không mệt mỏi của ông (Ảnh: jamaran.ir)

Tháng 5/1968, ông “tự làm khó mình” bằng một luận văn cổ xúy việc chung sống hòa bình, tiến bộ và tự do trí tuệ. Bài luận nói về sự nguy hiểm chết chóc của chiến tranh nhiệt hạt nhân và những nguy cơ ô nhiễm môi trường và hậu quả của chiến tranh lạnh. Bài viết cũng nói về sự tự do trí tuệ và quyền con người. Hai tháng sau, ông bị cấm tham gia vào các dự án quốc phòng, bị cách ly theo dõi và chịu nhiều sức ép từ chính quyền Liên Xô.

Mặc dù chịu muôn vàn tủi nhục, cuối cùng thế giới cũng biết đến những nỗ lực cao quý của ông. Năm 1975, Sakharov được trao giải Nobel Hòa Bình cho những nỗ lực phi hạt nhân không mệt mỏi của ông.

Tuệ Phương