Ngày này cách đây 60 năm, vệ tinh nhân tạo Sputnik của Liên bang Xô Viết được phóng vào không gian, mở ra một kỷ nguyên khám phá vũ trụ huy hoàng cho lịch sử nhân loại.

Vào lúc 22 giờ 29 phút ngày 4-10-1957 theo giờ Nga, tên lửa R-7 được phóng lên từ trạm phóng Tyuratam tại Cộng hòa Kazakhstan mang theo Sputnik – vệ tinh nhân tạo đầu tiên của thế giới, có hình tròn với đường kính chỉ 55,8cm, nặng 83,5kg.

Sau gần 4 giờ bay, Sputnik đi vào quỹ đạo và bắt đầu phát đi những tín hiệu đầu tiên, những tiếng “bíp” giản đơn song đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử loài người. Những ngày sau đó, Sputnik liên tục truyền đi những tín hiệu vô tuyến mà bất kỳ thiết bị thu sóng vô tuyến nghiệp dư nào trên Trái Đất cũng có thể bắt được.

Vệ tinh Sputnik -1 đã bay 1440 vòng quanh Trái Đất (Ảnh: pinterest)

Từ mặt đất người ta có thể quan sát được Sputnik bằng ống nhòm vào thời điểm trước khi mặt trời mọc hoặc sau khi mặt trời lặn. Đến ngày 4-1-1958, sau 92 ngày hoàn thành 1.440 vòng quay quanh Trái Đất, Sputnik rơi vào bầu khí quyển và bốc cháy.

Sputnik được các nhà khoa học Liên Xô chế tạo chỉ trong vòng 2 tháng sau khi tên lửa R-7 được phát triển thành công. Do đó, vệ tinh này khá “đơn sơ” so với các thế hệ vệ tinh sau này, với thiết kế chỉ gồm một nhiệt kế, pin, máy phát tín hiệu radio, bình đựng khí ga nitơ để điều áp bên trong vệ tinh và 4 cần ăn-ten để truyền tín hiệu với tần sóng ngắn.

Liên Xô cũng là nước đầu tiên đưa người lên quỹ đạo (Ảnh: ET)

Ngoài việc phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên, trong khoảng cuối những năm 1950 đến đầu những năm 1960, các chương trình không gian của Liên Xô liên tiếp đánh dấu những danh hiệu đầu tiên trong lĩnh vực này như: con chó đầu tiên được đưa lên vũ trụ, người đầu tiên bay vào vũ trụ, người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ, cuộc đi bộ đầu tiên trong không gian, tàu vũ trụ đầu tiên đến gần Mặt Trăng, bay vào quỹ đạo Mặt Trăng, tàu vũ trụ đầu tiên đến gần Sao Kim, và thiết bị không gian đầu tiên đáp xuống Mặt Trăng khiến Hoa Kỳ và các nước Châu Âu không khỏi e ngại.

Mô hình vệ tinh Sputnik -1 tại Bảo tàng hàng không vũ trụ Matxcova (Ảnh: Sergei Chirikov)

Tình hình chỉ chuyển biến khi vào cuối những năm 1960, người Mỹ đạt được bước nhảy vọt trong cuộc đua không gian, với sự thành công của chương trình Apollo khi trở thành quốc gia đầu tiên đưa người lên Mặt Trăng vào tháng 7-1969.

Ngày nay, do các biến động về kinh tế và chính trị. Năng lực vũ trụ của nước Nga thời kỳ hậu Xô Viết không còn được mạnh như trước nữa, nhưng thế giới và nhân loại sẽ mãi mãi ghi nhớ những đóng góp to lớn của các nhà khoa học Liên Xô trong lĩnh vực khám phá và chinh phục không gian.

Hoài Anh

Từ Khóa: