Chắc hẳn ai cũng từng hát một mình hay một lần đi hát karaoke cùng gia đình hoặc bạn bè. Và khi so sánh 2 giọng hát đó với nhau, bạn luôn cảm thấy giọng hát karaoke chẳng khác nào một “thảm họa” từ trên trời rơi xuống. Sao lại như vậy nhỉ?

Khi hát karaoke hoặc nghe một bản thu âm, bạn luôn cảm thấy giọng hát bị “dìm hàng” đi rất nhiều, nó khác hoàn toàn khi chúng ta hát một cách tự nhiên và bình thường. Nếu như ghét giọng hát của mình theo cách này, bạn nên nhớ đây chỉ là một hiệu ứng tâm lý và thính giác không hề gặp vấn đề gì hết. 

Hát karaoke luôn thấy chán hơn rất nhiều so với hát chay. (Ảnh: Neolaia.gr)

Phó giáo sư Aaron Johnson thuộc Đại học Illinois, Hoa Kỳ cho biết: “Thực chất đây là một hiện tượng khá phổ biến và thường hay xảy ra đối với nhiều người”. Và dĩ nhiên khoa học có câu trả lời cho hiện tượng kỳ lạ này. 

Đầu tiên cần biết giọng hát của bạn đến từ đâu?

Như đã biết, âm thanh của chúng ta đến từ thanh quản – một bộ phận của đường hô hấp. Cấu tạo của thanh quản là dây thanh, thực chất là mô hình nếp gấp. Khi có một luồng không khí đi qua, chúng sẽ rung động tạo nên âm thanh phía sau vòm họng.

Việc âm thanh phát ra khác nhau sẽ tùy thuộc vào sự đóng mở của vòm họng, nơi đặt lưỡi, cử động môi…

Vị trí âm thanh phát ra. (Ảnh: NewBranch)

Vậy bạn nghe âm thanh của bản thân như thế nào?

Khi âm thanh phát ra, nó không chỉ đi qua mũi hay miệng rồi đi đến tai chúng ta mà sóng âm còn đi qua các mô và xương trong hộp sọ. Nên đôi khi, bạn cảm thấy rằng âm thanh có thể phát ra từ chính tai của mình. 

Rachel Feltman, chuyên gia khoa học tại Đại học Illinois (Hoa Kỳ) giải thích trên tờ The Washington Post:

“Tai chúng ta có thể nhận biết âm thanh truyền từ ngoài và âm thanh khi với tự mình nói. Khi chúng ta tự nói với chính mình, những âm thanh truyền qua xương và mô bị giảm tần số khiến bạn cảm giác có thêm các âm trầm. Lúc này những âm mà bạn phát ra dễ nghe hơn từ bên ngoài.” 

Ta có thể cảm nhận được âm thanh của chính mình không thông qua đường mũi và miệng. (Ảnh: YAN News)

Và kết quả là tiếng hát mà bạn tự nghe được trong đầu, nó có phần êm ái và dễ chịu hơn.

Còn tiếng hát karaoke thì như thế nào?

Một chiếc micro không thể thu được những những rung động của xương sọ và các mô bên trong đầu. Nó chỉ có thể nhận và chuyển được những âm thanh phát ra từ miệng thành tín hiệu điện, sau đó được tái tạo và khuếch đại lại để phát ra loa. Điều này khiến âm trầm không xuất hiện nên bạn sẽ nghe thấy giọng hát của mình thanh hơn so với lúc “tự biên tự diễn”. 

Và đây chính là lý do tại sao khi bạn hát karaoke lại thấy “thảm họa” như vậỵ nhưng đừng quá bi quan bởi rất nhiều cũng giống như bạn vậy thôi, trừ các ca sĩ chuyên nghiệp ra. Hơn nữa, các thiết bị hát karaoke hiện nay đều cho phép chúng ta can thiệp tự động vào giọng hát của mình thông qua giúp chúng ta điều chỉnh giọng của mình sao cho phù hợp. 

Sơn Tùng