Cần cân nhắc điều gì khi đánh giá các luận điểm mang tính hoài nghi? Làm thế nào để phát hiện một “người hoài nghi giả”?
Marcello Truzzi (1935–2003), một giáo sư xã hội học đến từ trường Đại học miền Đông Michigan, Mỹ, đã tạo ra từ “người hoài nghi giả (pseudoskeptic)” để miêu tả về những người điều tra về mọi thứ xung quanh với một định kiến đã hình thành từ trước về những gì họ cho là đúng.
Dưới đây là một số quan điểm đáng suy ngẫm của những nhà khoa học và những nhà tư tưởng khác về “người hoài nghi giả”, hay như kĩ sư William Beaty từng nói, “những người hoài nghi giả là những người hoài nghi bị bệnh”.
1. Cố gắng lật tẩy, làm mất uy tín
“Thay vì tìm hiểu, khám phá hay đặt câu hỏi để hiểu thêm về lĩnh vực nào đó, họ lại cố gắng lật tẩy, làm mất uy tín và chế nhạo bất cứ thứ gì không phù hợp với hệ thống niềm tin của bản thân họ”, theo thông tin trích dẫn từ trang web Debunkingskeptics của Ủy ban khoa học SCEPCOP – nơi chuyên đánh giá những chỉ trích mang tính hoài nghi đối với các hiện tượng siêu thường.
2. Nhào nặn ngôn từ và chụp mũ
“Những từ như ‘thuyết âm mưu (conspiracy theory)’ hoặc ‘Kỷ nguyên mới (new age)’ thường được sử dụng để phủ nhận những giả thuyết hay các phát hiện mới”, nhà tâm lý học, TS Greg Little chia sẻ.
“Những người hoài nghi thường sử dụng những thuật ngữ chế nhạo mang đầy tính cảm xúc”, ông nói.
TS Little lấy ví dụ về bức tường Bimini – được ông và nhà khảo cổ học Bill Donato nhìn nhận là một bức tường nhân tạo cổ đại nhưng lại bị nhiều người khác cho là một công trình hình thành trong tự nhiên. Một trong số đó phải kể đến nhà địa chất học Eugene Shinn, ông đã lớn tiếng chỉ trích phát hiện này khi gọi chúng là “thuộc phong trào kỷ nguyên mới” và liên hệ chúng với cuộc tìm kiếm di chỉ Atlantis huyền thoại.
Con đường Bimini chìm dưới đáy biển ở ngoài khơi quần đảo Bahamas được nhiều nhà khoa học nhìn nhận là một bức tường nhân tạo có niên đại khoảng 10.000-20.000 năm tuổi. Đây là một trong số các bằng chứng cho thấy trước nền văn mình kỳ này của nhân loại chúng ta đã từng xuất hiện các thời kỳ văn minh khác và trình độ của họ cao hơn rất nhiều so với những gì mà chúng ta biết hiện nay.
Cụm từ “chuyện cổ tích” đôi khi cũng được sử dụng để phủ nhận những nghiên cứu về các phát hiện siêu thường, TS Gary Schwartz cho biết.
Ngoài ra, ở một số nước, những từ như “mê tín”, “duy tâm” hay “duy ý chí” cũng được sử dụng để chụp mũ, đưa đối tượng cần đả kích thành một thứ đối lập với khoa học, từ đó có thể hạ uy tín và thỏa sức phê bình.
3. Tìm mọi lý do để phủ nhận
“Các quan sát được ghi nhận cẩn thận thường bị phủ nhận như ‘các câu chuyện cổ tích’ không có giá trị khoa học. Ngay cả khi bằng chứng thu thập được sử dụng các tiêu chuẩn khoa học đã được thiết lập, thì một số lý do vẫn sẽ được viện dẫn để phủ nhận nó”, TS Schwartz nói.
Được biết, TS Schwartz đang dạy tâm thần học và tâm lý học ở Đại học Yale và hiện là một giáo sư tại Đại học Arizona. Ông tự nhận bản thân là một người ‘hoài nghi giả’ đã cải biến.
Ông từng chia sẻ trong một video trên trang web của mình: “Trước sự hiện hữu của các dữ liệu, sự hoài nghi của tôi lúc đó quả thật là không lý trí”. Trong video bên dưới, ông kể về một kênh truyền hình từng phỏng vấn một người hoài nghi về nghiên cứu của TS Schwartz nhưng điều kỳ cục là thậm chí người này… chưa từng đọc qua nghiên cứu của ông.
4. Đòi hỏi chứng cứ một cách không công bằng
Đối với chủ nghĩa hoài nghi, nhiều người cho rằng nó cần phải có một “tiêu chuẩn kép”.
Một người dùng trên trang HappierAbroad.com viết: “Tôi không bao giờ tin tưởng những người ‘hoài nghi giả’ bởi họ luôn sẵn sàng chấp nhận các phiên bản chính thức của sự vật mà họ cho là đúng – dù không cần một chút bằng chứng. Mặc dù vậy, họ lại đòi hỏi một số lượng bằng chứng không thực tế để chấp nhận bất kỳ giả thuyết nào khác”.
Một người dùng trên YouTube đưa ra luận điểm: “Điều những ‘người hoài nghi giả’ không hiểu là: Chủ nghĩa hoài nghi bao gồm cả việc tự hoài nghi chính bản thân mình chứ không phải chỉ là hoài nghi những thứ bạn không tin tưởng, nếu không sự hoài nghi này sẽ là vô nghĩa”.
5. Định nghĩa một cách cứng nhắc về khoa học
SCEPCOP đã viết về những ‘người hoài nghi giả’ như sau: “Họ nhìn nhận khoa học như một dạng ‘thực thể’ độc đoán, duy nhất để nhìn nhận vấn đề, trong khi thực tế nó chỉ đơn thuần là một công cụ và phương pháp mà con người sử dụng để khám phá thế giới dựa trên các nguyên tắc logic”.
6. Luôn tự nhận mình là những người cởi mở
TS Schwartz nói rằng, những ‘người hoài nghi giả’ lúc nào cũng tuyên bố rằng bản thân họ là người khá cởi mở khi đón nhận các thông tin mới, nhưng thực tế, họ sẽ phản ứng khá mạnh mẽ khi giả thuyết của họ bị thách thức bởi các phát hiện mới.
SCEPCOP cho biết: “Tất cả những ‘người hoài nghi giả’ sẽ tuyên bố bản thân là những người hoài nghi chân thực, cũng giống như tất cả những người bán hàng ‘cưỡng ép’ luôn tuyên bố bản thân không hề cưỡng ép khách hàng, tất cả những kẻ nói dối hay tay lừa đảo tuyên bố bản thân thành thật, và tất cả các chính trị gia tuyên bố bản thân trung thực. Nhưng như bạn biết đấy, nói thì dễ làm thì khó”.
Trong chuyên mục Khoa học huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện có liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện nay. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưỏng có thể kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn về những chủ đề có thể gây nhiều tranh cãi trong phần bình luận bên dưới.
Tác giả: Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Xem thêm: