Vườn thú San Diego, bang California, Mỹ, tuyên bố rằng các nhà nghiên cứu đã nhân giống thành công lần đầu tiên loài Tôm hùm cây (Tree lobster). Tôm hùm cây, tên khoa học Dryococelus australis, được coi như một trong những loài côn trùng quý hiếm nhất trên Trái Đất.
Tôm hùm cây cũng được biết đến với cái tên côn trùng dạng que đảo Lord Howe, vốn từng được cho rằng không còn tồn tại. Theo trang OutdoorHub, hiện giờ đã có trên 1.000 cá thể Tôm hùm cây trưởng thành đang được bảo tồn để ngăn chặn chúng thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Tôm hùm cây đã biến mất khỏi đảo Lord Howe, một hòn đảo hình lưỡi liềm không đều ở biển Tasman (nằm giữa hai nước Úc và New Zealand), sau khi loài chuột đen xâm nhập và gần như xóa sổ chúng.
Mãi cho đến năm 2001, các nhà nghiên cứu cuối cùng đã tái phát hiện chúng.
Theo Đài truyền hình NPR của Mỹ, Tôm hùm cây còn xuất hiện trên Kim tự tháp Ball (Ball’s Pyramid), một ngọn núi đá ở Nam Thái Bình Dương, nằm gần đảo Lord Howe. “Kim tự tháp Ball là một địa điểm vô cùng khắc nghiệt”, Paige Howorth, người quản lý các loài côn trùng của vườn thú San Diego, chia sẻ với Đài NPR.
“Không có nước chảy trên đá. Quả thực, rất khó để có thể sinh tồn ở nơi đây”.
15 năm về trước, việc tái phát hiện Tôm hùm cây thực sự trở thành “một sự kiện truyền thông lớn, rất lớn về côn trùng”, cô Howorth nói thêm.
Tháng trước, cô Howorth đã bay tới Melbourne, Úc để mang loài côn trùng quý hiếm này trở lại San Diego.
“Các ấu trùng dường như nở ra từ trứng vào ban đêm hoặc lúc gần sáng”, cô Howorth cho hay. “Hầu như tất cả các buổi sáng từ hôm thứ Bảy đều đón chào sự xuất hiện bất ngờ của một hoặc hai ấu trùng màu xanh nhỏ. Chúng tôi thật không thể hạnh phúc hơn”!
Các con non dường như cũng có dấu hiệu bắt đầu ăn thực vật.
“Ấu trùng Tôm hùm cây mới nở ra khỏi trứng có kích thước gấp khoảng 3 lần so với quả trứng”, cô Howorth chia sẻ. “Nó cuộn mình ở bên trong giống như một mảnh giấy được gấp hoàn hảo hoặc là một tạo vật tuyệt vời”.
Theo Đại Kỷ Nguyên Anh ngữ
Thanh Hoa biên dịch
Xem thêm: